(TCTG) - Chúng ta vẫn dễ dàng phàn nàn tình trạng dân trí thấp. Chẳng những điều này ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng mà còn kìm hãm sự tiến bộ của thượng tầng kiến trúc. Nhưng chẳng mấy ai nói đến tình trạng quan trí cũng còn bất cập, mà biểu hiện có thể thấy ở rất nhiều lĩnh vực, bình diện xã hội.
Lâu nay ta vẫn luôn nói đến dân trí (Nơi này dân trí còn thấp, nơi kia dân trí đã được nâng cao…). Hiểu nôm na, dân trí là trình độ hiểu biết trí thức cuả người dân về mọi lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Dân trí cao sẽ khiến xã hội phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ. Ngược lại, dân trí thấp là sự trì trệ lạc hậu kéo tụt lùi xã hội. Cần nhìn thẳng vào sự thật: hiện nay nhiều địa phương ở nước ta - thậm chí ở một số khu vực thành thị - nhìn chung dân trí chưa cao. Điều đó đã dẫn đến nhiều thói hư tật xấu, biểu hiện tiêu cực, cản trở đến sự phát triển Quốc gia (như vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương, trật tự xã hội, không tôn trọng văn minh cộng đồng…).
Một trong những cố gắng lớn của Nhà nước ta là luôn tìm cách nâng cao dân trí để thúc đẩy nhanh công cuộc hiện đại hoá đất nước, phù hợp với thời kỳ đổi mới, hội nhập toàn cầu. Nhưng có một khái niệm tương tự liên quan đến vấn đề đang bàn - cũng gắn với trí- là quan trí thì hầu như ít được ai nhắc đến, càng không được xem xét thấu đáo. Hai từ dân trí và quan trí thực ra là đồng nghĩa, chỉ khác ở chỗ: Quan trí là xét trình độ hiểu biết trí thức của đối tượng quan chức Nhà nước, bao gồm cả mọi viên chức làm việc trong các cơ quan đoàn thể Nhà nước và những người có trách nhiệm quản lý hệ thống đó.
Chúng ta vẫn dễ dàng phàn nàn tình trạng dân trí thấp. Chẳng những điều này ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng mà còn kìm hãm sự tiến bộ của thượng tầng kiến trúc. Ví dụ như do trình độ còn thấp nên một bộ phận công chúng không nhỏ chỉ thích đón nhận những tác phẩm văn nghệ tầm thường, mà thờ ơ vì không biết thưởng thức những tác phầm có giá trị cao đích thực. Ta vẫn gọi số người này có “mô ve gu” (thị hiếu thẩm mỹ) thấp kém. Tình trạng này đã kéo theo sự tụt hậu của nền văn nghệ nước nhà, bởi không ít văn nghệ sĩ đã chỉ chiều theo thị hiếu của số đông công chúng này mà lười biếng tìm tòi sáng tạo theo hướng cao sang, đạt tới chân thẩm mỹ…
Nhưng chẳng mấy ai nói đến tình trạng quan trí cũng còn bất cập, mà biểu hiện có thể thấy ở rất nhiều lĩnh vực, bình diện xã hội. Do trình độ hiểu biết, vốn văn hóa trí thức của nhiều “quan chức” và cán bộ viên chức chưa “xứng tầm” với với vị trí và công việc, nên có tình trạng công việc trong guồng máy công quyền ở một số nơi kém hiệu quả, trong khi hệ thống nhân sự - “bộ sậu” làm việc cồng kềnh, nhiều khi dẫm chân lên nhau gây ách tắc tiến độ. Cũng vì quan trí thấp mà đây đó ở nhiều lĩnh vực có những cán bộ tham mưu đã tỏ ra tối sách trong việc hiến kế những chủ trương biện pháp bất khả thi. Có lẽ ví dụ sinh động nhất cho điều này là đã từng có ý kiến đề xuất việc giảm thiểu xe máy ở Thủ đô Hà Nội bằng cách: xe có biển đăng ký chẵn chỉ được vào Thủ đô ngày chẵn (thứ 2,4 6), còn biển đăng ký lẻ thì vào ngày lẻ (thứ 3,5 7). Thật là một ý tưởng kỳ khôi! Rất may là ý tưởng này cuối cùng đã không được thực thi do dư luận nhân dân phản ứng. Cũng vì trình độ quan trí còn thấp nên mới có tình trạng để lọt lưới nhiều hiện tượng lừa bịp, giả dối thiếu trung thực trong việc thi cử học hành, đoạt các loại bằng cấp trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Và một tương quan hữu cơ ắt diễn ra: Bằng cấp ít tương xứng với thực lực, hay nói cách khác là chất lượng bằng cấp non kém nên không thể sản sinh ra một đội ngũ trí thức hùng mạnh, có thực tài. Hệ thống cơ quan Nhà nước lại dựa vào bằng cấp để sử dụng - nhất là áp đặt vào các vị trí quản lý - thì lẽ đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng quan trí thấp như đã nói. Mà trên nguyên tắc dĩ nhiên là cần trưng dụng nhữg người có bằng cấp là một quy luật cần thiết. Vấn đề là ở chất lượng, trình độ thực của mọi loại bằng cấp.
Một biểu hiện có lẽ rõ nhất của quan trí thấp là tình trạng tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức, kiên quyết đấu tranh, tìm cách khắc phục. Ai có thể tham nhũng trong xã hội? Dĩ nhiên là người dân bình thường thì không thể, vậy ắt phải là viên chức - “quan chức”, những người có vai trò quyền lực trong bộ máy công quyền. Đây chính là sự thể hiện rõ nhất về trình độ quan trí thấp của một bộ phận quan chức.
Và rõ ràng muốn dân trí cao, trước hết phải đề cao quan trí./.
Tuệ Minh