Thứ Hai, 7/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 29/9/2009 21:14'(GMT+7)

Quảng Bình ra sức phát huy truyền thống quê hương "Hai giỏi" trong thời kỳ mới

TP.Đồng Hới bên dòng sông Nhật Lệ.

TP.Đồng Hới bên dòng sông Nhật Lệ.


Với dã tâm đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá, trong suốt những năm thực hiện chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã không từ bất cứ một loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại nào để đánh phá miền bắc, đặc biệt là ở Quảng Bình. Song, vượt lên mưa bom, bão đạn của quân thù, quân và dân Quảng Bình đã gan vàng, dạ sắt, phát huy truyền thống "Quảng Bình quật khởi", hăng hái ra quân đánh Mỹ với một quyết tâm sắt đá "Nhà tan, cửa nát cũng ừ; đánh thắng giặc Mỹ cực chừ, sướng sau". Trong tám năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân tỉnh Quảng Bình đã bắn hạ 704 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 84 tàu chiến Mỹ. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, nhân dân Quảng Bình đã đóng góp gần 2.960 nghìn ngày công phục vụ chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải; khoảng 11% dân số (39.500 người) đã tham gia chiến đấu trong quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Vượt lên mọi gian khổ, hy sinh và cả sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh, Ðảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã kế thừa tinh thần quật khởi để làm nên cao trào thi đua mới "Hai giỏi" - Một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quê hương và con người Quảng Bình, mãi mãi đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc; hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thiêng liêng đối với cả nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Quảng Bình đã gắn bó keo sơn cùng nhân dân hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên anh em ra sức phát huy truyền thống cách mạng, chung sức xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất. Từ ngày 1-7-1989, Quảng Bình trở thành một tỉnh riêng với địa giới và tên gọi vô cùng thân thương, trìu mến vốn có trong  lịch sử. Một lần nữa, khí thế quật khởi, ý chí tự lực tự cường và tinh thần thi đua "Hai giỏi" đã được phát huy một cách cao độ nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển với quyết tâm đưa Quảng Bình sớm trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh trong sự nghiệp đổi mới, CNH, HÐH đất nước. Nhờ xác định hướng đi đúng, bước đi thích hợp, với sự nỗ lực phấn đấu cao của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh, hai mươi năm qua, Quảng Bình đã đạt được những thành tựu và kết quả to lớn, quan trọng trên nhiều mặt.

20 năm liên tục kể từ 1989 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước. GDP bình quân đầu người tăng khá, từ 1,693 triệu đồng/người/năm 1995, năm 2008 đã đạt 10,4 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HÐH, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm nông nghiệp. Hiện nay đã có cơ cấu kinh tế là: Nông - lâm - ngư nghiệp 24,2%, công nghiệp - xây dựng 36,6%, dịch vụ 39,2%. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2008 tăng gấp 20 lần so với năm 1990...

Quảng Bình không những cân đối được nhu cầu tiêu dùng mà còn có khả năng sản xuất lương thực hàng hóa. Sản lượng lương thực năm 2008 tăng gần ba lần so với năm 1990. Sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, như Khu công nghiệp Tây Bắc Ðồng Hới, Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo và đặc biệt là Khu kinh tế Hòn La được hình thành thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh - đã, đang và sẽ là tiền đề tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, như Nhà máy xi-măng Sông Gianh, Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Bình, Nhà máy xi-măng Áng Sơn, các nhà máy chế biến thủy sản, chế biến gỗ... đã hoàn thành, phát huy hiệu quả rõ rệt, mang tính quyết định cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH, HÐH; và hiện nay đang triển khai một số dự án lớn như Trung tâm Ðiện lực Quảng Trạch, Nhà máy xi-măng Văn Hóa, nhà máy luyện gang và sản xuất phôi thép... tiếp tục mở ra những khả năng phát triển mới cho công nghiệp, dịch vụ tỉnh nhà.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển một bước quan trọng. Nhiều dự án, công trình trọng điểm, mang tính động lực, tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh đã và đang được đầu tư xây dựng, cải tạo, như các tuyến quốc lộ đi qua trên địa bàn, đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á, cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cảng Hòn La, sân bay Ðồng Hới, cầu Gianh, cầu Nhật Lệ, cầu Kiến Giang...

Du lịch, dịch vụ phát triển khá. Phong Nha - Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; trên địa bàn đã hình thành một số cơ sở, khu du lịch có quy mô lớn, như Khu du lịch Mỹ Cảnh - Bảo Ninh, khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình; di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh... đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Chương trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh được tập trung chỉ đạo và có nhiều kết quả. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 182 dự án đã đăng ký đầu tư, với tổng số vốn hơn 81 nghìn tỷ đồng.

Các lĩnh vực xã hội đều phát triển nhanh chóng, giáo dục, y tế, văn hóa đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ năm 1996, Quảng Bình là tỉnh thứ 15 trong toàn quốc đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học - xóa mù chữ. Tỷ lệ học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, học sinh thi đỗ vào các trường đại học ngày càng cao. Số lao động qua đào tạo nghề trong toàn tỉnh ngày càng nhiều. Công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường. 72,6% số gia đình văn hóa; 35,1% số làng, thôn, bản, khu phố văn hóa và 30,65% số cơ quan, trường học đạt danh hiệu văn hóa. Việc thực hiện các chính sách xã hội, công tác chăm sóc, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác được đặc biệt quan tâm và có nhiều tiến bộ.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc. Ðời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện về mọi mặt, đến tháng 6-2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống dưới 18%. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường và Quy chế dân chủ ở cơ sở được quan tâm thực hiện. Dân chủ xã hội ngày càng được phát huy rộng rãi. 

Bộ mặt của Quảng Bình từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến bản làng miền núi, vùng cao, vùng xa đang từng ngày khởi sắc. Từ một thị xã hoang tàn đổ nát do hậu quả nặng nề của chiến tranh,  Ðồng Hới đã được công nhận là đô thị loại ba và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh từ năm 2004.

Ðảng bộ Quảng Bình không ngừng trưởng thành, lớn mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong giai đoạn cách mạng mới. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đang được cấp ủy các cấp triển khai sâu rộng trong toàn đảng bộ và nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Những thành tựu mà Ðảng bộ và nhân dân Quảng Bình chung tay, gây dựng được trong suốt 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, nhất là sau 20 năm tái lập tỉnh là quan trọng và rất đáng tự hào. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa thực hiện trọn vẹn, hoặc chưa thực hiện đầy đủ những lời dặn của Người trong Di chúc. Ðến nay, Quảng Bình vẫn là tỉnh nghèo, trình độ phát triển chưa đạt mức trung bình của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá cao nhưng chưa thật sự vững chắc, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc huy động các nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa thật sự hấp dẫn. Ðời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một số vùng có nguy cơ tái nghèo; lao động chưa có việc làm, chưa qua đào tạo nghề còn lớn...

Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; chưa tạo được sự đột phá mạnh trong công tác cán bộ; hoạt động của hệ thống chính trị ở một số cơ sở yếu, chưa đủ sức chỉ đạo giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh.

Thành tựu đạt được trong 40 năm qua, nhất là 20 năm tái lập đã tạo ra thế và lực mới để Quảng Bình cất cánh đi lên cùng cả nước. Trước mắt Quảng Bình có nhiều cơ hội lớn đang mở ra, nhưng khó khăn thử thách vẫn còn nhiều. Ðể thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Người đòi hỏi toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí thế quật cường của cao trào "Quảng Bình quật khởi", của phong trào "Hai giỏi" trong thời kỳ mới; tập trung tạo bước chuyển mới về chất trong việc thực hiện phong trào thi đua "Quảng Bình quyết tâm làm theo lời Bác Hồ dạy" mà Tỉnh ủy, HÐND, UBND, MTTQ tỉnh đã phát động tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16-6-1957 - 16-6-2007), quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ lớn sau đây:

Tiến hành rà soát và lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những khâu còn vướng mắc, yếu kém để chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết một cách tập trung, quyết liệt các chỉ tiêu đạt thấp hoặc khó đạt, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã đề ra. Tập trung cao độ mọi nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HÐH. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất khẩu, khai thác nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị, kêu gọi đầu tư vào các khu kinh tế quan trọng, như khu kinh tế Hòn La, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cảng biển Hòn La... và các khu du lịch trọng điểm, như khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Bảo Ninh - Ðồng Hới, Vũng Chùa - Ðảo Yến, Suối Bang, Ðá Nhảy... Ngoài ra, Quảng Bình tận dụng các thế mạnh để phát triển nhanh các lĩnh vực dịch vụ, thương mại và đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu tỉnh và khu vực...

Cùng với phát triển kinh tế, quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, tích cực xóa đói, giảm nghèo, tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Quan tâm toàn diện đến các mặt công tác xây dựng Ðảng, đặc biệt là đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đoàn kết thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững ổn định chính trị. Chỉ đạo triển khai tốt Chỉ thị số 37-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", coi đây là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như mỗi đơn vị, địa phương.

Tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính. Ðổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Mọi hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp phải hướng mạnh về cơ sở, phải gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của dân. Trước mắt, tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa phong trào thi đua Quảng Bình quyết tâm làm theo lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc thành những phong trào hành động cách mạng cụ thể của quần chúng, tạo chuyển biến thật sự trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội./.

LƯƠNG NGỌC BÍNH
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất