Chủ Nhật, 8/12/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Sáu, 7/5/2021 9:41'(GMT+7)

Huyện đảo Cô Tô làm theo lời Bác

Huyện đảo Cô Tô.

Huyện đảo Cô Tô.

Huyện đảo Cô Tô là một quần đảo nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, có gần 50 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 3 đảo lớn: đảo Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần; phía Đông huyện tiếp giáp hải phận quốc tế với chiều dài đường hải phận gần 200km từ phía ngoài khơi đảo Trần đến huyện đảo Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng. Nơi đây cũng là một ngư trường rộng lớn của Vịnh Bắc Bộ, có khoảng 1.000 loài cá, trong đó hơn 60 loài có giá trị kinh tế cao như cá hồng, cá song, cá mú, cá chim… và nhiều loài hải sản quý hiếm như ngọc trai, bào ngư, hải sâm, cầu gai, ốc hương; đó là một lợi thế lớn để Cô Tô phát triển ngành kinh tế biển.

Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân Vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy phá. Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Đến thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Cuối năm 1955, thực hiện hiệp định Generve, quân Pháp rút, Cô Tô được giải phóng, lúc này Cô Tô và Thanh Lân thuộc huyện Móng Cái, sau đó được xác lập là hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh, từ 16/7/1964, hai xã được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả.

Ngày 23/3/1994, Chính phủ ra Nghị định 28-CP đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô thành lập huyện Cô Tô. Ngày 28 tháng 10 năm 1996, đảo Trần thuộc huyện Hải Ninh được giao về huyện Cô Tô quản lý và thuộc địa phận xã Thanh Lân. Ngày 25 tháng 8 năm 1999, chia xã Cô Tô thành thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến. Hiện nay, huyện Cô Tô có 2 xã, 1 thị trấn, dân số 6764 khẩu với 2043 hộ dân.

Ngày 9/5/1961, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đảo Cô Tô vinh dự được đón Bác Hồ ra thăm. Trong giờ phút thiêng liêng đó, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào trên đảo được tận mắt nhìn thấy Bác trong bộ quần áo kaki, đôi dép cao su giản dị, Bác nói:

“Thưa các cụ phụ lão!

Anh chị em bộ đội, cán bộ!

Thanh niên, nhi đồng!

Chúng tôi thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm toàn thể đồng bào. Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào ta đã hăng hái giúp đỡ cán bộ và bộ đội. Từ hòa bình lập lại, đồng bào ta đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhờ vậy mà đời sống đã tiến bộ hơn trước, đồng bào tổ chức các HTX để làm ăn cho vui vẻ và tiến bộ, như thế là tốt. Để tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc, các HTX cần phải ra sức thực hiện các việc sau đây:

- Thủy lợi tốt, phân bón nhiều, chọn giống cho tốt, cày bừa kỹ, cấy giầy đúng mức v.v… Phải ra sức chăn nuôi, vì chăn nuôi vừa là một nguồn lợi lớn, lại là một kho phân nhiều.

- Cần đẩy mạnh nghề đánh bắt cá, nghề làm muối, nuôi dưỡng và bảo vệ các thứ hải sâm, chân trâu v.v…

Để làm tốt những nghề đó thì phải cần cải thiện kỹ thuật, cải tiến lưới, thuyền. Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. trồng cây sẽ đem lại cho nhân dân một nguồn lợi lớn lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp.

- Phải ra sức củng cố hợp tác, làm đúng khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã.

- Về văn hóa cần cố gắng thanh toán nạn mù chữ và đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa trong cán bộ nhân dân. Việc vệ sinh phòng bệnh cần tăng cường. Có sức khỏe đầy đủ thì sản xuất mới mạnh mẽ.

- Về trật tự trị an, các đồng chí bộ đội, công an, dân quân và cán bộ lâu nay đã làm tròn nhiệm vụ. Như thế là tốt. Các đồng chí cần tiếp tục cố gắng học tập chính trị, nghiệp vụ và văn hóa, cần đoàn kết chặt chẽ với nhân dân và giúp đỡ nhân dân. Đồng bào thì cần giúp đỡ các đồng chí ấy làm nhiệm vụ cho thật tốt.

Để làm tốt các việc trên đây, đồng bào ta phải nhận thấy rõ và làm thật đúng nghĩa vụ của người chủ nước nhà. Cán bộ phải chí công vô tư, phải làm một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động phải làm đầu tàu phải gương mẫu trong mọi việc. Hiện nay trong số 4 ngàn nhân dân chỉ có 180 đảng viên như thế là quá ít. Cần phải phát triển thêm và phát triển tốt Đảng và Đoàn...

Cuối cùng Bác nói: Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết và tiến bộ”.

60 năm kể từ ngày Bác Hồ ra thăm đảo, sau 27 năm thành lập, thực hiện lời Bác dặn; bằng trí tuệ, sự năng động sáng tạo của nhân dân, cán bộ, đảng viên và chiến sĩ các lực lượng vũ trang huyện đã học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người, quyết tâm xây dựng Cô Tô phát triển, vươn lên trở thành một điển hình về vượt khó, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những thành quả đó đã thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ huyện và được chuyển hóa thành chất lượng cuộc sống của mỗi người dân Cô Tô đang thụ hưởng.

Năm 2013, bằng sự vận dụng sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng kéo cáp ngầm đưa điện lưới ra đảo Cô Tô. Quy mô dự án gồm hơn 27,5 km đường dây 110 kv 2 mạch; 22 km đường dây trên không 22 kv; 23 km đường cáp ngầm; 8 trạm cắt 22 kv; 12 trạm biến áp và 34 km đường dây hạ áp. Các đoạn đường dây 100 kv được thả dây bằng khinh khí cầu, còn độ sâu đáy biển để hạ cáp ngầm trung bình là 29 m. 

Đối với huyện đảo, có ba vấn đề nan giải nhất đó là điện, nước ngọt và hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội. Từ năm 1994 huyện từng bước đã được Trung ương, tỉnh hỗ trợ đầu tư, đặc biệt từ giai đoạn 2010 đến nay. Đồng thời với kéo cáp ngầm, lãnh đạo tỉnh đã có một quyết sách rất có ý nghĩa là đưa cả đường cáp quang Internet trong bó cáp điện, nên đến giờ Cô Tô có cả điện lưới và đường cáp quang băng thông rộng. Khi điện lưới quốc gia được kéo đến từng hộ gia đình đã tạo ra một bước ngoặt về cơ cấu ngành nghề, năng suất lao động và đời sống văn hóa của huyện đảo. Nhiều người già trên đảo nước mắt rưng rưng khi thấy ánh sáng từ lưới điện quốc gia trên đảo. Người trẻ rạng ngời ánh mắt nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại với việc kết nối Internet tốc độ cao hoà nhập cùng dòng chảy thông tin toàn cầu.

Cùng với điện, hồ Trường Xuân dung tích 170.000 m2 được hoàn thành, hồ C4, Ông Thanh, Ông Cự… cơ bản đã cung cấp đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho nhân dân huyện đảo.

Trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, huyện đã hoàn thành cải tạo nâng cấp mở rộng đường xuyên đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân, Trung tâm thương mại, Trung tâm Y tế, các hạng mục tại khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp phát triển 40 tàu cao tốc hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa, đáp ứng vận chuyển khoảng 10.000 người/ngày, kể cả trong điều kiện thời tiết gió trên cấp 6, giúp việc đi lại giữa huyện đảo với đất liền được rút ngắn, thuận lợi và an toàn.

Như vậy, chỉ trong vài năm, từ một huyện đảo nghèo, kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, Cô Tô đã có cả điện lưới quốc gia, nước ngọt, hệ thống tàu khách, tàu vận tải phát triển: tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao từ 12 đến 15%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.500 USD năm 2010 lên 4.100 USD năm 2020. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng mạnh mẽ sang ngành dịch vụ du lịch (chiếm 60,2%). Kinh tế biển được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện theo hướng bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao. An sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng giáo dục đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ tháng 8 năm 2019 toàn huyện không còn hộ nghèo (chỉ còn 14 hộ cận nghèo); 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác quốc phòng quân sự địa phương được thực hiện tốt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biển đảo được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng chuyển biến tích cực, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được giữ vững; sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị được phát huy đã tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền từng bước được nâng lên; vai trò của mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội được khẳng định… đã góp phần quan trọng vào phát sự triển mạnh mẽ của huyện.

Đặc biệt, năm 2015 huyện Cô Tô được Chính phủ công nhận là huyện đảo đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Cô Tô hiện nay đang được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Hạ Long - Quảng Ninh.

Mỗi năm Cô Tô đón hơn 300 ngàn lượt du khách ra tham quan nghỉ dưỡng. Trong những năm tới, Cô Tô sẽ tập trung phát triển nhanh ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; tiếp tục phát triển hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của đông đảo người dân, đi đôi với việc kêu gọi đầu tư xây dựng để đến năm 2025  xây dựng Cô Tô thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao.

Xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội huyện Cô Tô phù hợp với Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặt trong tổng thể phát triển của Quảng Ninh. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển huyện Cô Tô với sự phát triển trong khu vực, nhất là thành phố Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn, Thành phố Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ.

Với 9 lần Bác Hồ về thăm tỉnh Quảng Ninh, trong đó có sự kiện ngày 9/5/1961, Bác ra thăm quân, dân đảo Cô Tô. Tháng 11/1962, Bác trở lại thăm vùng Đông Bắc và đi thăm một số địa điểm như: đảo Ngọc Vừng, đảo Vạn Hoa. Khi ở Vạn Hoa, Bác cùng với một số cán bộ ngành giao thông hoạch định con đường “Hồ Chí Minh trên biển” từ vịnh Bắc Bộ để tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược chi viện miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Tại đây, thể theo nguyện vọng nhân dân, ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh xin phép Bác cho dựng tượng đài Người trên đảo Cô Tô và được Bác đồng ý.

Một hòn đảo trong hàng ngàn hòn đảo của Tổ quốc nhưng hiếm có đảo nào được vinh dự như thế, đây là điều rất đặc biệt. Đặc biệt, vinh dự hơn nữa Cô Tô là hòn đảo duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng tượng lúc Người còn sống... thể hiện tầm nhìn, sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến nay đã tròn 60 năm Người ra thăm đảo, tỉnh Quảng Ninh và huyện đảo Cô Tô luôn tự hào và biết ơn sự quan tâm của Trung ương Đảng, Bác Hồ kính yêu của dân tộc. Để thể hiện sự biết ơn đó tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện đảo Cô Tô luôn nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Một Quảng Ninh năng động phát triển, một huyện đảo Cô Tô khang trang đã và đang khẳng định tầm nhìn, sự đầu tư đúng đắn của Trung ương và tỉnh; thể hiện vai trò to lớn sự lãnh đạo Đảng bộ tỉnh đồng hành cùng những nỗ lực không biết mệt mỏi của đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân huyện đảo Cô Tô.

Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Ninh nói chung, Cô Tô nói riêng nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh phấn đấu phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân Vùng mỏ, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; không ngừng đổi mới, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn./.

Hoàng Đại Dương

Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất