Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 19/9/2009 22:40'(GMT+7)

Quê hương Đất Tổ làm theo lời Bác

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Ngô Đức Vượng đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh DT,

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Ngô Đức Vượng đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh DT,

Đúng ngày này 55 năm trước - ngày 19 tháng 9 năm 1954, Bác Hồ đã về thăm Đền Hùng, gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ Đại Đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời nói của Bác, không chỉ với nhân dân Phú Thọ mà còn với nhân dân cả nước; không chỉ với thế hệ hôm nay mà còn với cả các thế hệ mai sau.

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng và cũng là 55 năm Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ làm theo lời Bác là dịp để chúng ta thêm một lần nữa khắc ghi lời Bác dạy.

Thực hiện lời Bác dạy, trong cuộc chiến tranh vệ quốc "giữ nước" vĩ đại đó, hàng vạn con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã tham gia các lực lượng vũ trangg,đóng góp máu xương vì nền độc lập, tự do của Tổ Quốc; đã có 12.492 liệt sỹ, 11.307 thương binh và hàng vạn người được ghi công; trong đó, chỉ tính 10 năm - từ 1965 đến năm 1975, tỉnh Phú Thọ đã có 92.782 thanh niên vào bộ đội, 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong - tính chung gần 9% nhân lực của tỉnh được huy động cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; 85 đơn vị, địa phương trong tỉnh được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; 434 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" "; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" và "Anh hùng lao động"...

Sau khi đất nước thống nhất, bằng hành động cụ thể, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh; đồng thời, dốc toàn lực để vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên tai, dịch bệnh và chính sách bao vây, cấm vận kinh tế của các thế lực thù địch ... Đảng bộ tỉnh đã kiên trì tiến hành nhiều cuộc tìm tòi, thử nghiệm, phát kiến ra những mô hình mới, biện pháp mới, cách làm mới để đổi mới quan hệ sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, đã dần tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế và liên tục giành được những kết quả rất quan trọng: Từ một tỉnh miền núi vốn thiếu lương thực, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, độc canh cây lúa, đến nay, đã tạo được bước đột phá trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đa dạng hoá các loại cây trồng, nâng cao năng suất sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn lương thực, đưa Phú Thọ đứng thứ hai trong 11 tỉnh vùng Đông - Bắc Bộ, về sản xuất lương thực và là trung tâm sản xuất giấy của cả nước; hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu giấy, sản xuất chè có quy mô lớn; trong đó, diện tích chè đứng thứ ba trong cả nước và đứng thứ nhất về sản xuất chè đen. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản và nguyên liệu chế biến; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, hiệu quả sản xuất đều tăng cao; sản xuất hàng hoá bước đầu phát triển, đã có sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến, với vùng nguyên liệu.

Sản xuất công nghiệp, mặc dù kém lợi thế cạnh tranh, song vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng và Nhà nước vào hoàn cảnh đặc điểm của địa phương nên sản xuất công nghiệp liên tục phát triển: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm. Đã tạo sự đột phá trong phát triển ở cả 5 phương diện: Số doanh nghiệp, vốn, lao động, doanh thu và nộp ngân sách. Đến nay, Phú Thọ là một trong số các tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn của cả nước. Các ngành dịch vụ phát triển khá toàn diện, từng bước khai thác được lợi thế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đô thị và rút ngắn được khoảng cách giữa các vùng, miền.

Thực hiện mong ước của Bác "không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế; Đảng bộ tỉnh đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Từ một tỉnh cứ 4 người dân mới có một người đi học phổ thông (năm 1969), tỷ lệ mù chữ còn cao, trường lớp tạm bợ, đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng... đến nay, giáo dục - đào tạo của tỉnh có sự phát triển vượt bậc, theo hướng chuẩn hoá và xã hội hoá. Quy mô đào tạo, hệ thống trường lớp được mở rộng, các loại hình đào tạo ngày càng đa dạng, chất lượng giáo dục được nâng lên. Nhiều năm gần đây, giáo dục - đào tạo Phú Thọ luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện các tiêu chí giáo dục cũng như thành tích trong giảng dạy, học tập. Ngay từ năm 2002, đã được công nhận đạt chuẩn giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và năm 2003 đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; đến nay, toàn tỉnh đã có 265 trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện tỉnh đang triển khai phổ cập bậc Trung học, phấn đấu đến 2010 có ít nhất 60% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập bậc trung học. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố; các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện được đầu tư mới về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã có bác sỹ. Hệ thống các thiết chế văn hoá ở cơ sở đã không ngừng được đầu tư theo hướng xã hội hoá, góp phần tăng nhanh số người được hưởng thụ văn hoá. Đặc biệt, chương trình xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả rất đáng khích lệ; đến nay, đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm cho các hộ nghèo; giảm nhanh và vững chắc số hộ nghèo, tăng nhanh được số hộ giàu.

Thực hiện nhiệm vụ "giữ nước" để thực hiện điều mong muốn cuối cùng "xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" trong di chúc của Bác, Đảng bộ đã quan tâm củng cố vững chắc nền Quốc phòng, an ninh; lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Thường xuyên chú trọng công tác xây dựng lực lượng vũ trang; bổ sung, hoàn thiện phương án tác chiến; luyện tập, diễn tập; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc. Tăng cường sức mạnh tổng hợp thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, phòng chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Quán triệt lời di huấn quý báu trong di chúc của Bác "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần - kiệm - liêm - chính, chí công - vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"; Đảng bộ tỉnh đã luôn bám sát những nguyên lý cơ bản của Học thuyết Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng để định hướng lãnh đạo công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đã kịp thời triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, gắn với xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, thực hành dân chủ rộng rãi trong đảng "để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất". Thực hiện có nền nếp việc hướng dẫn các cơ sở đảng đăng ký phấn đấu trong sạch, vững mạnh; thực hiện chặt chẽ quy trình rà soát, phân tích chất lượng, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về tăng cường phát triển đảng viên trong từng giai đoạn. Quan tâm củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng công giáo và trong các doanh nghiệp.

Đi đôi với việc phát triển tổ chức Đảng và đảng viên, Đảng bộ tỉnh thường xuyên chú trọng tới công tác quy hoạch cán bộ, gắn quy hoạch với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, được Trung ương đánh giá cao. Đồng thời, đã tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã mang lại những kết quả bước đầu, tạo được những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Qua học tập, nghiên cứu các chuyên đề, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã xây dựng được chuẩn mực đạo đức, chương trình hành động cụ thể, thiết thực gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cá nhân, đơn vị, từng ngành, từng cấp; quá trình thực hiện cuộc vận động đã xuất hiện nhiều điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tôn vinh và tạo sự lan toả rộng lớn trong xã hội.

Thực hiện lời dặn dò thiết tha trong di chúc của Bác, Đảng bộ tỉnh đã đặc biệt quan tâm việc "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau". Đã tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các mặt của công tác thanh niên và của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người; coi việc thực hiện nhiệm vụ này là thực hiện xây dựng Đảng trước một một bước. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo cơ hội cho thanh niên lập thân, lập nghiệp và thụ hưởng các chính sách; tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, chuẩn bị lực lượng kế tiếp cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng thế hệ trẻ giàu lòng yêu nước, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, có đạo đức cách mạng, có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế, có sức khoẻ, tri thức và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể để trở thành những công dân tốt, những người chủ tương lai của tỉnh và đất nước, xứng đáng là lớp người "kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng", vừa "chuyên".

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng và 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ tự hào báo cáo với Bác về những thành tựu, những kết quả đã giành được. Song, chúng ta thấy cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm, yếu kém chưa thực hiện đầy đủ, hoặc chưa trọn vẹn những điều căn dặn cũng như mong muốn của Bác: Tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, bất cập; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu CNH - HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế; đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí vẫn chưa được đẩy lùi một cách hiệu quả; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao; công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân ở một số nơi còn mang tính hành chính.

Để xứng đáng với những tình cảm đặc biệt của Bác giành cho Đảng bộ, nhân dân Phú Thọ và thực hiện trọn vẹn lời căn dặn cũng như Di chúc thiêng liêng của Người, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và mỗi cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên, mỗi công dân phải nghiêm túc nhìn nhận ra sức phát huy ưu điểm và thành tích, tích cực khắc phục hạn chế, thiếu sót, nhằm tạo nên những bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong nhiệm vụ trung tâm - phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt - xây dựng Đảng. Không ngừng củng cố sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận cao trong xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa tỉnh ta tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường CNH - HĐH. Đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lấy khâu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm mục tiêu để tạo nên một phong trào rèn luyện, xây dựng đạo đức rộng khắp, với những việc làm cụ thể, thiết thực, thường xuyên; tạo cơ sở, xây dựng nền tảng đạo đức, văn hoá tinh thần của xã hội, làm động lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT - XH, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tiến tới Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ (2010 - 2015) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Đền Hùng là di tích lịch sử có giá trị bậc nhất nước ta, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo; là điểm hộ tụ văn hóa tâm linh tiêu biểu, tưởng niệm công lao dựng nước của các Vua Hùng nhằm giáo dục truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Với 2 lần Bác Hồ về thăm, cùng sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời đại Hùng Vương và lời căn dặn bất hủ 55 năm về trước, càng làm cho ý nghĩa, giá trị của khu di tích lịch sử Đền Hùng được nâng cao. Chính vì vậy, ngày 12 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định 1272/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử Đền Hùng là Di tích quốc gia đặc biệt ngay trong đợt 1. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Phú Thọ được Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước tin tưởng giao phó.

Nhiệm vụ của chúng ta phải gìn giữ, chăm lo, tu bổ Đền Hùng xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt, tài sản vô giá dân tộc ta, để con Lạc cháu Hồng về thăm Đền Hùng, thắp hương viếng Mộ Tổ chẳng những là để biết ơn đối với Tổ tiên, thể hiện tình cảm cộng đồng dân tộc, mà còn khẳng định tinh thần làm chủ đất nước, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Được vinh dự thay mặt đồng bào, chăm lo, giữ gìn lăng miếu Tổ tiên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ với sự giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính Phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã giành nhiều tâm huyết, trí tuệ, công sức, của cải cho việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các công trình, giữ gìn và phát triển cảnh quan, môi trường khu Đền Hùng ngày càng khang trang, bề thế. Nhiệm vụ trong thời gian tới là triển khai tích cực, có hiệu quả dự án xây dựng khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2015, trước mắt là tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 trọng thể và hoành tráng, hướng tới Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, lời dạy và Di chúc thiêng liêng của Người đã dẫn đường cho dân tộc Việt Nam, cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong thế kỷ 20 và mãi mãi là ngọn cờ đưa dân tộc ta tiến lên.

Tiếp tục thực hiện lời dạy và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là mệnh lệnh của trái tim cháy bỏng, dòng máu cách mạng khi chúng ta hướng về Người và hành động theo gương sáng của Người. Chúng ta nguyện cùng nhau tiếp tục phấn đấu, thực hiện xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN để xứng đáng với “Muôn vàn tình thân yêu” của Bác giành cho cháu con đất Tổ và thoả lòng mong ước của Người để có thể tự hào "Từ đền Hùng nhìn ra cả nước" và xứng đáng để "Cả nước hướng về đền Hùng"

Ngô Đức Vượng,

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ (*)
__________

* Lược trích Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng , 40 thực hiện Di chúc của Người và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt- Di tịch lịch sử Đền Hùng.. Đầu đề của Tạp chí Tuyên giáo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất