Đây là ý kiến của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng trao đổi với báo giới xung quanh Qui chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học được Viện Khoa học Xã hội Việt Nam soạn thảo và đang chờ Thủ tướng ký ban hành.
Không phải lúc nào cũng thực hiện tốt mục tiêu dân chủ
Ông quan niệm thế nào là dân chủ trong nghiên cứu khoa học?
Theo tôi hiểu, không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, mà cả trong đời sống cộng đồng, rất cần sự phát huy dân chủ, cũng có nghĩa là cần trí tuệ tập thể, có thông tin tiếp cận nhiều chiều, tiếp cận được nhiều chân lý tương đối, có nhiều phương án để so sánh lựa chọn.
Điều quan trọng thứ nhất đối với sự phát triển của một cộng đồng là sự phát triển của tư duy. Phát huy dân chủ, phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động khoa học thì sẽ và mới phát triển được tư duy. Xét cho cùng thì tư duy của con người chủ yếu sẽ phát triển hơn lên khi nó được tiếp cận, cọ xát với những ý kiến mới, khác với mình, ở mình chưa có.
Điều quan trọng thứ hai là thông tin nhiều chiều, nếu biết lựa chọn đúng sẽ giúp hoàn thiện con người về mặt văn hóa, bởi con người lúc sinh ra thì mới là một sản phẩm của tự nhiên, họ trở thành con người nhờ tác động qua lại của cộng đồng, với cộng đồng.
Đối với sự phát triển tư duy của giới nghiên cứu khoa học, hay trí thức nói chung, điều đó càng quan trọng. Thực ra, ở Việt Nam từ trước đến nay tôi chưa nghe thấy ai bảo rằng trí thức không được tự do tư tưởng (hay là hạn chế tự do tư tưởng) trong hoạt động khoa học.
Tuy nhiên, tâm lý chung của mọi người vẫn ngại đụng đến những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội mà nhạy cảm, liên quan đến chính trị. Họ sợ nói không chuẩn, từ đó bị phê phán và có khi bị quy chụp. Không phải chỉ có cấp dưới sợ cấp trên quy chụp, mà ngay cả cấp dưới cũng không ít trường hợp quy chụp ngược lại đối với cấp trên.
Từ khi thành lập Đảng Cộng sản và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam), Đảng và nhà nước ta đã nhiều lần nêu mục tiêu tự do và dân chủ, và trên thực tế cũng luôn phấn đấu cho mục tiêu ấy, chứ đó không phải là chuyện mới lạ, càng không phải là chuyện xa lạ.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã từng đi tiên phong để cùng với nhân dân giành lại tự do và dân chủ cho cả một dân tộc trước đó đã bị mất nước phải chịu nô lệ, tiếp đó là những cuộc kháng chiến để giữ độc lập tự do, rồi giải phóng con người khỏi các tàn dư phong kiến. Tuy nhiên, cũng có một thực tế rằng, không phải lúc nào và ở đâu cũng làm tốt, chúng ta đang còn không ít những điều chưa tốt về thực hiện mục tiêu tự do, dân chủ.
Người thiệt thòi nhất là người chỉ nói mà không nghe
Nhưng mặt khác, tự do và dân chủ vẫn luôn có những giới hạn vốn có của chính nó, vì không phải là tự do của một cá thể giữa trời, không liên quan gì đến ai cả. Quan điểm của ông?
Đúng là như vậy. Anh tự do nhưng anh không được động đến tự do của người khác, anh vẫn phải sống trong mối quan hệ với cộng đồng, không được gây hại cho cộng đồng, phù hợp với văn hóa và trình độ phát triển chung… Tức là cái tự do của anh phải đi kèm với lợi ích của cộng đồng, vì một đất nước ổn định và phát triển.
Mục đích của nghiên cứu khoa học là để áp dụng trong thực tế, và sự thống nhất thông qua, sau khi đã có tranh luận và phản biện khoa học, mới là sự thống nhất thật sự, thống nhất có căn cứ, cũng như sẽ vững chắc và có giá trị thực tiễn cao.
Ông Einstein có lần đã viết một đoạn dài nói về tự do tư tưởng, mà tôi có thể khái quát lại như sau: Nhờ có phản biện nhiều chiều, mà anh nghe được nhiều chân lý tương đối để từ đó anh tìm ra một chân lý sát hơn, gần hơn, tiếp cận với lẽ đúng nhiều hơn.
Còn khi anh chỉ nói và không được nghe, người khác chỉ nghe và không nói, anh sẽ là người thiệt thòi nhất bởi trong tư duy của anh chỉ có độc nhất mỗi ý kiến của mình, không có sự bổ sung đa dạng từ ý kiến của người khác, cuối cùng thì tư duy của anh sẽ chậm phát triển hơn người ta.
Khi bàn về Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã đề cập đến vấn đề phát huy dân chủ, phát huy tự do tư tưởng trong nghiên cứu và hoạt động khoa học, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo tôi, đó là điều rất cần thiết, tốt cho mục tiêu phát triển chung, và tốt cho việc xây dựng đội ngũ trí thức.
Ông có tham dự hội thảo về nhà Nguyễn được tổ chức cách đây hơn 1 tháng ở Thanh Hóa. Ông nhận xét gì về sự dân chủ trong nghiên cứu khoa học thông qua hội thảo này?
Tôi thấy không khí của hội thảo là dân chủ và tự do tư tưởng. Người nói ngược, người nói xuôi, ngay trong ý kiến của những người cùng quan điểm cũng có cả cái giống và cái khác nhau. Qua đó, mỗi người cũng thu nhặt được những thông tin bổ ích để bổ sung và điều chỉnh tư duy, tiếp tục suy nghĩ sâu hơn, đầy đủ hơn ở những hội thảo khoa học sau.
Chỉ có điều là, từ kết quả hoạt động khoa học ấy, tìm ra những những kết luận khách quan, công bằng, trung thực; nhưng để tuyên truyền phổ biến ra cho cả cộng đồng thì cần tiếp tục xử lý tốt các mối quan hệ, tức là giữa vấn đề đó với các vấn đề khác liên quan, sao cho có lợi nhất trên nhiều mặt.
Tôi muốn nhấn mạnh đến những mối quan hệ rất phức tạp do sự đan xen giữa những công lao và sai lầm, mối quan hệ giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, sự tiếp biến và hội nhập giữa văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh, Óc-Eo, mối quan hệ giữa Đại Việt và Chămpa, Phù Nam, và giữa việc tuyên truyền hôm nay (trong hoàn cảnh đã có độc lập) với trước đây (trong hoàn cảnh phải chiến đấu để giành độc lập và chống phong kiến)…
Tóm lại, bây giờ khi nói về vấn đề nhà Nguyễn, đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện nhiều mặt và cách nghĩ có trách nhiệm cao với lịch sử và đất nước.
Quan trọng là khả năng tự đề kháng
Theo như ông vừa nói, đã không ai cấm phát huy dân chủ trong nghiên cứu khoa học. Đã có luật qui định chuyện này, không làm trái luật là được. Vậy cần cái qui chế này làm gì nữa? Liệu đây có phải là một bước lùi không?
Tôi chưa được biết nội dung cụ thể của dự thảo qui chế. Nhưng tôi nghĩ về nguyên tắc, một bản quy chế cụ thể thì có thể rất cần và có thể không cần. Không cần nếu nó chẳng những không phát huy mà còn làm hạn chế tự do dân chủ, hoặc làm rối thêm vì loạn ngôn, ai muốn nói thế nào cũng được, xúc phạm ai cũng được...
Nhưng nếu nó là hành lang pháp lý để bảo vệ cho các nhà khoa học không phải sợ bị quy chụp, tích cực tham gia được nhiều ý kiến có giá trị trên tinh thần xây dựng thì lại rất cần. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có một bản qui chế tốt. Với tinh thần ấy, tôi tán thành và ủng hộ có một quy chế tiến bộ.
Tuy nhiên, về lâu dài, xét cho cùng, khả năng tự đề kháng (như một chất kháng thể tự nhiên) của những người tham gia hoạt động khoa học vẫn là quan trọng nhất. Tức là nếu họ có tinh thần khoa học nghiêm túc, tinh thần xây dựng, tâm huyết với sự nghiệp chung của đất nước và dân tộc thì đó là sức mạnh vững vàng nhất; còn qui chế chỉ là hỗ trợ thêm, mặc dù cũng rất cần.
Được biết, tại Hội nghị Trung ương 7, khi bàn về trí thức, ông đã có phát biểu về mối quan hệ hữu cơ giữa trí thức và đảng cầm quyền. Xin ông cho biết cụ thể hơn về mối quan hệ này theo quan điểm của ông.
Theo tôi, trong các đặc điểm của trí thức, có vấn đề tư duy độc lập và một phần tư duy vượt trước, so với tư duy chung phổ biến trong xã hội. Nhờ có tư duy độc lập mà có tư duy vượt trước, và nhờ có vượt trước mà có sự độc lập hơn.
Do đó đối với trí thức, vấn đề nhận thức chỉ có thể hình thành thông qua cùng trao đổi bình đẳng, chứ không thể áp đặt. Bất cứ đảng cầm quyền nào cũng cần sử dụng những tư duy vượt trước của trí thức để thúc đẩy xã hội và cộng đồng đi lên. Nếu trí thức không có chính kiến riêng, không có tư duy độc lập, sáng tạo, vượt trước, tất nhiên là theo nghĩa cái đúng, thì không hiểu xã hội cần ở họ cái gì.
Tôi hiểu một cách đơn giản, cái vượt trước cũng chính là cái chưa có, hay nói cách khác, là cái mới so với những gì đang hiện có. Cùng với tự do tư tưởng, chủ nghĩa Marx đã xuất hiện hàng trăm năm trước mà tới nay người ta vẫn còn tìm thấy và thừa nhận những giá trị bền lâu, mặc dù cần tiếp tục bổ sung và phát triển các tư tưởng ấy do điều kiện lịch sử đã có những yếu tố mà ở thời của Marx chưa có.
Cùng với tự do tư tưởng, Hồ Chí Minh vĩ đại đã xuất hiện và để lại cho chúng ta di sản vô cùng quý báu là tư tưởng của Người. Marx, Hồ Chí Minh là những trí thức lớn của thời đại, đồng thời là những người mang tư tưởng giai cấp công nhân.
Cùng với tự do tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời để chiến đấu cho sự tiến bộ xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đã có những lần khi phong trào gặp khó khăn, Đảng đã kêu gọi phát huy dân chủ, “nói thật, nói thẳng” và từ đó, Đảng đã ra những nghị quyết đổi mới, đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên.
Tôi nói những điều trên đây để một lần nữa muốn khẳng định rằng, tự do tư tưởng chẳng những không phải là cái bên ngoài, xa lạ đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, như ai đó có dụng ý không tốt muốn xuyên tạc, hoặc hiểu sai vấn đề này, mà còn là cái khởi nguồn, cái vốn có từ đầu, nguồn sinh lực bên trong của Đảng, đồng thời cũng là phương pháp lãnh đạo.
Các sự kiện, như chủ nghĩa Marx, tư tưởng Hồ Chí Minh hay sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong lịch sử phát triển đều do tư duy vượt trước của những nhà cách mạng rất tâm huyết mà hình thành.
Trí thức là những người rất tự do, tư duy độc lập, mỗi người mỗi kiểu. Đặc điểm này vừa là mặt mạnh, vừa là mặt yếu. Có những trí thức làm công tác nghiên cứu có ý kiến khác nhau, tranh luận hàng chục năm trời vẫn không thống nhất được, chưa ai chịu ai, và mỗi người vẫn hành động theo cách nghĩ của riêng mình.
Với đặc điểm như vậy, trí thức khó có thể tự mình trở thành một đảng cách mạng có tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động được. Do đó, trí thức rất cần có một đảng lãnh đạo sáng suốt, có tổ chức chặt chẽ, thống nhất được ý chí và hành động, để họ có thể nhân lên những tư duy đúng của mình, phát huy những trí tuệ đơn lẻ thành một khối sức mạnh tổng hợp phục vụ cho đất nước và xã hội.
Đảng có bản chất của giai cấp công nhân, đồng thời là của nhân dân lao động và dân tộc nữa, có tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động (ý tôi muốn nói đến Đảng Cộng sản Việt Nam) là đảng lãnh đạo mà trí thức cần. Còn Đảng thì cần ở trí thức những tư duy mới, vượt trước, tất nhiên là tư duy đúng, để Đảng bổ sung vào và làm giàu thêm tư duy của mình, để lãnh đạo và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đồng thời Đảng cũng cần trí thức như những người cộng tác tâm huyết và xây dựng, gắn bó với nhau, như tấm gương phản chiếu để Đảng thường xuyên tự kiểm tra lại mình. Nếu Đảng đúng thì tất nhiên sẽ thuyết phục được trí thức, và qua họ là cộng đồng, còn nếu Đảng có việc gì chưa đúng, chưa sát với tình hình thì nhờ những ý kiến chân thành xây dựng của trí thức, và của nhân dân nói chung, mà sớm phát hiện, bổ sung, điều chỉnh, và qua đó Đảng lại tiếp tục trưởng thành hơn, chắc chắn hơn.
Tôi nghĩ, Đảng và trí thức bao giờ cũng cần có nhau, như một tất yếu khách quan, như không thể thiếu được, vì nhân dân và đất nước.
Theo Huỳnh Phan - Thiên Lam (VietNamNet)