Thứ Sáu, 27/9/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 24/2/2016 16:14'(GMT+7)

Rộn ràng các lễ hội đầu xuân Bính Thân

Trẩy hội chùa Hương

Trẩy hội chùa Hương

Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một nét văn hóa tâm linh rất đặc sắc. Đi lễ không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất; mùi hương trầm, mùi nến, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Đầu xuân đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc khiến cho đất trời, khung cảnh trên khắp các vùng miền như đổi khác, tràn đầy sức sống và mang vẻ đẹp cuốn hút kỳ lạ đối với du khách.

* Ngày 13/2, lễ hội Chùa Hương - lễ hội lớn nhất cả nước ở xã Hương Sơn - Huyện Mỹ Đức - TP Hà Nội đã chính thức được khai hội. Đây được coi là một trong những lễ hội lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ và kéo dài nhất kéo dài từ ngày mồng 01 Tết hàng năm đến cuối tháng 3 Âm lịch. Chùa Hương cũng như nhiều lễ hội khác trong cả nước đã tưng bừng mở hội, trở thành một địa chỉ tâm linh quen thuộc của phật tử cùng tao nhân mặc khách muôn phương về với đất phật để dâng lên Bồ Tát một nén tâm nhang và cầu nguyện gia đình mạnh khỏe. Lễ hội Chùa Hương

* Sáng 15/2, trong không khí tưng bừng đầu Xuân, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và du khách đã nô nức đổ về trung tâm huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) tham dự Lễ hội Lồng Tông - Ngày hội xuống đồng. Đây là Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu… Năm 2013, Lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

* Ngày 15/2, tại đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) diễn ra Lễ hội đền Đông Cuông năm 2016. Đền Cuông là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, thờ Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn và các vị anh hùng người dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thời Trần. Lễ khai hội thu hút hàng nghìn người trảy hội. Bên cạnh các nghi lễ theo truyền thống, lễ hội đã có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống, như: đua thuyền, ném còn, đẩy gậy, kéo co… Trong dịp này, cũng diễn ra phiên chợ quê giới thiệu, quảng bá các sản vật của địa phương và hội chọi trâu...

* Từ ngày 13 đến 15/2, tại trung tâm huyện Mèo Vạc (Hà Giang) diễn ra Ngày hội văn hóa dân tộc của đồng bào Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Du khách tham dự ngày hội được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, như: đập bóng, đánh sảng, cắt mía, kéo co, đánh yến, đẩy gậy, hát ống của dân tộc Mông; khám phá những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc như xếp tường đá dựng nhà, dệt vải lanh, đan quẩy tấu; thưởng thức những pha đấu chọi đẹp mắt của hội chọi dê, chọi chim họa mi...

* Sáng ngày 17/2, tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Uông Bí đã tổ chức Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2016. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng các chư tôn đức Hoà thượng, Thượng toạ và đông đảo Tăng ni, Phật tử, du khách thập phương về dự lễ.

* Ngày 19/2, đông đảo người dân và du khách thập phương đổ về Bắc Ninh dự hội Lim để nghe các liền anh, liền chị hát câu quan họ giao duyên. Hội Lim sẽ diễn ra trong 2 ngày, 19 và 20/2 tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa gồm là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim là một hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cộng đồng độc đáo và tiêu biểu từ thời phong kiến, hội Lim trở thành lễ hội hàng tổng. Những nét văn hóa ấy được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, phát huy. Hội được tổ chức tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và Liên Bão (huyện Tiên Du), trong đó trung tâm của lễ hội diễn ra tại núi Hồng Vân (núi Lim). Trước ngày hội chính, các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim mở cửa đình, đền, chùa tổ chức lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống. Sáng ngày 13 tháng Giêng (ngày hội chính) có nhiều hoạt động đặc sắc như dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim và các đình, đền, chùa khác ở các làng thuộc xã Nội Duệ, thị trấn Lim…


 

Hội Lim 2016 nghiêm cấm hình thức "ngả nón xin tiền"

 

* Ngày 21/2, tại Đền Thiên Trường, Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) và Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) đã diễn ra Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Bính Thân 2016. Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Bính Thân 2016 tổ chức vào dịp đầu xuân mới, nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đặc biệt là thời Trần; quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương Nam Định đối với khách trong nước và quốc tế. Thời gian tổ chức Lễ hội Khai ấn Xuân Bính Thân diễn ra từ ngày 18/2 đến 23/2 (tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (tức ngày 18/2) diễn ra lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng (tức ngày 19/2) diễn ra nghi lễ rước Nước, tế Cá.

* Ngày 22/2, tại Khu di tích lịch sử Đền Thượng, UBND thành phố Lào Cai đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Đền Thượng xuân Bính Thân năm 2016. Lễ hội Đền Thượng từ lâu đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh, tỏ lòng thành kính đối với vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội (từ 20 đến 22/2), thành phố Lào Cai tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Hội báo Xuân Bính Thân và trưng bày, giới thiệu hình ảnh về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trưng bày, giới thiệu sản phẩm hội chợ thương mại, văn hóa ẩm thực; biểu diễn văn hóa, văn nghệ của các xã, phường; thi đấu các môn thể thao dân tộc...

*  Ngày 22/2,  tại  Di tích lịch sử  Quốc gia Văn bia Quế Lâm Ngự Chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Ủy ban nhân dân thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã khai mạc lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tông. Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tông diễn ra từ ngày 22 đến 24/2 (tức ngày 15 đến 17/1 âm lịch), là sự kiện văn hóa quan trọng nằm trong Chương trình Du lịch năm 2016 của Sơn La với chủ đề “Hướng về cội nguồn”. Lễ hội nhằm tôn vinh những công lao to lớn của Vua Lê Thái Tông, các tướng sĩ và nhân dân có công trong lịch sử dựng nước, giữ nước nói chung và bảo vệ biên giới phía Tây Bắc nói riêng.   

 * Ngày 22/2, tại Khu du lịch Thác Pongour, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, hàng ngàn người nô nức trẩy hội Thác Pongour. Lễ hội Thác Pongour được nhiều tộc người trong vùng hưởng ứng. Hàng chục nghìn người đổ về trẩy hội, tham gia vào các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, múa xòe Thái, đập niêu…  Các tộc người thiểu số trong vùng cũng thực hiện nghi lễ cúng tế. Người K’Ho cúng gà, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; người Thái nấu cơm, múa xòe; người Tày, Nùng đến đây múa sạp, ném còn…

* Ngày 21 và 22/2, hàng vạn người từ khắp nơi đã đổ về Chùa Bà Thiên Hậu (thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) để thắp hương dâng lễ cầu phúc, cầu lộc, may mắn cho năm mới. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước Kiệu Bà Thiên Hậu đã diễn ra trong chiều 22/2. Đoàn rước  Kiệu Bà được  đi trên các con đường  trung tâm thành phố Thủ Dầu Một với hàng chục đội múa lân sư rồng, thiếu nữ gánh bông, vải dưới sự chứng kiến của hàng vạn người dọc hai bên đường đi. Nhiều người dân làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới trước nhà mình nơi đoàn rước Kiệu Bà đi qua.

* Sáng 23/2, tại Khu di tích Côn Sơn, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã diễn ra lễ Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016; công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bia Thanh Hư Động là bảo vật quốc gia và tưởng niệm 682 năm (1334 - 2016) ngày mất của Đệ tam Tổ dòng thiền Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã tham dự buổi lễ.

* Ngày 23/2, thành phố Hội An tổ chức “Ngày hội bắp (ngô) nếp Cẩm Nam lần thứ 3 - Hội An 2016” thu hút hàng ngàn người tham dự. Phần lễ chính thức được bắt đầu vào lúc 8h30 dưới sự chủ trì của các bô lão trong làng gồm các nghi lễ nghinh tổ Thần Nông, tế lễ cổ truyền nhằm tri ân, tưởng nhớ Tổ nghề, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, giúp dân làng có cuộc sống ấm no hạnh phúc...

* Ngày 23/2, đông đảo người dân và du khách đã tham dự Lễ hội Cầu ngư 2016 tại đường Nguyễn Tất Thành, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất và quan trọng của người dân ven biển, là dịp để ngư dân bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân và cầu mong một năm đi biển mưa thuận, gió hòa, đánh bắt thuận lợi, đời sống ấm no, hạnh phúc... Đặc biệt, thu hút đông đảo du khách tham quan là phần thi vẽ tranh với chủ đề "Em yêu biển đảo, lễ hội quê hương" nhằm tuyền truyền, giáo dục, khơi gợi tinh thần trách nhiệm và tình yêu biên giới hải đảo của thế hệ trẻ./.

TG tổng hợp

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất