Năm 2011, năm mở đầu của Thập kỷ Ða dạng sinh học 2011 - 2020 được LHQ chọn là Năm Quốc tế về Rừng, còn Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) đưa ra thông điệp "Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên".
Rừng có giá trị to lớn đối với cuộc sống của con người, là nơi duy trì sự sống trên hành tinh, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ô-xy cho khí quyển và hấp thụ lượng lớn khí các-bô-nic thải ra. Rừng tích nước cho các dòng sông, tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất, là hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học lớn nhất trên cạn. Rừng cung cấp nơi ở, làm việc, tạo an ninh sinh kế và các nền văn hóa liên quan nhiều cộng đồng các dân tộc. Thế nhưng, bất chấp tất cả, mỗi năm con người vẫn chặt phá trung bình 13 triệu ha rừng, làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học rừng, làm tổn hại đáng kể chức năng và giá trị to lớn của rừng đối với cuộc sống con người và tự nhiên.
Năm nay Ấn Ðộ được chọn là nước chủ nhà của Ngày Môi trường Thế giới 5-6. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đang phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường nghiêm trọng liên quan gia tăng dân số, đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa ngoài khả năng kiểm soát và sự mở rộng ồ ạt của nông nghiệp. Những vấn đề môi trường hàng đầu của Ấn Ðộ là nạn phá rừng, thứ đến ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước và quốc nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tất cả đều liên quan đến rừng. Cũng như Ấn Ðộ và các nước trên thế giới, Việt Nam kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm nay thiết thực nhất là nhìn lại những vấn đề về rừng từ góc độ môi trường. Với việc thành lập Vườn Quốc gia Cúc Phương từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, với việc ban hành Pháp lệnh Bảo vệ rừng và cho ra đời lực lượng Kiểm lâm nhân dân 10 năm sau đó, có thể nói chúng ta đã sớm tiếp cận vấn đề bảo vệ rừng. Câu 'Rừng suy tàn là Tổ quốc suy vong' được truyền tụng rất sớm đã như một lời cảnh báo, một lời nguyền của cả dân tộc. Thế nhưng, cũng như ở nhiều nơi khác, thảm họa suy thoái rừng vẫn xảy ra mà đáy của nó là vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Thời kỳ đó, trung bình mỗi năm chúng ta mất khoảng 0,2 triệu ha rừng dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng về nhiều mặt.
Từng quốc gia và cả cộng đồng quốc tế đã có nhiều sáng kiến quan trọng nhằm bảo tồn và sử dụng rừng bền vững. Nhiều kết quả đáng khích lệ liên quan đến Chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm mất rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển (REDD) được LHQ phát động từ tháng 9-2008. Chương trình hiện có 29 nước tham gia, từ châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ la-tinh. REDD cũng được coi là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất về mặt kinh tế nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần chặn đứng nguy cơ nhiệt độ trái đất tăng lên 2oC.
Nhân Ngày Môi trường Thế giới năm nay, UNEP khuyến nghị các quốc gia nên xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích sử dụng rừng một cách bền vững; xây dựng các vành đai bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng và khuyến khích tái tạo rừng tại các khu vực bị hoang hóa. Các công ty tư nhân nên chớp cơ hội để đầu tư vào 'nền kinh tế xanh', bên cạnh đó xây dựng ý thức trách nhiệm xã hội cho người tiêu dùng. Cộng đồng cần giữ vị trí quan trọng hơn nữa trong việc giám sát độc lập các tổ chức có liên quan đến rừng, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và hưởng ứng các sáng kiến bảo vệ rừng.
Mỗi cá nhân cũng có thể trở thành người tiêu dùng thông thái thông qua việc chọn mua các sản phẩm được chứng nhận bảo vệ môi trường. Ðiều này đồng nghĩa với việc khi mua các vật dụng, đồ gỗ, giấy hay bất kỳ sản phẩm nào, người dân hãy kiểm tra liệu sản phẩm đó có bảo đảm tiêu chí thân thiện với môi trường hay không, xem sản phẩm đã được dán nhãn sinh thái hay chưa. Ðiều quan trọng hơn cả, bảo vệ rừng không chỉ là một hành động đơn lẻ mà phải là chuỗi hành động có tính thường xuyên, liên tục và lâu dài với mục tiêu thay đổi phong cách sống.
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) hơn 20 năm qua, từ ngày thành lập (năm 1988) luôn coi vấn đề môi trường rừng như là một trong những vấn đề môi trường hàng đầu của Việt Nam. Ða số các hoạt động, các công trình nghiên cứu khoa học đều hướng về bảo vệ và phát triển rừng; trong đó rừng của khu vực miền trung và Tây Nguyên (dãy Trường Sơn) được đặc biệt quan tâm. Bởi đây là vùng hết sức nhạy cảm đối với các thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là vị trí của nó trong tương lai, trước những tác động của biến đổi khí hậu.
VACNE cũng đã khởi xướng và tổ chức sự kiện 'Bảo tồn cây Di sản Việt Nam'. Dù chưa lâu (mới hơn một năm) nhưng sáng kiến này đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước. Rất mừng là: đã có nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Ðảng, của các ngành và chính quyền địa phương động viên cổ vũ và được các cơ quan truyền thông tiếp sức, ủng hộ kịp thời. Tới nay, Văn phòng Hội đã nhận được hàng trăm bộ hồ sơ cây cổ thụ và Hội đồng cây Di sản của VACNE đã xét duyệt và công nhận được 92 cây, đủ tiêu chuẩn là cây Di sản Việt Nam. Sự lan tỏa nhanh, vì mục tiêu của hoạt động này không chỉ nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ sự đa dạng sinh học... mà hơn thế, nó còn đáp ứng được những nhu cầu về: văn hóa, tâm linh của người dân; khơi dậy truyền thống tốt đẹp 'Uống nước nhớ nguồn', muốn bảo vệ cây, bảo vệ rừng của ông cha ta.
* Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam từ 27,2% đầu thập kỷ 90 (thế kỷ 20) đã lên 39,5% vào năm 2010, độ che phủ rừng bình quân tăng 0,4%/năm.
* Từ 1995 - 2009, diện tích rừng Việt Nam tăng liên tục nhờ trồng rừng và phục hồi rừng tự nhiên, bình quân mỗi năm tăng khoảng 282.600 ha.
* Bình quân diện tích rừng tự nhiên tăng: 148.900 ha/năm; diện tích rừng trồng tăng 133.700 ha/năm.
(Nguồn: Tổng cục Môi trường) |
|
TS NGUYỄN NGỌC SINH
Chủ tịch Hội BVTN và MT Việt Nam
(Nguồn: Nhân dân)