Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề tâm huyết xoay quanh chủ đề báo chí và văn chương cùng hướng tới giá trị nhân văn.
Nhà văn, nhà báo Cao Năm khẳng định văn chương và báo chí "hai trong một". Ở nước ta, báo chí và văn chương ngay từ thưở ban đầu đã gắn bó keo sơn, tương tác và bổ trợ cho nhau phát triển. Báo chí là “bà đỡ” của văn chương, văn chương chắp cánh cho báo chí bay cao, bay xa. Báo chí và văn chương không có mục đích nào khác là tự do, bình đẳng, bác ái, đem lại quyền lợi cho cộng đồng và cho mỗi người.
Nhà văn Dương Thị Nhụn cho rằng dù là tác phẩm báo chí hay văn chương phải mang tính hướng thiện. Tác giả cần có tâm huyết, khả năng phân tích vấn đề thấu đáo để độc giả thấy được cuộc sống là dòng chảy không ngừng, có tốt, xấu, song cái tốt là cốt lõi của một xã hội lương thiện. Tác phẩm báo chí hay văn chương phải cùng tìm ra cái hay, cái đẹp, biết phát hiện, lên án cái xấu, cái tiêu cực để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhà văn Lưu Văn Khuê nêu lên vấn đề về sự đồng điệu và khác biệt giữa văn chương và báo chí. Sự đồng điệu được thể hiện trong chừng mực nhất định về thể loại, rõ nét nhất ở chỗ, bản chất của văn chương và báo chí là mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp. Chuẩn mực hướng tới của văn chương và báo chí là những giá trị tinh thần chung của dân tộc, giá trị nhân văn, giá trị yêu nước. Sự khác biệt ở chỗ vừa viết báo vừa viết văn nếu không đủ bản lĩnh, không biết "phân thân" trong công việc thì việc viết báo có thể bào mòn khả năng viết văn hoặc không ít nhà văn ngộ nhận tác phẩm của mình là lớn thực ra lại không đem lại hiệu quả gì.
Một số đại biểu tham gia tọa đàm còn thảo luận nhiều vấn đề khác như văn chương và báo chí cần có tính chứng thực; tính nhân văn của văn chương và báo chí thể hiện qua dư luận xã hội; xác định rõ đối tượng phục vụ là hướng tới bạn đọc…
Dương Hà (Hải Phòng)