Đó là chia sẻ chung của các nhân vật và tác giả những bài viết đoạt giải Cuộc thi viết về đề tài "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Báo Nhân Dân phối hợp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức.
Tại Lễ trao giải tối qua 17-5 tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với tác giả đoạt giải Nhất Phạm Minh Thư và một số nhân vật trong các bài viết của các tác giả khác.
Ngô Thị Thuý Hằng, người làm trang thông tin điện tử nhantimdongdoi.org, nhân vật trong bài viết “Và một bàn tay nhỏ” của tác giả Vương Thiên Phương (Ngô Vương Anh) - giải Ba.
Tôi không biết anh Vương Anh viết bài về tôi để đi dự thi cuộc thi này. Cách đây mấy ngày, anh ấy gọi điện cho tôi và bảo, “Chúc mừng em nhé, em là một trong những nhân vật trong bài viết được giải”. Tôi rất cảm động, và khi đó thì tôi mới đọc bài viết. Tôi nghĩ công việc của tôi cũng đơn giản thôi, nó không sinh lợi nhuận, nhưng nó thôi thúc tôi làm. Bởi vì tôi cũng là con liệt sĩ, bắt đầu từ nỗi đau của mẹ mà tôi muốn làm gì đó cho những người có hoàn cảnh như tôi. Những gia đình thân nhân liệt sĩ nhiều khi chẳng có gì ngoài giấy báo tử, họ không biết làm cách nào để tìm kiếm hài cốt người thân. Tôi nghĩ, mình có học hành, có thông tin, biết công nghệ, nên tôi muốn giúp họ trên hành trình tìm kiếm người thân. Chủ yếu là chúng tôi tư vấn để họ có một phương pháp sao cho có hiệu quả nhất, tìm kiếm đỡ mất công nhất.
Trước đây, tôi từng làm việc bên Trung ương Đoàn, nên tôi rất quan tâm đến phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi nhớ lần đầu tiên, cách đây lâu rồi, khi trong Đoàn thanh niên phát động phong trào này, tôi bắt đầu có ý thức tìm hiểu về Bác nhiều hơn. Đọc về Bác mới hiểu vì sao thế giới người ta tôn vinh và ngưỡng mộ Người đến thế. Ở Bác có một điều vô cùng vĩ đại, đó chính là sự giản dị, bình dị. Phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người là cơ hội để mọi người suy nghĩ về công việc, mục đích sống của mình, để sống tốt hơn, quan tâm đến mọi người chung quanh mình và làm cái gì đó cho xã hội nhiều hơn, thiết thực hơn. Đặc biệt, cuộc thi này giúp phát hiện những người bình thường đã có những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa với xã hội, đó cũng là một cách để nhân lên những giá trị cao đẹp của cuộc sống và một cách để bày tỏ lòng yêu kính với Bác Hồ.
Tiến sĩ Phạm S. – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhân vật trong bài viết “Nhà khoa học của nông dân” viết của tác giả Uông Thái Biểu- giải Nhì.
Phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mấy năm qua có thể nói là có ý nghĩa sâu rộng với mọi tầng lớp, không chỉ cán bộ, đảng viên mà có sức lan toả trong toàn dân. Mỗi người xem xét, tuỳ điều kiện cụ thể của mình mà làm những việc phù hợp, thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Không phải cái gì to tát, mà chính là những việc làm cụ thể trong điều kiện thực tế.
Với trách nhiệm của một người cán bộ khoa học, người quản lý ở địa phương, tâm niệm của tôi là mình phải chăm chỉ, cần mẫn làm việc, trong điều kiện của mình làm thế nào để giúp nông dân vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình. Sống ở vùng chè Lâm Đồng, tôi đã nghiên cứu - là người đầu tiên ở miền Nam nghiên cứu đưa năng suất trồng chè lên 20 tấn, nghiên cứu thành công giống cây bơ. Hơn 50 năm qua, người trồng bơ ở Lâm Ðồng chỉ trồng hạt, giá trị thu nhập thấp. Từ năm 2002 tôi nghiên cứu nhân giống bơ vô tính bằng kỹ thuật ghép trên cơ sở chọn cây giống đầu dòng tốt. Kết quả nghiên cứu đó được ứng dụng trên diện rộng, bà con trồng bơ tăng năng suất và chất lượng, cây trồng sau ba năm đã cho trái. Bơ Lâm Ðồng là cây đặc sản có giá trị cao, hiện nay có thể cho thu nhập bình quân 145 triệu đồng/ha/năm, nhiều nông dân trước đây không tha thiết với cây bơ, nay do ứng dụng KHCN, cây bơ mang lại hiệu quả giúp cho nhiều hộ mở rộng diện tích và làm giàu từ cây bơ.
Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện sinh thái về sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 46% GDP của tỉnh, do đó mục tiêu nghiên cứu khoa học của tôi cũng là trăn trở làm thế nào có một giải pháp giúp cho bà con nông dân có điều kiện phát triển kinh tế gắn với chương trình nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Lài- nhân vật trong bài viết “Giám đốc tự phạt mình và chiếc phong bì mừng thọ” của tác giả Minh Thư - Giải Nhất.
Tôi rất cảm động vì anh Minh Thư, con người có trách nhiệm và dũng cảm. Trong tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, việc anh ấy viết về điều tôi “tự phạt mình” chính là cũng làm tôi thấy ý nghĩa. Anh Minh Thư đã “theo dõi” tôi từ lâu rồi, anh ấy hiểu tính cách của tôi, công việc mà tôi làm. Từ năm 1963, tôi được Bác Hồ tặng Huy hiệu, vào Quốc hội 16 năm, cho đến bây giờ, những gì anh ấy viết, chẳng qua cũng đều là người thật việc thật.
Tôi nghĩ, trong cuộc sống, mình là đảng viên thì phải có trách nhiệm và gương mẫu. Muốn mọi thứ công bằng thì mình càng phải gương mẫu. Trong mọi khó khăn mình phải kiên trì, kiên định. Tôi trước làm Giám đốc lâm trường, rồi làm Chủ tịch huyện, bây giờ nghỉ hưu rồi, nhưng sự nghiệp của mình không chỉ là làm việc, mà bày dạy con cháu cũng là sự nghiệp.
Với tôi, Bác Hồ không chỉ là thần tượng, còn là tình cảm, tâm linh, tôi vô cùng kính yêu và ngưỡng mộ. Nói học Bác Hồ cũng không phải là khó lắm đâu, từ những việc làm bình thường của chúng ta hằng ngày thôi: đó là phải coi trọng thời gian, phải quý trọng mọi người. Tất cả những sinh hoạt của Bác Hồ, chúng ta đều làm hằng ngày cả. Người có một phong cách bình dị ấy, có xa lạ gì đâu mà không học được.
Nhà báo Phạm Minh Thư, tác giả đoạt giải Nhất với bài viết “Giám đốc tự phạt mình và chiếc phong bì mừng thọ”.
Trước đây tôi đã từng biết về ông Lài qua một số bài viết của bố tôi. Sau này trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, trở lại huyện Con Cuông công tác, đi đâu cũng được nghe người ta ca ngợi ông Lài. Ông Lài đã có công hồi sinh lại cánh rừng trước đây ông đã từng khai thác. Theo người dân thực tế, tôi thấy những cánh rừng xanh tốt, người ta nói đây là “rừng của ông Lài”, đi đường thì mọi người nói đây là “đường của ông Lài”. Tôi hiểu, ông Lài bằng những việc làm cụ thể đem lại lợi ích chung cho mọi người. Tôi nghĩ, là một nhà báo, mình muốn chuyển tải qua bài viết về nhân vật một cách thuyết phục thì không phải chỉ cứ đi tìm những nhân vật lớn, mà thực ra chung quanh ta có rất nhiều những con người bình thường, chỉ làm những việc nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa. Nhiệm vụ của nhà báo là phát hiện và thể hiện qua tác phẩm như thế nào đó để có sức lan toả. Chính những việc làm của họ là điều chân thực nhất để chuyển tải đến với công chúng. Vì vậy, nhà báo phải thực sự có thời gian thâm nhập thực tế, tìm hiểu, sống cùng với họ thì mới viết chân thực được. Về cuộc thi này, tôi nghĩ là hết sức ý nghĩa và cần thiết. Bởi cuộc sống chung quanh chúng ta, có rất nhiều những con người bình thường, bình dị, nhưng họ có những việc làm ý nghĩa, có mục đích sống tốt đẹp, đóng góp cho xã hội, cho mọi người, cho cuộc sống tốt hơn. Trách nhiệm của nhà báo là phải mang những hình ảnh đẹp đó lan toả trong công chúng, để mọi người biết đến nhiều hơn, và cũng từ đó mỗi người suy nghĩ về việc làm của mình nhiều hơn.