(TCTG)- Phát biểu tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên về chủ đề “Báo Đảng tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT” lần thứ 20, vòng III tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trong 2 ngày 11 và 12-5-2012, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền về an toàn giao thông là một đòi hỏi bức thiết và hội thảo lần này phải thực sự tạo bước chuyển mạnh mẽ, thiết thực trong công tác tuyên truyền”.
Đến dự hội thảo có đồng chí Trương Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Cục Báo chí- Bộ TT&TT; đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; đại diện báo Đảng 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, một số ban ngành của tỉnh và nhiều nhà báo lão thành.
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, Tổng biên tập báo Quảng Bình - Hoàng Minh Tiến đề cập: Cùng với Chỉ thị 22 ngày 24/2/2003 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 88 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT và xác định “Năm 2012 là năm ATGT”. Trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đều khẳng định một trong những giải pháp quan trọng làm giảm tai nạn giao thông là tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật pháp về ATGT cho người dân. Từ ý nghĩa đó, báo Đảng 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên lựa chọn chủ đề hội thảo về tuyên truyền bảo đảm TTATGT trên báo Đảng. Qua đó, tìm ra những giải pháp tốt nhất để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành pháp luật về giao thông, xây dựng môi trường văn hóa giao thông trong cộng đồng, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Minh Tuấn - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Tai nạn giao thông đã trở thành một vấn nạn trong đời sống xã hội, không chỉ gây mất mát về người, tài sản mà còn kìm hãm sự phát triển về kinh tế, gây những bất ổn trong xã hội... Hạn chế tai nạn giao thông trở thành nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở và từng gia đình, mỗi người dân. Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, quyết liệt để kiềm chế sự gia tăng về số vụ tai nạn, số người bị thương, tử vong. Tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông ở khắp mọi miền đất nước và ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn vẫn đang diễn biến phức tạp. Hàng năm tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của hàng nghìn người. Chỉ tính riêng năm 2011, mỗi ngày có 30 người chết và 28 người bị thương vì tai nạn giao thông. Nguyên nhân của tình trạng trên là gì? Một câu hỏi không dễ trả lời một cách đầy đủ nhưng vấn đề có tính bao trùm là nhận thức và ý thức về chấp hành luật lệ giao thông của một bộ phận không nhỏ nhân dân khi tham gia giao thông còn hạn chế. Hơn ai hết, các cơ quan thông tấn báo chí không thể coi vấn đề đó ngoài trách nhiệm của mình..."
Đồng chí chỉ rõ, trong những năm qua, báo chí đã sát cánh cùng các cấp, các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Hình thức tuyên truyền phong phú đa dạng, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, có nhiều nhà báo đã thực sự tâm huyết với công việc... Báo chí đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần kiềm chế sự gia tăng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong đó có sự đóng góp to lớn, hiệu quả của báo chí địa phương các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tuy vậy, công tác tuyên truyền còn những hạn chế. Đó là tính giáo dục, thuyết phục có lúc chưa được coi trọng, chạy theo vụ việc đơn thuần mà thiếu sự phân tích lý giải để tìm rõ căn nguyên của những vụ tai nạn giao thông...
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có địa hình phức tạp, có nhiều loại hình giao thông và là cầu nối hai đầu đất nước. Hệ thống giao thông ở đây vừa phong phú, đa dạng vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn giao thông bởi nhiều đèo dốc, lưu lượng phương tiện lớn...Vì vậy, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông là một đòi hỏi bức thiết và hội thảo lần này phải thực sự tạo bước chuyển mạnh mẽ, thiết thực trong công tác tuyên truyền...
|
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu thảo luận tại Hội thảo, lãnh đạo
Báo Ninh Thuận nhấn mạnh việc chú ý tuyên truyền về TTATGT với 3 nội dung gắn kết với nhau, đó là giáo dục nâng cao ý thức cho người dân, giáo dục nếp sống văn minh gắn với nêu gương tốt, phê phán những vi phạm luật giao thông.
Báo Thanh Hóa thực hiện phương châm đa dạng hóa công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, gắn tuyên truyền tập trung, tuyên truyền diện với tuyên truyền điểm và tuyên truyền đặc biệt.
Báo Kon Tum xác định tuyên truyền về pháp luật TTATGT phải duy trì thường xuyên, lâu dài nhằm từng bước thay đổi hành vi ứng xử khi tham gia giao thông của mỗi người dân.
Báo Khánh Hòa nêu kinh nghiệm tuyên truyền về nâng cao trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông, chống mãi lộ; thông qua đường dây nóng, nêu gương cán bộ chiến sỹ trên lĩnh vực này và quan tâm làm sao kiềm chế tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A.
Báo Hà Tĩnh cho rằng cần quan tâm tuyên truyền về TTATGT đúng tầm hơn. Báo chí cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông, nêu nhiều gương tốt của CSGT. Tuyên truyền làm sao để người dân thấy được vai trò của CSGT và từ đó thiện cảm, giúp đỡ lực lượng này làm tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.
Báo Nghệ An quan tâm tuyên truyền về văn hóa giao thông, duy trì thường xuyên trang ATGT, các chuyện mục về giao thông, hướng tới đô thị văn minh hiện đại, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Báo Đà Nẵng coi trọng biểu dương gương sáng thực hiện văn hóa giao thông, tuyên truyền chống ùn tắc giao thông đô thị, sử dụng mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy gắn với chính sách cho người dân, xóa các bến đò ngang.
Báo Quảng Bình phát động cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông” từ 1-3 và kết thúc vào 31-12-2012 và duy trì thường xuyên chuyên mục ATGT. Các báo
Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên quan tâm tuyên truyền bảo đảm TTATGT về Văn hóa giao thông, thay đổi thói quen xấu, tạo chuyển biến về hành vi chấp hành nghiêm luật giao thông của người tham gia giao thông.
Báo Quảng Trị tích cực tuyên truyền tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là lỗi trực tiếp gây ra tai nạn giao thông; việc huy động các nguồn lực, đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường thường xẩy ra tai nạn…
Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất tiếp tục đổi mới về tuyên truyền về pháp luật TTATGT, văn hóa giao thông, nâng cấp hạ tầng giao thông. Báo Đảng cần phải đi đầu trong tuyên truyền về TTATGT góp phần giảm hẳn tai nạn giao thông trong khu vực và thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với hội thảo, các báo Đảng còn đi thực tế ở huyện Quảng Trạch, tham quan di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Ke Bàng và một số di tích lịch sử.
Phan Văn Toàn