Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 12/1/2012 20:46'(GMT+7)

Sơn La đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị

Hiện nay, tình hình quốc tế và trong nước đang tạo ra những thuận lợi, cơ hội mới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức, khó khăn. Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để tiếp tục nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Sơn Lal uôn quan tâm tới công tác giáo dục lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đối với công tác xây dựng đảng cơ sở. Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn, Trung tâm BDCT các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc luôn bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, cơ sở. Đội ngũ giảng viên luôn nêu cao tinh thần và trách nhiệm đối với công việc được giao, lựa chọn các phương pháp giảng dạy phù hợp, gắn lý luận với thực tiễn; tích cực học tập nâng cao trình độ, cập nhập thông tin làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động; thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy.

Trong năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La tiếp tục chỉ đạo Ban Tuyên giáo, tuyên huấn, Trung tâm BDCT các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thực hiện có hiệu quả Quy định số 185-QĐ/TW ngày 03/9/2008 của BCH Trung ương “Về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh”; Hướng dẫn số 113-HD/BTGTW ngày 12/8/2010 của Ban Tuyên giáo TW “Về việc sử dụng, giấy chứng nhận và bằng tốt nghiệp sơ cấp lý luận chính trị”; Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo TW “về thực hiện chương trình chuyên đề; chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ”. Tham mưu với Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 10/3/2011 tổ chức sơ kết 6 năm (2005-2011) về “Chủ trương củng cố, xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện, thị”; xây dựng Đề án công tác giáo dục lý luận chính trị nhiệm kỳ (2010-2015).

Đến nay, toàn tỉnh có 11 Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện với 50 cán bộ, giảng viên; 229 giảng viên kiêm chức. Về trình độ chuyên môn: Thạc sỹ: 08; Đại học: 205, Cao đẳng: 13, Trung cấp: 02. Về trình độ lý luận chính trị: Cử nhân: 39, Cao cấp: 117, Trung cấp: 13.

Trong năm 2011 các Trung tâm BDCT trong tỉnh đã mở được 419 lớp với 30.576 học viên. Bao gồm các loại hình chương trình: Lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng: 73 lớp với 5.067 học viên; Bồi dưỡng đảng viên mới: 36 lớp với 2.699 học viên; Bồi dưỡng Cấp ủy và bí thư chi bộ 11 lớp với 713 học viên; Bồi dưỡng Tuyên giáo cơ sở 04 lớp với 212 học viên; Bồi dưỡng công tác đoàn thể 57 lớp với 4.440 học viên; Sơ cấp lý luận chính trị: 27 lớp với 1.459 học viên; Bồi dưỡng chuyên đề: 11 lớp với 2.587 học viên; Bồi dưỡng nghiệp vụ: 28 lớp với 1.906 học viên; Tập huấn cho bí thư chi bộ, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố: 90 lớp với 6.139 học viên; Các lớp khác: 82 lớp với 4.814 học viên).Trường chính trị tỉnh đã thực hiện 49 lớp với 3.381 học viên (11 lớp Trung cấp Hành chính - Văn thư với 657 học viên, 07 lớp Trung cấp lý luận - Hành chính với 523 học viên, 03 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên với 224 học viên, 12 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ với 818 học viên, mới 1 lớp Cao cấp lý luận chính trị với 120 học viên.

Sau các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhận thức của học viên được nâng lên, vận dụng kiến thức đã học vào trong thực tế cuộc sống và công tác, góp phần tích cực vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của công tác quản lý và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế nhất định: Chất lượng đội ngũ giảng viên không đồng đều, hoạt động kiêm nhiệm nên một số ít giảng viên thiếu nghiệp vụ sư phạm, chưa đầu tư thời gian thoả đáng cho nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy, duy trì sinh hoạt chuyên môn chưa thường xuyên ảnh hưởng không nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học; Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn chưa được thường xuyên, việc kiểm tra giáo án các giảng viên kiêm nhiệm trước khi lên lớp một số đơn vị chưa thực hiện được. Cơ sở, vật chất tuy được quan tâm, song tiến độ xây dựng cơ sở vật chất còn chậm, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; kinh phí chi thường xuyên cho công tác bồi dưỡng lý luận chính trị còn thấp; chế độ, chính sách hỗ trợ cho học viên còn nhiều bất cập.

Từ những kết quả và hạn chế, một số giải pháp cho năm 2012 về công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh được xác định là: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ về công tác giáo dục lý luận chính trị, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn; chú trọng việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, tránh hình thức và bệnh thành tích. Chú trọng mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên đề cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ, chính sách của Trung ương và địa phương đã ban hành; Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác giáo dục lý luận chính trị theo Quyết định 185-QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số: 29-HD/BTG-BTCTW ngày 27/7/2009 của Ban Tuyên giáo-Ban Tổ chức TW “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”; Tiếp tục củng cố và từng bước chuẩn hoá trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức đối với đội ngũ giảng viên, thực hiện tốt việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng làm theo ở các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, đảng uỷ trực thuộc./.

Hoàng Trong Đại
Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Sơn La

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất