Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 16/10/2008 10:12'(GMT+7)

Sự thật có ích và sự thật phi văn hóa

Với một con người, mỗi khi nói ra được một sự thật thì tâm hồn con người đó thêm một lần trong sạch. Với một xã hội cũng thế. Thực tế, có biết bao sự thật bị bóp méo và bị vùi dập. Khi một người có lương tâm đứng trước một sự thật bị bóp méo hay bị vùi dập mà không làm gì được thì con người đó sẽ thấy bị xỉ nhục và có thể rơi vào tuyệt vọng. Một kẻ có lỗi hay có tội mà dám nói ra tội, lỗi của mình thì kẻ đó ngay lập tức được tha thứ.

Sự thật là bài học có ích nhất đối với một cá nhân hay một cộng đồng. Nói ra sự thật mà không bị ép buộc hay bị khống chế phải nói ra luôn luôn chứng tỏ nhân cách của con người. Đã có những hồi ký, những tự truyện và những hình thức ghi chép tương tự của những cá nhân đã cho xã hội thấy nhân cách của người đó cho dù người đó nói ra sớm hay muộn.

Ở đó, chúng ta thấy lương tâm người đó hay lương tâm của cộng đồng đó được đánh thức. Không có gì tin tưởng hơn vào tương lai của một cá nhân hay của một dân tộc khi cá nhân đó dân tộc đó dám cất tiếng nói về sự thật của chính mình. Bởi cất tiếng nói thật là khi chúng ta bắt đầu nhận ra sự sai lầm hay tội lỗi của mình. Ngay khi chúng ta chân thành nói về những lầm lạc của chúng ta thì trong tâm hồn chúng ta đã xuất hiện cùng một lúc ý thức về lẽ phải hay có thể là con đường của lẽ phải.

Bất cứ cuốn hồi ký, tự truyện hay nhật ký nào cũng có nhân vật và sự kiện trong thời đại của tác giả. Khi tác giả của những cuốn sách đó tôn trọng sự thật và nhìn sự thật với một con mắt khoa học và nhân văn thì những cuốn sách đó sẽ rất có ích cho xã hội.

Sự thật sẽ cho chúng ta nhìn lại một cách khách quan và chính xác về một con người hay một giai đoạn lịch sử mà có thể trước đó con người kia hay giai đoạn lịch sử kia đã bị che khuất bởi những lý do nào đó. Sự che khuất này làm cho kẻ đạo đức giả hay có tội lại trở thành kẻ đạo đức và có công. Ngược lại, sự che khuất làm cho những người nhân cách và có công lại trở thành những kẻ bị xã hội hắt hủi.

Đối với một sự kiện hay một giai đoạn lịch sử của con người cũng vậy. Chính thế mà nhân loại vẫn tìm kiếm những tư liệu đáng tin cậy để được nhìn rõ hơn và đúng hơn những con người những sự kiện hay những giai đoạn lịch sử của nhân loại vẫn còn chứa đựng nhiều nghi vấn hay bí mật. Nhưng có quá ít những cuốn nhật ký, hồi ký và tự truyện xuất hiện ở Việt Nam với nhiều hình thức (xuất bản và chưa xuất bản) làm được điều này. Có lẽ bởi tác giả của những cuốn sách đó chưa có khả năng khái quát hóa xã hội và lịch sử từ những gì mình chứng kiến.

Chúng ta khó tìm thấy những câu chuyện mang tính tư tưởng trong các cuốn sách đó mà chỉ thấy ở đó là những câu chuyện kể ra đầy tính chủ nghĩa tự nhiên. Rất nhiều cuốn sách thuộc những thể loại nói trên chỉ kể những chuyện dông dài hoặc “giật gân” về những nhân vật có tên tuổi như những câu chuyện được kể trong quán bia mà không hề gửi đến người đọc một thông điệp nào kể cả một “thông điệp vô tình” do những câu chuyện tạo lên.

Có những cuốn sách chẳng qua chỉ là một “bữa nhậu“ mà tác giả say sưa thưởng thức những món ăn là chính con người anh ta hay chị ta. Tôi nhớ sau khi nữ sỹ Xuân Qùynh mất, có một số người trong giới úp úp mở mở nói về tình yêu của họ với Xuân Quỳnh ngay cả trên báo chí. Cứ đà này, những người ấy khi viết hồi ký hay tự truyện sẽ kể những câu chuyện tình “bí mật” ấy như khoe khoang một chiến tích. Nhưng sự thật lại không phải như thế. Họ là những kẻ bịa chuyện một cách thiếu suy nghĩ hoặc là những kẻ hoang tưởng.

Nhưng có những cuốn hồi ký hay tự truyện mà tác giả của nó viết về những nhân vật mà anh ta hay chị ta quen biết, thậm chí thân thiết với những chi tiết hay những câu chuyện “quá thật”. Nhưng sự thật này lại làm tổn hại đến uy tín của những nhân vật kia và uy tín của chính tác giả. Trong một cuốn hồi ký đã xuất bản ở Việt Nam có viết đến bệnh đồng tính của một nhân vật.

Việc viết về một người bạn bị bệnh đồng tính với những đau khổ, những bất trắc và có thể là nỗi bất hạnh của người đó như một sự chia sẻ là chuyện bình thường. Người đọc sẽ hiểu hơn số phận của nhân vật đó và thông cảm hơn. Nhưng kể một cách chi tiết những hành động đồng tính trên giường của người đó với mình hoặc với một người khác sẽ mang lại cho người đọc điều gì ? Không gì khác ngoài sự phản cảm. Bệnh đồng tính là một sự thật của con người kia và những hành động cụ thể khi ân ái của ông với một người bạn đồng giới cũng là một sự thật. Nhưng khi hai sự thật này cũng xuất hiện thì nó mang đến hai ý nghĩa và hai tác động hoàn toàn trái ngược nhau.

Đây chính là điều mà không chỉ mình tôi mà rất nhiều người đặt vấn đề đối với những sự thật như thế trong một số hồi ký, nhật ký, tự truyện hay những thể loại tương tự đang xuất hiện trong xã hội chúng ta. Mỗi một cá nhân chúng ta từ người vô danh đến một người có quyền lực cao nhất trong thiên hạ đều có những sinh hoạt tâm sinh lý và những bí mật nào đó không cần thiết và không nên nói ra. Chuyện ăn, uống, bài tiết, tình dục…của bất cứ cá nhân nào được nói ra hay viết ra cũng chẳng mang lại cho người đọc ích lợi gì mà chỉ mang lại cho người đọc một cảm giác hay một không khí phi văn hóa. Người viết những chuyện như thế trong hồi ký, tự truyện hay một hình thức tương tự hoặc là nhằm bôi nhọ nhân vật mà họ đề cập hoặc chính họ là những người phi thẩm mỹ.

Nếu ai đó cho rằng người nói ra mọi sự thật là một người dũng cảm và có nhân cách thì đó là một sai lầm trầm trọng. Không ít người chúng ta nhầm lẫn giữa những hành vi tạo nên tính cách của nhân vật và những sinh họat tâm sinh lý thông thường của nhân vật ấy. Chính thế mà không ít nhà văn đã nhầm tưởng những thứ tầm thường là những điều bình thường. Những điều bình thường sinh ra cái đẹp còn những thứ tầm thường thì ngược lại. Việc chọn lựa những vẻ đẹp và những tư tưởng từ cuộc sống để đưa đến cho xã hội chính là những bước làm lên văn hóa./.
 
(Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất