Thứ Ba, 31/12/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 23/10/2009 21:40'(GMT+7)

Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn

Chiều nay (23/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Tiếp đó, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này do Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ ) Đào Trọng Thi trình bày.

Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục

Luật Giáo dục được Quốc hội sửa đổi, ban hành năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006 đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Luật đã tạo được bước tiến quan trọng, tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong hoạt động giáo dục. Sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển và được đầu tư nhiều hơn, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập được tăng cường; quy mô giáo dục, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được mở rộng; trình độ dân trí được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, sau hơn ba năm thi hành, Luật Giáo dục cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ sửa đổi, bổ sung 27 điều khoản của Luật Giáo dục hiện hành.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm làm cho Luật Giáo dục phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cũng để phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên, quản lý tốt hơn hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Cần nghiên cứu thêm các điều khoản sửa đổi, bổ sung

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ nhất trí về cơ bản với các đề nghị và luận cứ trình bày trong Tờ trình của Chính phủ đối với 12 trong tổng số 27 điều khoản được sửa đổi, bổ sung.

Các điều khoản khác, Uỷ ban đã cho ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét như: Về thành lập nhà trường, Uỷ ban cơ bản tán thành tách việc thành lập nhà trường thành hai bước và quy định điều kiện tương ứng cho từng bước như Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Uỷ ban nhận thấy điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục được quy định trong Dự thảo Luật còn chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ. Hơn nữa, giáo dục là lĩnh vực đầu tư có điều kiện, do đó đề nghị nghiên cứu, thiết kế lại điều luật sao cho vừa rõ ràng, chặt chẽ, khả thi, vừa phù hợp với Luật Đầu tư và theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Một vấn đề nữa cũng được được Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ đề nghị Ban soạn thảo Luật xem xét, đó là quy định về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học. Trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này, điểm đ khoản 1 Điều 51 quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường”. Về vấn đề này, đa số các ý kiến trong Uỷ ban không tán thành giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập trường đại học, đặc biệt là đối với các trường đại học trọng điểm quốc gia.

Lý giải cho điều này, Uỷ ban cho rằng, việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, nhất là chủ trương ưu tiên đầu tư tập trung xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực, quốc tế, do đó thẩm quyền này phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Mặt khác, tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua đang làm dư luận xã hội rất lo ngại.

Một trong những vấn đề hết sức quan trọng được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi trong thời gian qua, đó là: việc xây dựng chương trình giáo dục và sách giáo khoa còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận và tin tưởng trong cộng đồng chuyên môn cũng như trong xã hội nói chung; Luật chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ đối với chương trình giáo dục và tiêu chuẩn về sách giáo khoa, quy trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình giáo dục, sách giáo khoa. Do đó, việc bổ sung quy định như Dự thảo Luật là cần thiết, nhưng chưa đủ.

Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ đề nghị quy định ngay trong Luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và sách giáo khoa, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa, về quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cũng như của các Hội đồng thẩm định quốc gia kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia và chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai sót, nhằm khắc phục những bất cập về vấn đề này, trong đó có tình trạng “quá tải” về nội dung chương trình và nhiều sai sót trong sách giáo khoa.     

Bên cạnh việc cho ý kiến vào các điều khoản sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ lần này, Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn đề  như: Về học phí, phí dịch vụ; Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Về bổ sung chế tài trong một số quy định của Luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ được các đại biểu thảo luận ở Tổ và tại Hội trường trước khi Quốc hội xem xét và quyết định.

Cũng trong buổi làm việc chiều nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đồng thời nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về dự án luật này. Quốc hội cũng nghe Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

Ngày mai (24/10), buổi sáng các đại biểu thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Buổi chiều Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông, đồng thời thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo này./.

(Theo VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất