Niềm tự hào về nguồn cội của người Việt khắp năm châu - khi có lẽ trên thế giới chỉ duy nhất đất nước chúng ta gọi nhân dân bằng hai tiếng thân thương “đồng bào” - cũng chính là điểm tựa, là nguồn sức mạnh to lớn cho đồng bào ta ở nước ngoài khẳng định các giá trị văn hóa - con người Việt Nam trên trường quốc tế.
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba".
Từ
bao đời nay, thờ cúng tổ tiên đã trở thành tập tục truyền thống, có vị
trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc, góp phần tạo nên bản
sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - biểu hiện cao nhất
của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên-là kết tinh của văn hóa dân tộc, được
trao truyền và phát huy qua nhiều thế hệ, quy tụ muôn triệu trái tim con
Lạc cháu Hồng khắp năm châu về thành kính dâng hương bái Tổ, tri ân
công đức tiền nhân mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào ngày
mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Bất cứ dân tộc nào, cá nhân nào
đều có nguồn cội và có hình thức để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đối với
nguồn cội của mình. Ở Việt Nam, tất cả mọi người cùng thờ chung Thủy Tổ
Hùng Vương. Với ý nghĩa và giá trị độc đáo của mình, Tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp
Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại
diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn",
tri ân công đức các bậc khai quốc, đã tạo lập và xây dựng nên dân tộc
ta, đất nước ta. Sâu sa hơn, xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương chính là sức mạnh quy tụ sự đoàn kết của đồng bào
ta khắp năm châu đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển
đất nước. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận, vượt qua thời gian, vượt lên trên
các thể chế chính trị, các Vua Hùng được cả nhân dân, lẫn các giai cấp
cầm quyền tôn thờ và xây dựng các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng để thờ
tự.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giữa bộn bề công
việc cấp bách chống thù trong giặc ngoài, củng cố chính quyền non trẻ,
năm 1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ
Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh công nhận ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3
Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức
Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương…
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: "Từ
lòng biết ơn đến tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên, gia đình,
dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần
ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng thờ
một tổ tiên chung của toàn dân tộc: các Vua Hùng". Là người
Việt Nam, dù sinh sống, lao động và học tập ở bất cứ nơi đâu, trong
nước hay ngoài nước, thì vẫn giữ lối sống trọng tình, thờ cúng Tổ tiên
luôn được coi là việc đặc biệt hệ trọng trong đời sống, thể hiện đạo lý
"Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Vua Hùng là tổ
tiên chung của cộng đồng quốc gia, dân tộc và ngày mùng 10/3 âm lịch
hàng năm là ngày Giỗ Tổ chung của đồng bào Việt Nam khắp năm châu. Vào
dịp này, kiều bào ta ở nhiều quốc gia trên thế giới như Czech, Đức, Nga,
Ba Lan, Hungary, Thái Lan, Lào, Nhật, Australia, Mỹ, Canada…, dù quy mô
hay đơn giản, đều tiến hành tổ chức nghi lễ bái vọng các Vua Hùng,
thành tâm hướng về Tổ tiên nguồn cội.
Hàng năm, Ủy ban Nhà nước về
người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao đều tổ chức cho
Đoàn đại biểu kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử
Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) và hỗ trợ cộng đồng NVNONN tổ
chức các hoạt động tri ân công đức các Vua Hùng tại các nước trên thế
giới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai thực
hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 21/8/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết
169 ngày 31/12/2021 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác NVNONN
giai đoạn 2021-2026, góp phần thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa các hoạt
động hỗ trợ NVNONN giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và
truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cùng kiều bào tại Khu Di tích Đền Hùng (Phú Thọ). (Ảnh: Ủy ban NVNONN)
THIẾT THỰC TRI ÂN CÔNG ĐỨC TỔ TIÊN
Để
thiết thực tri ân công đức tổ tiên, thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng
Vương, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, mỗi con
Lạc cháu Hồng dù ở xa Tổ quốc vẫn luôn nghiêm cẩn khắc ghi lời dạy về
tình đất nước, nghĩa đồng bào, đoàn kết một lòng đóng góp công sức, trí
tuệ xây dựng, bảo vệ vững chắc cơ nghiệp tiền nhân đã tạo dựng như lời
Hồ Chủ tịch đã căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Trong
sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng bào
ta ở nước ngoài đã có những đóng góp quý giá cho Tổ quốc. Từ xây dựng cơ
sở, tích cực tham gia phong trào Việt kiều yêu nước hỗ trợ cho cách
mạng trong nước thời kì đầu Cách mạng non trẻ; đến đóng sức người, sức
của, hết lòng ủng hộ cách mạng sau năm 1945; vận động nhân dân và chính
giới các nước, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới
ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam khi đất nước bị chia cắt;
cho đến tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và của cải của mình trở về
nước trực tiếp tham gia xây dựng Tổ quốc khi đất nước đã quy về một
mối..., đồng bào ta ở nước ngoài đã thực sự là một lực lượng to lớn đóng
góp cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Trong sự nghiệp xây
dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài cũng luôn
hòa cùng dòng chảy của khối đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục tham gia đóng
góp thiết thực cho Tổ quốc.
Trong 20 năm qua, cộng đồng NVNONN
ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 2,7 triệu
người năm 2003, hiện đã tăng lên khoảng hơn 5,3 triệu người sinh sống,
học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80%
là các nước phát triển. Đáng chú ý, thành phần cộng đồng ngày càng đa
dạng, trong đó số lượng du học sinh, lao động xuất khẩu, người Việt Nam
kết hôn với người nước ngoài có xu hướng tăng. Địa vị pháp lý, điều kiện
kinh tế, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở
tại ngày càng nâng cao.
Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương,
trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho đất nước. Tính đến
tháng 6/2022, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng
vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của
kiều bào. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những
doanh nhân kiều bào về nước thành lập, điều hành đã góp phần tạo công
ăn việc làm, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế-xã hội.
Năm
2022, lượng kiều hối về Việt Nam gần 19 tỷ USD, đưa tổng lượng kiều hối
từ năm 2003-2022 đạt khoảng 206 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân
thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Việt Nam nằm trong top 3
quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và
thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Nhiều sáng
kiến tập hợp, kết nối chuyên gia, trí thức người Việt tại các địa bàn
đóng góp cho những vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển
khai. Ngoài ra, kiều bào còn đóng góp tích cực vào quá trình vận động
chính quyền các nước ký kết các hiệp định thương mại với Việt Nam, đóng
góp vào việc bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa…
Kiều bào cũng
luôn đồng hành và sẵn sàng ủng hộ trong nước khi đất nước khó khăn.
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, bà con đã quyên góp hơn 80 tỷ đồng tiền
mặt và nhiều vật phẩm y tế trị giá hàng chục triệu USD hỗ trợ công tác
phòng, chống dịch trong nước. Bà con còn phối hợp với các cơ quan đại
diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vaccine, vận động các
nước sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam.
Cứ mỗi
dịp Giỗ Tổ về, lại gợi nhớ cho chúng ta về truyền thuyết bọc trăm trứng
của Quốc Mẫu Âu Cơ, để thêm thấm thía về hai chữ "đồng bào" bắt nguồn từ
huyền thoại đó. Niềm tự hào về nguồn cội của người Việt khắp năm
châu-khi có lẽ trên thế giới chỉ duy nhất đất nước chúng ta gọi nhân dân
bằng hai tiếng thân thương "đồng bào"-cũng chính là điểm tựa, là
nguồn sức mạnh to lớn cho đồng bào ta ở nước ngoài khẳng định các giá
trị văn hóa-con người Việt Nam trên trường quốc tế./.
MAI PHAN DŨNG
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài
(Nguồn: VGP)