Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 2/1/2010 9:3'(GMT+7)

Suy nghĩ về vấn đề giáo dục đạo đức kinh doanh

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thực trạng trong nền kinh tế nước ta hiện nay, đa số các nhà doanh nghiệp đã không ngừng rèn luyện đạo đức kinh doanh lành mạnh, thì vẫn còn một số không ít nhà doanh nghiệp đã chạy theo vụ lợi cá nhân, kinh doanh phi pháp như: buôn lậu, lừa đảo, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém phẩm chất, thậm chí có cả hàng chứa chất độc hại nguy cơ cho tính mạng của người tiêu dùng; đó là chưa kể đến những hành vi gian lận trong cân đong đo đếm, đánh tráo chủng loại bằng những thủ đoạn tinh vi ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đã bị thanh tra phát hiện vừa qua. Những hành vi xấu sa đó đã gây thiệt hại lớn đến lợi ích chung của toàn xã hội và lợi ích của người tiêu dùng. Sự kinh doanh phi pháp đó đã đưa đến hậu quả một số nhà doanh nghiệp phải vào tù hoặc bị đình chỉ kinh doanh, đánh mất chữ tín. Tình trạng phi dạo đức kinh doanh trong một bộ phận không nhỏ nhà doanh nghiệp đã đến lúc báo động. Bài viết này xin đưa ra đôi điều suy nghĩ về xây dựng, giáo dục, rèn luyện đạo đức kinh doanh lành mạnh đối với các nhà doanh nghiệp nước ta.

Một số yêu cầu đòi hỏi về đạo đức kinh doanh lành mạnh (Đạo đức kinh doanh XHCN)

Theo chúng tôi nhà nước cần phải quan tâm giáo dục đồng thời đòi hỏi tất cả các nhà doanh nghiệp cần phải tự xây dựng và rèn luyện đạo đức kinh doanh lành mạnh cho mình. Đạo đức đó thể hiện ở những yêu cầu cơ bản sau đây:

- Một là: Làm giàu cho mình đồng thời làm giàu cho cả đất nước. Con đường xây dựng và phát triển đất nước ta đã được Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra và các Đại hội tiếp theo của Đảng hoàn thiện, đó là xây dựng một xã hội hiện đại - xã hội xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Dù thuộc thành phần kinh tế nào nhà doanh nghiệp cũng đều phải phấn đấu cho mục tiêu chung đó mới có thể tồn tại và phát triển được. Muốn làm giàu theo đúng đạo đức kinh doanh lành mạnh thì phải coi “Hiệu quả kinh tế - xã hội là tiêu chuẩn quan trọng nhất của sự phát triển”[1], phải biết tìm kiếm lợi nhuận hợp lý, không thể chạy theo lợi nhuận tối đa để làm giầu cho mình, gây thiệt hại cho xã hội và người tiêu dùng; cũng không thể sản xuất kinh doanh với bất cứ giá nào, không tính toán hiệu quả để rồi dẫn đến tình trạng thiệt mình và hại cả đất nước. Các nhà tư bản bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, họ lấy việc thu lợi nhuận tối đa làm mục tiêu hàng đầu và trực tiếp, lợi ích vị kỷ của cá nhân họ là điều trước hết.

Trong bộ “Tư bản” Các-Mác đã dẫn lời nhận xét của một nhà kinh tế người Anh ở thế kỷ XIX rằng: “Tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận, hoặc lợi nhuận quá ít, cũng như giới tự nhiên ghê sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm, được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được, được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không có tội ác nào nó không dám phạm dù có nguy cơ treo cổ”[2]. Người chủ doanh nghiệp ở nước ta bỏ vốn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh không thể thuần tuý chạy theo mục đích lợi nhuận tối đa mà trước hết, phải phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh để vừa đem lại lợi ích cho mình vừa đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Đó là chỗ phân biệt khác nhau cơ bản giữa mục đích kinh doanh của nhà tư bản và mục đích kinh doanh của các nhà doanh nghiệp ở nước ta.

Làm giàu cho mình đồng thời làm giàu cho đất nước và phục vụ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng - đó là hai mặt của đạo đức kinh doanh xã hội chủ nghĩa; Một điều nữa đòi hỏi các nhà doanh nghiệp phải biết chia sẻ khó khăn cùng với nhà nước và người tiêu dùng khi nền kinh tế gặp phải khó khăn tạm thời để cùng nhau tìm giải pháp vượt lên phía trước; không vì lợi ích vị kỷ của mình một khi cần thiết tăng giá và được nhà nước cho phép thì thực hiện rất nhanh, thậm chí cả khi chưa được phép cũng làm, khi có điều kiện khách quan nhà nước chỉ đạo hạ giá để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng thì biện bạch lý do trì hoãn thực hiện để thu lợi nhuận cao.

- Hai là: Kinh doanh trong khuôn khổ luật pháp quy định. Nhà doanh nghiệp trước hết phải thực hiện đúng các qui định về kinh doanh do luật pháp nhà nước ban hành. Gây được lòng tin với các cơ quan quản lý, giữ được chữ “tín” với khách hàng chính là đã tạo ra điều kiện tốt cho xí nghiệp của mình phát triển đi lên. Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO, và khi tệ nạn buôn lậu, trốn thuế, làm ăn gian lận, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng chứa cả chất độc đang có chiều hướng gia tăng gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước và lợi ích người tiêu dùng, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng, đòi hỏi chủ các doanh nghiệp cũng như người tham gia quản lý doanh nghiệp trước hết không được để cho xí nghiệp của mình phạm những tệ nạn nói trên, đồng thời còn phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giữa cái thiện cái ác trong kinh doanh nhằm xóa bỏ những tệ nạn ấy. Đó cũng là một điểm rất quan trọng thuộc về đạo đức kinh doanh của nhà doanh nghiệp ở nước ta.

- Ba là: Thực hiện đúng luật cạnh tranh, tham gia cạnh tranh lành mạnh, không hại người để lợi riêng mình. Cạnh tranh là một quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Đảng và Nhà nước ta không chủ trương xóa bỏ cạnh tranh mà chấp nhận có cạnh tranh để biến nó thành một động lực thúc đẩy sản xuất hàng hoá và thị trường phát triển, phục vụ nhu cầu và lợi ích xã hội. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII chỉ rõ: “Mọi đơn vị kinh tế không phân biệt quan hệ sở hữu đều hoạt động theo quy chế tự chủ kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh với nhau”[3]. Nhà nước “tạo môi trường và điều kiện cho cạnh tranh hợp pháp”[4] được thực hiện để thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đại hội X của Đảng vẫn tiếp tục khẳng định: "Nhà nước kiểm soát chặt chẽ độc quyền và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường"[5]. Các nhà doanh nghiệp ở nước ta hiện nay phải chấp nhận sự cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh với các đối thủ của mình ở cả thị trường trong nước và thị trường ngoài nước, đặc biệt là ở thị trường thuộc tổ chức WTO bằng những biện pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và lưu thông, nâng cao khả năng tiếp thị để giành được ưu thế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng ảnh hưởng của mình trên thị trường. Từ đó thúc đẩy bản thân mình và đối thủ của mình cùng tiến lên trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cao hơn. Tuyệt đối không được sử dụng độc quyền và các biện pháp phi kinh tế, những thủ đoạn lừa đảo để gạt bỏ nhau. Cạnh tranh lành mạnh là biểu hiện bản chất trong sáng của đạo đức kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

- Bốn là: Bình đẳng về xã hội và sòng phẳng, minh bạch về quan hệ lợi ích kinh tế với người lao động. Trong xã hội tư bản, quan hệ giữa nhà tư bản với những người công nhân làm thuê là quan hệ giữa chủ và thợ, quan hệ giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột, ở đây không có sự bình đẳng về xã hội và sòng phẳng về quan hệ lợi ích giữa nhà tư bản với người lao động. Trong nền kinh tế nước ta hiện nay, quan hệ giữa nhà doanh nghiệp với những người lao động là mối quan hệ bình đẳng xã hội và công bằng về lợi ích, thực hiện theo luật lao động của Nhà nước, để cùng cộng tác làm ra của cải vật chất, đem lại lợi ích cho nhau và cho cả xã hội. Đương nhiên, về thu nhập thì không nhất thiết ngang bằng nhau mà tuỳ thuộc vào công sức đóng góp, tuỳ thuộc vào số vốn liếng bỏ vào kinh doanh. Có thể chủ doanh nghiệp có thu nhập cao hơn nhiều so với người lao động ở trong xí nghiệp của anh ta, nếu như vốn liếng do anh ta bỏ ra và lao động của anh ta mang lại giá trị lớn cho xí nghiệp. Bình đẳng và sòng phẳng ở đây là bình đẳng về xã hội và công bằng về sự phân phối lợi ích kinh tế dựa trên cơ sở lao động và vốn liếng đóng góp, công khai và minh bạch.

- Năm là: Trung thực đối với các bạn hàng, với người tiêu dùng, giữ chữ “tín” trong kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường, làm ăn trung thực với bạn hàng và giữ được chữ “tín” với người tiêu dùng đó là cái “chìa khoá” quan trọng để các nhà doanh nghiệp mở rộng được quan hệ với khách hàng và thu hút được đông đảo người tiêu dùng về phía mình. Vì vậy, đạo đức kinh doanh của nhà doanh nghiệp không thể thiếu mặt này. Một nhà doanh nghiệp có thể nhanh chóng bị phá sản nếu anh ta đánh mất chữ “tín” trong kinh doanh.

- Sáu là: Phấn đấu đưa xí nghiệp của mình phát triển đi theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các xí nghiệp ở nước ta hiện nay dù thuộc thành phần kinh tế nào cũng đều là những tế bào kinh tế nằm trong chỉnh thể thống nhất của nền kinh tế quốc dân. Con đường đưa nền kinh tế nước ta tiến lên văn minh, hiện đại là con đường phát triển đi theo định hướng XHCN, không thể có con đường nào khác. Vì vậy, phấn đấu đưa xí nghiệp phát triển đi theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là mục tiêu riêng với từng doanh nghiệp mà còn là sự đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung của cả đất nước.

- Bẩy là: Từng nhà doanh nghiệp phải thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao năng lực tổ chức quản lý kinh doanh và chấp hành đúng luật pháp. Nhà nước phải quan tâm việc giáo dục đạo đức kinh doanh cho các nhà doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp như: Mở lớp đào tạo bồi dưỡng, nêu gương người tốt việc tốt, kiểm tra giám sát và có hình thức kỷ luật thích đáng với nhà doanh nghiệp không thực hiện đúng luật pháp trong kinh doanh. Ở nước ta hiện nay, trong đội ngũ các nhà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, không phải tất cả đều đã có đạo đức kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Vì vậy việc giáo dục và tự rèn luyện đạo đức kinh doanh lành mạnh - đạo đức kinh doanh xã hội chủ nghĩa với các nhà doanh nghiệp là cần thiết, phải làm một cách có kế hoạch, bài bản và thường xuyên.

PGS.TS Cao Duy Hạ (Học viện CTHCQG Hồ Chí Minh)
__________________________

[1] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII (Chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2000), Nxb ST. H.1991, tr.9.

2 Tư bản, Q1, Tập 1, P2, Nxb ST, H.1984, tr.35.

3 Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII (Chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2000), Nxb ST, H.1991, tr.8.

4 Sdđ, tr.24.

5 Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2006, tr. 202.



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất