Ban Tuyên giáo Trung ương được hình thành trên cơ sở Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương. Theo Quyết định 80 ngày 28-8-2007 của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương có chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; về quan điểm, chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và một số lĩnh vực xã hội khác…
Trong điều kiện lực lượng cán bộ còn thiếu, nhất là cán bộ chủ chốt; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiệm vụ ngày càng nhiều và phức tạp, hơn hai năm vừa qua, tập thể cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Trung ương luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương, đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Một trong những kết quả nổi bật của Ban là đã phối hợp khá tốt với các cơ quan liên quan triển khai các công việc cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản.
Cụ thể: nhằm giải quyết những vấn đề cần thiết của đời sống báo chí trong bối cảnh, tình hình mới, Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương trước đây (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), đã phối hợp với các cơ quan đảng, nhà nước, nhất là với Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)), kịp thời tham mưu, đề xuất để Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản, chỉ thị quan trọng về lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí: Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) Về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo chí, xuất bản; Chỉ thị 52 của Ban Bí thư (khoá IX) Về phát triển và quản lý báo điện tử; Thông báo kết luận 162-TB/TW, ngày 1-12-2004 của Bộ Chính trị (khoá IX) và Thông báo số 41-TB/TW, ngày 11-10-2006 về Kết luận của Bộ Chính trị (khoá X) Về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí; Quyết định số 75-QĐ/TW, ngày 21-8-2007 của Bộ Chính trị (khoá X) về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí.
Trong năm 2008, cũng với tinh thần trên, Ban đã phối hợp với Bộ (TT&TT) tham mưu cho Ban Bí thư (khoá X) ra Quyết định số 155-QĐ/TW, ngày 23-4-2008 ban hành Quy chế về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Ban Cán sự đảng Bộ TT&TT, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; Quyết định số 157-QĐ/TW, ngày 29-4-2008 ban hành Quy định về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí; và đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5 đã ra nghị quyết riêng Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.
Các chỉ thị, quyết định, quy định và nghị quyết của Đảng nói trên là sự tiếp nối một cách nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với báo chí: báo chí là một bộ phận của công tác tư tưởng, văn hoá; sự lãnh đạo và quản lý của Đảng, Nhà nước đối với báo chí là vấn đề có tính nguyên tắc nhằm giải quyết và đáp ứng những vấn đề quan trọng của thực tiễn vận động, phát triển của báo chí; tạo điều kiện cho báo chí phát triển và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, nhân dân giao phó, góp phần vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” .
Những văn bản quan trọng nêu trên đã phân định rõ trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí; đồng thời, là cơ sở chính trị để các cơ quan chức năng thể chế hoá thành các chế tài, qui định có tính pháp lý, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công tác quan trọng này một cách thống nhất, có hiệu quả từ trung ương tới địa phương.
Với chức năng của mình, hệ thống tuyên giáo cả nước, từ trung ương đến các địa phương, không chỉ tuyên truyền, quán triệt để mọi cấp, mọi ngành thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về báo chí, mà còn thể hiện sự tích cực, gương mẫu trong quá trình quán triệt, tổ chức và đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc tinh thần, nội dung chỉ đạo của các văn bản đó qua một số công việc sau:
- Phối hợp với Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hoạt động giao ban báo chí hằng tuần tại Hà Nội và Tp.HCM cho các các cơ quan báo chí trung ương và một số cơ quan báo chí địa phương có văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.HCM. Công tác giao ban báo chí về cơ bản đạt chất lượng, hiệu quả cao nhờ nội dung thiết thực trong công tác tuyên truyền, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, như: vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc, dân chủ và nhân quyền; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; quan hệ đối ngoại và nhiều vấn đề, nội dung quan trọng khác. Đặc biệt, với sự nỗ lực của các bên liên quan, thời gian qua, công tác giao ban báo chí có một số đổi mới theo hướng chú trọng cung cấp thông tin nhanh, đầy đủ; khắc phục sự trùng lắp, tăng cường đối thoại một cách dân chủ, thẳng thắn giữa cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và cơ quan báo chí… đã được lãnh đạo các cơ quan báo chí đồng tình, ủng hộ.
Trên cơ sở nội dung chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo, quản lý Trung ương và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của mình, các ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành cũng duy trì và tổ chức khá tốt công tác giao ban báo chí, góp phần quan trọng vào việc tạo nên sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa báo chí trung ương và báo chí địa phương; báo chí các ngành, đoàn thể trong cả nước.
- Phối hợp trong công tác kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung hoạt động và công tác quản lý đội ngũ cán bộ đối với các cơ quan báo chí theo phân cấp: Ban đã thường xuyên phối hợp với Bộ TT&TT trong việc thẩm định, cho ý kiến vào các đề án đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cơ quan báo chí; thẩm định đối với công tác kiện toàn bộ máy, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí theo đúng chức năng được quy định trong Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư.
- Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã chủ động phối hợp, trao đổi để có sự thống nhất với Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT trong việc xử lý những những tình huống bất thường diễn ra trong đời sống báo chí và những công việc đột xuất theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác chỉ đạo, quản lý các hoạt động của báo chí.
- Trong năm vừa qua, thực hiện Chương trình số 67-KT/TW, ngày 3-1-2008 của Bộ Chính trị về kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí đối với ba nội dung: thực hiện tôn chỉ mục đích, quản lý tài chính và công tác cán bộ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trưởng ban, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT và một số cơ quan trung ương khác đã kiểm tra hơn 30 cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Kết quả đợt kiểm tra đã được báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Báo cáo đã cung cấp những thông tin khá toàn diện, khách quan góp phần giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí nhìn nhận chuẩn xác hơn về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, công tác cán bộ, công tác tài chính cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác trong hoạt động báo chí. Trên cơ sở đó, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí xem xét để có những điều chỉnh cần thiết về chủ trương, chính sách, chế tài pháp luật phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ nhiệm vụ chính trị của báo chí trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Bên cạnh những ưu điểm là cơ bản nêu trên, sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí cũng còn một số hạn chế, bất cập, cần quan tâm và sớm có giải pháp khắc phục.
- Chưa thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Thông báo kết luận 41-TB/TW về phân công, phân nhiệm cũng như cơ chế phối hợp giữa Ban, Bộ, Hội, cấp uỷ đảng, cơ quan chủ quản… trong công tác lãnh đạo, quản lý báo. Điều đó dẫn đến tình trạng còn chậm trễ trong xử lý, chỉ đạo, định hướng thông tin; khó khăn trong việc xác định và xử lý trách nhiệm các trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm kỷ luật; một số cơ quan chủ quản chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách (như qui định Điều 12 Luật Báo chí).
- Trong công tác cán bộ, cả Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT, đôi khi chưa thực hiện nghiêm túc các qui định theo nội dung Quyết định 75-QĐ/TW, ngày 21-8-2007 của Ban Bí thư về ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, dẫn đến bổ nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn như trong Quy chế đã xác định.
- Giao ban báo chí vẫn còn trùng lặp về nội dung giữa các cơ quan tham mưu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT. Việc đánh giá, nhận xét chất lượng, hiệu quả tuyên truyền của báo chí chưa thực sự sắc sảo, đôi khi cảm tính, thiếu sức thuyết phục. Công tác dự báo, xử lý và định hướng thông tin các tình huống, vấn đề nhạy cảm, phức tạp còn chậm trễ, nhiều khi lúng túng, chạy theo vụ việc, thiếu tầm bao quát tổng thể v.v... nên chưa phát huy được ưu thế của báo chí - lực lượng xung kích trên mặt trận công tác tư tưởng, đi trước một bước để tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội trong quá trình triển khai những nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương.
- Hệ thống tuyên giáo, các cơ quan ngành dọc Bộ TT&TT và các cấp hội nhà báo từ Trung ương tới địa phương chưa phối hợp, động viên phát huy hết vai trò quản lý hội viên của Hội trong công tác quản lý đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí.
- Trong năm 2008 vừa qua, số lượt xử lý sai phạm khá cao: cảnh cáo 6 cơ quan báo chí; nhắc nhở, phê bình 252 trường hợp; thu thẻ nhà báo 15 phóng viên; một số nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí bị truy tố; số cơ quan báo chí phải xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền khá nhiều với số tiền phạt lên tới 561 triệu đồng…
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những hậu quả trên mà các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và các nhà báo đã nghiêm khắc kiểm điểm, còn có nguyên nhân thuộc các cơ quan lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí rất cần được chúng ta nghiêm túc nhìn nhận:
- Các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí chưa thực sự làm tốt việc dự báo, phân tích các tình huống, do vậy có lúc còn lúng túng, thiếu nhạy cảm, sắc bén trong chỉ đạo, định hướng. Nhiều cơ quan chủ quản và lãnh đạo các cơ quan báo chí không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm trong việc quản lý cơ quan báo chí, đội ngũ cán bộ, phóng viên thuộc phạm vi phụ trách như qui định của các điều 12, 13 Luật Báo chí, nhưng chưa được kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời. Việc xử lý một số trường hợp cán bộ, phóng viên và cơ quan báo chí có thiếu sót, khuyết điểm chưa thực sự kiên quyết. Công tác thanh tra, kiểm tra không được duy trì thường xuyên.
- Cơ quan quản lý nhà nước các cấp không chủ động phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí trong việc cung cấp thông tin để kịp thời có nội dung định hướng cho báo chí tuyên truyền về những dự án, những đề án, chủ trương, chính sách liên quan đến đời sống kinh tế, chính trị xã hội, quốc phòng, an ninh… qua đó góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và xã hội đối với quá trình triển khai những nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước... Về điều này, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những bài học trong quá trình chỉ đạo, định hướng thông tin một số vụ việc cụ thể, như: vụ PMU 18; việc triển khai thí điểm Dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên; tuyên truyền về hội thảo “Chúa Nguyễn và các vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam”; chủ trương hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo dịp Tết nguyên đán Kỷ Sửu… Nếu tất cả đều được phối hợp tốt ngay từ đầu, chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những khuyết điểm không đáng có trong hoạt động báo chí như vừa qua.
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên, cùng với những giải pháp quan trọng đã và đang được triển khai, ngày 27-4-2009, Ban Bí thư đã ra Quyết định số 221-QĐ/TW ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Có thể khẳng định, việc ban hành quy chế nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường nhận thức của các cơ quan tuyên giáo, cơ quan nhà nước về sự phối hợp giữa hai bên; nâng cao một bước chất lượng hiệu quả công việc này trong bối cảnh, điều kiện mới; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý và cơ quan báo chí thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan quá trình triển khai các nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội; trên cơ sở đó, kịp thời định hướng tuyên truyền và tuyên truyền một cách tốt nhất, góp phần cùng cả nước hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những thành tựu to lớn, toàn diện. Trong bối cảnh tình hình mới với những thuận lợi và thách thức đan xen nhau, tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, Đảng ta xác định: “Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị; trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế”(1).
Nhiệm vụ to lớn và nặng nề trên đòi hỏi sự nỗ lực tham gia của tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị, trong đó không thể thiếu được sự đóng góp của hệ thống báo chí nước nhà. Chúng ta tin tưởng rằng, trên cơ sở nhận thức sâu sắc quan điểm đúng đắn: công tác lãnh đạo và quản lý đối với báo chí nhằm mục đích tạo điều kiện cho báo chí phát triển, hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó./.
TS. Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên TW Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW
—————————
(1) Thông báo Kết luận số 239-TB/TW ngày 10-4-2009 của Bộ Chính trị.