Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 27/2/2011 13:24'(GMT+7)

Tạo năng lực nội sinh cho văn hoá Việt

Hát sắc bùa cải biên, một nghệ thuật độc đáo tại Quảng Ngãi. (Ảnh chụp tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa-một lễ hội đặc sắc tại Nam Trung Bộ).

Hát sắc bùa cải biên, một nghệ thuật độc đáo tại Quảng Ngãi. (Ảnh chụp tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa-một lễ hội đặc sắc tại Nam Trung Bộ).

Hiểu thế nào cho đúng?

"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" là một phong trào rất lớn, nếu được thực hiện tốt, có tác dụng thay đổi bộ mặt toàn xã hội.

Chính vì phong trào lớn như vậy nên đôi khi cách nhìn nhận của người dân, và thậm chí là nhận thức của những người thực hiện phong trào ở cấp cơ sở, đôi khi còn chủ quan phiến diện, chưa đánh giá đúng, dẫn đến tình trạng “thầy bói xem voi”. Trong phương pháp thực hiện cũng bị nhầm lẫn giữa tiểu tiết và đại cuộc. Chính những nhận thức này đã gây ra những nghi ngờ về tính tốt đẹp của một chủ trương lớn.

Vậy nên hiểu về phong trào thế nào cho đúng? Phong trào là bước “hiện thực hóa” mục tiêu lớn “xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Nói nôm na, dễ hiểu thì văn hóa nước mình do cha ông để lại, cái gì tốt đẹp thì mình giữ, cái xấu thì loại bỏ đi. Và trong thời kỳ hội nhập này, khi tiếp xúc giao lưu với văn hóa thế giới, mình biết “gạn đục, khơi trong” để văn hóa mình vẫn giữ được mà cũng theo kịp xu thế phát triển của thời đại.

Và để hiện thực hóa “mục tiêu lớn” không phải chỉ cứ hô hào, nói chung chung mà cần có những chỉ tiêu để chuẩn hóa và lượng hóa. Có lượng hóa mới đánh giá được phong trào, có chuẩn hóa mới biết cái nào đẹp cái nào xấu. Đơn cử như “mục tiêu” xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Mục tiêu này phải đem những “thiết chế văn hóa” ra để áp dụng vào làm chuẩn, đó là những công trình văn hóa; là những phong tục tập quán tốt đẹp; là đời sống kinh tế ổn định; đời sống vật chất tinh thần được nâng cao. Và cụ thể hơn, thiết chế văn hóa buộc những thôn, xóm, làng, xã phải có nhà văn hóa, phải có sân chơi, phải có phong trào văn nghệ thể thao lành mạnh. Đó là cơ sở vật chất để người dân “gạn đục, khơi trong” văn hóa địa phương mình vậy.

Những chuyện cũ ấy vẫn phải nhắc lại, để minh chứng rằng cách hiểu sai, cách làm không đúng sẽ là phản phong trào, phản tác dụng, mất lòng tin. Chẳng hạn, chuyện gắn biển gia đình văn hóa trước cửa mỗi gia đình ở quận Hà Đông. Làm như vậy là thấy đầu, thấy ngọn mà không thấy cội rễ.

Chỉ tiêu và thực tế

Đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đánh giá: Chỉ tiêu giai đoạn mới có cơ sở thực tế để thực hiện. Tại sao? Vì ngoài tiêu chí chung của Trung ương làm cơ sở để phấn đấu thì địa phương có thể căn cứ tình hình thực tế của địa phương mình mà xây dựng tiêu chí cụ thể. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở vật chất cho địa phương cũng được nhà nước ưu tiên. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Theo đó, việc xây dựng nhà văn hóa xã được Nhà nước bao cấp 100%; nhà văn hóa thôn, ấp được hỗ trợ một phần kinh phí. Tuy vậy, thôn ấp cũng có điểm rất hay, nhà văn hóa có thể đặt cùng với trụ sở thôn. Đây chính là cơ sở vật chất giúp các cấp thực hiện tiêu chí của Ban Chỉ đạo trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đề ra cho giai đoạn 2011- 2015.

Căn bệnh "thành tích" chính là kẻ thù của mọi phong trào. Trong 10 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" vừa qua, có không ít nơi vì thành tích mà làm cho Ban Chỉ đạo phong trào “đánh giá nhầm”, “công nhận nhầm”. Tôi đã đến tổ dân phố 55 phường Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội), gặp tổ trưởng tổ dân phố là bác Phạm Văn Ân. Bác kể lại những tắc trách của cán bộ Ban Chỉ đạo phong trào cấp phường đã làm trong việc đánh giá hộ nghèo, hộ đói. Có cán bộ Ban Chỉ đạo từng nói một câu “xanh rờn” rằng: “Đưa lên thì dễ, mà đưa xuống thì khó”. Lạ chưa? Người ta đói, người ta nghèo thì mình ghi nhận, báo cáo, chứ đâu phải là chuyện đưa xuống, đưa lên. Nhận thức đó là không đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Và cuối cùng làm cho phong trào mất đi hiệu quả. Để phong trào hiệu quả lâu bền rất cần trung thực và mạnh mẽ. Việc này, phải kể đến thái độ kiên quyết rất đáng hoan nghênh của Cà Mau đã rút danh hiệu Gia đình văn hóa của 911 gia đình được công nhận trong các năm 2006, 2007, 2008.

Trong hội nghị tổng kết 10 năm phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các đại biểu cho rằng người dân mình tốt, thực hiện phong trào vì tình người, không phải vì danh hiệu. Nhiều người từng rất khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của xóm giềng, địa phương, nay khá giả, lại chuyên đi giúp đỡ người khác. Như trường hợp của thương binh nặng hạng 1/4 Nguyễn Văn Ni (ở Ấp 3, xã Phú Ninh, Tam Nông, Đồng Tháp), lần này ra Hà Nội là lần thứ hai. Đã có thời gia đình rất khó khăn, ông Ni mất sức lao động 82%, nuôi 6 con ăn học, nếu không có sự giúp đỡ của đoàn thể, chính quyền và nhân dân địa phương, thì chắc hẳn 4 người con đầu của ông khó học hết đại học. Hiện nay ông Ni đã có của ăn của để, giúp đỡ lại bà con chòm xóm, nhiều người mang ơn ông.

Một trường hợp khác, chị Hà Thị Chuyện (dân tộc Tày), là bí thư chi bộ thôn Trung, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Chị Chuyện đã góp phần giúp thôn bỏ được nhiều hủ tục và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc mình. Cụ thể nhất là chuyện tang ma, cưới hỏi. Trước, bà con ta ăn uống dềnh dàng, tốn kém giờ đã biết tiết kiệm, giảm bớt những tục lệ phiền hà. Rồi nữa, ở thôn Trung, bà con đã biết học nghề dệt truyền thống, làm thổ cẩm bán cho khách du lịch. Thôn nhiều hộ giàu, không có hộ đói nghèo, được công nhận thôn văn hóa.

Có thể thấy, qua những bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Ban Chỉ đạo trung ương đã đề ra được những chỉ tiêu sát với tình hình thực tế. Điểm nhấn của giai đoạn mới này là những chỉ tiêu khá cụ thể, dễ nhìn, dễ ghi nhận và dễ đánh giá. Phong trào chú trọng xây dựng gia đình văn hóa trên tinh thần tự nguyện, tự giác của các gia đình. Hy vọng với những chủ trương đúng đắn, phong trào sẽ thành công hơn nữa./.

Tổng kết 10 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa:

- Đã có 1.252.909 gương người tốt, việc tốt (ở ba cấp xã, huyện, tỉnh); 16.026.599 hộ gia đình văn hóa; 58.284 làng văn hóa, tổ văn hóa.

- 51.628 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao.

- Phong trào học tập sáng tạo có tổng số 11.588.861 lượt người tham gia. Và đã có 251.020 sáng kiến được áp dụng.

Chỉ tiêu giai đoạn mới:

70% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 60% làng bản, thôn ấp, khu dân cư, đạt “làng văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa”; 70% đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 10% đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 30% người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.


(Theo: Lê Đông Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất