Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 26/2/2011 10:54'(GMT+7)

Xây dựng nhân cách văn hoá vì lợi ích cộng đồng

1. Cấu trúc nhân cách qua một số kiến giảiTheo định nghĩa thông thường nhân cách tức là tư cách và phẩm chất của một con người. Người ta thường nói: giữ gìn nhân cách trong sạch; tôn trọng nhân cách của một hiền nhân; con người ấy có tài nhưng thiếu nhân cách v.v… Nhân cách là khái niệm thuộc ngành khoa học nhân chủng học (anthropology).

Cấu trúc Người nói chung, cấu trúc nhân cách nói riêng bao gồm nhiều thành tố: tinh thần và vật chất, tâm linh và thể xác, đạo lý và sinh thể, lý tưởng và hiện thực, động cơ và hành vi…Nhân cách là một giá trị thuộc phạm trù văn hóa đạo đức - thẩm mỹ, nên mới có nhân cách văn hóa. Ở mỗi nước, do đặc thù lịch sử, địa lý, tâm lý, tâm hồn, đạo đức, kinh tế, văn hóa v.v… nên giá trị nhân cách được mô hình hóa khác nhau.

Ở nước ta mô hình này là: Chân, Thiện, Mỹ. Ở Nhật Bản, theo giáo sư T.Makiguchi trong cuốn Giáo dục về sự sáng tạo coi giá trị nhân cách được mô phỏng theo hình trụ, mà đỉnh là đạo đức; đáy là thẩm mỹ; còn ở giữa là lôgích. Từ đó theo ông thang giá trị của nhân cách được công thức hóa: Thiện (đạo đức); Ích (kinh tế); Đẹp (thẩm mỹ).

Trong tự nhiên cũng như trong xã hội, ba phạm trù này tác động lẫn nhau, quan hệ hữu cơ với nhau. Cái gì đã đẹp đều có ích và đều tác động đến đạo đức của con người và ngược lại.Nhân cách, nhân cách văn hóa mới xuất hiện không lâu, khi môn tâm lý học phát triển ở một giai đoạn cởi mở với nhiều phát kiến, nhưng khái niệm tương ứng: cá nhân như một nhân vị đã có từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, được coi là giá trị cao nhất. Tính nhân vị của cá nhân không đối lập với tính cộng đồng, trái lại bổ sung, đa dạng hóa tri quyển xã hội (noosphère) tức là môi trường văn hóa hay là “thiên nhiên thứ hai” như thuật ngữ của M.Gorki.

Ở Mỹ, người ta coi: văn hóa cá nhân (tương đương với nhân cách); tín điều Kinh Thánh; và ý thức công dân của chế độ cộng hòa là ba yếu tố tạo nên văn hóa Mỹ. Cá nhân chỉ có thể tự do khi gắn bó với đồng loại, không thể có cá nhân tự nó, mà chỉ có cá nhân trong xã hội. Tự do tuyệt đối trong sáng tạo, nhất là sáng tạo nghệ thuật; tự do vô chính phủ, bất chấp luật lệ, những hành vi thách thức và chống đối người thi hành công vụ v.v… chỉ dẫn đến sự băng hoại nhân cách. Trong tác phẩm Những thư từ triết học, Voltaire (1694 - 1778) coi văn hóa nhân cách, tự do, dân chủ là trung tâm của mọi hành vi chính trị. Nhân cách văn hóa có được ở mỗi người không phải là trình độ học vấn mà là giá trị, ý nghĩa hành vi tự chịu trách nhiệm của mình đối với xã hội, tức là người đó phải có kiến thức cần có, chứ không phải là kiến thức đang tồn tại trong đời sống.Nhân cách là một yếu tố của đạo đức - tâm lý nói riêng và lối sống văn hóa nói chung, nhưng đến lượt mình nó có quan hệ ứng xử đối với thiên nhiên, đối với xã hội và đối với bản thân mình. Đại văn hào Nga, F.Đôtstôiepski có lần nói rằng, con người là một bí ẩn. Điều đó có nhiều phần đúng, vì thế giới Người như một tảng băng chìm cần được nhiều ngành khoa học hiện đại khảo sát như loại hình học, các hoạt động thần kinh cao cấp, di truyền học, sinh lý học, thân thể học, điều khiển học. Khi khảo sát một con người đòi hỏi đối tượng không chỉ là con người xã hội, mà còn là con người sinh học, con người tâm lý, con người tâm linh v.v… Nghiên cứu con người, nhân cách văn hóa con người là một đối tượng giàu tiềm năng và triển vọng.Ở nước ta, người nói sớm nhất về nhân cách là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu trong Tuyên ngôn của Liên hiệp thuộc địa, Người đề xướng phẩm giá con người, trong Lời kêu gọi ở báo Người cùng khổ, Người đưa lên mục tiêu sự giải phóng con người, thì trong Di chúc (1969) chúng ta đọc: “… đầu tiên là công việc đối với con người”. Giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa là con người. Sự hoàn thiện nhân cách con người là chiến thắng lớn nhất của văn hóa. Có lần, một nhà báo Pháp, ông G. Môngtarông đã viết rằng: “Cụ Hồ Chí Minh là một chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói, thèm khát một cuộc sống cho ra người… Cụ dạy rằng, cuộc chiến đấu vì nhân phẩm và tự do phải đặt lên trên mọi cuộc chiến đấu khác”.

2. Nhân cách con người Việt Nam thời nay

Từ khi xã hội phân chia thành giai cấp, nhân cách con người nước nào cũng chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố: địa lý, khí hậu, lịch sử, chế độ chính trị, phương thức sản xuất, tâm sinh lý.

Con người Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt đẹp, tích cực (nhờ tiếp thu những giá trị truyền thống, vừa được rèn đúc trong trường kỳ dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước); nhưng vẫn tồn tại những lề thói xấu, những hiện tượng tiêu cực. Rõ rệt nhất là nhân cách của một bộ phận dân chúng ở nơi công cộng, ở công việc chung của xã hội, nên mới có câu: “Cha chung không ai khóc” để chỉ mặt những hành vi vô trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng.

Có thể khái quát một số nét chính như sau:

- Tinh thần yêu nước rất cao, bản sắc dân tộc rất sâu sắc và bền vững, có tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, nghĩa đồng bào, tình thương người. Ví dụ, trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi người vì mọi người, tất cả cho tiền tuyến, mỗi người làm việc bằng hai là những khẩu hiệu sống động vẫy gọi nhân cách từng người: thanh niên ra trận như đi vào ngày hội; phụ nữ lao động ở hậu phương với tinh thần “ba đảm đang”; đồng bào ở ven đường chiến lược không tiếc nhà cửa, ruộng vườn khi đường ra mặt trận xe chưa có đường đi v.v… Cắt nghĩa vì sao? Vì họ sống có lý tưởng, có mục đích. Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, thống nhất đất nước. Lý tưởng đó là ngọn đèn soi sáng những hành vi nhân cách. Nhưng khi thời thế thay đổi, nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khi chủ nghĩa cá nhân ở một bộ phận xã hội phát triển, óc tư hữu, tiểu nông, thói ích kỷ, tâm lý đố kỵ, cào bằng trỗi dậy thay thế cho những nhân cách tốt đẹp vốn có.

-Tính cộng đồng cao (nhất là trong bối cảnh phải đối phó với giặc ngoài) ý thức đồng thuận lớn, nhưng dễ rơi vào óc địa phương chủ nghĩa, tư tưởng bè phái, coi thường ý thức cá nhân (ví dụ như những hành vi hỗn loạn, phi luân trong khi tham gia giao thông); thích dựa dẫm vào người khác, đổ trách nhiệm cho cấp trên hoặc các đồng sự, còn mình thì vô can. - Có ý thức dân chủ, bình đẳng, nhưng nặng đầu óc gia trưởng, tranh chấp phe giáp, dòng tộc v.v…

- Tính cần cù, cường độ lao động lớn, sức chịu dẻo dai, nhưng dễ thất vọng, thích phô trương, chuộng bề nổi, chạy theo tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”.

- Người Việt Nam thông minh, nhưng dường như mới ở từng cá nhân, chưa đến độ thông minh cộng đồng. Trí tuệ tập thể của hãng Sam Sung (Hàn Quốc) đã từng đứng đầu về sản xuất màn hình máy tính, lò vi ba, thứ hai về tivi màn hình phẳng, doanh số khoảng 34 tỷ USD chỉ bằng một nửa doanh số của hãng Sony, nhưng lãi cao gấp 6 lần. Ở đây có số kỹ sư 17.000 / 75.000 công nhân là tỷ lệ vàng. Đó là 17.000 bộ óc sáng tạo - đối thủ đáng gờm của Panasonic, Sony, IBM. Ngoài ra còn sản xuất tủ lạnh - tivi, tủ lạnh truy cập Internet, màn hình màu điện thoại di động.

- Về mặt nào đó, từ đây người Việt Nam có tư duy sáng tạo ít hơn tư duy thích ứng, thói quen bắt chước rất nhanh với động cơ thực dụng và tính vụ lợi kiểm soát.Có một thời, khi nói đến mặt trái, mặt phản diện của tính dân tộc, người ta thường ngại và dễ bị qui chụp, hoặc lấy cớ là địch lợi dụng để xuyên tạc bản chất tốt đẹp, nhân cách văn hóa của người Việt Nam. Thật ra, tính mâu thuẫn biện chứng trong tính cách của bất cứ dân tộc nào cũng đều có hai mặt: chúng đấu tranh và loại bỏ lẫn nhau và thường mặt tích cực, điều thiện thắng mặt tiêu cực, cái ác. Lùi lại lịch sử, chúng ta biết Mác và Ăngghen hơn một lần viết về những mặt phản diện của tính cách dân tộc Đức. Ăngghen viết: “…thói philixtanh là nguyên nhân chủ yếu của tinh thần yếu đuối, bạc nhược và thiếu bản lĩnh của dân tộc Đức. Nó thường ngự trị trên ngai vàng cũng như ở các túp lều của người thợ giày”. Còn V.I. Lênin thì nói đến thói Ôblômốp là điển hình của cuộc sống Nga sau cách mạng, trong chế độ Xô Viết: “… đã có điển hình như thế về cuộc sống Nga là Ôblômốp, hắn ta nằm trên giường và vạch kế hoạch… những anh hùng Ôblômốp vẫn còn đấy, không chỉ là địa chủ mà còn ở nông dân, không chỉ ở nông dân mà còn ở trí thức, ở công nhân và người cộng sản nữa”. Các nhà văn lớn như M. Gorki, Lỗ Tấn cũng đã thấy được nhiều điển hình tiêu cực của tính dân tộc như thói Caramadốp trong tính cách Nga, thói A.Q trong tính cách Trung Hoa.

3. Xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện đạiQuốc gia nào phát triển cũng xây dựng nguồn nhân lực và dựa vào ba loại vốn: vốn cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, bất động sản), vốn tự nhiên (rừng, biển, hầm mỏ v.v…) và vốn người (bao gồm kỹ năng lao động, tri thức công nghệ, phần mềm máy tính).
 
Trong ba loại vốn đó, thì vốn người là quan trọng nhất. Nước Nhật tài nguyên nghèo, nhưng họ có vốn người rất giàu có, nên đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững, sớm trở thành nước phát triển, chiếm vị trí thứ hai về thu nhập quốc dân. Đó là nhờ kỹ thuật hiện đại + đạo lý Nhật Bản (trong đó hạt nhân là nhân cách). Người nước ngoài thường tôn vinh người Nhật là dân tộc tự trọng cao.Văn hóa cá nhân đối với bản thân từng người là giá trị nhân cách mà mỗi người tự xác định, tự giác thực hiện theo các hệ chuẩn xã hội. Ở các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung. Đó là sự lao động chăm chỉ và có tay nghề; trung thực trong giao tiếp xã hội; có tình thương đối với đồng loại. Đó là những dấu hiệu để phát triển nhân cách. Trong nền kinh tế thị trường, lao động chất xám và lao động cơ bắp đều được coi trọng. Tuy nhiên, trong triết lý sống, cần chú ý giáo dục lớp trẻ sự hoàn thiện nhân cách ở khâu: tôn trọng những giá trị tinh thần cũng ngang bằng với những giá trị vật chất (nếu không muốn nói là hơn). Trong quá trình đô thị hóa có bao nhiêu việc lớn phải làm: qui hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và qui hoạch các thiết chế văn hóa, xây dựng tượng đài, xanh hóa đường phố và các công trình công cộng như công viên, trường học, bệnh viện, thực hiện văn hóa giao thông theo những qui chuẩn cần và đủ từ việc ban hành đồng bộ các văn bản pháp lý, người quản lý đô thị, người cảnh sát giao thông, người tham gia giao thông v.v…

Tất cả đều đòi hỏi sự tự ý thức (egotisme) tức là nhân cách văn hóa của mỗi một người. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc: thực hiện việc tôn trọng nhân cách là làm cho cái tốt trong con người luôn luôn sinh sôi, nảy nở; những cái xấu được dần dần đẩy lùi; làm cho con người trở nên tốt đẹp nhờ giáo dục và tự giáo dục. Con người không phải lúc nào cũng làm chủ được bản thân mình nên phải nhờ vào những biện pháp giáo dục, nhưng quyết định là tự giáo dục. Những hình thức xử phạt nghiêm khắc, dù là bằng các chế tài pháp lý từ thấp lên cao, dù là bằng phạt tiền rất nặng thì suy cho cùng chỉ là giải pháp tình thế, nếu như ý thức con người không được tự kỷ, “tiên trách kỷ” khi vấp khuyết điểm, thậm chí dẫn đến hành vi vô luân, vô đạo. Cổ nhân có dạy: “Nhất nhật tam tĩnh ngô thân” (nghĩa suy rộng: Mỗi ngày xem xét lại mình ba điều phản tĩnh, có làm hại ai không? có giúp đỡ ai không? có trung thành với bạn không?). Ở đây đòi hỏi mỗi người phải tự biết mình, tự biết người mới bước ra khỏi cái riêng, cái tôi văn hóa bản vị để đi đến cái ta cộng đồng, nhân cách văn hóa.Nhân cách là cái tôi chân chính, hài hòa giữa lợi ích chung và quyền lợi riêng, giữa cái cộng đồng và cái cá nhân, giữa trách nhiệm và hưởng thụ, giữa lý tưởng và hiện thực. Giải quyết mối quan hệ này là một cuộc vật lộn triền miên. Ý thức cá nhân rất quan trọng. Không thể một lúc, vài năm cải tạo được toàn xã hội, nhưng có thể cải tạo từng bước đi của mỗi cá nhân. Đòi hỏi rất cao đối với bản thân mình, vượt lên chính mình là dấu hiệu của nhân cách văn hóa./.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất