Bắt buộc đối thoại trong quá trình giải quyết, tạo cơ chế tranh luận bình đẳng, thay đổi về thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhằm tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại... là những điểm đáng lưu ý trong Dự thảo Luật Khiếu nại.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Khiếu nại, ngày 8/6, Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học...
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho biết, Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998, được sửa đổi, bổ sung năm 2004-2005 đã góp phần tạo lập khung pháp lý quan trọng để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Tuy nhiên trong quá trình thực thi, Luật Khiếu nại, tố cáo không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Do vậy, việc xây dựng Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo là một yêu cầu khách quan và cần thiết.
Đại diện Thanh tra Chính phủ - cơ quan soạn thảo cho biết, việc xây dựng dự án Luật Khiếu nại dựa trên quan điểm quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách nền hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng và công chức các cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đại diện của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc tách Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo là một bước đột phá, phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Giải quyết khiếu nại phải có 3 bên
Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, theo quy định của pháp luật về khiếu nại hiện hành, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu do chính người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại giải quyết theo một trình tự, thủ tục phức tạp; thời gian giải quyết một vụ việc kéo dài vừa không phù hợp, vừa khó thực hiện trong thực tiễn...
Người giải quyết khiếu nại cũng là người kiểm tra, xác minh nội dung vụ việc và ra quyết định giải quyết khiếu nại, dễ dẫn đến sự chủ quan, áp đặt, bất bình đẳng giữa các bên trong quá trình giải quyết, khiến chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu lại lần đầu chưa cao.
Cũng từ những bất cập này, các đại biểu đã đồng tình với dự thảo Luật Khiếu nại khi xác định rõ việc giải quyết khiếu nại phải có 3 bên tham gia: Người khiếu nại, người bị khiếu nại và người giải quyết khiếu nại, trong đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải là thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ TS. Lê Tiến Hào cho biết, nhằm tạo cơ chế tranh luận bình đẳng giữa các bên trong quá trình quyết quyết khiếu nại, Dự thảo đã bổ sung quyền của người khiếu nại, đề cao vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại; quy định đối thoại là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết khiếu nại; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chuyên môn, hội đồng tư vấn trong việc tham mưu cho thủ trưởng cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại.
Đổi mới thủ tục giải quyết khiếu nại
Các quy định về trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại được đổi mới một cách căn bản so với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Cụ thể, Dự thảo quy định việc xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính linh hoạt, nhanh chóng, với trình tự, thủ tục đơn giản.
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại có thể lựa chọn giải quyết theo 1 trong 2 hướng: Một là, yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính đó; hai là, khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Nếu vẫn chưa thỏa mãn với hướng giải quyết của người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính, người khiếu nại có thể khiếu nại tới thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Việc gặp gỡ, đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan phải tiến hành công khai, dân chủ, nếu thấy cần thiết có thể mời đại diện tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan tham dự.
Đại diện Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng Luật Khiếu nại phải là “luật mẹ” trong giải quyết các khiếu nại; đồng thời góp ý Thanh tra Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Tố tụng Hành chính để tránh chồng chéo một số nội dung, nhất là về trình tự, thủ tục xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên, thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày làm việc (vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày) quy định trong Dự thảo là khó thực hiện và cần cân nhắc lại để đảm bảo cho Luật có tính khả thi cao././
(Cổng TTĐTCP)