(TG) - Sở Y tế và BHXH các địa phương Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh vừa thống nhất chủ trương cho phép Trung tâm Y tế huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) được chuyển bệnh nhân- trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, đến các cơ sở KCB tại TP.HCM, mà không cần giấy chuyển tuyến của BVĐK tỉnh Tây Ninh.
Ông Võ Văn Thảo- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Tây Ninh cho biết, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bàng là cơ sở y tế tương đương tuyến quận, huyện đầu tiên của tỉnh vừa được phép chuyển bệnh nhân có thẻ BHYT lên tuyến trên tại TP.HCM. Đây là chủ trương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT tại vùng giáp ranh được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Cụ thể, bệnh nhân sẽ được chuyển đến các BV như: Thống Nhất, Chợ Rẫy, Đại học Y dược TP.HCM, Quân y 175; BV thành phố và BV của các quận, huyện; các BV ngoài công lập và PKĐK…
Để có chủ trương này, Sở Y tế Tây Ninh đã thống nhất với BHXH tỉnh; đồng thời có Công văn số 380/SYT-NVY gửi Sở Y tế và BHXH TP.HCM đề nghị hỗ trợ hợp tác. Phía Sở Y tế TP.HCM sau đó cũng đã có Công văn số 18768/SYT-NVY triển khai đến các BV và cơ sở y tế trên địa bàn về sự phối hợp này…
Theo Sở Y tế Tây Ninh, có 77 danh mục các bệnh chuyển tuyến từ Trảng Bàng đi thẳng TP.HCM điều trị. Đơn cử như: Các bệnh về nhiễm trùng và ký sinh trùng; u ác tính; các bệnh nội tiết dinh dưỡng và chuyển hóa; bệnh đái tháo đường; bệnh hệ thần kinh; gãy xương vai và xương cánh tay; bệnh bong và rách võng mạc mắt…
Theo ông Võ Văn Thảo, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bàng vừa được xây dựng mới, có chức năng như BVĐK tuyến huyện. Trước đây, người bệnh các vùng giáp ranh muốn chuyển tuyến đến TP.HCM thường phải đi ngược về BVĐK Tây Ninh xin giấy chuyển, với quãng đường rất xa, đi lại vất vả; trong khi huyện Trảng Bàng lại liền kề với TP.HCM nên sẽ rất thuận tiện nếu cho người bệnh chuyển tuyến về đó.
Cũng theo ông Thảo, trước khi thống nhất chủ trương tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ BHYT, BHXH tỉnh đã thẩm định rất kỹ các căn cứ pháp luật. Theo đó, tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT đã có hướng dẫn rõ về việc chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB trên các địa bàn giáp ranh. Cụ thể, tại các Điểm a và Điểm b, Khoản 4, Điều 5 của Thông tư đã quy định: “Giám đốc Sở Y tế hướng dẫn cụ thể việc chuyển tuyến đối với các cơ sở KCB trên địa bàn giáp ranh trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc thẩm quyền quản lý”.
Như vậy, với những quy định mới này, người bệnh có thẻ BHYT tại tỉnh Tây Ninh sẽ được tạo điều kiện hơn trước rất nhiều trong chuyển tuyến KCB.
Phạm Thọ