Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 15/8/2013 16:9'(GMT+7)

Thái Bình: Kinh nghiệm tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Tân

Cơ sở hạ tầng giao thông xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương - Thái Bình) được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới.

Cơ sở hạ tầng giao thông xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương - Thái Bình) được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới.

Xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương - Thái Bình) là xã nội đồng thuần nông, nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Diện tích toàn xã 512,1 ha, trong đó đất nông nghiệp là 350,7 ha. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Thái Bình đã chọn xã Thanh Tân là một trong những địa phương làm điểm xây dựng nông thôn mới.

Sau một thời gian tích cực triển khai các hạng mục xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt nông thôn của xã Thanh Tân đã có nhiều thay đổi tích cực: hơn 20 km hệ thống đường liên xã, liên thôn đều được bê tông hoá đến từng ngõ, hộ gia đình; hệ thống thủy lợi được nâng cấp hoàn chỉnh với 6 trạm bơm tưới tiêu, một âu đập chống úng, cứng hoá hơn 12 km mương dẫn nước và gần 10 km đường giao thông trục chính nội đồng; hệ thống trường học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia; 100% các thôn đều có nhà văn hóa đạt quy chuẩn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; nâng cấp tôn tạo 2 khu di tích lịch sử văn hóa, 5 chùa; xã có trung tâm dịch vụ văn hóa thể thao, công viên cây xanh, điểm Bưu điện văn hóa xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%.

Đến nay Thanh Tân còn 25% lao động trong độ tuổi làm nông nghiệp, toàn xã có 3 Hợp tác xã, 7 doanh nghiệp, 37 tổ hợp làng nghề, hàng trăm cơ sở dịch vụ hoạt động có hiệu quả. Năm 2012 đã có 3 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn xã gồm Dệt may, In và Dịch vụ văn hóa-thể thao. Đặc biệt, Doanh nghiệp May xuất khẩu đi vào hoạt động đã thu hút gần 1 nghìn công nhân, đưa tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp dịch trên địa bàn lên trên 2.300 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt trên 60%; có 85% dân số tham gia Bảo hiểm y tế; 6/7 thôn, 100% cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch (trong đó 95% số hộ dùng nước máy); xã có khu xử lý rác thải được đầu tư 2,3 tỷ đồng. Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh. Năm 2012 xã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ nay đến cuối năm 2013, xã phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí.

Từ một xã trung bình, thuần nông của huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, qua 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Thanh Tân đã làm được những việc lớn và đạt kết quả rất tốt. Khi được hỏi về kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, đồng chí Bí thư Đảng uỷ Phạm Văn Nhận cho biết: Thành công của Thanh Tân chính là thành công của ý Đảng hợp lòng dân, bảo đảm dân chủ công khai, huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân cùng chứng sức xây dựng nông thôn mới. Trong đó có vai trò của công tác tuyên truyền, vận động, có thể nói đây là khâu đột phá có vai trò quyết định cho mọi thành công. Vì khi người dân đã hiểu và nắm vững chủ trương của Đảng và xác định được vai trò là người chủ thực sự trong xây dựng nông thôn mới, thì khó khăn mấy cũng khắc phục được, nhân dân sẽ quyết tâm thực hiện được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Kinh nghiệm của Thanh Tân trong công tác tuyên truyền được thể hiện trên những nội dung chủ yếu sau:

Một là,
tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng và trong nhân dân.

Ngay từ khi có Nghị quyết Trung ương VII (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", cấp uỷ, chính quyền xã Thanh Tân đã đặt vấn đề: Phải làm gì và làm thế nào để Thanh Tân thoát khỏi tình trạng thuần nông lạc hậu. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã đã "vào cuộc" ngay một cách tích cực, từ ra Nghị quyết của xã về xây dựng nông thôn mới; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đến phân công các đồng chí trong Đảng ủy phụ trách từng phần việc, đặc biệt là chỉ đạo thành lập các đề án quy hoạch, gồm: quy hoạch chung, quy hoạch khu trung tâm xã, quy hoạch chi tiết nông nghiệp, giao thông đồng ruộng, quy hoạch điểm tái định cư nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đến 2020, quy hoạch cụm công nghiệp, quy hoạch điểm dân cư (thị tứ)...

Cùng với việc chỉ đạo lập quy hoạch, xã đã xây dựng các đề án về đào tạo nghề cho lao động; phát triển tiểu thủ công nghiệp; dân số sức khỏe; dồn điền đổi thửa; xử lý rác thải; phát triển kinh tế; an ninh trật tự. Xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “ Giải phóng mặt bằng thực hiện quy hoạch giao thông nông thôn” và “Đóng góp vốn đối ứng để tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên”...

Tất cả những vấn đề nêu trên được chỉ đạo theo 4 bước: Bàn bạc thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo; họp HĐND mở rộng đến đại diện thôn, xóm, tổ dân cư; họp Đảng ủy mở rộng đến Ban chi ủy, tổ Đảng; họp với nhân dân ở các thôn, tổ dân cư.

Với nguyên tắc: thực hiện nghiêm túc pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, nêu vấn đề để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra... khi họp với nhân dân ở các thôn, tổ dân cư, những nội dung quy hoạch, đề án nêu trên đều được phổ biến công khai, minh bạch để nhân dân tham gia ý kiến, bàn bạc thấu đáo.

Đối với những vấn đề lớn như thông qua quy hoạch, thu đối ứng đóng góp của nhân dân, dồn điền đổi thửa, thu - chi tài chính, quản lý môi trường… xã đều phân công cán bộ chủ chốt xuống họp với dân để trực tiếp tuyên truyền, giải thích, đồng thời nắm tình hình và ghi nhận những ý kiến đóng góp cũng như kiến nghị của nhân dân.

Sau khi tiếp thu, tổng hợp ý kiến nhân dân, Đảng ủy, UBND xã đều thông báo lại với nhân dân, qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng, triển khai các biện pháp thực hiện.

Thực tiễn cho thấy, cùng với công tác tuyên truyền được tiến hành một cách khoa học, đúng tầm đúng mức, những vấn đề, nội dung liên quan đến chủ trương, Nghị quyết của Đảng được đưa ra để nhân dân cùng bàn bạc, thảo luận... thì người dân sẽ nhận thức được vai trò của mình - là người chủ thực sự - trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó phát huy cao độ sự đồng thuận, thống nhất với những chủ trương của Đảng. Từ kinh nghiệm nêu trên, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tân đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, thuận lợi của nhân dân, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, góp đất xây dựng đường giao thông, làm kênh mương; đóng góp ngày công đào đắp các công trình; tự nguyện tháo dỡ nhà ở, công trình phụ của gia đình để làm công trình chung...

Hai là,
tuyên truyền thực hiện dân chủ công khai trong xây dựng nông thôn mới. Đây là vấn đề quan trọng quyết định sự thành công và bảo đảm sự ổn định trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tân.

Đồng chí Bùi Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Trong 4 năm qua, do cách chỉ đạo chặt chẽ và nghiêm túc, tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nắm được phương pháp, cách tổ chức, thực hiện bảo đảm dân chủ công khai những vấn đề liên quan đến xây dựng và thực hiện quy hoạch, tài chính và các khoản đóng góp của dân... nên trong xã không xảy ra một trường hợp thắc mắc khiếu kiện nào của nhân dân.

Quá trình quy hoạch xây dựng được tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh toàn xã; thông báo công khai bản vẽ quy hoạch tại trụ sở UBND xã, các trung tâm và đầu mối giao thông trên địa bàn; thông báo những ý kiến cần tập trung tham gia góp ý vào quy hoạch, đưa bản vẽ và thuyết minh quy hoạch đến thôn, tổ dân cư để lấy ý kiến của nhân dân; ý kiến đóng góp của nhân dân được tập hợp lại báo cáo Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo; những ý kiến đúng được điều chỉnh sửa chữa kịp thời, giúp cho quy hoạch của xã bảo đảm tính khả thi và bền vững.

Đặc biệt quan tâm tới việc thông báo sớm, tuyên truyền rộng rãi một cách công khai, minh bạch những vấn đề liên quan tới quá trình xây dựng quy hoạch, di dời chỗ ở, ảnh hưởng đến hoa màu, ruộng vườn của nhân dân... Việc đền bù giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng với chính sách của Nhà nước, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân; công tác tài chính và các khoản đóng góp của nhân dân trong xã đều được tuyên truyền, phổ biến công khai tới toàn dân...

Những công trình của thôn đều được xã phân cấp thu - chi tài chính cho thôn; lãnh đạo thôn trực tiếp bàn bạc với nhân dân về các khoản thu làm công trình; nhân dân bàn bạc trực tiếp, đề xuất, quản lý các khoản đóng góp. Tiền thu của dân do những người có trách nhiệm của thôn quản lý, những khoản chi dưới 5 triệu đồng thì Trưởng thôn báo cáo với nhân dân theo quy định dân chủ đại diện; những khoản chi từ 5 - 10 triệu đồng phải báo cáo với Chi bộ, đồng thời họp với nhân dân để thống nhất kế hoạch trước khi chi; trên 10 triệu đồng phải báo cáo với Chi bộ, nhân dân và UBND xã trước khi chi...

Việc đầu tư các hạng mục công trình cùng phân cấp cho thôn trực tiếp giải phóng mặt bằng xây dựng công trình của thôn, thu - chi tài chính, giám sát công trình, xã chỉ đạo quy hoạch thiết kế kỹ thuật, tạo nguồn vốn hỗ trợ, định mức và tiến độ thực hiện…

Các công trình thuộc xã đảm nhiệm thực hiện đúng quy định chung về xây dựng và có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận. Xã đã tập trung tuyên truyền thực hiện tốt công tác giám sát, nhất là giám sát của cộng đồng, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, huy động nhân dân cùng tham gia giám sát. Định kỳ họp với nhân dân để thông báo các khoản thu - chi, đồng thời để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.

Cách làm như trên vừa bảo đảm công khai minh bạch, vừa bảo đảm cho người dân thực sự làm chủ công trình của thôn, coi đó như công trình của nhà mình, vì vậy mọi người đều tích cực tham gia, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền được củng cố vững chắc.

Ba là, tuyên truyền, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân và hệ thống chính trị - xã hội vào cuộc chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Đảng uỷ xã Phạm Văn Nhận khẳng định: Chúng tôi tập trung tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cần có sự phối - kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và nhân dân. Nhà nước tạo mọi điều kiện hỗ trợ, song nhân dân đóng góp xây dựng là chủ yếu và quyết định. Chính quyền dựa vào nhân dân, nhân dân thực sự là người quản lý giám sát và thực hiện trên địa bàn mình sinh sống, mọi người đều có quyền bình đẳng tham gia giám sát, phát hiện và thông báo kịp thời với Đảng và chính quyền để xử lý kịp thời những vướng mắc ngay từ cơ sở...

Xã đã tuyên truyền, vận động, khai thác mọi nguồn lực, trước hết là nhân dân trong xã với tinh thần tự nguyện, đồng thuận đóng góp xây dựng; phát huy vai trò và ý thức gương mẫu của lực lượng cán bộ hưu trí tại địa phương; tuyên truyền khai thác có hiệu quả sự đóng góp của con em địa phương đang sinh sống, công tác trên các vùng miền của Tổ quốc.

Tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cùng chung tay góp sức tham gia vào quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Đối với các đoàn thể, ngoài nhiệm vụ thường xuyên, Đảng ủy xã còn giao thêm một số đầu việc cụ thể để góp phần thực hiện có hiệu quả 19 tiêu chí nông thôn mới. Các đầu mối đoàn thể có trách nhiệm phân công cụ thể công việc tới các đoàn viên, hội viên trong quá trình triển khai phong trào chung. Cụ thể là: Hội Phụ nữ tập trung vào việc chỉ đạo công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, công tác vệ sinh môi trường; Đoàn Thanh niên tập trung chỉ đạo phong trào chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông; Hội Cựu chiến binh chỉ đạo việc trồng cây xanh, an ninh trật tự, an toàn xã hội; Hội Nông dân tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.v.v..

Bốn là,
lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, trong đó tập trung tăng cường thời lượng phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của xã; tuyên tuyền trên khẩu hiệu, panô, áp phích; công bố  rộng rãi bản vẽ quy hoạch tại các nơi công cộng; tổ chức lớp học tập phục vụ nhân dân ở các thôn về những chuyên đề xây dựng nông thôn mới; in sao tài liệu tuyên truyền phát tới từng hộ gia đình và mỗi người dân...

Định kỳ 6 tháng và 1 năm, cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ đạo và các tổ chức, đoàn thể trong xã cùng phối hợp đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, tổ chức hội nghị chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, qua đó tiếp tục phát động các đợt và phong trào thi đua mới; lây ý kiến rộng rãi của nhân dân tham gia ý kiến góp ý với Đảng ủy, UBND xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị - kinh -xã hội nói chung và triển khai xây dựng nông thôn mới nói riêng; biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích trong xây dựng nông thôn mới; chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm vi phạm đến nguyên tắc xây dựng nông thôn mới; đưa việc xây dựng nông thôn mới vào nề nếp, trở thành ý thức chung trong mỗi gia đình và người dân. Cấp ủy, chính quyền xã và chi bộ các thôn tăng cường đối thoại và giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của nhân dân, qua đó điều chỉnh, sửa chữa kịp thời ngay từ cơ sở những vấn đề vướng mắc...

Từ những kết quả đạt được qua 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Thanh Tân, cấp uỷ và chính quyền xã đều thống nhất, đánh gia cao vai trò của công tác tuyên truyền. Bên cạnh việc để mỗi người dân nhận thức rõ được vai trò chủ thể của mình, công tác tuyên truyền cũng giúp Đảng ủy và chính quyền xã về thường xuyên quan tâm, củng cố tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng nông thôn mới./.

Nguyễn Hồng Chương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất