ĐỔI MỚI VÀ ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM
Đổi mới, theo quan điểm chung nhất là từ cái vốn có của thế giới (tự nhiên, xã hội và tư duy), nhằm làm cho cái cũ trở thành cái mới tốt hơn, đó là hành động để phát triển, là phương thức phát triển, là hành động của con người trong xã hội diễn ra không ngừng. Mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc luôn phải tự đổi mới để phát triển lên trình độ mới, cao hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ “đổi mới”, thể hiện trong các tác phẩm: Đường kách mệnh (1927), Sửa đổi lề lối làm việc (1947), Đời sống mới (1947), Dân vận (1949) và các bản Di chúc (1965-1969). Từ 1927, Người quan niệm “Kách mệnh” là “phá cái cũ, đổi ra cái mới”, “phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Năm 1949, Người cho rằng “công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Khi nhấn mạnh sự cần thiết phải không ngừng đổi mới nhận thức để phản ánh đúng tình hình thế giới, trong nước, Người cho rằng: “Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Đổi mới là bản chất của một cuộc cách mạng xã hội, nên Người cho rằng: “xã hội… càng phát triển”, “tư tưởng hành động càng phát triển”, “nếu cứ giữ lấy cách cũ, không thay đổi là không đi đến đâu cả”.
Trước tình hình đất nước trong những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 thế kỷ XX, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã nhấn mạnh: Đổi mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Sau khi nêu nội dung đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới chính sách xã hội, Đại hội tập trung nêu bật nội dung đổi mới Đảng: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác của Đảng. Sau đại hội VI, “đổi mới” được sử dụng rộng rãi trong các văn kiện của Đảng, trong sách báo, cũng như trong ngôn ngữ hàng ngày của nhân dân ta.
THÀNH TỰU CỦA GẦN 35 NĂM ĐỔI MỚI VỀ CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM
Sau hơn 30 năm đổi mới, với tầm nhìn chiến lược trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kiến tạo một hệ thống lý luận chính trị khá hoàn chỉnh, lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Đó là một trong những nguồn gốc của những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Có thể khái quát một số vấn đề cơ bản về đổi mới tư duy lý luận chính trị sau:
Thứ nhất, Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận về con đường quá độ lên CNXH.
Mặc dù thế giới có nhiều biến động, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Những chủ trương và giải pháp của Đảng theo ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, qua lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn con đường đã chọn. Bài học chung cho mọi quyết sách trong thời đại hiện nay là tiếp tục làm sâu sắc hệ giá trị phát triển Việt Nam theo con đường đã chọn; tìm ra chủ trương, giải pháp, cách ứng xử tốt nhất trong mọi tình huống, bước ngoặt chiến lược của cách mạng trong tình hình mới; để tiếp tục kiến giải một cách khoa học con đường quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam.
Thứ hai, những nội dung lý luận chính trị cơ bản góp phần hoạch định các quyết sách chính trị của Đảng trong quá trình đổi mới đi lên CNXH ở Việt Nam.
Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Từ đó, định hướng, định hình và định tính CNXH mà nhân dân ta xây dựng. Công tác lý luận đã xác định mô hình (định hình) CNXH mà nhân dân ta xây dựng có 8 đặc trưng và 8 mối quan hệ lớn. Theo đó, công tác lý luận đã định tính CNXH trên từng lĩnh vực chủ yếu của công cuộc đổi mới như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… Đồng thời chỉ rõ những khía cạnh cần đề phòng chệch hướng xã hội chủ nghĩa… Định hướng, định mô hình và định tính CNXH của Đảng ta là bước khởi nguyên và cũng là quan điểm chỉ đạo quán xuyến toàn bộ sự nghiệp xây dựng CNXH.
Bước vào công cuộc đổi mới, năm 1986, Đảng ta đã xác định, xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, khâu đột phá là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Theo đó công tác lý luận của Đảng tập trung mọi kiến giải, xác lập, thực thi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình nền kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.
Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương đúng đắn, phù hợp quy luật, hợp với lòng dân theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, hợp với xu thế phát triển của thời đại, của Đảng ta, một đóng góp lớn, mới mẻ đối với công tác lý luận.
Thực tiễn công cuộc đổi mới đòi hỏi phải xây dựng một bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, ngang tầm với yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ mới. Việc xây dựng lý luận nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là sự phát triển mới về nhận thức chính trị, đồng thời đó là mục tiêu, nội dung căn bản, bước tiến lớn về thực tiễn đổi mới về chính trị của Đảng ta.
Xây dựng lý luận nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại, con người Việt Nam thời kỳ mới, Đảng ta khẳng định nền văn hóa Việt Nam mới là mục tiêu, nền tảng, động lực của công cuộc đổi mới, nhằm đưa nước ta khỏi nước kém phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Vấn đề mới, Đảng ta nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện quyết liệt là tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa nhằm phát triển đất nước. Đảng ta chủ trương tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, giáo dục và đào tạo con người, xây dựng phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng nền văn hoá Việt Nam với chủ thể là con người là một bước tiến nổi bật trong nhận thức, thực tiễn đổi mới văn hóa góp phần quan trọng để phát triển trong chiến lược tiếp theo.
Xây dựng lý luận chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới và xu thế của thời đại, hơn 30 năm qua, Đảng ta đã chủ động xây dựng một nền lý luận về ngoại giao Việt Nam của thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Quan điểm chung là tập hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để khẳng định vị trí độc lập, vai trò tích cực, chủ động của đất nước ta trước cộng đồng quốc tế vì một thế giới hòa bình, phát triển và tiến bộ.
Phát triển lý luận về Đảng cộng sản Việt Nam. Có thể khái quát qua các phương diện: Quan niệm về cầm quyền, Đảng tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong điều kiện có quyền lực nhà nước và Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cơ sở cầm quyền gồm cơ sở lý luận, cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội. Về lý luận, nền tảng để mọi hoạt động của Đảng diễn ra đúng quy luật, hợp lòng dân, hợp thời đại, là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Về kinh tế là tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng hiện đại, phát triển mạnh mẽ, bền vững với xung lực là kinh tế tri thức. Về xã hội là nhân dân muốn bảo đảm được quyền lực của mình phải có sự lãnh đạo của Đảng; đến lượt Đảng, muốn giữ vững vị thế và vai trò cầm quyền của mình cần phải có cái nền nhân dân, phải coi trọng “dân là gốc”, “lấy dân làm gốc”.
Nguyên tắc, phương châm, chiến, sách lược cầm quyền, về nguyên tắc Đảng không được phép chia sẻ quyền lãnh đạo cho bất kỳ ai hoặc buông lỏng quyền đó - quyền mà lịch sử và nhân dân đã giao cho Đảng là đứng mũi chịu sào trước lịch sử. Về phương hướng là đưa nước Việt Nam độc lập, tự do tiến lên CNXH. Về phương châm là để nhân dân là chủ nhân và nhân dân làm chủ thông qua Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về chiến lược và sách lược là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến là mục tiêu chiến lược của Đảng: độc lập dân tộc và CNXH. Theo mục tiêu lý tưởng của Đảng, Đảng hoạch định Cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, hoạch định chính sách theo từng giai đoạn.
Nội dung cầm quyền là sự bao quát, chi phối một cách toàn diện, triệt để và sâu sắc toàn bộ đời sống và hoạt động của đất nước theo mục tiêu CNXH. Cơ chế cầm quyền là sự vận hành và phát triển không ngừng mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân là mối quan hệ máu thịt không thể tách rời, không thể phá vỡ vì mục tiêu độc lập và CNXH.
Phương thức cầm quyền là, về nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, có trọng tâm trên cơ sở phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Không ngừng xây dựng các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh trên cơ sở đổi mới chức năng, nhiệm vụ, vị thế và vai trò của các tổ chức này trong hệ thống chính trị.
Nguồn lực cầm quyền, có ba nguồn lực chính bảo đảm sự cầm quyền của Đảng vững chắc đó là nguồn lực con người, tổ chức bộ máy và nhân tố vật chất. Môi trường cầm quyền, một trong những mục đích của sự cầm quyền là đảm bảo sự ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước, đến lượt nó, mọi sự phát triển đều nhằm tới đảm bảo sự ổn định cao hơn về chính trị - xã hội. Cùng với đó là cần xác lập, bảo vệ môi trường pháp luật vững bền nhằm bảo đảm triệt để tư cách pháp nhân của Đảng với vị thế là một chủ thể, chính trị.
Ý NGHĨA CỦA CÁC THÀNH TỰU ĐỔI MỚI VỀ CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN (KHXH&NV) VIỆT NAM
KHXH&NV là một lĩnh vực có phạm vi rộng lớn bao gồm toàn bộ các bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu quy luật vận động và phát triển của xã hội và con người, bao gồm các ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, tâm lý học, kinh tế học, chính trị học, xã hội và nhân học, địa lý học, lịch sử, triết học, khoa học quản lý, báo chí… Những thành tựu của hơn 30 năm đổi mới về chính trị đã đem lại ý nghĩa quan trọng của hoạt động nghiên cứu và phát triển KHXH&NV:
Thứ nhất, là cơ sở lý luận cho KHXH&NV làm sáng tỏ hơn nữa về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta phù hợp với điều kiện đất nước, con người, xã hội Việt Nam, thích ứng với những thay đổi của hoàn cảnh quốc tế.
Xác định hệ động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam
Trong công cuộc đổi mới Đảng ta khẳng định “kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng ta luôn luôn gương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Đó là đường lối chiến lược, nguồn sức mạnh và động lực lớn để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc phải tạo cho được sự đồng thuận xã hội mà trung tâm là thống nhất lòng dân, đồng thuận xã hội với mục tiêu chung là vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam bằng hệ động lực: Lợi ích, dân chủ, văn hóa, yêu nước…, trong đó động lực chủ yếu là đại đoàn kết dân tộc. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trên con đường thực thi dân chủ ở nước ta.
|
Thứ hai, là cơ sở lý luận để KHXH&NV đi sâu nghiên cứu làm sáng tỏ bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đi sâu nghiên cứu vấn đề đổi mới, tạo lập đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, năng lực tham gia vào các định chế tài chính - tiền tệ quốc tế; nghiên cứu con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam; nghiên cứu sự biến đổi cơ cấu xã hội và quản lý sự phát triển xã hội ở Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, là cơ sở lý luận để KHXH&NV nghiên cứu nhằm đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta, đề xuất giải pháp thực hiện và phát huy dân chủ, củng cố vai trò của Đảng cầm quyền, cải cách bộ máy hành chính nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, là cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu cơ bản, toàn diện, có hệ thống về tiến trình lịch sử và diện mạo nền văn hóa Việt Nam với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Thứ năm, là cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu con người và nguồn nhân lực với tư cách là chủ thể xã hội có trình độ học vấn, mang đậm tính nhân văn và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thứ sáu, là cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu bản chất, đặc điểm, nội dung của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và việc phát triển kinh tế tri thức, trong đó chú ý về ý nghĩa xã hội của cuộc cách mạng này.
Thứ bảy, là cơ sở lý luận để nghiên cứu các xu thế phát triển chủ yếu của thế giới và khu vực trong các thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, dự báo xu thế phát triển chủ yếu của thế giới, khu vực, tranh thủ các cơ hội, lợi thế, ngăn ngừa các bất lợi, rủi ro…
Thứ tám, là cơ sở lý luận để tiến hành điều tra cơ bản những địa bàn và những lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng điểm, nhằm tổng kết thực tiễn, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu lý luận, cung cấp luận cứ khoa học cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các ngành, các vùng trọng điểm.
Thứ chín, là cơ sở lý luận để nghiên cứu cơ bản, toàn diện, có hệ thống các vấn đề lý thuyết các chuyên ngành KHXH&NV, làm sáng tỏ những vấn đề có tính quy luật của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Nghiên cứu, tổng kết và đánh giá KHXH&NV Việt Nam…/.
PGS. TS. Trần Văn Thụy
TS. Đào Văn Phương
Trường Đại học Y Hà Nội