Thứ Bảy, 21/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Tư, 28/12/2011 15:26'(GMT+7)

Thành tựu qua 15 năm phát triển của Bình Phước

Thị xã Đồng Xoài- Bình Phước.

Thị xã Đồng Xoài- Bình Phước.

Tỉnh Bình Phước ngày nay đã trải qua nhiều giai đoạn chia tách, sáp nhập. Vào thời điểm được tái lập (01-01-1997), Bình Phước là một trong những tỉnh hết sức khó khăn. Cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém. Thu ngân sách toàn tỉnh hơn 172 tỷ đồng. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 197 USD/năm. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, còn công nghiệp và dịch vụ quá nhỏ bé. Dân di cư tự do ngày càng đông. Ngành giáo dục - đào tạo thiếu trên 1.200 giáo viên. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, chỉ có 53/64 xã đạt chuẩn quốc gia về xóa nạn mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Tỉnh có 240 km đường biên giới giáp với Campuchia, tình hình diễn biến khá phức tạp.

Trước những khó khăn chồng chất, Đảng bộ tỉnh đã trăn trở tìm quyết sách lãnh đạo và qua 15 năm xây dựng, Bình Phước đã có những bước phát triển quan trọng, đạt được những thành tựu to lớn.
Đặc biệt trong giai đoạn từ 2006 đến nay Bình Phước có bước phát triển nhanh và khá toàn diện theo hướng bền vững.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, lần thứ IX, Đảng bộ tỉnh đã ban hành 8 chương trình đột phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với tư tưởng chỉ đạo là phát triển nhanh và toàn diện theo hướng bền vững.

Về kinh tế: Từ năm 2006 đến nay, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đạt khoảng 12,33 %, là mức tăng trưởng cao trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 ước đạt trên 27 triệu đồng (tương đương 1.285 USD), gấp hơn 10 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Công nghiệp, xây dựng chiếm 28,74% vào năm 2011, so với năm 1997 tăng gấp hơn 6 lần; dịch vụ tăng lên trên 27%, so với năm 1997 tăng gấp hơn một lần và nông, lâm, thủy sản giảm xuống còn 47%, giảm gần một nửa so với năm tái lập tỉnh.

Sản xuất công nghiệp có chiều hướng phát triển khá tốt, năm 2010 đạt trên 4.400 tỷ đồng, tăng gấp 36 lần năm 1997. Cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm, thủy sản có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt và tăng dần tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Trong đó, chăn nuôi phát triển với tốc độ khá và từng bước chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.956 trang trại, tổng diện tích 42.840 ha, vốn đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 40 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu - 2 triệu đồng/tháng.

Năm 2011 kim ngạch xuất khẩu đạt gần 700 ngàn USD, tăng gấp 4,8 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Lượng khách du lịch tăng bình quân trên 29%/năm, trong đó khách quốc tế tăng gần 34%/năm, khách nội địa tăng 29%. Thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến, các chính sách thu hút đầu tư đã được tỉnh ban hành kịp thời. Cuối năm 2011 trên địa bàn tỉnh có trên 3.200 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký gần 23 nghìn tỷ đồng, tăng gần 106 lần về số doanh nghiệp và 836 lần về số vốn đăng ký so với năm 1997. Toàn tỉnh có 86 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký hơn 700 triệu USD.

Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng luôn được tỉnh ưu tiên. Hệ thống hạ tầng cơ sở, các trụ sở cơ quan làm việc được xây dựng khang trang. Toàn tỉnh hiện có 8 khu công nghiệp với diện tích 5.244 ha, trong đó có 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 80%. Nhiều công trình lớn cũng đang được đầu tư xây dựng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đường giao thông quốc lộ nhựa hóa 100%, đường tỉnh nhựa hóa trên 96%. Riêng đường nhựa đến trung tâm xã đạt 94% số xã. Kết cấu cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt được tăng cường và phát triển. Đến nay, có trên 91% hộ nông thôn được sử dụng điện và nước hợp vệ sinh.

Thu ngân sách mặc dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mục tiêu đề ra, tốc độ tăng thu bình quân hàng năm gần 14%. Năm 2008 Bình Phước vui mừng khi được gia nhập vào “câu lạc bộ 1000 tỷ”. Năm 2011 số thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng gấp gần 12 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.

Văn hóa - xã hội: Có nhiều tiến bộ vượt bậc. Ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh có sự chuyển biến tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Số học sinh khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước. Từ chỗ thiếu hàng nghìn giáo viên, thiếu hàng trăm phòng học, đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục được kiện toàn, đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa; cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, xóa phòng tạm, phòng tranh tre. 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ, phổ cập tiểu học, 108/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS. Toàn tỉnh hiện có 35 trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế được củng cố, phát triển, y tế cơ sở, y tế thôn bản được kiện toàn theo hướng chuẩn quốc gia. Số giường bệnh đến nay đã đạt 21 giường/vạn dân, tăng gấp hơn 2 lần so với 15 năm trước. Số bác sỹ/vạn dân đạt 06, gấp hơn 4 lần so với năm 1997. Từ chỗ có gần 50 % trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến nay còn 19%, giảm mạnh so với năm 1997.

Mạng lưới bưu chính, viễn thông được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ. Đến nay đã phủ sóng bảo đảm 100% hộ gia đình nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam, xem được Đài Truyền hình Việt Nam. Bình quân số máy điện thoại đạt 143,73 máy/100 dân, gấp 131 lần so với năm 1997. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng đã có những kết quả khá tốt. Chương trình xóa đói, giảm nghèo đã được các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện tốt, đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 20% năm 1998 hiện giảm xuống còn 6,94% theo chuẩn mới. Toàn tỉnh đã đưa 25/43 xã ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn 16,5 %, giảm còn một nửa so với năm đầu tái lập tỉnh.

Quốc phòng, an ninh: Được bảo đảm và ngày càng vững mạnh. Chương trình mục tiêu “5 giảm” trên địa bàn đã góp phần giảm đáng kể phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội được kiềm chế.

Công tác đối ngoại: Ngày càng được tăng cường, đã cùng với các tỉnh của nước bạn Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Lào xây dựng mối quan hệ hữu nghị, ký kết hợp tác, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ nhau cùng phát triển, làm tốt công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Năm 2010 tỉnh đã tổ chức thành công lễ hội “Quả Điều vàng Việt Nam - Bình Phước”, quảng bá thế mạnh của quả điều Bình Phước và tiềm năng phát triển của tỉnh, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế đến với Bình Phước.

Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố. Công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cách mạng từng bước đổi mới, góp phần quan trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường sự gắn bó giữa nhân dân với cấp ủy và chính quyền các cấp. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai có kết quả, tạo ra chuyển biến cơ bản về nhận thức tư tưởng, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; dân chủ trong Đảng được phát huy trong sinh hoạt Đảng và hoạt động của các cấp ủy.

Số lượng và chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên không ngừng được nâng lên, số đảng viên kết nạp mới tăng đáng kể, trong đó, chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, là nữ và tuổi trẻ ở những nơi chưa có đảng viên. Toàn đảng bộ hiện có 23.515 đảng viên với 684 tổ chức cơ sở Đảng, tăng 14.667 đảng viên và 328 tổ chức cơ sở đảng so với năm 1997. Hằng năm, có trên 78% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh; trên 84% đảng viên đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Công tác đào tạo và bồi dưỡng được chú trọng, trong đó, đặc biệt quan tâm đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, là nữ và tuổi trẻ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng. Công tác quy hoạch, luân chuyển và tăng cường cán bộ đạt được kết quả quan trọng; đã thực hiện luân chuyển, tăng cường nhiều cán bộ tỉnh, huyện về các xã đặc biệt khó khăn để tăng cường năng lực hoạt động, củng cố tổ chức đảng và hệ thống chính trị cơ sở, góp phần rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ qua thực tiễn. Là một tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo nhưng trong 15 năm qua Bình Phước luôn giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng và nhân dân.

Sự phát triển của tỉnh Bình Phước 15 năm qua được đánh dấu bằng ba giai đoạn phát triển. Đây là sự phát triển không ngừng, kế thừa từ những thành tựu, những đóng góp quý báu của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân từ tỉnh Sông Bé chuyển giao đến tỉnh Bình Phước ngày nay. Đạt được những thành tựu nêu trên là nhờ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng; sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; sự hỗ trợ hiệu quả của các tỉnh, thành bạn và sự kế thừa thành quả của các nhiệm kỳ trước...; sự đoàn kết thống nhất và lãnh đạo năng động, sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cấp ủy các cấp của tỉnh Bình Phước, đặc biệt là những đóng góp to lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trên tinh thần phát huy được thế mạnh, tiềm năng trên các lĩnh vực, nhất là các tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp, đất đai, nguồn nhân lực./.

Ths. Trần Tuyết Minh

Phó Trưởng ban Thường trực - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất