Chủ Nhật, 22/9/2024
Thể thao
Chủ Nhật, 8/11/2009 11:38'(GMT+7)

Thể Công bị bán đứt cho Thanh Hóa

Cái tên Thể Công (áo đỏ) giờ đã thuộc về lịch sử. Ảnh: Hoàng Hà.

Cái tên Thể Công (áo đỏ) giờ đã thuộc về lịch sử. Ảnh: Hoàng Hà.

Cùng với quyết định xóa tên Thể Công khỏi bóng đá đỉnh cao hồi cuối tháng 9, Bộ Quốc Phòng đã giao toàn quyền quản lý đội cho Viettel - nhà tài trợ của CLB mấy mùa qua. Ngoài Thể Công, Viettel còn là chủ sở hữu của đội Trung tâm bóng đá Viettel – sẽ đá giải hạng Nhất 2010. Quan điểm của đơn vị này là chỉ giữ lại một đội. Vì thế, họ bán Thể Công, dồn sức cho đội hạng Nhất.

Khi Viettel bày tỏ ý định này, đội TP HCM vào cuộc trước tiên, tuy nhiên đôi bên không tìm được tiếng nói chung. Sau đó, tới lượt ông chủ CLB Hà Nội ACB, Nguyễn Đức Kiên bảy tỏ ý định mua lại cả suất chơi V-League lẫn các cầu thủ Thể Công. Nhưng ông Kiên sau đó đã chào thua vì cho rằng cái giá 80 tỷ đồng mà Viettel đưa ra quá đắt.

Tưởng như ý định bán Thể Công của Viettel đổ bể thì cuối tháng 10, Thanh Hóa – đội mới phải xuống hạng Nhất, bất ngờ tuyên bố đã tìm được tiếng nói chung với Viettel trong việc mua lại đội bóng. Theo đó, Thanh Hóa sở hữu suất chơi tại V-League 2010 của Thể Công. Để thương vụ này hoàn tất, Thanh Hóa cần có ít nhất 10 cầu thủ Thể Công trong đội hình mùa tới.

Tưởng như thương vụ bán mua này xuôi chèo mát mái thì khúc mắc lớn nhất của đôi bên lại xuất hiện. Giữa Thanh Hóa và các cầu thủ Thể Công không tìm được tiếng nói chung. Ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên với đại diện Thanh Hóa, nhiều cầu thủ Thể Công thẳng thắn thông báo, họ không muốn khoác áo Thanh Hóa ở mùa tới. Họ cho rằng, Viettel hoặc Thể Công mới là đơn vị chủ quản, vì thế, không ai có trách nhiệm hay nghĩa vụ phải tới Thanh Hóa trong mùa tới.

Bất chấp những phản ứng dữ dội từ cầu thủ, Viettel sau đó đã ký quyết định điều chuyển 20 cầu thủ nội và 2 ngoại binh cho Thanh Hóa. Theo tinh thần này, những cầu thủ là sĩ quan như Phước Tứ, Bảo Khanh, Vũ Dũng… sẽ đá cho Thanh Hóa một mùa theo dạng biệt phái. Số khác đã có hợp đồng chuyên nghiệp với Viettel sẽ đá cho Thanh Hóa tới khi hết hạn hợp đồng.

Viettel từng định giá suất chơi ở V-League 2010 cùng hai chục cầu thủ Thể Công có giá 80 tỷ đồng. Trên thực tế, theo phía Thanh Hóa, đôi bên không đặt nặng vấn đề tiền bạc khi thương thảo. Số tiền mà Thanh Hóa phải chi ra chỉ là 20 tỷ đồng. Cái giá này được cho là rẻ. Riêng các cầu thủ đã có thương hiệu của Thể Công như Phước Tứ, Anh Tuấn, Bảo Khanh cũng có giá vài tỷ đồng trên thị trường chuyển nhượng. Số khác như Ngọc Duy, Quang Vinh, Khánh Lâm, Công Huy… được xem là những cầu thủ trẻ triển vọng, được rất nhiều đội săn đón. Mua được Thể Công, Thanh Hóa thi đấu trở lại ở V-League 2010. Theo tiết lộ của đội này thì suất chơi ở giải hạng Nhất 2010 mà Thanh Hóa đang có sẽ được bán lại cho một đối tác khác.

Sáng 7/11, Thanh Hóa chính thức tiếp quản Thể Công. Buổi lễ được các cầu thủ Thể Công đánh giá là long trọng, nồng hậu với sự tham dự của hàng nghìn CĐV. Thế nhưng, phần nhiều trong số 15 cầu thủ Thể Công có mặt trong lễ bàn giao (thiếu những người đang tập trung đội tuyển) đã không hài lòng ra mặt, dù trước đó Công Huy thay mặt các cầu thủ Thể Công đọc lời tuyên thệ đá hết mình trong màu áo mới. Thậm chí khi nhận áo đấu Thanh Hóa, một vài cầu thủ đã bỏ ra ngoài.

Ngay khi buổi lễ kết thúc, các cầu thủ Thể Công lên xe về Hà Nội. Đại diện Thanh Hóa cho biết, các cầu thủ Thể Công cũ có một tuần để thu xếp việc riêng rồi trở lại xứ Thanh tập luyện. Nhưng nhiều cầu thủ cho biết, họ ra Hà Nội đề đạt nguyện vọng được khoác áo Trung tâm bóng đá Viettel ở giải hạng Nhất mùa tới chứ không muốn đá cho Thanh Hóa ở V-League.
 
  Theo Khoa Nguyễn (VnExpress)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất