Vân Hồ - Lóng Luông - Lóng Sập lâu nay vẫn là điểm nóng, được biết đến như “tam giác vàng” về ma túy ở khu vực Tây Bắc. Địa hình cao, hiểm trở được bao bọc bởi những cánh rừng già khiến cao nguyên Mộc Châu trở thành vùng “đắc địa” đối với các hoạt động của tội phạm ma túy. Năm 2009, trận chiến trong "rừng ma" đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Khi bị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) vây bắt, hai đối tượng Vàng A Pó và Vàng A Di (đều trú tại khu Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào) dùng súng K54, K59 chống trả quyết liệt. Hai tên này bị bắt khi đang mang theo 24 bánh hê-rô-in, 400 viên ma túy tổng hợp từ Viêng Xay qua Sốp Bâu vào Việt Nam. Phần lớn các vụ vận chuyển ma túy qua "tam giác vàng" có số lượng lớn, nên các đối tượng đều mang vũ khí “nóng” và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng nếu bị phát hiện. Vì thế cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy của BĐBP ngày càng trở nên cam go, phức tạp.
Tội phạm ở trong “tối”, cán bộ, chiến sĩ trinh sát BĐBP luôn phải nằm gai, nếm mật để có những nguồn tin, manh mối phục vụ công tác phá án. Nhịn đói, sống ẩn hiện trong rừng, trà trộn vào những toán buôn ma túy... là những câu chuyện mạo hiểm đến rợn người mà tôi được biết từ những chiến sĩ mang quân hàm xanh. Các anh không bao giờ nói về mình, phần vì khiêm tốn, phần do đặc thù của công việc thầm lặng, nguy hiểm. “Nghề” đánh án ma túy đã tạo cho họ vẻ lạnh lùng, thô ráp.
Đại tá Nguyễn Hữu Quế, Trưởng phòng Trinh sát, Cục Phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ tư lệnh BĐBP chia sẻ: “Chiến công của người lính biên phòng luôn có sự đóng góp không nhỏ của người dân vùng cao. Sự che chở, đùm bọc, giúp đỡ, phối hợp của đồng bào các xã biên giới là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lóng Sập, BĐBP tỉnh Sơn La tuần tra bảo vệ đường biên. |
Đi giữa núi rừng trùng điệp, đứng trên đỉnh Pha Luông - nóc nhà Sơn La là có thể chạm vào mây. Phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp, song chính không gian đó, mỗi đêm, lại xuất hiện những vết chân vượt biên mang “cái chết trắng” vào nội địa. Sau đêm 16-5-2012, Đoàn Nghệ thuật Bộ tư lệnh BĐBP biểu diễn văn nghệ phục vụ người dân xã Chiềng Xuân, huyện Mộc Châu, một trinh sát cho hay: "Tại khu vực đường biên, xuất hiện nhiều vết chân tội phạm". Thượng úy Mè Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm ma túy, Đồn Biên phòng 473, BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: “Các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy hoạt động trong khu vực “tam giác vàng” thường tổ chức chặt chẽ, khép kín. Để bảo đảm tính bí mật, trung thành tuyệt đối, ông trùm ngoại biên thường chọn các toán vận chuyển ma túy là người trong dòng tộc hoặc những đối tượng bị khống chế...”. Các toán vận chuyển ma túy vào ban đêm, thường đi theo đội hình từ 6 đến 15 tên, mang theo súng, lựu đạn... vượt biên. Dựa vào địa hình hiểm trở, khó quan sát, chúng vạch ra những cung đường định sẵn, đi thành từng nhóm để “tương trợ” cho nhau. Trong rừng sâu thăm thẳm, núi cao, vực sâu, nếu không có sự hỗ trợ, phối hợp từ quần chúng nhân dân thì lực lượng chức năng rất khó kiểm soát tình hình… Thiếu tá Đỗ Văn Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập cho biết: “Ông trùm ma túy ở nội biên chẳng bao giờ xuất hiện, chúng thường lợi dụng phụ nữ đang nuôi con (dưới 36 tháng tuổi), trẻ em, người già vận chuyển ma túy nên rất khó cho công tác đấu tranh, xử lý”.
|
Quân y Bộ tư lệnh BĐBP khám bệnh, cấp thuốc cho người dân xã Chiềng Xuân, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. |
Song song với công tác điều tra, truy bắt tội phạm, Cục Phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ tư lệnh BĐBP xác định cần phải xây dựng “thế trận lòng dân” trên khu vực đường biên. Đặc biệt là các địa bàn tập trung các đầu mối vận chuyển ma túy thuê, mạng lưới đưa tin (chim lợn) của tội phạm. Tại các bản giáp biên có địa hình hiểm trở như: Nậm Dên, Nà Sàng của xã Chiềng Xuân, lực lượng quân y BĐBP thuê xe gắn máy, chở từng thùng thuốc cấp cho bà con. Từ ngày 17 đến 19-5-2012, Quân y Bộ tư lệnh BĐBP phối hợp với Quân y BĐBP tỉnh Sơn La, chính quyền hai xã Chiềng Sơn, Chiềng Xuân, huyện Mộc Châu tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1.265 bà con dân tộc địa phương. Bà Mùa Thị Măng, trú tại bản Dân Quân, xã Chiềng Sơn nói: “Người dân rất phấn khởi khi được các thầy thuốc quân y đến tận nơi khám bệnh, cấp thuốc cho con em mình. Trước đây, khi có bệnh, bà con chỉ biết cúng con ma, uống nước lá rừng”.
Cùng với giúp dân bằng những việc làm thiết thực, Cục Phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ tư lệnh BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an; Tỉnh ủy, UBND, Công an tỉnh Sơn La và chính quyền các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hại của ma túy; triển khai nhiều cuộc vận động, tổ chức nhiều mô hình như: “Năm không, Năm có”, “Toàn dân tham gia bảo vệ biên giới - phòng, chống tội phạm”... Trung úy Lê Quý Khang, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 10 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 351 lượt người. Đơn vị đã tổ chức cho 711 hộ dân xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu ký cam kết không trồng và tái trồng cây thuốc phiện; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc huyện xây dựng 8 căn nhà Đại đoàn kết (trị giá 20 triệu đồng/căn) tặng các gia đình chính sách”. Chúng tôi được biết, tại khu vực giáp biên giới, bản Láy và bản A Lang, xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu, Đồn Biên phòng 473 vừa vận động nhân dân triệt phá 100m2 diện tích cây thuốc phiện, đưa 16 đối tượng nghiện hút đi cai nghiện... Có thể nói, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các chiến sĩ quân hàm xanh, thế trận lòng dân đã góp phần đáng kể tạo chuyển biến về tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới này.
Bài và ảnh: TUẤN NAM/QĐND