Đặt niềm tin tuyệt đối vào hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, với tham vọng và quyết tâm đưa học thuyết của Người vào cuộc sống, chỉ sau 17 năm khởi nghiệp bằng 300 triệu đồng vốn, ông Hồ Huy, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh đã trở thành nhà quản trị của 27.000 nhân viên, có quy mô doanh nghiệp vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bước sang thị trường quốc tế Lào, Campuchia, Nga, Mỹ…
Đạo lý - Mấu chốt làm nên “chuyện lớn”
Ông Hồ Huy cho biết, bí quyết để làm nên nghiệp lớn của ông ngày hôm nay là biến những bài học đạo lý của Hồ Chí Minh thành hành động thực tiễn.
“Tư tưởng, đạo đức Bác Hồ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống đời thường cũng như sự nghiệp của tôi. Tất cả sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Tập đoàn Mai Linh đều được xây dựng trên cơ sở tư tưởng của Người,” ông Hồ Huy khẳng định.
“Tư tưởng "quốc gia, dân tộc" không phải là phạm trù xa xôi mà thực tế nó đã thấm dần vào mỗi người Việt Nam trong quá trình sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Chính tôn chỉ đó của Bác đã giúp chúng tôi hiểu rằng, kinh doanh là thiết lập một kế hoạch lâu dài, lòng tin và sự tín nhiệm của xã hội là cái nôi nuôi dưỡng sự phát triển. Kinh doanh là phải nghĩ ngay đến sự an toàn cho tất cả mọi người, cộng đồng, đất nước, xa hơn nữa là cả loài người,” ông Huy nhấn mạnh.
Một doanh nhân khác khá nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh vàng, bạc đá quý tại khu vực miền Bắc là ông Vũ Minh Châu. Không hẹn mà gặp, ông Châu cũng như ông Huy sau khi rời quân ngũ, lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng cùng với hành trang kiến thức về phương pháp luận Hồ Chí Minh đã gặt hái được nhiều thành tựu trong kinh doanh.
“Hồ Chí Minh là người hiểu sâu sắc nhất về văn hóa người Việt. Không cần học ở đâu xa, chỉ cần nắm bắt hệ tư tưởng của Người một cách có hệ thống và sau đó tuân thủ thực hiện nó là công cuộc khởi nghiệp đã có 80% phần thắng trong tay. Bản thân tôi chính là một minh chứng thực tiễn,” ông Châu nói.
Sự ngưỡng mộ đối với vị lãnh tụ đất nước đã thôi thúc các doanh nhân này tìm hiểu về cuộc sống, sự nghiệp Hồ Chí Minh. Năm tháng trải nghiệm, đạo lý sống của Người đã đi vào tư tưởng và thổi bùng nhiệt huyết tuổi trẻ của họ.
Từ phong cách giao tiếp bình dị, đến sự quan tâm, gần gũi đời sống cá nhân của các cộng sự hay như phương thức truyền tải nội dung quản trị thông qua ngôn ngữ có vần điệu, khẩu hiệu ngắn gọn, chính xác của Bác đều được vị lãnh đạo doanh nghiệp này vận dụng khi điều hành công ty của mình.
Đạo đức - Bí quyết quản trị từ xa
Phát triển được một doanh nghiệp lớn mạnh cần người khởi nghiệp phải rất tài năng, nhưng duy trì doanh nghiệp tiếp tục đi lên thì đòi hỏi phải có một cơ cấu quản trị liên hoàn.
Thực tiễn ở nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ điều hành trung gian cũng như hệ thống nhân viên đang làm không ít các nhà quản trị phải đau đầu.
Gây thất thoát tài sản, làm suy giảm uy tín công ty… hay “trên bảo, dưới không nghe” là một trong những bước cản, ngáng nhiều doanh nghiệp khó có thể đi xa hơn trong quá trình hội nhập quốc tế.
Quản lý một mạng lưới công ty trải rộng trên 53 tỉnh, thành và trên quốc tế, ông Hồ Huy cho biết, Tập đoàn Mai Linh sẽ không dừng lại ở đó. "Mục tiêu đến năm 2015, chúng tôi sẽ hướng tới tập đoàn vận tải hàng đầu châu Á," ông nói.
Kinh nghiệm về vấn đề này, ông Hồ Huy chia sẻ, tư tưởng, đạo đức của Bác không chỉ hữu ích cho cá nhân nhà quản trị như ông mà những kiến thức đó cần phải truyền thụ đến từng thành viên trong doanh nghiệp. Nhận thức đạo đức đến từng người mới tạo nên được sức mạnh tập thể.
“Cụ thể như chương trình ca kịch "Lời người, lời của nước non" được chúng tôi tổ chức trên suốt 53 tỉnh, thành biểu diễn cho cán bộ, nhân viên và gia đình của họ, đã làm xúc động bao người xem. Mục đích của chương trình là giáo dục đạo đức cho mọi người thông qua hình ảnh của Bác. Những điều thấm được vào trái tim chắc chắn sẽ được chuyển thành hành động,” ông Huy tâm đắc.
Ông Nguyễn Minh Châu kinh doanh và sản xuất trong một ngành nghề mà các loại tài sản dễ chuyển sang tiền, luôn tạo ra sự cám dỗ đối với mỗi người nhân viên. Tuy nhiên ông Châu cho biết, rủi ro mất mát tại doanh nghiệp ông là rất nhỏ.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ nhân viên của mình. Họ tự quản lý hàng trăm cây vàng hay khối lượng lớn đồ trang sức, đá quý, kim cương, ngoại tệ… nhưng tất cả đều có tinh thần trách nhiệm. Để có được điều này, chúng tôi đã rất chú trọng đào tạo ý thức đạo đức cho người lao động,” ông Châu chia sẻ.
Theo tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nhân muốn thành công không thể nằm ngoài tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm xã hội, ham muốn xây dựng vị thế doanh nghiệp trên trường quốc tế chính là động lực thúc đẩy các nhà quản trị bỏ qua mưu cầu cá nhân, tập trung vào cho sự nghiệp kinh doanh của cuộc đời.
Với những trải nghiệm của mình, ông Hồ Huy đưa ra ý kiến, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thời đại. Tuy nhiên, mỗi người lại vận dụng dưới các góc độ, kinh nghiệm và sáng tạo để chuyển tải kiến thức đó trong quản trị doanh nghiệp ở các mức độ khác nhau và thành công cũng khác nhau.
“Theo tôi, cần phải có công trình nghiên cứu, tổng hợp một cách chuyên nghiệp, kết hợp với những kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp, liên kết giữa lý thuyết và thực tiễn tạo thành một giáo trình giảng dạy cơ bản cho hệ thống các doanh nhân Việt Nam,” ông Huy nói./.
(Theo: VietNamplus)