Thứ Hai, 23/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Hai, 28/5/2012 21:27'(GMT+7)

Thử làm... thường dân

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Đại biểu kể rằng, ở cơ quan nọ khi nghe một số chuyên viên già phàn nàn về đội ngũ nhân viên trẻ mới được tuyển dụng, chẳng biết trình độ chuyên môn ra sao nhưng khi gặp những “lão làng” trong cơ quan lại không thèm chào hỏi, thủ trưởng cơ quan này ngạc nhiên lắm vì “các cháu luôn lễ phép với tôi”. Đến khi vị thủ trưởng trà trộn cùng với những “chuyên viên quèn” và chú ý quan sát thì thấy rằng, những lời phàn nàn của những chuyên viên già kia là đúng. Các cháu chào thủ trưởng vì sợ uy quyền của thủ trưởng, còn những chuyên viên già kia tuy đáng tuổi cha, mẹ, nhưng không có chức, quyền, “các cháu không chào thì cũng chẳng làm sao”…

Cách đây mấy năm, báo chí đã đăng câu chuyện của đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế giả làm bệnh nhân nghèo bị đau ruột thừa ở phòng cấp cứu của bệnh viện nọ. Chỉ vài giờ thử làm dân nghèo, đồng chí Thứ trưởng đã phát hiện ra khá nhiều “căn bệnh” của ngành y tế mà các cuộc kiểm tra, thanh tra với quy mô lớn không thể nào phát hiện được. 

Thực ra, việc quan chức giả làm dân thường để kiểm tra cơ sở không phải là chuyện mới. Từ thuở xa xưa, nhiều vị quan đã “vi hành” đến ở cùng dân, phát hiện và xử lý nhiều quan chức sai phạm. Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng thường có những cuộc kiểm tra, xuống thăm dân không báo trước, qua đó đã để lại những câu chuyện xúc động và bài học sâu sắc về mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Những cuộc đối thoại trực tiếp với dân, tiếp xúc với đông đảo cử tri của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ mới đây đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhân dân, có tác động tích cực đến đời sống xã hội. 

Thực tế ở cơ sở hiện nay đang còn rất nhiều vấn đề bức xúc mà trong các báo cáo thống kê không được đề cập, thậm chí có cả những khuyết điểm đã được “tô hồng” thành ưu điểm. 

Để có cái nhìn chân thực nhất từ cuộc sống, các đồng chí lãnh đạo các ngành, các địa phương hãy thử làm dân thường. Cán bộ ngành giao thông vận tải hãy thử đi xe buýt, thử “đóng vai” một người mang xe đến cơ quan đăng kiểm. Cán bộ ngành công an hãy thử làm một người lái xe, thử đến công an quận đăng ký làm chứng minh thư. Cán bộ ngành y tế hãy thử khám, chữa bệnh theo đúng tuần tự của người có bảo hiểm y tế. Cán bộ ngành giáo dục hãy thử làm người dân nghèo đến xin học cho con… Chắc chắn, từ những phép thử này, những căn bệnh trong xã hội sẽ được bộc lộ và thang thuốc điều trị sẽ được bốc đúng. Cán bộ, công chức, viên chức sau khi gặp những “người dân đặc biệt” nói trên, chắc chắn sẽ bỏ được thói quan liêu, hách dịch, hống hách với dân. Những ai muốn “làm khó để dân ló... phong bì” cũng sẽ không dám làm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin như hiện nay, không phải lúc nào cán bộ cũng có thể “vi hành”, có thể “đóng vai” dân thường được vì dễ bị dân phát hiện, đặc biệt là các đồng chí cán bộ cấp cao thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vấn đề mấu chốt để có những thông tin chính xác từ người dân là hãy  tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Việc tổ chức các cuộc giao lưu trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ và các báo điện tử với nhân dân cũng là giải pháp hay, cần được nhân rộng./.

(Đỗ Phú Thọ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất