Trước nguy cơ ngày càng mai một kho tàng sách cổ của người Dao tỉnh Lào Cai, năm 2006, Sở Văn hoá-Thông tin Lào Cai, nay là Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lào Cai đã xây dựng Dự án bảo tồn kho tàng sách cổ và chữ Nôm Dao trên phạm vi toàn tỉnh.
Từ một dự án bảo tồn…
Dự án nhận được tài trợ kinh phí của Quỹ Ford và sự giúp đỡ của 2 chuyên gia tư vấn người nước ngoài là Tiến sỹ Bradley C. Davis, thuộc Trường Đại học Eastern Washington, Hoa Kỳ và Giáo sư Philippe Le Failler, thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ, Cộng hoà Pháp, đây là hai nhà nghiên cứu có thời gian dài làm việc ở Việt Nam và rất gắn bó với Lào Cai cũng như kho tàng sách cổ của người Dao.
Với thời gian thực hiện dự án trong vòng hơn 1 năm, Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai đã khảo sát, kiểm kê số lượng sách cổ còn lại trong các bản làng người Dao, đồng thời, mở lớp truyền dạy chữ; tiến tới cùng với bà con sưu tầm và dịch thuật những cuốn sách có giá trị để xuất bản thành sách song ngữ phiên âm tiếng Dao và tiếng phổ thông. Sách được lưu trữ và cấp phát cho các làng người Dao để bà con hiểu biết nhiều hơn về chữ viết (Nôm Dao), sách cổ nói riêng và di sản cha ông họ để lại nói chung. Đây là cơ sở để người bản xứ có thể hợp tác với các nhà khoa học nhiều hơn, tiến tới, họ trở thành người trong cuộc đối với các dự án bảo tồn sách cổ do Nhà nước tiến hành.
Tính đến nay, đã có hơn 400 làng người Dao được các cán bộ và các cộng tác viên đi kiểm kê phân loại, đánh số cho các cuốn sách cổ có giá trị. Từ sáng tạo của Ban Quản lý Dự án, UBND tỉnh Lào Cai, Sở VHTT&DL phối hợp "ban hành" một con dấu vuông, mực đỏ với chữ "Di sản văn hoá". Dấu "Di sản văn hoá" sẽ được cán bộ văn hoá, phối hợp cùng chủ nhân đang giữ các cuốn sách cổ có giá trị của người Dao Lào Cai cùng "triện" vào trang đầu, trang giữa và trang cuối cùng (khoá đầu, khoá đuôi) các cuốn sách quý.
Từ đó, ngân hàng dữ liệu về sách cổ của người Dao trên phạm vi toàn tỉnh Lào Cai được hình thành. Việc kiểm kê đã dựng một bức tường thành, chống lại việc buôn bán sách cổ trái phép cho các "đầu nậu" trong nước (rồi tìm cách ra nước ngoài) đang phát triển mạnh trong những năm gần đây ở các vùng của người Dao. Kết quả của công việc trên đã đem lại một ngân hàng dữ liệu điều tra đủ cả 9/9 huyện, thành phố trong toàn tỉnh Lào Cai, trong đó có 274 làng có sách cổ trên tổng số 466 làng người Dao ở Lào Cai, số lượng sách cổ toàn tỉnh thống kê được 9.858 cuốn, với các loại sách tôn giáo tín ngưỡng, truyện, thơ ca, tục ngữ, câu đố, sách giáo dục ứng xử, lịch nông nghiệp…
Bước 2 của Dự án là triển khai sưu tầm và dịch thuật các cuốn sách có giá trị về văn học, thơ ca và sách răn dạy, cách đối nhân xử thế trong cộng động. Đến nay, Sở VHTT&DL đã sưu tầm được hơn 800 cuốn và dịch thuật được hơn 2.000 trang bản thảo, các bản thảo này đã được biên tập chuẩn bị cho việc xuất bản và phát hành xuống các làng người Dao. Sách cổ sưu tầm ở gia đình nào thì gia đình đó sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí và nguyên liệu giấy, bút để viết sao lại thành một cuốn mới, nhằm tránh tình trạng bị mai một và tách rời ra khỏi cộng đồng. Sở VHTT&DL cũng đã áp dụng công nghệ thông tin tiến hành Scan và chụp ảnh kỹ thuật số lưu trữ từng trang của từng cuốn sách vào máy tính làm tài liệu phục vụ nghiên cứu khoa học rất có giá trị về tộc người Dao.
Bước 3 của Dự án là mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao ngay tại cộng đồng, do người Dao trực tiếp giảng dạy cho các đối tượng thanh, thiếu niên người Dao. Sở VHTT&DL đã phối hợp với Phòng Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện Bảo Thắng và UBND các xã, thị trấn mở 3 lớp học tại các thôn Đầu Trát (thị trấn Tằng Loỏng), Trà Chẩu (xã Sơn Hà) và thôn Làng My (xã Xuân Quang), với tổng số 80 học viên theo học, mỗi lớp có 2 thầy truyền dạy là những người Dao ở tại thôn bản, có sự hiểu biết và có vốn chữ Nôm Dao phong phú, đảm bảo việc truyền dạy đạt chất lượng tốt. Các lớp học này tổ chức học một tuần 3 buổi vào các buổi tối, do vậy các học viên đảm bảo được thời gian lao động sản xuất mà vẫn hăng say việc học chữ.
|
Lớp học ở thôn Làng My, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. |
… đến phong trào học chữ Nôm Dao
Sau hơn 1 năm thực hiện Dự án, do làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào người Dao về những giá trị của kho tàng sách cổ cũng như chữ Nôm Dao. Đến nay, ở khắp các địa phương trong tỉnh có người Dao cư trú đã hình thành nên một phong trào bảo tồn sách cổ và truyền dạy chữ Nôm Dao, tạo ra một khí thế mới cho cộng đồng người Dao ở Lào Cai. Qua khảo sát của chúng tôi về hiệu quả của Dự án cho thấy, các gia đình có sách cổ được đóng dấu "Di sản văn hoá" hiện nay rất trân trọng và nâng niu sách cổ do cha ông mình để lại. Gia đình nào cũng lựa chọn những phương pháp tối ưu nhất để bảo quản sách cổ tránh bị mối mọt, rách nát sách, họ coi đó như một báu vật của gia đình mà ông cha đã để lại cho con cháu. Đến nay, ở Lào Cai ngoài 3 lớp học do dự án tài trợ mở, đã có 12 lớp học chữ Nôm Dao do người dân tự mở để truyền dạy cho con em trong thôn, bản mình, với khoảng gần 200 học viên theo học, kết quả khảo sát ở các lớp tự mở này, học viên và thầy giáo đều cho biết: Từ các lớp học ở Làng My, thôn Đầu Trát, thôn Trà Chẩu và sự tuyên truyền của cán bộ Sở VHTT&DL, họ nhận thức được nguy cơ mai một sách cổ của thôn, bản mình, do vậy đã thôi thúc họ mở lớp truyền dạy cho con em trong thôn, bản, các học viên là thanh, thiếu niên trong thôn cũng rất nhiệt tình và hăng say học khi có lớp mở ra.
Điều đáng nói là các lớp tự mở, thầy và trò đều trên tinh thần tự nguyện, thầy dạy không thu tiền học phí, học viên đi học tự nguyện không có sự ép buộc, do vậy kết quả giảng dạy và học tập của thầy và trò ở các lớp học này luôn đạt kết quả cao gần ngang bằng với các lớp được sự hỗ trợ của dự án. Những kết quả trên cho thấy, hiện nay người Dao đã hình thành nên một phong trào bảo tồn sách cổ và chữ Nôm Dao rộng khắp toàn tỉnh, người dân rất hăng hái phấn khởi với từng cuốn sách, từng con chữ sau những tháng năm dài vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan họ lỡ để sách và chữ nằm im và phần nào bị lãng quên…
Từ những thành công trên, Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai - đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án cũng đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu về bảo tồn những văn hoá vật thể và phi vật thể ở vùng đồng bào dân tộc miền núi nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Người cán bộ thực hiện Dự án bảo tồn đòi hỏi phải có chuyên môn tốt, có tâm huyết, có sự năng nổ nhiệt tình đi sâu vào từng hộ gia đình, từng làng, bản người Dao, kiểm kê sách gắn với tuyên truyền vận động cho người dân biết về những giá trị di sản văn hoá tộc người mà họ đang lưu giữ. Từ đó, chống lại những nguy cơ mai một và mất đi theo thời gian, để người dân tin và hiểu chính sách, để họ nỗ lực bảo vệ, trân trọng và gìn giữ những di sản văn hoá của dân tộc mình như một vốn quý truyền mãi tới mai sau.
Tuy Dự án bảo tồn sách cổ đã đạt được những kết quả tốt, nhưng vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra, số lượng lớp học vẫn còn quá ít so với tổng số làng người Dao trong toàn tỉnh (15 lớp/466 làng). Do vậy cần phải có sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương và sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, cũng như sự đầu tư kinh phí cho các làng người Dao mở lớp học. Góp phần bảo tồn kho tàng sách cổ và chữ Nôm Dao ở Lào Cai ngày càng đạt kết quả cao hơn, bổ sung vào kho tàng văn hoá đồ sộ của vùng Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung./.
(Theo: Phạm Công Hoan/Báo Lào Cai )