Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 2/12/2008 14:38'(GMT+7)

Vinh dự và thử thách mới của các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

Cảnh trong vở cải lương "Chiếc áo thiên nga". (Ảnh minh hoạ)

Cảnh trong vở cải lương "Chiếc áo thiên nga". (Ảnh minh hoạ)

Hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam đã tiếp nối nhau, kế thừa và dựng xây một nền nghệ thuật sân khấu tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng hành cùng dân tộc trên những chặng đường lịch sử vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi của cách mạng.

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam như những người lính tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Các tác phẩm sân khấu ra đời trong suốt hành trình lịch sử ấy, đều bám sát hơi thở cuộc sống, đáp ứng được tâm nguyện quần chúng, phản ánh kịp thời từng diễn biến của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và công cuộc tái thiết đất nước.

Các thế hệ nghệ sĩ đã anh dũng vững bước đi lên qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với một ý chí quyết thắng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai", tạo dựng nên nhiều hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên sân khấu, xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - nghệ thuật. Hòa bình lập lại, giữa những ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống mới, sân khấu đã góp phần hàn gắn dần các vết thương nội tại, xây dựng một đất nước hòa bình và từng bước định hình một nền nghệ thuật cách mạng ở các tỉnh, thành phố miền nam mới giải phóng.  

Từ năm 1986, đất nước đổi mới. Sân khấu vươn mình mạnh mẽ, đổi mới trong tư duy sáng tạo. Hoạt động sân khấu diễn ra sôi động và có nhiều thành tựu mới, với các vở diễn tiêu biểu: Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta, Mùa hè ở biển,  Ðỉnh cao mơ ước, Tô Hiến Thành xử án, Dốc sương mù, Cảnh ngộ giữa cuộc đời, Vụ án 2.000 ngày, Lời thề thứ 9, Cuộc đời tôi, Anh hùng trên ghế phạm nhân, Nửa ngày về chiều, Hồn Trương Ba da hàng thịt... Sân khấu thật sự vì cuộc sống, vì tâm tư nguyện vọng của đông đảo quần chúng, phê phán và khơi sâu mọi khía cạnh của cuộc sống đang còn bộn bề, lẫn lộn giữa cái xấu và cái tốt, trong một cơ chế xã hội đang chuyển mình thay đổi.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, với xu hướng giao lưu, hội nhập quốc tế, sân khấu cũng đang có những chuyển biến, vượt lên khỏi lối mòn cũ kỹ để tìm một hướng đi mới trong hoạt động nghề nghiệp. Sân khấu đã và đang tạo ra những hình tượng con người mới vươn mình đi lên, trăn trở, vật lộn trên thương trường, lao động làm giàu cho mình và cho đất nước. Từ mô hình Sân khấu nhỏ 5 B Võ Văn Tần đã khơi nguồn cho một xu hướng mới và sự hình thành của những đoàn nghệ thuật xã hội hóa phía nam đã  làm nên một thị trường khu vực sân khấu nhiều sắc thái, có công chúng và không ít vở diễn có thể đã đạt tới vị thế đại diện cho một giai đoạn nghề nghiệp. Trong đó, không thể không kể tới những cuộc đi tìm chính mình và tìm mình trong nghệ thuật truyền thống của một nghệ sĩ Bạch Tuyết Cải lương chi bảo, của một Hoa Hạ với Kim Vân Kiều đồ sộ, của các nghệ sĩ Thành Lộc, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ðức Thịnh... rồi các đạo diễn: Anh Tú, Lan Hương, Hoàng Dũng, Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai, Chí Trung, Lê Khanh... Họ là những người sáng tạo - đang sáng tạo lại mình và sáng tạo lại nghề...

Sân khấu tiếp tục còn phải tháo gỡ nhiều khó khăn tồn tại. Ðó là ước mơ và mong muốn vươn lên, đủ sức hấp dẫn và thu hút công chúng so với các loại hình nghệ thuật, giải trí khác. Ánh sáng mới của Nghị quyết của Ðảng trong giai đoạn xây dựng và phát triển một nền nghệ thuật sân khấu tương lai đã và đang là định hướng của chúng ta bước tiếp các chặng đường mới nhiều thử thách và cũng không ít vận hội. 

Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam hiện đang là mái nhà chung của 2.500 hội viên, trong đó có 9 tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, 93 nghệ sỹ nhân dân... Trong hơn nửa thế kỷ qua, sân khấu Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trên những chặng đường lịch sử, đóng góp cho những thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới. Các thế hệ nghệ sĩ sân khấu đang gắng công sức tạo dựng nên một diện mạo mới của nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, tiếp tục sự nghiệp của mình bằng tất cả ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ - công dân, của lòng đam mê nghệ thuật đã và đang biến những ước mơ hôm nay thành hiện thực trong tương lai.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ nghệ sỹ nói chung và nghệ sỹ sân khấu nói riêng đã lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ, lấy thực tiễn hào hùng của sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc làm cảm hứng sáng tạo, các nghệ sỹ đã trưởng thành nhanh chóng, có nhiều đóng góp xứng đáng vào thành quả của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Trong lao động sáng tạo nghệ thuật đầy tâm huyết, các nghệ sỹ đã gìn giữ và phát huy giá trị bất hủ của sân khấu dân tộc, định hướng thẩm mỹ phong phú, lành mạnh cho công chúng, sáng tạo nên hình tượng nghệ thuật, kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh... Bước vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đất nước bước vào giai đoạn giao lưu văn hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, các nghệ sỹ sân khấu đã và đang nỗ lực tìm tòi, đổi mới, vươn lên đáp ứng đòi hỏi cao của thời kỳ mới. Tư duy năng động theo hướng xã hội hoá hoạt động sân khấu đã dần thay thế tư tưởng bao cấp...

Đồng chí Trương Tấn Sang bày tỏ mong muốn Hội Nghệ sỹ Sân khấu và đội ngũ nghệ sỹ cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới để chủ động đổi mới trong hoạt động lý luận, phê bình, biểu diễn, hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế; sáng tạo nên những tác phẩm sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ tốt đẹp, khẳng định những giá trị trường tồn của dân tộc, làm rạng rỡ thêm bản sắc, cốt cách của dân tộc ta thời hiện đại.../.

AT-Tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất