Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 1/12/2008 16:37'(GMT+7)

Dấu ấn Xuân 2009: Hà Nội sẽ tưng bừng cùng Lễ hội phố hoa

Khoe nét tinh túy Thăng Long và sự khéo léo của người Tràng An bằng hoa

Lần đầu tiên, người Hà Nội đón năm mới với một không gian của thiên nhiên, hoa lá, sản phẩm của những tâm hồn tinh tế và bàn tay khéo léo của người Hà Nội. Không gian ấy vừa sinh động, tươi vui, vừa gợi nhiều hoài niệm.

Từ ngàn đời nay, những đoá hoa luôn luôn là món quà vô giá mà thiên thiên ban tặng cho con người. Hoa là thông điệp của tâm hồn, kết nối những tái tim, là sứ giả của tình yêu, nối liền những khoảng cách. Bên cạnh sự kỳ diện của tạo hoá, còn có sự kỳ diệu của tâm hồn và bàn tay tài khéo của con người. Người Thăng Long có thú chơi hoa và cây cảnh từ thời nhà Lý, với những làng hoa nổi tiếng: Võng Thị và Nghi Tàm. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, người Hà Nội vẫn giữ thú chơi hoa và cây cảnh và nâng nó lên thành nghệ thuật.

Từ bao đời, Hà Nội vẫn được xem là đất của hoa. Những cái tên Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá... dường như vẫn hiện hữu, thân quen trong mỗi sự hoài niệm của những người con Hà Nội. Đặc biệt là mỗi dịp Xuân về, chúng ta không thể không nhớ tới vẻ đẹp êm đềm được khắc hoạ trong bài hát "Mùa xuân, làng lúa, làng hoa" của nhạc sĩ Ngọc Khuê.

Nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hoá, những giá trị vật chất và tinh thần quý báu của hoa Hà Nội, năm nay, Lễ hội phố hoa Hà Nội  lần đầu tiên được tổ chức tại không gian đẹp trên đường Đinh Tiên Hoàng, khu tượng đài Vua Lý Thái Tổ, bên Hồ Gươm- một viên ngọc báu của Hà Nội. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi- Phó Giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch Hà Nội (Trưởng Ban tổ chức Lễ hội phố hoa Hà Nội), "Với chủ đề phố hoa, chúng tôi muốn tạo ấn tượng về nét đẹp tinh tế của hoa Hà Nội thông qua nghệ thuật sắp đặt từ hoa và các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề, phố nghề Thăng Long; tôn vinh những nghệ nhân tài hoa và phong cách chơi hoa, thưởng hoa của người Hà Nội. Đây cũng là hoạt động quảng bá tiềm năng về văn hoá, du lịch; tạo điểm tham quan thưởng ngoại và không gian tưng bừng, ngập tràn niềm vui cho đông đảo du khách trong nước và bạn bè quốc tế, đặc biệt với nhân dân Thủ đô nhân dịp đón năm mới Kỷ Sửu 2009".

Ban tổ chức đã chọn phố Đinh Tiên Hoàng (với chiều dài khoảng 500 m) để thiết kế Lễ hội phố hoa Hà Nội, nhằm tận dụng vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên nơi đây. Sẽ có một số điểm nhấn của lễ hội như: Đôi rồng dài 15m kết bằng hoa tươi chầu hai bên trước tượng đài Vua Lý; một chiếc quạt sải rộng 9 m, cao 4 m ở khu vực đường Đinh Tiên Hoàng; một cổng chào kết bằng hàng ngàn chiếc quạt, tạo thành 999 bông bích đào đỏ thắm, một phố gốm phỏng theo tranh Phố Phái được thiết kế ven hồ Gươm với chiều dài 50m, chiều cao mái phố từ 50cm đến 1m... Bên cạnh đó còn có nhiều cụm tiểu cảnh thiết kế theo không gian nghệ thuật sắp đặt trên nền của hoa, như: gốm và hoa; hoa và nón; quạt và hoa; hồ sen, hoa cỏ lau tạo dựng các dải phân cách; xe kéo, xích lô, xe đạp hoa, gánh hàng hoa, giỏ hoa...

Lễ khai mạc Lễ hội phố hoa Hà Nội sẽ chính thức diễn ra tại Khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ vào tối 31/12/2008- thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Tại lễ khai mạc, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội sẽ gửi Thông điệp của Thủ đô Hà Nội tới các tầng lớp nhân dân Hà Nội và các địa phương trong cả nước nhân dịp đón năm mới 2009 và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Trong đêm khai mạc, còn diễn ra lễ thả hoa đăng trên hồ Gươm, thả đèn trời và bóng bay nhằm tạo nên một khoảng không gian lung linh, huyền ảo. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ có những sân khấu ca nhạc chào mừng năm mới và hướng tới 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, cùng các hoạt động nghệ thuật như: khiêu vũ cộng đồng; biểu diễn xiếc; trình diễn nghệ thuật cắm hoa và làm hoa; biểu diễn thời trang áo dài kết nối từ hoa. Người xem sẽ thấy lại hình ảnh của các thiếu nữ làng hoa Ngọc Hà xưa trong trang phục truyền thống và những gánh hoa duyên dáng trên vai.

Chung sức tạo nên thành công của lễ hội hoa đầu tiên của Hà Nội

Lễ hội phố hoa Hà Nội đã huy động được sự tham gia của đông đảo các nghệ nhân của Hà Nội như: Nguyễn Bá Mưu, Mai Hạnh, Đức Hải; các cửa hàng hoa nổi tiếng của Hà Nội như: Hoa Sáo, Time Flower, Minh Vĩnh, một số trung tâm thiết kế hoa thuộc các khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Các nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội như: làng gốm Bát Tràng, làng nghề Sơn Đồng, làng quạt Chàng Sơn, mây tre đan Phú Vinh, nón làng Chuông, Câu lạc bộ sinh vật cảnh Hà Nội... cũng sẽ chung sức để làm nên vẻ độc đáo cho Lễ hội phố hoa Hà Nội.

Say sưa với tình yêu hoa của người Hà Nội, Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu bày tỏ: "Người Hà Nội suốt đời gắn bó với hoa. Hoa đã trở thành nghi lễ và đi cả vào đời sống ẩm thực của con người. Người Hà Nội còn dùng trà với hoa, sử dụng hương thơm của chè sen, của nhài để ướp hoa. Trong lễ hội này, chúng ta nên giới thiệu về các cách thưởng ngoạn uống chè ướp các loại hoa. Nghệ thuật này cũng có thể sánh ngang nghệ thuật trà đạo của người Nhật..."

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn ở làng gốm Bát Tràng, người sẽ dựng lại một phố cổ Hà Nội bằng gốm cho biết: "Chúng ta đã từng nghe nhiều bài hát, bản nhạc, nhiều bài thơ về Hà Nội. Tôi muốn được thể hiện một tác phẩm gốm chủ đề về phố cố Hà Nội. Nói về phố cổ Hà Nội dường như là cũ, cũ nhưng lại là mới. Việc dựng lại phố cổ Hà Nội bằng chất liệu gốm, cần hàng nghìn tác phẩm nhỏ. Điều này đòi hỏi nhiều công sức và thời gian, nhưng tôi sẽ cố gắng thực hiện đúng như Ban tổ chức yêu cầu, cũng cẩn thận, chu đáo như mình xây một ngôi nhà vậy".

Đặc biệt, người chịu trách nhiệm thiết kế cho Lễ hội phố hoa Hà Nội là một gương mặt trẻ, đó là Nghệ nhân Hoa quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng - người đã đoạt nhiều giải thưởng về thiết kế hoa ở trong nước và thế giới như: Giải thưởng bàn tay vàng Hội đồng Nghệ thuật Đông Dương; giải Thiết kế hoa xuất sắc thế giới 2004; Bàn tay vàng ngành hoa nghệ thuật Việt Nam... Anh cho biết: Trong Lễ hội phố hoa Hà Nội có lợi thế là sản phẩm trưng bày là hoa, nên sẽ dễ liên kết dễ với nhau vì nó là thiên nhiên. Những tác phẩm hoa cũng như các làng nghề, phố nghề có sự sắp đặt liền mạch. Lễ hội diễn ra trong 5 ngày, nên để bảo vệ cho sự nguyên vẹn và vẻ đẹp của tác phẩm, sẽ có lượng lượng bảo vệ 24/24 giờ. Những tác phẩm sẽ trưng bày trên những bãi cỏ lớn và có những hàng rào bằng hoa bảo vệ cách tác phẩm từ 1,5 mét đến 2 mét, vừa tạo cảnh quan làm nền cho tác phẩm, vừa bảo vệ tác phẩm.

Khó khăn lớn nhất của Ban tổ chức Lễ hội phố hoa Hà Nội là thiếu hoa. Sau trận lụt kỷ lục vừa qua, các làng hoa Hà Nội bị thiệt hại nặng nề. Để phục hồi các làng hoa Hà Nội, nhanh nhất cũng phải 8 tháng nữa. Vì thế, để có đủ hoa cung cấp cho lễ hội, Ban tổ chức có kế hoạch huy động hoa từ các tỉnh lân cận, trong đó có Đà Lạt, kết hợp với hoa lụa, cây cảnh và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Qua website: www.phohoahanoi.com.vn, Ban tổ chức không chỉ đăng tài những thông tin chính thức của Lễ hội phố hoa Hà Nội mà còn mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của đông đảo nhân dân, nhằm tổ chức một lễ hội ngàn hoa giữa Thủ đô thật đặc sắc./.

Thiên Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất