Cùng với những cơ hội mới, Huế đã phải đối diện với những thử thách to lớn trong quá trình hội nhập
Ngày 11/12/2008, đánh dấu thời điểm tròn 15 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO chính thức công nhận và ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới. Di sản văn hoá Huế đã thực sự trở thành di sản văn hoá tiêu biểu, là niềm tự hào của Việt Nam trong quá trình hội nhập cùng thế giới. Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Huế trong suốt 15 năm qua đã để lại nhiều bài học quí giá. Kiến trúc sư Phùng Phu- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này.
PV: Là người gắn bó lâu năm với di sản văn hoá Huế, ông có thể rút ra bài học gì sau 15 năm bảo tồn và phát huy di sản văn hoá thế giới này?
KTS Phùng Phu: Bài học mà chúng tôi thấm thía nhất là sự tự nỗ lực. Di tích là sứ giả của quá khứ. Mình biết ơn với tổ tiên, biết ơn với tiền nhân thì mình phải ráng sức mà giữ. Nhận thức như thế nào đúng, cho khách quan để nỗ lực gìn giữ di tích? Đấy là bài học đầu tiên mà chúng tôi rút ra được. Bài học thứ hai là bảo vệ di sản Huế phải là sự bảo vệ tổng thể. Không chỉ có tu bổ, chống đỡ, đi xin kinh phí, mà chúng ta phải bảo vệ những giá trị đích thực của nó. Những giá trị văn hoá phi vật thể gắn với đó như thế nào? Chẳng hạn như lễ hội, các phong tục, các điều lệ, các qui chế của triều đình, phục trang, ẩm thực, nghi thức của triều đình… Nói nôm na là phần xác và phần hồn của di tích phải gắn với nhau. Bảo vệ di sản phải bảo vệ tổng thể, chứ đừng bảo vệ một cái gì đó không hồn.
PV: Thưa ông, việc bảo tồn di sản không có nghĩa là không phát triển?
KTS Phùng Phu: Chính bản thân đích thực của di sản là một giá trị để phát triển. Trong các ngành kinh tế của Huế, du lịch có cơ hội phát triển nhiều nhất. Đi kèm với di sản là khách sạn, dịch vụ, hàng không rồi các dịch vụ khác như: tôm chua, mẻ sửng, nón Huế... Tôi cho rằng bản chất di sản là nền tảng cho sự phát triển, chưa kể nguồn thu của các di tích qua việc bán vé thì cũng đạt 80 tỷ một năm. Hoạt động văn hoá có được nguồn thu như vậy là phát triển.
PV: Sự phát triển này theo ông đã xứng tầm với di sản hay chưa?
KTS Phùng Phu: Sự phát triển này chưa ngang tầm của di sản. Nếu đầu tư vào để làm giàu, làm bền vững văn hoá thì sự phát triển ấy sẽ ở mức độ cao hơn. Hiện nay, một năm ở Huế mới chỉ thu hút được vài triệu khách, con số này chưa là gì so với tầm vóc của di sản. Ngày lưu trú của du khách ở Huế cũng rất thấp, trung bình khoảng hơn 2 ngày. Các loại hình về du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, du lịch mua sắm, du lịch tìm hiểu văn hoá và các loại hình du lịch khác chua phát triển mạnh. Hiện nay, du khách đến Huế chưa hưởng thụ một đêm thực sự là đêm Hoàng Cung, chưa được ăn ở trong cung điện, được thưởng thức những thứ có tính chất là du lịch bậc cao. Đặc biệt, Huế cũng chưa phát triển kinh tế về hội nghị, hội thảo. Ở một số nước có những nơi quanh năm suốt tháng chỉ để hội họp quốc tế, các nguyên thủ quốc gia người ta chọn đó để hội họp, tại sao chúng ta không xây dựng theo mô hình như vậy?
PV: Huế là thành phố Festival của Việt Nam, nhưng việc du khách đến Huế để hưởng thụ các giá trị văn hoá chưa phải là nhiều lắm. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
KTS Phùng Phu: Hiện nay, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển và một số cơ quan khác nhằm định hình và định tính lại Festival. Mỗi Festival có thể đem lại lợi ích cho một địa phương nào đó, nhưng hình như Festival của chúng ta nở rộ quá. Nói cách khác, trên một bức tranh tổng thể có sự dàn trải. Vừa qua, Quảng Nam đã bắt đầu báo động tình trạng du khách giảm bớt. Huế cũng ở vào tình trạng như vậy. Trong một năm người ta không thể cứ đi hết lễ hội này đến lễ hội kia. Rõ ràng, chúng ta thiếu sự qui hoạch cho các Festival. Chúng tôi suy nghĩ rằng, phát triển du lịch bền vững là cái bánh to, chứ không phải là nhiều cái bánh. Khi Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, thì lượng khách đến Phong Nha- Kẻ Bàng, Mỹ Sơn và Hội An tăng lên, nguồn thu tăng lên. Đó là sự kết nối, chứ không phải là sự dàn trải.
PV: Ông có đề cập việc dịch vụ ở các di sản có thể mang lại lợi ích lớn, thế nhưng ở Việt Nam, hình như chúng ta chưa quan tâm tới thái độ của những người làm dịch vụ?
KTS Phùng Phu: Dịch vụ của chúng ta hiện nay ở các di sản, di tích là dịch vụ mang tính chất lưu thông, buôn bán và trao đổi, chứ chưa phải là dịch vụ bậc cao. Một dịch vụ bậc cao là dịch vụ mà chúng ta phải chia sẻ thông tin và từ những thông tin đó nâng cao tầm dịch vụ và chất lượng dịch vụ. Thứ hai là dịch vụ của chúng ta thiếu liên kết. Dịch vụ của chúng ta có vẻ như là thời vụ, bó gọn trong một khuôn khổ. Nó sẽ khiến cho những dịch vụ tiêu biểu, những dịch vụ chất lượng cao nếu như anh đưa xen vào thì phí mà không đem lại hiệu quả. Theo tôi, về dịch vụ cũng cần nhìn ở một tầm lớn, mảng liên kết tốt hơn và thúc đẩy chất lượng của nó.
|
Nhã nhạc cung đình |
PV: Đội ngũ nhân lực của chúng ta tại các di sản văn hoá chưa đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ mới?
KTS Phùng Phu: Đúng. Thực ra muốn ứng xử văn hoá phải con người được đào tạo, phải chuyên nghiệp. Nói là thành phố Festival, thành phố du lịch, thì thực sự nhiều khi đi các điểm di tích những lễ hội cảm nhận của những người làm văn hoá rất buồn. Ở đâu đó người ta vẫn sợ mất cắp và xung quanh không gian văn hoá, người ta thấy những người, những chuyện nói năng, ứng xử và cư xử, đặc biệt là một số người quản lý di sản cũng hơi thô bạo. Hoặc là đôi khi, những điểm văn hoá trở thành những nơi bị lạm dụng để hoạt động ra những mục tiêu khác. Điều đó cũng rất đáng buồn.
PV: Thưa ông, sau chặng đường 15 năm, con đường phát triển phía trước của di sản văn hoá Huế sẽ như thế nào để đem lại những hiệu quả?
KTS Phùng Phu: Có lẽ 15 năm là một cái mốc chẵn, còn công việc của người bảo vệ và phát huy di sản thì bao giờ cũng thế. Di sản văn hoá Huế phải hội nhập tốt hơn, hội nhập thật sự trong cộng đồng của các di sản văn hoá thế giới, tức là phải có tầm cao về quản lý, bảo vệ, trùng tu, rồi phát triển. Nó phải thực sự hoà nhập và tuân thủ các công ước của quốc tế.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo VOVNews)