Thứ Bảy, 27/7/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 9/5/2018 14:13'(GMT+7)

Thừa Thiên Huế: Để đội ngũ trí thức phát huy vai trò là động lực cho phát triển

 

Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm về phát triển trí thức nhưng kinh tế - xã hội lại phát triển chưa cao. Làm sao để đội ngũ trí thức là lợi thế trong phát triển? Đó là vấn đề được nhiều đại biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn trong buổi làm việc.

Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về văn hóa – du lịch, về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng, về y tế chuyên sâu, về khoa học và công nghệ.  Hiện nay, số lượng trí thức có học hàm, học vị cao của tỉnh xếp vị trí thứ ba trên toàn quốc với khoảng hơn 40 nghìn người có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên. Trong đó, có khoảng 802 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, 18 giáo sư và hơn 268 phó giáo sư tập trung phần lớn ở Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Huế.

Đồng chí Nguyễn Thái Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi có Nghị quyết 27, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì xây dựng Đề án về “Xây dựng đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 21-CTr/TU ngày 27/3/2009 và nhiều văn bản chính sách, giải pháp cụ thể được ban hành nhằm hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức; thực hiện chính sách đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội trí thức.

Sau 10 năm, đội ngũ trí thức trên địa bàn Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển nhanh về cả quy mô và chất lượng, có chuyên ngành đào tạo đa dạng, nhiều chuyên gia đầu ngành ở lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học xã hội và nhân văn. Nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu các chuyên gia đầu ngành, trí thức ở lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ở các ngành du lịch, công nghiệp, nông nghiệp.

 

Nhiều ý kiến thảo luận tại buổi làm việc cho rằng, chính sách đãi ngộ, hành lang pháp lý cho các hoạt động sáng tạo trí tuệ, cơ chế quản lý, chính sách phát triển khoa học – công nghệ, chưa đủ mạnh để tạo động lực cho các chuyên gia, các nhà khoa học an tâm cống hiến. Trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học công nghệ cũng đã quy tụ được “chất xám” của nhiều trí thức nhưng trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, quy hoạch đô thị vẫn cần tiếp tục huy động mạnh mẽ hơn lực lượng trí thức trong và ngoài nước để góp phần phát triển bền vững.

Đồng chí Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo cho biết, Thừa Thiên Huế đã có những chính sách trong lĩnh vực giáo dục để đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là chính sách đối với công tác đào tạo giáo viên, học sinh tài năng được nhiều tỉnh thành tham khảo, vận dụng. Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng ngành sư phạm tiếp tục không thu hút được người giỏi, chính sách đãi ngộ hiền tài đối với đội ngũ giáo viên thấp. Tổ chức quản lý đào tạo, chỉ tiêu, quản lý chất lượng, công tác phân luồng, tạo ra sự “đe dọa” dịch chuyển đối với đội ngũ trí thức, tình trạng văn bằng dởm, trí thức dởm, đào tạo tràn lan không theo nhu cầu của thị trường…

Đồng chí Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho rằng, có sự chồng chéo trong chinh sách, sự không công bằng trong đãi ngộ, sự “lãng quên” trong triển khai nghị quyết…  Ông ví dụ, mục tiêu tập trung đầu tư cho Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Huế thành trung tâm kinh tế - khoa học của miền Trung đã được chỉ ra. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có sự ưu tiên đầu tư nào cho Thừa Thừa Huế theo tinh thần trên – Giám đốc Nam cho hay.

Đồng chí Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật lại có một góc nhìn khác, ông cho rằng “cha mẹ nghèo” thì con cái cũng phải cố gắng. Ông cho biết Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã làm tốt vai trò kết nối, phát huy vai trò của trí thức. Nhữnsg hoạt động giải thưởng, tôn vinh trí thức đều nghiêm túc, thực chất. Ông nhận định, trí thức ở Thừa Thiên Huế nhìn chung là “dễ thương”, dù điều kiện đãi ngộ chưa cao nhưng rất ít người ra đi, số ra đi có nhưng rất ít. Ông đề xuất cần có cơ sở dữ liệu các nhà khoa học, các để tài để theo dõi tiến trình sau khi trao giải, nghiệm thu thì đề tài đi về đâu, có ứng dụng và phát huy trong thực tiễn hay không. Đồng thời, cần phát huy việc tôn vinh các thành tựu khoa học, các nhà khoa học, bởi Thừa Thiên Huế là quê hương của rất nhiều nhà khoa học tài danh, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Đồng chí Phan Lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thì cho rằng, để phát huy trí tuệ chất xám của đội ngũ trí thức, quan trọng là thông tin và sự kết nối.

Đồng chí Phạm Nhật Quang, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận định, đội ngũ trí thức của Thừa Thiên Huế hiện nay lớn, đóng góp nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, như vậy là chưa tương xứng. Theo đồng chí Phạm Nhật Quang, cần có một văn bản mới tiếp tục phát huy tinh thần của Nghị quyết 27, cập nhật mới bối cảnh để có những quyết sách phù hợp hơn đối với đội ngũ trí thức. Đối với Thừa Thiên Huế, cần được ứng xử như với một trung tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tạo động lực để phát triển. Đồng thời, các cơ chế, chính sách cần phải thống nhất, đồng bộ.

Thực tiễn của Thừa Thiên Huế là những tham khảo để Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Liên hiệp khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

PV

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất