Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, phong trào đấu tranh quật khởi của nhân dân ta chống ách thống trị của bọn thực dân Pháp đã bùng nổ khắp nơi, nhưng đều bị nhận chìm trong máu lửa. Tiếp theo thất bại của các cuộc khởi nghĩa ở Yên Thế, Hương Khê, Hùng Lĩnh, Bãi Sậy, Ba Đình…, nhiều cuộc vận động chính trị và bạo động vũ trang đều tiến hành không thành công, phản ánh sự bế tắc về đường lối của cách mạng nước ta. Vì chưa có học thuyết chính xác, khoa học dẫn đường, nên các chiến sĩ yêu nước Việt Nam chưa tìm ra được phương hướng đúng đắn để đáp ứng cho sự nghiệp đấu tranh cao cả nhằm giải phóng đất nước và nhân dân.
Chính trong thời điểm lịch sử ấy, trên vũ đài chính trị nước ta xuất hiện những chiến sĩ tiên phong trong lớp thanh niên đầy nhiệt huyết. Nối gót các nhà ái quốc nhiệt thành tiền bối, tiếp thu tinh hoa tư tưởng yêu nước truyền thống và mang khí phách anh hùng, họ đã vật lộn với phong ba, bão táp để ra đi tìm đường cứu nước. Mùa hè năm 1911, theo chiếc tàu buôn Amiral Latouche-Tréville, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Sài Gòn “đi xem nước Pháp và các nước làm thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào”. Thời gian sau đó, người công nhân thủy thủ trẻ tuổi Tôn Đức Thắng cũng có mặt trên mảnh đất quê hương của các chiến sĩ Công xã Paris “với một nhiệt tình yêu nước và lòng mong được học hỏi để về nước đấu tranh có hiệu quả”.
Lúc vừa tròn 18 tuổi xuân, từ giã vùng quê chôn nhau cắt rốn tại cù lao Ông Hổ, Tôn Đức Thắng đến Sài Gòn để mưu sinh. Vốn sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long trù phú, nhưng khi đặt chân tới thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông”, Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng hòa nhập vào đội quân “áo xanh” của ngành công nghiệp, quyết tâm biến mình thành người thợ và mãi mãi gắn bó cuộc đời với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Những tháng năm đầu tiên sống ở Sài Gòn, trước khi được vào học dưới mái Trường Bách nghệ, Tôn Đức Thắng đã dày công luyện mình trong lò “bách nghệ” của cuộc sinh kế giữa trường đời: làm công cho các gara và đề-pô tư nhân, sửa chữa xe máy, xe hơi, sửa chữa tàu thủy, làm nghề nguội, nghề tiện, nghề điện và làm công cho Hãng Kroff thuộc Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn.
Kết quả của việc tích lũy dồi dào nguồn kiến thức lao động bách nghệ cộng với ý thức cộng đồng sâu sắc, Tôn Đức Thắng đã sớm giành được sự tín nhiệm của bạn bè trong giới cần lao. Công lao lịch sử của Tôn Đức Thắng là đã thổi luồng sinh khí mới về chính trị vào đội ngũ thợ thuyền, gắn tư tưởng yêu nước với phong trào công nhân, bước đầu tạo ra sự chuyển biến quan trọng – từ “đấu tranh tự phát” sang “đấu tranh tự giác”.
Từ sự tích cực tham gia vào việc thành lập các hội đoàn thuyền thống trong giới thợ và tiến hành đấu tranh bằng những hình thức phôi thai như: tổ chức các hội tương tế, ái hữu, đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, phạt vạ… Tôn Đức Thắng đã tập hợp một số hạt nhân nòng cốt tổ chức thành công cuộc bãi công, bãi khóa đầu tiên của công nhân hãng Ba Son và học sinh Trường Bách nghệ Sài Gòn năm 1912. Ý nghĩa của cuộc bãi công, bãi khóa này, 45 năm sau, đã được Bác Tôn xúc động kể lại trong những dòng tự truyện. Bác viết: “Tôi nhớ ngày tôi rời đất nước thân yêu, cuộc bãi khóa, đình công của học sinh bách công Sài Gòn và thợ thuyền Ba Son (xưởng sửa tàu thủy Sài Gòn) thắng lợi, cũng là lúc tôi phải cải trang, đổi tên tuổi, xuống tàu Pháp để trốn truy nã. Từ đó, bắt đầu cuộc đời trên mặt biển” 1.
“Cuộc đời trên mặt biển” đã đưa các cuộc hành trình lịch sử của Tôn Đức Thắng đến nơi: “Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”. Và chính trên bước đường “Quan san muôn dặm”, người công nhân thủy thủ trẻ tuổi Việt Nam đã nhập tâm sâu sắc khẩu hiệu chiến đấu vĩ đại của các nhà khai sáng chủ nghĩa xã hội khoa học “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”.
Biểu hiện rực rỡ của hành động “đoàn kết lại” đó, là ý thức giác ngộ về chính trị và dũng khí tuyệt vời của Tôn Đức Thắng trong buổi sáng mùa xuân 1919 trên mặt biển Hắc Hải, khi tự tay kéo lá cờ đỏ thiêng liêng lên đỉnh cột cờ thiết giáp hạm France và hát vang bài “Quốc tế ca” hùng tráng để ủng hộ Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, ủng hộ Lênin, ủng hộ chính quyền Xôviết.
Sự kiện lịch sử bất diệt này đã từng được Bác Tôn hồi tưởng lại: “Trời đã tối, tàu sắp qua Đác-đa-nen. Không khí trên tàu càng sôi sục. Một số anh em vận động thủy thủ họp mít tinh để đấu tranh với bọn chỉ huy. Anh em bảo tôi: “Trước khi mít tinh, mày ra kéo lá cờ đỏ nhé. Kéo để cho chiến hạm Hồng quân biết chúng ta là bạn, không phải là thù”. Tôi rất thích được tự tay mình làm việc đó. Lúc đó vào quãng gần sáng, chiến hạm đã lọt vào Hắc Hải. Tiếng kèn tập hợp vừa nổi lên (cũng là tiếng kèn tập hợp thường ngày của thủy quân, nhưng lần này không phải do lệnh chỉ huy) thì ngọn cờ đỏ cũng được kéo lên trên cột cờ đô đốc. “Các bạn Nga ơi! Tàu của chúng tôi còn xa bến các bạn, các bạn còn chưa thấy ngọn cờ đỏ này. Nhưng với ngọn cờ này, giữa Hắc Hải, chúng tôi chào các bạn. Tôi mong ước với lá cờ đỏ này, chiến hạm sẽ chạy vào hải cảng các bạn, và tôi sẽ lên bộ để may ra được tham gia cách mạng và được học hỏi để về nước làm cách mạng” 2. Do sự đấu tranh quyết liệt của thủy thủ với bọn chỉ huy, rốt cuộc chiến hạm France và hạm đội Pháp đã phải quay mũi ra Địa Trung Hải để trở về quân cảng. Ảnh hưởng của cuộc binh biến này đã lan nhanh ra khắp các đơn vị hải quân và lục quân Pháp bị điều động đi tấn công cách mạng Nga. Đây là sự tiếp sức rất có ý nghĩa cho Quân đoàn kỵ mã thần kỳ của Nguyên soái Bu-điôn-nưi đánh cho bọn bạch vệ phản cách mạng của tướng Đê-nhi-kin không còn manh giáp. Lênin đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của cuộc binh biến này. Người viết: “Về căn bản, chúng ta đã giành được thắng lợi hết sức to lớn và thậm chí đã đánh bật khỏi tay của những nước đồng minh cái vũ khí mà trước đây chỉ có họ mới có, tức là hạm đội… Chúng ta tuy không có khả năng chống trả về quân sự trên mặt biển, nhưng cũng đã buộc được các cường quốc đế quốc phải từ bỏ cái vũ khí đó… do chúng ta đã có thể tranh thủ được những bạn đồng minh trong hàng ngũ của kẻ thù chúng ta” 3.
Tự hào và kiêu hãnh biết bao, một trong những người “bạn đồng minh” quốc tế nhiệt thành đã góp phần tạo nên “thắng lợi hết sức to lớn” trong thời kỳ can thiệp vũ trang của nước ngoài và nội chiến trên đất nước Xôviết (1918-1920) như Lênin đã nói, có Tôn Đức Thắng - người công nhân vĩ đại của thành phố Sài Gòn, của đất nước ta, người Việt Nam đầu tiên vinh dự được trao tặng giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin (12-1955) và Huân chương Lênin cao quý (11-1967).
Trong những tháng năm sống xa Tổ quốc, xa đồng bào, Tôn Đức Thắng đã ra sức phấn đấu “mong học hỏi được thật nhiều để về nước làm cách mạng”. Cuộc sống cộng đồng gắn bó và mối quan hệ keo sơn với giai cấp công nhân tại một số trung tâm công nghiệp nổi tiếng của nước Pháp, với đội quân thủy thủ tiến bộ trên chiến hạm France, cũng như việc gia nhập vào tổ chức Công đoàn Pháp và tham gia hoạt động tích cực vào phong trào yêu nước của giới Việt kiều ta ở Pháp, đã nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn và bồi dưỡng thế giới quan của Tôn Đức Thắng. Điều quan trọng là, Người đã nhận thức được ý nghĩa quốc tế vĩ đại của cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò và tác dụng lớn lao của tổ chức Công đoàn trong các lĩnh vực đấu tranh kinh tế và chính trị, sự liên kết tất yếu giữa phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp tại chính quốc với nhân dân bị áp bức ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Đó là những hành trang quý giá mà Tôn Đức Thắng đã trang bị cho mình khi từ giả nước Pháp để trở về thành phố Sài Gòn, lao vào cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù, sau khi cuộc can thiệp vũ trang phản cách mạng của 14 nước mưu toan bóp chết nước Cộng hòa Xôviết Nga non trẻ đã bị đập tan.
***
“Cách mạng là đầu tàu của lịch sử”. Sau khi hồi hương về nước, Tôn Đức Thắng đã dốc toàn lực lao vào bão táp đấu tranh. Kề vai sát cánh với đội ngũ thợ thuyền, Tôn Đức Thắng đã đồng hành cùng lịch sử bằng những hành động thật diệu kỳ. Người thủy thủ kiên trung đã kéo lá cờ đỏ lên chiến hạm France trên biển Hắc Hải sáu năm về trước để ủng hộ Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, mùa thu năm 1925, lại vận động thợ thuyền hãng Ba Son quyết tâm trì hoãn việc sửa chữa chiếc Đô đốc hạm Jules Michelet trong đoàn tàu chiến Pháp mà bọn thực dân muốn gấp rút đưa sang Trung Quốc để tăng cường cho các đội pháo hạm của Anh – Pháp, gây thêm các cuộc thảm sát đẫm máu tại Thượng Hải, Hương Cảng, Quảng Châu nhằm đè bẹp phong trào “Ngũ Tập” chống đế quốc 4 đang dâng lên trên đất nước Trung Hoa. Hành động đầy tình cảm quốc tế trong sáng của Tôn Đức Thắng và công nhân hãng Ba Son diễn ra đồng thời với những cuộc vận động quần chúng tại thành phố Paris nhằm: “Phản đối đế quốc Pháp giết hại nhân dân Thượng Hải!”, “Yêu cầu Chính phủ Pháp rút ngay tàu chiến và quân đội ra khỏi Trung Quốc!”.
Mười năm hoạt động cách mạng tại thành phố Sài Gòn sau khi trở về Tổ quốc, Tôn Đức Thắng đã hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ lịch sử – vừa là nhà tuyên truyền cổ động nhiệt thành, vừa là nhà tổ chức năng động. Là nhà tuyên tuyền cổ động nhiệt thành, thông qua nguồn ấn phẩm cách mạng quý giá trên đất Pháp và tài liệu sách báo của Nguyễn Ái Quốc từ thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) theo con đường biển vào bến cảng Sài Gòn, Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng sự du nhập và truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin trên đất nước ta.
Là một nhà tổ chức năng động, Tôn Đức Thắng đã sáng lập ra tổ chức “Công hội đỏ” – công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, là người lãnh đạo nhiều cuộc bãi công có tổ chức, có quy mô và gây được tiếng vang về chính trị cả trong và ngoài nước – nhất là cuộc bãi công của thợ nhuộm Chợ Lớn vào cuối năm 1922 và cuộc bãi công của công nhân hãng Ba Son hồi mùa thu năm 1925. Tôn Đức Thắng còn là người góp sức đắc lực vào việc xây dựng hệ thống tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản ở vùng đất Nam bộ.
Đáng tiếc biết bao, giữa lúc đất nước đang chuyển mình để bước sang cao trào cách mạng sôi động trong những năm 1930-1931 thì vào hạ tuần tháng 7 năm 1929, Tôn Đức Thắng bị giặc bắt tại thành phố Sài Gòn.
***
Trải qua 17 năm bị giam tại Khám lớn Sài Gòn và lưu đày ra Côn Đảo, Tôn Đức Thắng đã thực hiện trọn vẹn lời huấn thị thiêng liêng của Lênin: “biến nhà tù thành trường học của các chiến sĩ cách mạng”. Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác Tôn đã được trở về đất liền giữa lúc quê hương đang rền vang tiếng súng. Núp bóng quân Anh – Nhật, giặc Pháp tái chiếm Nam bộ.
Trên khắp nẻo đường, quân dân ta “nóp với giáo mang ngang vai” bước chân ra tiền tuyến để xả thân thực hiện lời thề chiến đấu thiêng liêng: “Độc lập hay là chết!”. Được sự tín nhiệm của Đảng, Bác Tôn đảm nhận trọng trách trong Ban Thường vụ Xứ ủy Nam bộ, phụ trách Ủy ban kháng chiến và chỉ đạo lực lượng vũ trang. Cùng tập thể Xứ ủy, Bác gấp rút củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ cho các cơ quan quân, dân, chính, đảng nhằm kịp thời đáp ứng cho nhu cầu tác chiến ở thành phố Sài Gòn và các địa phương trên chiến trường Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Với sự tin yêu và lòng quý mến sâu sắc, trong những ngày tháng không thể nào quên này, Bác Tôn đã được các tầng lớp đồng bào ta ở thành phố Sài Gòn nhất trí bầu làm người đại biểu xứng đáng của mình trong Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 2 năm 1946, giữa lúc Bác Hồ thay mặt Chính phủ tặng quân dân Nam bộ danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” vẻ vang, Bác Tôn được mời ra thủ đô Hà Nội để cùng Trung ương lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Suốt trong hai thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, trải qua những tháng năm hoạt động cách mạng bí mật giữa lòng thành phố Sài Gòn lúc tiền khởi nghĩa cũng như trong thời gian kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam bộ, ở núi rừng chiến khu Việt Bắc hay làm việc tại thủ đô Hà Nội, Bác Tôn đã hiến dâng trọn cuộc đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta; vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội cho các dân tộc trên thế giới.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, Bác Tôn đã từng đảm nhiệm những trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước và trong nhiều lĩnh vực hoạt động xung yếu của các cơ quan quân, dân, chính. Từ khi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ năm 39 tuổi, đến lúc trái tim ngưng đập trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 92 tuổi, Bác Tôn luôn luôn nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc và nhân dân, đức tính hy sinh xả thân, khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, sống khiêm tốn, thanh bạch, giản dị, gần gũi quần chúng, thương yêu đồng chí, quý trọng đồng bào, thấm nhuần đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng yêu nước nồng nàn và tình cảm quốc tế trong sáng.
Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Bác Tôn đã được Bác Hồ khắc họa trong bức tranh chân dung bất hủ. Hồ Chủ tịch viết: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một con người rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng, 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, chín năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, bốn năm phấn đấu để giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà… Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.5
Giữa lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tiếp tục phát động sâu rộng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, khiến lòng chúng ta nhớ đến Bác Tôn khôn xiết. Bác Tôn là người luôn luôn giáo dục, cổ vũ chúng ta phải toàn tâm toàn ý học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Bác Hồ. Bác nói: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng cao đẹp của Hồ Chủ tịch; sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn” 6. Và chính Bác, đã nêu gương sáng về việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực hoạt động thực tiễn đa dạng.
Với cương vị Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Bác Tôn đã vận dụng thành công, xuất sắc tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Bác Hồ. Với trọng trách Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc, Trưởng ban thanh toán nạn mù chữ Trung ương... Bác đã thực hiện triệt để tư tưởng thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch...
Là nhà lãnh đạo lỗi lạc và mẫu mực, Bác Tôn Đức Thắng mãi mãi để lại cho đời một di sản vô cùng quý giá về tư tưởng, đạo đức và tác phong, không phải được thể hiện qua các áng thơ văn và trong những trước tác về lý luận mà bằng sự phát sáng trong thực tiễn hoạt động cách mạng dày dặn, phong phú, giàu tính Đảng, tính chiến đấu, tính nhân văn và là biểu hiện rực rỡ của tư duy năng động, sáng tạo. Mặc dù sống ở Tây Âu khá nhiều năm trong thuở thiếu thời đã được tiếp thu sự giáo dục cả về Tây học và Hán học, vừa giỏi chữ Nho lại thông thạo tiếng Pháp, nhưng trong phong cách sinh hoạt, trong ngôn ngữ, cử chỉ và thái độ ứng xử, giao tiếp thường ngày của Bác, đã in dấu ấn bản sắc dân tộc sâu sắc, đậm đà.
33 năm trước đây, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Bác Tôn đã dẫn đầu đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc vào thăm thành phố Sài Gòn và dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Sau 45 năm tính từ ngày bị đày ra Côn Đảo, nay Bác được trở về với thành phố thân thương, với quê hương chôn rau cắt rốn ở tỉnh An Giang trong niềm vui hân hoan và phấn khởi vô hạn của đồng chí, đồng bào. Đi tới đâu và ở bất cứ nơi nào, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta cũng đều tự hào chiêm ngưỡng hình ảnh thân thương của vị Chủ tịch nước 87 tuổi xuất hiện trong bộ áo quần giản dị của người lao động sống giữa đời thường.
***
Nghiền ngẫm những lời trân trọng đánh giá của Bác Hồ đối với Bác Tôn, khiến tôi băn khoăn suy nghĩ một điều. Trong những tháng năm qua, chúng ta đã thực sự phát huy giá trị tinh hoa về đạo đức cách mạng của Bác Tôn chưa? Đó là một trong những nguồn “tài nguyên” về tinh thần trong kho tàng tư tưởng vô giá của Đảng ta. Phải biết khai thác và tận dụng nguồn tài nguyên ấy, biến nó thành sức mạnh tư tưởng, ý chí và nghị lực giúp chúng ta tiến lên trong tất cả các lĩnh vực công tác và mọi mặt hoạt động, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Đó chính là những lẵng hoa tươi đẹp nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thành kính dâng lên Bác Tôn với muôn vàn tình thân yêu, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh của Bác.
1 Tôn Đức Thắng, “Những bài viết và nói chọn lọc”, Nxb.CTQG.HN, 2005, tr.241
2 Tôn Đức Thắng, sách đã dẫn, tr.242-243
3 V.I. Lênin, Toàn tập, tập 40, Tiếng Việt, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, các tr.102, 194
4 “Ngũ Tập”: là phong trào ngày 30-5-1925
5 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb.CTQG, HN, 2000, tr.220-221
6 Tôn Đức Thắng, Những bài viết và nói chọn lọc, Nxb.CTQG.HN, 2005, tr.27
NGUYỄN MINH TRIẾT
(Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam)