Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 18/8/2008 20:29'(GMT+7)

Tinh thần cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đổi mới hôm nay

1. Cách mạng và Cách mạng Tháng Tám.

Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” năm 1927, trong mục “Cách mệnh”, trả lời câu hỏi: “Cách mệnh là gì?” Nguyễn Ái Quốc giải thích: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Thí dụ: Ông Galilê (1633) là khoa học cách mệnh. Ngày xưa ai cũng tưởng rằng giời tròn đất vuông, nhân kinh nghiệm và trắc đạc (đo đạc), ông ấy mới quyết rằng trái đất tròn và chạy chung quanh mặt giời.

Ông Stêphenxông (1800) là cơ khí cách mệnh. Ngày xưa chỉ đi bộ và đi xe ngựa kéo; ông ấy mới làm ra xe lửa.

Ông Đácuyn (1859) là cách vật cách mệnh (sinh vật cách mệnh). Ngày xưa không ai hiểu rõ sự sinh hóa (nảy nở và biến đổi) của vạn vật, ông ấy mới nghiên cứu ra vì sao mà có sự sinh hóa ấy.

Ông Các Mác là kinh tế học cách mệnh. Ông ấy nghiên cứu rõ ràng tư bản chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tranh đấu, vân vân ở đâu mà sinh ra; lịch sử nó thế nào, hiện tượng nó thế nào, và kết quả nó sẽ ra thế nào”(1).

Cũng trong mục “Cách mệnh”, khi giải thích “tư tưởng cách mệnh” (dân chúng cách mệnh), Người chia làm 3 thứ: 1- Tư bản cách mệnh là địa chủ hết sức ngăn trở tư bản mới, tư bản mới hết sức phá địa chủ, hai bên xung đột nhau. 2- Dân tộc cách mệnh là một nước cậy có sức mạnh đến cướp một nước yếu, làm dân nước ấy mất tự do độc lập, bắt dân tộc ấy làm nô lệ. Dân nô lệ ấy chịu không nổi nữa, tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi. 3- Giai cấp cách mệnh là công nông không chịu nổi áp bức của tụi tư bản, đoàn kết nhau đuổi tư bản đi, đạp đổ giai cấp đi áp bức mình.

Như vậy, dù là cơ khí cách mệnh, sinh vật cách mệnh, kinh tế học cách mệnh hay tư tưởng cách mệnh thì có chung một điểm là xóa bỏ cái xấu tạo ra cái tốt.

Cách mạng Tháng Tám 1945 là thuộc loại “tư tưởng cách mệnh”, “dân chúng cách mệnh” hay thường gọi là một cuộc cách mạng chính trị, cách mạng xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, toàn dân tộc Việt Nam, đoàn kết muôn người như một, quyết không chấp nhận làm nô lệ, nhất tề vùng lên phá bỏ cái xấu xa tồn tại hàng ngàn năm là chế độ phong kiến chuyên chế và gần trăm năm chế độ thực dân cũng không kém phần chuyên chế.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, một chế độ mới ra đời - chế độ Cộng hòa Dân chủ; người dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình. Không phải chỉ ở nước Nga năm 1917, mà ngay ở Việt Nam, với thắng lợi của một cuộc “dân chúng cách mệnh” đã “biến người nô lệ thành người tự do”.

2. Hồ Chí Minh- nhà tiên tri, tiên lượng.

Từ trước tới nay, khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh, chúng ta đã khám phá và làm rõ sự cống hiến vĩ đại của Người là từ chỗ tìm được con đường cứu nước đúng đắn- giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, rồi dẫn dắt cả dân tộc đi theo con đường đó, thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa cả dân tộc bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những năm gần đây, với sự ra đời một khoa học mới, Hồ Chí Minh học- chúng ta càng đạt được nhiều thành quả to lớn trong việc nghiên cứu Hồ Chí Minh. Một trong những thành quả mới trong nghiên cứu là sự khẳng định tầm nhìn xa trông rộng của Người trong tổng thể triết lý Hồ Chí Minh về phát triển xã hội Việt Nam. Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo những thói hư tật xấu trở thành căn bệnh và nguy cơ của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Người cũng ý thức rõ tinh thần của Lênin, rằng “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”.

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng không phải chỉ chống một thứ giặc ngoại xâm, mà còn phải chống rất nhiều thứ giặc khác. Đó là giặc dốt, giặc đói, giặc thói quen truyền thống lạc hậu. Phổ biến nhất, tập trung nhất là ba loại giặc: giặc ngoại xâm, thói quen truyền thống lạc hậu và giặc nội xâm.

Giặc nội xâm có rất nhiều biểu hiện với hàng trăm thứ bệnh mà nổi bật là bệnh quan liêu, tham ô, tham nhũng (Người gọi là nhũng lạm), lãng phí, bệnh hình thức, hữu danh vô thực, hẹp hòi, chủ quan, ba hoa... Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ. Tham ô, tham nhũng là hành động trộm cướp, xấu xa nhất, tội lỗi nhất, đê tiện nhất. Tham ô, lãng phí, quan liêu tội lỗi như Việt gian, mật thám. Nó là tội ác. Điều đáng quan tâm và cần phải nhấn mạnh là Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng, địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó không mang gươm, súng mà nằm ngay trong các tổ chức của ta, phá hoại từ trong phá ra. Nó là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Tổng kết 30 năm ngày thành lập Đảng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”(2). Trong Di chúc, với tinh thần của một cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh, Hồ Chí Minh cho rằng, chống lại những gì cũ kỹ, lạc hậu, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, đó là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ.

Lúc sinh thời, Lênin nhấn mạnh: kẻ thù hủy diệt chúng ta chính là chủ nghĩa quan liêu của chúng ta. Còn Hồ Chí Minh thì cho rằng thù trong nguy hiểm hơn giặc ngoài, vì có thù trong thì giặc ngoài mới khai thác được. Thù trong không chỉ là bọn gián điệp, bọn cơ hội mà chủ yếu là kém trí tuệ, thiếu bản lĩnh và suy thoái đạo đức, lối sống. Những người cộng sản do kẻ thù bên trong làm mất khả năng điều khiển xã hội, mất khả năng hướng dẫn và quy tụ quần chúng, không còn được dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định thất bại. Từ tinh thần đó của Lênin và Hồ Chí Minh, chúng ta có thể hiểu rằng, không ai xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa trừ phi chính những người cộng sản tự xóa bỏ; không ai bôi nhọ được người cộng sản trừ chính người cộng sản tự bôi nhọ.

3. Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa trong sự nghiệp đổi mới.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991) khẳng định “tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa làm cho thế giới quan Mác- Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội”.

Trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng, ngày 7-11-2007, Đảng ta đã triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2008, trọng tâm của cuộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.

Xung quanh cuộc cách mạng chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong giai đoạn hiện nay, cần phải làm rõ và thống nhất mấy vấn đề lý luận và thực tiễn theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ có nhận thức sâu sắc, quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công cuộc đổi mới thì mới hy vọng đạt được hiệu quả thật sự trong cuộc vận động có ý nghĩa lớn này.

Thứ nhất, với tinh thần của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải khẳng định và nhấn mạnh lại rằng tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, và vì vậy, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. Bởi vì đây là cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác, xây cái đẹp, cái thiện. Tham ô, lãng phí, quan liêu là nọc xấu của chế độ cũ. Mặt khác, cán bộ, đảng viên ta, lúc đấu tranh thì trung thành. Song đến khi có ít quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải giáo dục, giúp đỡ, cứu vãn họ. Sự nghiệp đổi mới là nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp. Vì vậy, phải tẩy cho sạch những thói xấu của xã hội cũ.

Thứ hai, cần phân biệt tham ô và tham nhũng có những cấp độ giống và khác nhau. Khái niệm “tham ô” cho biết “ô” là nhơ bẩn. Nội dung chủ yếu của tham ô là tìm cách ăn cắp của công, là trộm cướp, là khai gian, lậu thuế. Hiểu tham ô như vậy thì rõ ràng, bất kể ai, ở lứa tuổi nào, làm nghề nghiệp gì, nếu thiếu lương tâm, thì đều có thể tham ô (như dân thường, thiếu niên, nhi đồng...). Cùng với kiểu tham ô trực tiếp, theo Hồ Chí Minh còn có tham ô gián tiếp như ăn cắp giờ, kém lòng trách nhiệm. Theo Hồ Chí Minh, có những biểu hiện tham ô mà chỉ có cán bộ mới có điều kiện thực hiện, như tiêu ít khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ làm của riêng, ăn bớt của bộ đội, đục khoét nhân dân.

Khái niệm “tham nhũng” cho biết “nhũng” là quấy rối. Và như vậy, tham nhũng được hiểu là tham ô và quấy nhiễu nhân dân. Theo “Từ điển tiếng Việt” thì “tham nhũng” là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của dân.

Luật “Phòng, chống tham nhũng” định nghĩa: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Luật giải thích người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: “ a) cán bộ công chức,viên chức; b) sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn- kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) cán bộ lãnh đạo quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) người được giao thực hiện nhiệm vụ công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.

Hồ Chí Minh có lần nói đến hai từ “nhũng lạm”. Ta có thể hiểu là lạm dụng quyền lực để tham nhũng và nhũng nhiễu dân. Để hiểu thêm khái niệm này, ta nhớ lại lời giải thích của Bác: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(3). Một chỗ khác, Người nói rõ hơn: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(4).

Dẫn những khái niệm cơ bản trên để thấy: 1- Tham nhũng là phải có quyền lực; dân thường không thể tham nhũng và cũng không thể ăn của đút. Ai có quyền lực, quyền hành? Đó là cán bộ công chức, những người ăn lương. 2- Tham nhũng có thể bao gồm tham ô, nhưng là cán bộ tham ô; còn nhân dân tham ô thì không thể gọi là tham nhũng. 3- Như vậy, cuộc chiến chống tham nhũng có địa chỉ cụ thể, không thể kêu gọi chung chung. Đó là cán bộ công chức Nhà nước, và càng phải chú ý những người có chức vụ, quyền hạn cụ thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ- mà thiếu lương tâm là có dịp tham nhũng, ăn hối lộ. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khi bàn về “thách thức phức tạp nhất trên đường phát triển” - cho rằng “sự tha hóa nói chung trong sức ép của kinh tế và văn hóa bên ngoài luôn có mặt trong chuyển biến của đất nước, song tai họa đi từ sự tha hóa của bộ phận nòng cốt, tiền phong của dân tộc... Xét cho cùng, những tổ chức chống tham nhũng được thiết lập tuy có nhắm vào toàn bộ cơ chế, song chủ yếu vẫn nhắm vào số đảng viên cầm quyền... Nếu tuyển chọn trong 3 triệu đảng viên cộng sản một nửa số tích cực, trong sáng thì cục diện chung sẽ có chuyển biến theo hướng xây dựng lành mạnh”(5).

Thứ ba, từ khái niệm “tham nhũng” trong Luật Phòng, chống tham nhũng, cũng như cách giải thích của Hồ Chí Minh, cần nhận thức tham nhũng có chiều sâu và bề dày, có tham nhũng vật chất và tham nhũng tinh thần. Mà thông thường thì tham nhũng tinh thần là gốc, còn tham nhũng vật chất chỉ là ngọn. Từ tham nhũng tinh thần dẫn tới tham nhũng vật chất. Tham nhũng liên quan đến quyền lực, mà cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Vì vậy, trong tham nhũng tinh thần có tham nhũng quyền lực. Từ tham nhũng quyền lực dẫn tới tham nhũng kinh tế. Tham nhũng quyền lực là gốc, tham nhũng vật chất là ngọn. Phải chữa từ gốc, tức là chữa nơi quyền lực.

Thứ tư, quan liêu thường có 3 mối quan hệ: đối với người: thích dùng mệnh lệnh, không gần quần chúng, không sát cán bộ. Đối với công việc: trọng hình thức, không đi sâu vào vấn đề. Đối với mình: làm cho qua chuyện, nói một đường làm một nẻo, chỉ biết lo cho mình. Tóm lại, quan liêu là có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Quan liêu là ấp ủ, dung túng, che chở cho tham ô lãng phí; gieo hạt vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu.

Thứ năm, cần có những biện pháp tích cực, mang tính cách mạng triệt để trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Trước hết, với tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, cả hệ thống chính trị, mà đứng đầu là Đảng cầm quyền, phải có một quyết tâm chính trị cao độ và thật sự để kiên quyết “nhổ đi nhổ lại cho sạch hết những cỏ rác bệnh quan liêu” như lời dạy của Lênin và Hồ Chí Minh. Đảng phải quán triệt nhận thức trong toàn xã hội về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu quan trọng như đánh giặc trên mặt trận. Tất nhiên, đây là mặt trận tư tưởng, chính trị, là cuộc cách mạng nội bộ. Vì vậy, phải có lãnh đạo, có tổ chức, có kế hoạch, có chuẩn bị. Với tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Đảng phải truyền quyết tâm chống giặc nội xâm cao hơn chống giặc ngoại xâm, vì “giặc bên trong đáng sợ hơn”. Phải làm cho mỗi người dân nhận thức sâu sắc rằng nỗi nhục nghèo hèn, lạc hậu, thiếu văn minh do những thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên gây ra cũng đau không kém gì nỗi nhục mất nước, nếu không muốn nói là đau hơn.

Chống giặc bên trong thường phải áp dụng nhiều bộ “công cụ”. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là những công cụ quan trọng vào bậc nhất xét dưới góc độ quản lý nhà nước. Nhưng rõ ràng, từ khi luật có hiệu lực (tháng 12-2005) đến nay, vấn đề tham nhũng và lãng phí hầu như không giảm, ngược lại có chiều hướng gia tăng. Như vậy, “vũ khí hiện đại” nhất chưa phát huy tác dụng, vì người ta vẫn có cảm giác như chưa có các luật đó trên đời; luật chưa đi vào cuộc sống. Mặt khác, việc thi hành luật chưa thật nghiêm và minh nên đang có dấu hiệu “nhờn” luật. Chúng ta chưa làm đúng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh là “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì”, và chỉ dẫn của Lênin: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy,- đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng”(6).

Giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức là một cách làm cần được duy trì thường xuyên, và trên thực tế đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, những kẻ tham nhũng thì không còn “dây thần kinh xấu hổ”. Vì vậy, giáo dục đạo đức phải kết hợp với sự nghiêm và minh của pháp luật.

Kêu gọi tính tự giác, tự phê bình, tự phát hiện những tiêu cực như tham ô, tham nhũng, lãng phí của mỗi cán bộ, đảng viên, của tổ chức đảng cơ sở là một biện pháp chúng ta vẫn làm, nhưng rõ ràng còn rất hình thức. Hầu như chưa có một vụ tham nhũng, lãng phí nào được phát hiện từ chính tổ chức đảng cơ sở, tức là tự phát hiện, tự chỉ trích. Trong khi đó, khoảng 80% vụ việc tiêu cực chủ yếu do báo chí phát hiện.

Như vậy, trong bộ “công cụ” chống tiêu cực trong cuộc cách mạng này còn một vũ khí quan trọng nhất, sắc bén nhất là dựa vào dân. Bác Hồ đã từng dạy chúng ta rằng “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. “Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ,việc gì làm cũng không xong”. Dân liệu nhất định khác với “quan” liệu. Nói đến dân, dựa vào dân thì trước hết và xuyên suốt là thực hành dân chủ với đông đảo quần chúng nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là dựa vào lực lượng của quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải dựa vào quần chúng là dân chủ. Nếu không dân chủ thì dân sẽ xa. Mà dân xa thì nhất định thất bại. Dựa vào quần chúng không phải để bắt một tên tham nhũng, một tên kẻ trộm “đường hoàng”. Bởi vì, như Xtalin từng phân tích, “bắt một tên trộm, có nghĩa lý gì, vì còn hàng nghìn, hàng vạn tên giặc như nó”. Vấn đề là ở chỗ “Cần phải có một biện pháp khác, biện pháp nghiêm ngặt hơn, để trừng trị chúng. Biện pháp ấy là gây nên một đạo đức để ngăn ngừa trộm cắp, gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy. Biện pháp ấy là gây nên một cuộc vận động trong công nông chống trộm cắp; làm cho lũ trộm cắp “đường hoàng” cũng như trộm cắp kín đáo- không sống còn được”(7). “Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng”(8).

Thứ sáu, như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, cán bộ kém lòng trách nhiệm là một biểu hiện của tham ô gián tiếp và quan liêu đẻ ra tham ô, lãng phí. ở đây cần phải thật thà thừa nhận, chúng ta chưa thật thấu triệt quan điểm Hồ Chí Minh về quan liêu, về thiếu tinh thần trách nhiệm và những tác hại của nó. Thiếu tinh thần trách nhiệm và quan liêu có mối quan hệ mật thiết với nhau, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nó đều là kẻ thù của nhân dân, tội lỗi như mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa. Nhưng hiện nay, chưa thấy ai bị kỷ luật vì lãng phí, quan liêu và thiếu tinh thần trách nhiệm!?. Nhiều cán bộ sau những vụ việc có khuyết điểm lớn vẫn chỉ quy vào thiếu tinh thần trách nhiệm. Mà ở Việt Nam hiện nay, bị quy “tội” thiếu tinh thần trách nhiệm coi như chuyện bình thường, chưa có gì xảy ra. Còn chưa thấy ai bị quy “tội” quan liêu?! Trong khi chế độ trách nhiệm pháp lý tương đối tốt, thì chúng ta chưa áp đặt được chế độ trách nhiệm chính trị, tức là chế độ trách nhiệm trước dân. Có được chế độ trách nhiệm này thì quan chức sẽ và phải có ý thức luôn giữ mình cho trong sạch, chứ không phải che chắn mình cho giỏi. Và khi có được chế độ trách nhiệm này thì quan chức sẽ bị cách chức, thậm chí vui vẻ từ chức, nếu mất tín nhiệm trước dân như một thứ “văn hóa từ chức”. Có được chế độ trách nhiệm chính trị thì chế độ trách nhiệm pháp lý mới được áp đặt một cách dễ dàng. Vì chưa áp đặt được chế độ trách nhiệm chính trị, nên đã tạo ra một kẻ hở trong các biện pháp chống tiêu cực của hệ thống chính trị. Cũng là một nguyên nhân làm cho quá trình cải cách thủ tục hành chính chậm đạt được kết quả.

Kỷ niệm 68 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cơ bản nhất là làm sống lại khí thế và tinh thần cách mạng của toàn dân tộc bất chấp gian khó, hy sinh, vùng lên giành quyền sống, quyền làm người. Nhưng nếu nước được lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Sau hơn 20 năm đổi mới, cái cần nhất hiện nay là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Muốn vậy, cùng với phát triển kinh tế là trung tâm, nhất định phải có một cuộc phục hưng mới về đạo đức. Phải thật sự quan tâm tới cuộc cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa thì mới có thể sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển./.

Bùi Nguyễn

———————-

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.1, tr.263.

(2) Sđd, t.10, tr. 4.

(3), (4) Sđd, t.5, tr.104, 641.

(5) Báo Tuổi Trẻ, Xuân Đinh Hợi, 2007.

(6), (7), (8) Sđd, t.6, tr. 496, 501, 496.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất