Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X) chỉ rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng… Các vấn đề nông nghiệp, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước… Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều chương trình, dự án để phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống nông dân.
Việc thực thi các chính sách đã đạt được những kết quả đáng kể. Có thể khái quát trên mấy khía cạnh sau.
Một là, quan hệ giữa thành thị và nông thôn đã có bước chuyển đột phá. Không chỉ việc giao lưu thông thương giữa thành thị và nông thôn ngày càng thuận lợi mà khoảng cách về trình độ phát triển giữa thành thị và nông thôn đã có bước thu hẹp.
Hai là, trình độ sức sản xuất của nông nghiệp, nông thôn đã được tăng cao, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ngày càng tốt hơn. Năng suất các loại cây trồng, vật nuôi đã không ngừng tăng lên. Bước đầu đã có những nông sản hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh như gạo, điều, hồ tiêu, bưởi, thanh long, cá tra, cá ba sa…
Ba là, chất lượng đời sống của người nông dân đã được nâng lên một bước. Thời gian qua chúng ta đã tập trung vào việc “tăng” và “giảm” cho nông thôn. “Tăng” là tăng cường đầu tư, tăng các chính sách hỗ trợ cho phát triển. “Giảm” chủ yếu là giảm gánh nặng cho người dân như miễn giảm thuế nông nghiệp, thủy lợi, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, an sinh xã hội. Kết quả của những chính sách kinh tế tổng hợp và việc “tăng”, “giảm” tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, thu nhập của người nông dân tăng trưởng khá nhanh, nhiều vùng quê đã trở thành khá giả.
Bốn là, bộ mặt của nông thôn đã có nhiều thay đổi. Với việc đầu tư cụ thể về điện, đường, trường, trạm y tế, chợ nông thôn, hệ thống thủy lợi… kết cấu hạ tầng nông thôn được củng cố và tăng cường, nông thôn đang khởi sắc.
Xét về tổng thể, sau những năm đổi mới đầy nỗ lực, công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn đã thu được những kết quả tốt đẹp.
6 đề xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn
Trong quá trình vận động và phát triển, lĩnh vực “tam nông” cũng đang xuất hiện nhiều vấn đề mới đòi hỏi cả hệ thống chính trị nỗ lực giải quyết. Đó là vấn đề tổ chức sản xuất nông nghiệp do sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là nền sản xuất nhỏ, phân tán; đó còn là vấn đề việc sử dụng đất nông nghiệp do quá trình CNH-HĐH cùng với đô thị hóa tác động rất mạnh mẽ, trực tiếp đến lĩnh vực đất nông nghiệp. Bên cạnh đó cũng còn là vấn đề môi trường, thị trường cho nông sản; vấn đề văn hóa truyền thống…
Chính vì vậy, để nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, bền vững, đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, về mặt nhận thức. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn vấn đề muốn đất nước trở thành nước công nghiệp thì nông nghiệp nông thôn phải được hiện đại hóa, nông thôn phải đổi mới hơn. Phải coi việc phát triển nông nghiệp, nông thôn mới XHCN là nhiệm vụ cấp bách, là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất hiện nay.
Thứ hai, cần thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt những chính sách và chương trình kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn đã ban hành, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”.
Thứ ba, chú trọng đến qui hoạch vùng, quy hoạch tổng thể để có sự đầu tư nguồn lực đúng lúc, đúng địa chỉ. Vừa qua chúng ta chú trọng đến qui hoạch phát triển từng địa phương, từng tỉnh mà chưa có sự kết nối vùng một cách khoa học, hợp lý. Vậy nên đầu tư bị dàn trải, hiệu quả thấp.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ một số chính sách như: tiếp tục miễn giảm thuế nông nghiệp, miễn thủy lợi phí, chính sách giá cả đền bù đất đai bị thu hồi một cách hợp lý, các chính sách hỗ trợ về văn hóa, y tế, giáo dục…
Thứ năm, cần tăng cường đầu tư đột phá cho nông nghiệp nông dân, nông thôn với một mức tầm cỡ như những công trình trọng điểm quốc gia mà chúng ta đã làm. Chẳng hạn đầu tư 30 - 50 tỷ đồng trong 10 năm để thúc đẩy nông thôn có bước phát triển mới vượt bậc, tạo đà cho CNH-HĐH đất nước.
Thứ sáu, động viên toàn Đảng, toàn xã hội quan tâm ủng hộ và tham gia công cuộc xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
Công cuộc CNH-HĐH đất nước tiếp tục được đẩy mạnh, vấn đề “tam nông” được Đảng, Chính phủ và toàn xã hội quan tâm là cơ sở để khẳng định nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nhất định phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đời sống mọi mặt của người nông dân nhất định ngày càng tốt đẹp, vững bền./.
GS.TS Vũ Văn Hiền