Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 31/10/2010 11:9'(GMT+7)

Thêm xung lực mới cho Đông Á

Với vai trò trung tâm của ASEAN, cùng với động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ, sự hợp tác mang tính hữu cơ về kinh nghiệm, chất xám của Nhật Bản, Hàn Quốc và giờ đây thêm sự tham gia của 2 cường quốc là Mỹ và Nga, ASEAN đang đứng trước cơ hội tạo dựng một thị trường chung mang tính cạnh tranh và kết nối với hệ thống kinh tế toàn cầu. Sự tham gia của Nga và Mỹ cũng sẽ tạo thêm xung lực mới cho khu vực Đông Á trên bình diện chính trị ngoại giao, nhằm thiết lập cơ chế mạnh mẽ hơn để giúp Đông Á giải quyết được các vấn đề khu vực cũng như thế giới.

Quá trình hội nhập kinh tế Đông Á của ASEAN bắt đầu từ năm 1997 với 3 đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (ASEAN+3). Sau này, cơ chế hợp tác Đông Á mở rộng thêm Ấn Độ, Australia và New Zeland (ASEAN+6). Đây là những nền kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm trên 50% dân số và gần 30% GDP của thế giới.

Những năm gần đây, cơ cấu thị trường xuất khẩu của ASEAN sang các nước Đông Á có sự thay đổi đáng kể. Nếu như năm 2000, xuất khẩu của ASEAN sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tương đương với xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ thì tới năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang 3 nước này đã cao hơn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tới gần 70%.

Năm 2009, tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và 6 nước đối tác là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zeland và Ấn Độ đạt hơn 500 tỷ USD, chiếm tới hơn 32% thương mại của ASEAN. Trong khi đó, năm 2009, thương mại của ASEAN với Mỹ và EU đạt hơn 320 tỷ USD, chỉ chiếm gần 21% thương mại của ASEAN.

Những con số này đang chứng tỏ một điều, trục hợp tác ASEAN- Đông Á đang ngày càng trở nên có sức hấp dẫn. Vì vậy, việc cả Nga và Mỹ đều mong muốn tham gia vào sân chơi thương mại này là điều hoàn toàn hợp lý và sẽ tạo thêm xung lực mới cho Đông Á. Đông Á sẽ trở thành một thị trường rộng lớn với sự giao thương lớn chưa từng có. Tiếng nói của các nước Đông Á sẽ có trọng lượng hơn tại các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromia cho hay ASEAN “chào đón” Nga và Mỹ tham gia vào EAS. Sự hiện diện của hai quốc gia này góp phần đảm bảo hòa bình và phồn vinh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Thái Lan Kasit nói: “Họ có nhiều quan tâm về kinh tế, không chỉ hỗ trợ phát triển cho các nước đang phát triển về đầu tư, công nghệ, du lịch... Mỗi nước ASEAN ở phía Tây Thái Bình Dương vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Vì thế, sự tham gia của Mỹ rất quan trọng. Trên thực tế, họ đã thể hiện sự quan tâm tham gia và điều đó được hoan nghênh. Còn Nga đang trở nên ngày càng quan trọng trong tương lai và hiện nay đã là đối tác đối thoại của ASEAN. Về địa lý, một nửa đất nước họ nằm ở châu Á. Vì vậy, theo logic, họ nên  tham gia EAS”.

Cùng chung quan điểm, Bộ trưởng ngoại giao Indonesia, ông Marty Netalegawa cũng khẳng định, Đông Á mở rộng mang lại nhiều lợi ích cho ASEAN: “Mở rộng Đông Á là yêu cầu tất yếu nhưng vẫn làm sao đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN. ASEAN sẽ là nhân tố kết nối, vì thế ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN tại Hội nghị lần này. Hiện có hơn 700 dự án kết nối giữa ASEAN với các đối tác Đông Á  và tôi cho rằng sẽ ngày càng có nhiều dự án hợp tác hơn nữa trong khuôn khổ EAS”.

Từ đầu năm 2010, ASEAN đã thiết lập cơ chế riêng để đánh giá và nghiên cứu 2 khuôn khổ ASEAN+3 và ASEAN+6, bắt đầu từ 4 lĩnh vực là hài hòa biểu thuế, hài hòa quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và hợp tác kinh tế. Đây được xem bước đi cần thiết bởi nó cho phép ASEAN có thời gian cân nhắc, lựa chọn một cơ chế hợp tác có lợi nhất, đồng thời vẫn củng cố và phát huy được vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang hình thành.

Để cơ chế Đông Á mở rộng này đem lại hiệu quả thực sự cho ASEAN thì bản thân các nước ASEAN cũng cần quyết tâm thúc đẩy Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Trong đó đặc biệt là thu hẹp khoảng cách phát triển. ASEAN cần phải thực hiện các biện pháp đã đề ra như giảm thuế, dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan và đầu tư hơn nữa vào các nước thành viên, tăng cường thương mại giữa các nước, huy động mọi nguồn lực trong ASEAN.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng: “ASEAN phải có sự phối hợp chặt chẽ và phải kêu gọi sự hòa nhập hiệu quả hơn giữa các thành viên. Năm nay là năm đầu tiên ASEAN thực hiện Hiệp định Thương mại tự do song phương với các đối tác chính. Tôi nhận thấy các thành viên trong ASEAN đều đang tự điều chỉnh mình rất tốt với những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ để đảm bảo cam kết với các thị trường lớn. Đây cũng là thời điểm chúng ta cần cởi mởi sự đối thoại với các đối tác lớn. Đây là những thời điểm quan trọng cho ASEAN và cho cả Đông Á”.

Trong tương lai, có thể Đông Á sẽ có một Khu vực thương mại tự do (EAFTA). Việc “đồng bộ hóa” các FTA song phương giữa ASEAN với các đối tác Đông Á sẽ giảm tới mức tối đa sự khác biệt về các quy tắc thực thi. Khi EAFTA được thiết lập, đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tổng GDP gần 3000 tỷ USD và gần 2 tỷ người tiêu dùng. EAFTA sẽ giúp GDP các nước tăng thêm ít nhất 1,2%.

Không chỉ vậy, trên bình diện chính trị, hợp tác Đông Á với ASEAN làm nòng cốt, cũng góp phần xây dựng lòng tin giữa các thành viên góp phần vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực, không chỉ vì sự phát triển của mỗi đối tác thành viên mà còn nuôi dưỡng những tình cảm khu vực giữa các dân tộc vốn có sự khác biệt về văn hoá, chế độ chính trị, trình độ phát triển và các mục tiêu quốc gia./.

(Theo: Thu Hiền/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất