Ngày 20-10 vừa qua, RSF lại tiếp tục ném cái nhìn hằn học, thiếu thiện chí và không khách quan về tự do báo chí trên thế giới, trong đó Việt Nam được tổ chức này xếp thứ 165/178 về tự do báo chí.
- Em nghĩ gì khi Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp Việt Nam vào hàng “đội sổ” về tự do báo chí?
Một thầy giáo Mỹ đã hỏi tôi như vậy khi tôi theo học một khóa ngắn hạn về báo chí ở Thái Lan tháng 10-2008.
Tôi phải hỏi lại thầy nghĩ gì về bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF. Nó có khách quan? Có trung thực? Có mang tính khoa học? Liệu nó có góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí thế giới nói chung hay ở một nước cụ thể nào đó?
Và để thầy tự đánh giá về nền báo chí Việt Nam, tôi và các bạn phóng viên Việt Nam trong lớp đã trả lời trực tiếp thầy tất cả những câu hỏi thầy quan tâm về tự do báo chí ở Việt Nam. Không có đánh giá nào khách quan hơn về tự do báo chí là bằng cách hỏi chính những người đang làm báo ở Việt Nam.
Ngày 20-10 vừa qua, RSF lại tiếp tục ném cái nhìn hằn học, thiếu thiện chí và không khách quan về tự do báo chí trên thế giới, trong đó Việt Nam được tổ chức này xếp thứ 165/178 về tự do báo chí.
Lần này tôi cất công tìm hiểu và đọc hết báo cáo cũng như cách đánh giá của họ. Theo đó, RSF soạn một bảng gồm 43 câu hỏi và chia những câu hỏi này theo các nhóm như: xâm phạm về thể xác; số nhà báo bị sát hại, bị thương; bị đe dọa; kiểm duyệt và tự kiểm duyệt; áp lực hành chính; Internet…
Những câu hỏi này được 140 cộng tác viên của RSF, được nói là có mặt ở cả năm châu lục, hoàn thành, cho điểm rồi RSF xếp hạng cùng với những bình luận nhận xét bằng những từ ngữ rất thiếu văn hóa.
Trong báo cáo năm nay, RSF dùng những thuật ngữ như “chế độ chuyên chế như địa ngục Bắc Triều Tiên”, “phe đảng quân sự Miến Điện” hay về Việt Nam, RSF cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và “mùa săn bắn tự do ngôn luận” của Đảng phải chịu trách nhiệm cho “thứ hạng xoàng xĩnh” về tự do báo chí. Quả là những từ thật khó nghe khi nhận xét về một nước nào đó.
Cách đánh giá thiếu sát thực của RSF cũng như cách họ tự cho mình đặc quyền để dùng những từ ngữ miệt thị, thiếu văn hóa khi phán xét báo chí thế giới khiến những người có học và có hiểu biết về báo chí khó chịu.
Trong khi nhiều tổ chức hoạt động về báo chí và truyền thông cũng như nhiều nước có thiện chí bỏ tiền và gửi chuyên gia tới các nước nhằm giúp phát triển báo chí, việc RSF đứng từ xa chỉ trích, phê bình liệu có tác dụng gì? Nếu có một bảng xếp hạng hàng năm đối với các tổ chức hoạt động về báo chí, truyền thông trên toàn thế giới, RSF sẽ tự xếp mình ở vị trí nào?
Nhìn lại sự phát triển của báo chí Việt Nam trong những năm qua và vị trí mà RSF đặt Việt Nam trong bảng xếp hạng của họ quả là một sự đối lập giữa thực tiễn và áp đặt chủ quan.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, nước ta có tới hơn 17 nghìn nhà báo được cấp thẻ đang làm việc ở hơn 700 cơ quan báo chí. Đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của Việt Nam cũng được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Những vụ án tham nhũng, tiêu cực trong xã hội phần lớn đều được báo chí phanh phui. Và thực sự, nghề làm báo là một nghề được tôn vinh và có vị trí cao trong xã hội.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế rõ ràng là một số nhà báo bị cơ quan chức năng bắt giữ. Vì sao họ bị bắt? Người dân thường Việt Nam ai cũng có thể trả lời được khi đọc những thông tin công khai trên các báo. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng công khai lý do và tên những nhà báo bị bắt giữ. Thế nhưng, RSF chẳng cần quan tâm tới chuyện các nhà báo bị bắt đó có vi phạm pháp luật hay không. Mỗi lần có một nhà báo nào đó bị bắt giữ, họ lại có cơ hội để trừ điểm.
Internet cũng vậy. RSF đưa Việt Nam vào nhóm kẻ thù của Internet. Người Việt Nam và du khách quốc tế tới Việt Nam hiện đang được tiếp cận Internet một cách dễ dàng, thuận tiện và giá rẻ vào bậc nhất thế giới. Sự phát triển của báo mạng cũng như các website ở Việt Nam cũng là một thành tích mà không phải nước nào muốn có cũng làm được.
Vậy tại sao RSF coi Việt Nam là kẻ thù của Internet? Có phải do Việt Nam đóng cửa những website đồi trụy hay bắt giữ một số người dùng Internet để chống phá đất nước?
Tự do báo chí của Việt Nam chỉ có những nhà báo chân chính đang ngày đêm đưa tin, bài, ảnh về các góc cạnh trong cuộc sống ở Việt Nam mới có câu trả lời đích thực.
(Theo: Ngọc Hưng/QĐND)