Trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng tay sai, tấn công vào hệ tư tưởng – phần “hồn” của Đảng Cộng sản - lực lượng lãnh đạo, cầm quyền nhà nước và xã hội, luôn được xem là hoạt động quan trọng nhất. R. Ních-xơn trong sách: “1999 – chiến thắng không cần chiến tranh” rút ra kết luận: Rút cuộc sự cạnh tranh giữa các hệ thống xã hội cuối cùng, cái có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng chứ không phải là vũ khí. Chính vì vậy, chủ nghĩa đế quốc đã đồng thời thực hiện hai chiến lược: Chiến tranh xâm lược và "Diễn biến hòa bình" để chống phá hệ thống XHCN. Đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường…, chiến lược "Diễn biến hòa bình" có những thời cơ mới, mà chúng ta cần phải tính tới khi đấu tranh chống lại chiến lược đó.
Những luận điểm chính mà các thế lực thù địch sử dụng để tấn công vào hệ tư tưởng của Đảng ta là:
- Chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra đời từ thế kỷ XIX đã lỗi thời.
- Xã hội XHCN đã sụp đổ.
- Chủ nghĩa tư bản là “điểm tận cùng của lịch sử”…
- Tư tưởng Hồ Chí Minh là không có và nếu có thì đó cũng là tư tưởng cộng sản cũ rích...
Để đánh bại cuộc tấn công của các thế lực thù địch về tư tưởng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, công tác nghiên cứu lý luận và công tác chính trị - tư tưởng cần phải bảo vệ hệ tư tưởng, đường lối chính sách của Đảng. Muốn vậy phải làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn hay nói đơn giản - đứng trên quan điểm nào ngày nay Đảng ta vẫn lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của mình?
Về mặt khoa học, có thể xem những quan điểm cơ bản sau đây là cơ sở cho sự lựa chọn Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng.
Thứ nhất, sự lựa chọn Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì lợi ích của dân tộc, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới.
Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại cho thấy rằng, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, con đường giải phóng của các dân tộc thuộc địa không thể đi theo con đường của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, cũng không thể đi theo con đường cách mạng dân chủ tư sản. Chỉ có con đường cách mạng vô sản – con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới có thể giải phóng các dân tộc thuộc địa. Đây là kết quả khảo sát thực tế, nghiên cứu lý luận và hoạt động cách mạng kéo dài (1911 – 1920) của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại rằng, khi được đọc Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa trên báo Nhân đạo (Pháp), Người đã vui mừng reo lên và nói… “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã giành được độc lập, xây dựng Nhà nước pháp quyền (nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam), chế độ xã hội do nhân dân làm chủ. Tiếp đó, dân tộc ta đã tiến hành các cuộc kháng chiến anh hùng, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các đế quốc hung hãn và hùng mạnh nhất thế giới, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng ta đã phát hiện sai lầm trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, khởi xướng công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế, cho đến nay đã thu được những thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản đời sống xã hội, được nhân dân ghi nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Thứ hai, lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam còn dựa trên nhận thức về những biến đổi to lớn và sâu sắc của tình hình thế giới và những thành tựu, kinh nghiệm lịch sử của CNXH trong thế kỷ XX.
Xét trên phạm vi toàn thế giới, hơn 70 năm kể từ khi chủ nghĩa Mác – Lê-nin được hiện thực hóa trong mô hình Chủ nghĩa xã hội Xô-viết đến khủng hoảng, sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu (1917 – 1991), Chủ nghĩa xã hội hiện thực đã thu được những thành tựu vô cùng to lớn, có ý nghĩa thời đại:
- Đó là lực lượng xã hội mở ra một con đường mới cho nhân loại đi đến mục tiêu giải phóng cho con người, cho xã hội và cho các dân tộc.
- Đó là lực lượng chủ yếu đánh bại Chủ nghĩa phát xít, cứu loài người thoát khỏi chế độ diệt chủng.
- Đó là lực lượng tạo ra lực lượng đối trọng về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ,… khống chế chủ nghĩa đế quốc, đồng thời buộc chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh theo xu hướng dung hòa các lợi ích giai cấp.
Thứ ba, sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình còn dựa trên nhận thức đúng giá trị lý luận với giá trị phương pháp luận của học thuyết đó.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, những người kế thừa chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã phạm sai lầm nghiêm trọng về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn. Sau khi tiến hành cách mạng, giành và giữ chính quyền bằng các biện pháp bạo lực và chuyên chính vô sản, lẽ ra các đảng cộng sản có thể chuyển sang công tác tổ chức và xây dựng đất nước dựa trên nguyên tắc hòa hợp dân tộc, phát triển kinh tế thị trường… Song, ở các nước XHCN đã duy trì mô hình CNXH dựa trên các nguyên tắc phủ nhận kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường, xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản (ngay cả khi nhà nước đã thuộc về tay nhân dân)… Tình hình đó đã dẫn đến tình trạng xã hội trì trệ, sự thoái hóa về chính trị - tư tưởng, đạo đức trong đảng cầm quyền… Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng, sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu. Xét về phương diện lý luận, sai lầm đó bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều về lý luận, đồng nhất lý luận với phương pháp luận, đồng nhất “kiến trúc cảnh quan với kiến trúc xây dựng”, không biết vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lê-nin khi tình hình đã thay đổi.
Có thể nói, linh hồn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phép biện chứng duy vật, là quan điểm phát triển và quan điểm lịch sử cụ thể… Về điều này, chính Mác đã từng có lần nói: Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho cuộc sống. Lê-nin cũng đã nhiều lần nhắc nhở các Đảng cộng sản và công nhân phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn của dân tộc mình và phải biết lắng nghe “sự mách bảo của cuộc sống”.
Nhìn lại những năm đầu thập niên 20 (thế kỷ XX) có thể nói, các Đảng cộng sản ở các nước XHCN nói chung, đặc biệt là Đảng Cộng sản Liên Xô, đã bỏ lỡ cơ hội kế thừa và phát triển tư tưởng Lê-nin trong Chính sách kinh tế mới (NEP) để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển các quan hệ quốc tế,… chứ không phải chờ đến những năm 70, 80 thế kỷ XX , trong cải tổ, cải cách, đổi mới các nước XHCN mới quay trở lại triển khai những nội dung đó.
Ngày nay, Cương lĩnh (bổ sung và phát triển) của Đảng ta xác định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình với tinh thần mới, bao hàm các kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn CNXH hiện thực trên phạm vi thế giới, cũng như từ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Những nội dung sau đây của Cương lĩnh là một minh chứng:
- Thay vì xây dựng nền kinh tế tập trung quan liêu - bao cấp, xóa bỏ kinh tế thị trường trong mô hình cũ của CNXH, chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
- Thay vì xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản, ngày nay chúng ta xây dựng nền dân chủ và nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền công dân và quyền con người…
Ngoài ra, Cương lĩnh (bổ sung và phát triển) của Đảng còn xác định nhiều nội dung thể hiện tinh thần đổi mới, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào bối cảnh thời đại và đất nước, trên các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách dân tộc, tôn giáo, chức năng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội, chính sách đối ngoại và xây dựng Đảng…
Cũng như kinh nghiệm của các thời kỳ lịch sử đã qua, bảo vệ Đảng trước hết phải đấu tranh với các thế lực thù địch xuyên tạc và bôi nhọ Đảng, đồng thời phải thấy được những giới hạn lịch sử, tiềm năng hữu hạn của các quan điểm lý luận, nhất là các chính sách cụ thể, để không ngừng phát triển học thuyết cách mạng đó, nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể giữ vững được vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
(Theo: TS. Cao Đức Thái/QĐND)