Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 28/10/2010 21:46'(GMT+7)

Liên hợp quốc và một nghị quyết giàu tính nhân văn

Toàn cảnh kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh internet

Toàn cảnh kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh internet

Vì sao Hoa Kỳ vẫn đeo đẳng lệnh cấm vận chống Cu Ba?

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy rằng lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Cuba được thực thi bắt đầu từ tháng 10 năm 1960, bao gồm nhiều mặt: thương mại, kinh tế và tài chính. Đây là lệnh cấm vận thương mại lâu dài nhất trong lịch sử hiện đại. Cuộc bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cuba, chính thức kéo dài 50 năm, tính từ ngày 17/3/1960 khi Tổng thống Eisenhower phê chuẩn kế hoạch hành động ngầm chống Cuba, là cơ sở quan trọng cho các quyết định cấm vận kinh tế sau này. Cuộc cấm vận này kéo dài qua 11 đời tổng thống Mỹ, bắt đầu từ Eisenhower, vị Tổng thống thứ 34, đến Obama, vị Tổng thống thứ 44 hiện nay.

Thực chất đây là sự "bao vây" Cu Ba đeo đẳng và kéo dài trong suốt 50 năm qua của chính quyền Hoa kỳ, vì chính sách cấm vận của Mỹ cũng nhằm ngăn chặn cả các nước khác có quan hệ kinh tế, thương mại với Cuba. Mục tiêu của Hoa Kỳ là làm cho đất nước Cu Ba “sống dở, chết dở”. Và chính vì thế cũng có thể nói rằng đây là cuộc cấm vận toàn diện, tàn bạo và dài nhất trong lịch sử đối với một đất nước có chủ quyền. Toàn diện, vì ngay từ năm 1962, Tổng thống Kennedy, đã quyết định cấm hoàn toàn các hoạt động thương mại với Cuba, cấm nhập vào Mỹ tất cả hàng hóa làm từ các vật liệu có xuất xứ từ Cuba, thậm chí ngay cả khi hàng hóa đó được làm từ nước khác.

Các đạo luật "Trợ giúp nước ngoài" (tháng 8/1962 và tháng 12/1963) của Quốc hội Mỹ còn ngạo mạn cấm trợ giúp và trừng phạt "bất kỳ nước nào" có quan hệ thương mại và hành động giúp đỡ Cuba. Chính phủ Mỹ còn ép buộc chính quyền các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh và các nước thuộc khối NATO thi hành các biện pháp thắt chặt cấm vận chống Cuba.

Đạo luật Helms-Burton năm 1996 quy định trừng phạt các công ty nước ngoài có quan hệ thương mại với Cuba bị nhiều nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) phản đối. Cho đến tận ngày nay, tàu biển thuộc các hãng có quan hệ thương mại với Cuba vẫn bị cấm chuyên chở các hàng hóa Mỹ.

Chính quyền Mỹ còn cấm công dân Mỹ có các quan hệ tài chính, du lịch với Cuba, kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm và thuốc chữa bệnh sang Cuba kể cả vì lý do nhân đạo. Ngoài ra, Mỹ còn chi một số tiền khổng lồ cho các chiến dịch tuyên truyền và hoạt động thù địch chống phá Cuba trong suốt năm thập kỷ qua, bao gồm cả  hoạt động mưu sát nhiều lần lãnh tụ cách mạng Fidel Castro.

Câu hỏi đặt ra là vì sao chính quyền Hoa Kỳ lại thâm thù Cu Ba đến vậy? Vì sao nước Mỹ lại “sợ” Cu ba đến thế? Vì sao Hoa Kỳ - một đất nước hùng mạnh, giàu nhất thế giới lại áp đặt bao vây, cấm vận lâu dài và khốc liệt như vậy đối với một quốc gia nhỏ bé Cu Ba? Câu trả lời mà lương tri nhân loại tiến bộ trên thế giới đều có một mẫu số chung đó là sự thù địch về mặt ý thức hệ. 

Đã nhiều năm qua, việc thực hiện mục tiêu chống phá Cu Ba luôn là nội dung “ưu tiên”  xuyên suốt của các đời Tổng thống Hoa Kỳ. Dù là Đảng Dân chủ hay Cộng hòa cầm quyền thì chính quyền Hoa Kỳ đều không muốn chấp nhận một Cu Ba- một quốc gia đảo nhỏ bé độc lập, ngay sát nách Mỹ, “cứng đầu, cứng cổ”, không đi theo “con đường” có lợi cho họ. Họ càng tức tối khi cách mạng Cuba thành công đã trở thành tấm gương sáng cho các nước châu Phi, Mỹ Latinh giành độc lập. Uy tín của đất nước Cuba XHCN, ngay cạnh nước Mỹ, đang ngày một tăng cao trên trường quốc tế làm cho các thế lực diều hâu trong chính quyền Mỹ luôn coi đó là “cái gai” cần phải nhổ bỏ.

Trong năm đầu tiên kể từ khi đắc cử, Tổng thống Obama đã dỡ bỏ một vài sự hạn chế đối với Cuba được áp đặt từ thời cựu Tổng thống Bush, theo đó người Mỹ có thân nhân tại Cuba được gửi tiền không hạn chế về Cuba và được về thăm quốc đảo Caribe này với thời gian tùy thích. Tuy nhiên sự thay đổi này với chính công luận Mỹ còn là quá nhỏ bé, chưa thức thời. Ngày 12/8 vừa qua, Liên hiệp các doanh nghiệp, viện sỹ và các nhóm hoạt động xã hội khác tại Mỹ đã gửi thư thúc giục Tổng thống Barack Obama bãi bỏ lệnh hạn chế du lịch tới Cuba được áp đặt từ thời cựu Tổng thống George W. Bush. Trong bức thư gửi Tổng thống Obama, các tổ chức trên viết: "Đây là thời điểm quan trọng, chúng tôi đề nghị ngài Tổng thống có những bước đi mạnh mẽ nhằm đảo ngược hàng thập kỷ áp đặt các chính sách phản tác dụng chống Cuba."

Bất chấp lệnh cấm vận, những người cộng sản Cu Ba vẫn kiên cường, anh dũng tiến lên

50 năm qua người dân Cu Ba phải vật lộn, hứng chịu những tổn thất nặng nề từ lênh cấm vận hà khắc của chính quyền Hoa Kỳ. Chính quyền cách mạng Cu Ba đã công khai, tố cáo cuộc bao vây, cấm vận của Mỹ trong suốt 50 năm qua làm nền kinh tế nước này thiệt hại tới hơn 751 tỷ USD. Những con số tổn thấy này làm nhức nhối lương tri thế giới.

Trong chương trình "Bàn tròn" của Đài truyền hình Cuba phát sóng ngày 14/10, Cuba đã nêu rõ chính sách bao vây, cấm vận phi lý và bất công do Mỹ đơn phương áp đặt chống nước này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế cũng như đời sống xã hội của người dân Cu Ba, vi phạm luật quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Chính sách cấm vận thù địch của Washington tác động tới các lĩnh vực trọng yếu của Cu Ba như y tế, giáo dục, giao thông và lương thực, thực phẩm. Theo Bộ Y tế Cu Ba, nhiều thiết bị y tế, thuốc men, nguyên liệu sản xuất thuốc dành cho trẻ em không thể nhập khẩu trực tiếp từ các công ty Mỹ do lệnh bao vây, cấm vận. Cu Ba buộc phải nhập khẩu thuốc men và thiết bị y tế thông qua nước thứ ba, khiến chi phí cho ngành y tế trở nên vô cùng đắt đỏ.

Bất chấp sự bao vây, cấm vận kéo dài và tàn bạo của Mỹ, Cuba - hòn đảo XHCN vẫn hiên ngang tồn tại, phát triển. Nhiều thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước Cu Ba anh em đã giành được trong 51 năm qua là tiền đề vững chắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Ngay trong năm 2009, Quốc hội Cu Ba đã chính thức công bố, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và sự cấm vận của Mỹ quốc gia này vẫn đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Tốc độ phát triển kinh tế của Cuba vẫn tăng 1,4% và dự kiến sẽ tăng lên 1,9% trong năm 2010. Nhờ sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và tăng trưởng của các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, vận tải và dịch vụ; tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1,4%. Lượng sản xuất sữa tươi đạt 587 triệu lít, tăng 57 triệu lít so với năm 2008, đồng nghĩa với việc ngừng nhập khẩu 5.700 tấn sữa bột, trị giá hơn 18 triệu USD…

Có thể khẳng định rằng dù còn nghèo nhưng đất nước Cu Ba XHCN vẫn được cả thế giới biết đến với những thành tựu ưu việt và vượt trội. Theo đánh giá của một số tổ chức Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế, Cu Ba đã đạt được một số thành tựu về xã hội hơn hẳn nước Mỹ như bảo vệ sức khỏe toàn dân, giáo dục đại học và phổ thông, bảo đảm lương thực, thực phẩm và các tiện nghi sinh hoạt tối thiểu. Hiện nay, so với Mỹ thì Cuba hơn hẳn về các chỉ số xã hội cơ bản như sau:

- Nhà ở: Nhờ có Luật Cải cách đô thị năm 1960, đến nay 85% dân số Cuba đã có nhà riêng và không phải trả thuế tài sản hoặc lãi suất cho khoản nợ mua nhà trả dần. Chi phí nhà ở không vượt quá 10% thu nhập của mỗi gia đình.

- Thất nghiệp: Theo số liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tỉ lệ thất nghiệp của Cuba là 1,8% so với tỉ lệ này của Mỹ là 7,6% (và còn cao hơn nữa).

- Tỉ lệ biết chữ: Theo số liệu của UNDP, tỉ lệ người biết chữ ở Cuba là 99,8% cao hơn so với tỉ lệ này ở Mỹ (97%).

- Tỉ lệ trẻ em chết: Cuba có tỉ lệ trẻ em chết là 4,7/1.000 trẻ sinh, thấp hơn hẳn so với Mỹ (6,0/1.000 trẻ sinh)...

Công lý luôn đứng về phía nhân dân Cu Ba anh hùng

Trong xu thế toàn cầu hóa của thế giới ngày nay, rõ ràng là lệnh cấm vận hà khắc của Hoa Kỳ đối với Cu Ba luôn bị nhiều quốc gia chỉ trích. Ngay cả những đồng minh của chính nước Mỹ cũng phản đối và đòi Mỹ phải từ bỏ lệnh cấm vận vô lý này. Điều đó là dễ hiểu. bởi vì lệnh cấm vận của Hoa kỳ đã làm mất đi nhiều lợi ích kinh tế của EU và nhiều nước phương Tây. Các nước này không được phép buôn bán trực tiếp thương mại với Cu Ba mà phải gián tiếp qua nước thứ ba.

Và nhìn rộng hơn thì đại đa số các nước trên thế giới đều phản đối sự áp đặt vô lý, bất công đeo đẳng quá dài của Hoa Kỳ đối với một quốc gia có chủ quyền. Vì vậy trong nhiều năm qua, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cuba ngày càng bị lên án ở khắp nơi trên thế giới và ngay cả ở nước Mỹ. Đã có những tiếng nói lương tri từ nước Mỹ yêu cầu bỏ cấm vận Cu Ba ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX. Và ngày nay, ngay cả trong xã hội Mỹ làn sóng ủng hộ nhân dân Cu Ba tiếp tục tăng. Theo các cuộc thăm dò mới đây ở Mỹ, 71% công dân nước này ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa Cu Ba và Hoa Kỳ.

Và năm nay, đúng 50 năm sau ngày Mỹ bắt đầu thực thi cấm vận Cu Ba, sự kiện Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 ngày 26/10 tiếp tục thông qua nghị quyết yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vô lý này lại một lần nữa khẳng định công lý luôn đứng về đất nước Cu Ba anh hùng. Nó càng khẳng định nghị quyết của Liên hợp quốc là khách quan, công bằng và giàu tính nhân văn. Do đó nó luôn luôn được đại đa số quốc gia thành viên của Liên hợp quốc ủng hộ.

Nghị quyết yêu cầu các nước thành viên Liên hợp quốc không ban hành và áp dụng các luật và các biện pháp không phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của mình nhằm tái khẳng định quyền tự do buôn bán và tự do hàng hải. Nghị quyết nhắc nhở các nước cần từ bỏ hoặc vô hiệu hóa các luật cũng như các biện pháp như vậy.

Có thể khẳng định rằng nghị quyết của Liên hợp quốc là điểm nhấn quan trọng, khẳng định xu hướng hòa bình, hữu nghị và hợp tác của thế giới ngày nay. Sự kiện này đã tạo bầu không khi tích cực, đáp ứng sự mong đợi của cả thế giới. Chúng ta tin tưởng rằng nghị quyết giàu tính nhân văn này sẽ được thực thi.

Việt Nam là một đất nước đã từng phải chịu đựng bao khó khăn gian khổ do lệnh cấm vận nhiều năm trước đây, do đó chúng ta hoàn toàn thấu hiểu và luôn sẻ chia với đất nước Cu Ba XHCN anh hùng. 50 năm kiên cường chịu đựng và con số thiệt hại khổng lồ do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ gây ra không làm nao núng trái tim của những người cộng sản anh em trên con đường đi lên CNXN. Chúng ta tin tưởng đất nước Cu Ba anh em sẽ không phải tiếp tục chèo chống, hứng chịu những cơn "bão táp" cấm vận từ Hoa Kỳ./.

Đức Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất