Thứ Sáu, 27/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 19/3/2012 19:9'(GMT+7)

Tiếp cận Kho tàng sử thi Tây Nguyên

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Có thể coi đây là một công trình khoa học tổng thành trong việc sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên theo phương pháp hiện đại mà sự khởi đầu phải tính từ vài ba thập niên ở đầu thế kỷ 20 với tên tuổi của các nhà khoa học L.Xa-ba-ti-ơ, D.An-tô-ma-chi, G.Côn-đô-mi-na... Trên thực tế, sau gần một thế kỷ, phải đến ngày nay chúng ta mới hội đủ mọi điều kiện "thiên - địa - nhân" và phương tiện kỹ thuật cần thiết để hoàn thành công việc có tính tổng thành và đại thành này.

Qua bốn năm khởi động, đến năm 2004, những tập đầu của bộ sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên do NXB Khoa học Xã hội đảm nhiệm việc in ấn đã chính thức đến tay bạn đọc. Tuân thủ theo một phương pháp chung, mỗi tác phẩm sử thi thuộc mỗi dân tộc đều do chính những nghệ nhân hát kể sử thi giỏi của dân tộc ấy thực hiện và tham gia vào quá trình phiên âm, dịch nghĩa, chú giải văn bản. Tính đến hết năm 2011, công trình Kho tàng sử thi Tây Nguyên đã xuất bản được 91 tập (khổ 16 x 24 cm) với 107 tác phẩm, tổng cộng khoảng 90 nghìn trang in, trung bình mỗi tập xấp xỉ 1.000 trang. Các tác phẩm sử thi được sưu tầm trải rộng trên địa bàn rừng núi Tây Nguyên hùng vĩ thuộc các tỉnh Bình Phước, Ðác Lắc, Ðác Nông, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Phú Yên. Với số lượng tác phẩm đã xuất bản, bước đầu có thể xác định người Ba Na có 30 tác phẩm, in trong 17 tập; M’Nông có 45 tác phẩm, in trong 47 tập; Ê Ðê có 14 tác phẩm, in trong 13 tập; Xê Ðăng có 11 tác phẩm, in trong 6 tập; Ra Glai có 5 tác phẩm, in trong 6 tập; Chăm có 2 tác phẩm, in trong 2 tập... Tuân theo một quy cách chung, mỗi tác phẩm sử thi đã được xuất bản đều có đủ ảnh chân dung nghệ nhân, bài giới thiệu tổng quát chủ đề, nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa văn hóa, phần phiên âm tiếng dân tộc, dịch nghĩa tiếng phổ thông, phần chú giải các từ cổ, địa danh và một số ảnh minh họa cuộc sống, tập quán và văn hóa tộc người chủ thể của sử thi.

Ðồng thời, với việc xuất bản bộ sách tổng thành nêu trên, các nhà nghiên cứu còn thực hiện nhiều tập sách rút gọn, in song ngữ tiếng dân tộc và tiếng phổ thông để phục vụ đông đảo bạn đọc, nhất là phục vụ chính đồng bào Tây Nguyên. Ðây là định hướng mở, góp phần xã hội hóa các kết quả nghiên cứu chuyên sâu, gắn hoạt động sưu tầm với xuất bản, phổ biến di sản quá khứ, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ cuộc sống đương đại và cũng chính là đích đến của phương thức "đưa sử thi Tây Nguyên trở về với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên". Trên một phương diện khác, rõ ràng việc phát hiện, tổ chức sưu tầm, khai thác và xuất bản một số lượng lớn các tác phẩm sử thi không chỉ là định hướng sáng suốt, hành động đúng lúc, kịp thời đối với di sản văn hóa phi vật thể Tây Nguyên mà còn có ý nghĩa quyết định trong việc giới thiệu kho tàng sử thi Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Cùng với giới nghiên cứu trong nước, nhiều nhà Việt học khắp các châu lục cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Bước đầu đã xuất hiện nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu các phương diện cơ sở căn rễ văn hóa - lịch sử và chức năng thể loại truyện kể - diễn xướng, hệ thống đề tài và nội dung tác phẩm, tư duy nghệ thuật và đặc điểm thi pháp, mối quan hệ giữa các tác phẩm cụ thể với tổng thể di sản sử thi Tây Nguyên...

Trên cả hai phương diện sưu tầm - xuất bản và nghiên cứu - quảng bá, nguồn sử thi Tây Nguyên vẫn còn trữ lượng phong phú, đòi hỏi có phương hướng tiếp cận thích hợp. Nói cách khác, di sản sử thi Tây Nguyên đã và đang đồng hành với con người và cuộc sống hiện đại, thúc đẩy chúng ta tìm về thế giới sử thi mang đậm sắc màu huyền thoại mà hiểu hơn khả năng sáng tạo kỳ diệu của con người./.

(Theo: Nguyễn Hữu Sơn/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất