Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 11/6/2011 18:34'(GMT+7)

Tiếp tục thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc ở nước ta

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Trước hết, Đại hội một lần nữa nhấn mạnh quan điểm cơ bản của Đảng: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta”. Sự nhấn mạnh này thể hiện tính nhất quán của Đại hội lần này với các Đại hội trước và, đáng lưu ý là sự nhấn mạnh lần này có thêm căn cứ thực tiễn, đó là tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết lần thứ X của Đảng và tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991).

Đoàn kết là truyền thống quý báu nhất của 54 dân tộc anh em ở nước ta với những biểu hiện rất nổi bật. Dân cư nhiều dân tộc ở nước ta ý thức sâu sắc về một cội nguồn chung khởi nguyên từ các vua Hùng, dù thuộc các dân tộc khác nhau nhưng đều tự hào là người Việt Nam – “Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Non sông đất nước ta được định vị trong quá trình lịch sử trên đó sớm hình thành một Nhà nước trung ương tập quyền và được ghi nhận sâu sắc không chỉ trong nhận thức mà cả trong tình cảm nhân dân các dân tộc bằng biểu tượng thiêng liêng là Tổ quốc. Có một lịch sử chung mà nhân dân các dân tộc đều tự hào là lịch sử Việt Nam. Có một truyền thống chung mà nhân dân các dân tộc cùng giữ gìn, nâng niu là truyền thống đoàn kết. Mỗi dân dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam không chỉ có lòng tự hào về dân tộc mình, mà còn có lòng tự hào chung về đất nước Việt Nam. Đó là cơ sở để hình thành và củng cố chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong suốt qúa trình lịch sử lâu dài. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam bao gồm trong nó một phức hợp nhân tố: lòng yêu quê hương đất nước; lòng tự hào về nhân dân cần cù, anh dũng; ý thức về sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; khát vọng vươn tới trên con đường tiến bộ để sánh vai cùng các dân tộc quốc gia khác. Từ khi đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam được bổ sung thành tố mới là lòng yêu mến, tự hào về chế độ xã hội chủ nghĩa ... và trở thành chủ nghĩa yêu nước hiện đại. Thực tế chứng minh rằng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã và sẽ là ngọn cờ đoàn kết các dân tộc anh em trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Đoàn kết các dân tộc là nhân tố cực kỳ quan trọng góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và công cuộc xây dựng đất nước nhằm mục tiêu: “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bởi vì một mặt, công cuộc đổi mới đã làm thay đổi bộ mặt của đất nước ta, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế và làm cho đời sống các dân tộc được cải thiện rõ rệt. Tuy thế, do điều kiện lịch sử và sự tác động do mặt trái của kinh tế thị trường gây ra cũng làm cho sự chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển giữa các dân tộc về một số mặt có chiều hướng tăng lên, làm nẩy sinh những vấn đề bức xúc trong mối quan hệ giữa các dân tộc đòi hỏi phải được giải quyết. Mặt khác, các phần tử xấu ở trong nước truyền bá đạo Vàng Chứ hòng tách đồng bào H’Mông ra khỏi cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đưa ra chiêu bài thành lập “Nhà nước Đềga tự trị” để lừa gạt đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; chiêu bài thành lập “Nhà nước Khmer Crôm” để lừa gạt đồng bào Khmer Nam Bộ hòng gây nên những cuộc bạo loạn ly khai nhằm chia cắt nước ta... Thực tế đó đã cho bài học quý: chỉ có không ngừng củng cố đoàn kết các dân tộc mới “hóa giải” được những mâu thuẫn nẩy sinh trong quá trình phát triển đồng thời làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù để bảo vệ những thành quả đã giành được và không ngừng đi lên phía trước.

Nội dung chủ yếu của chính sách dân tộc ở nước ta được Đại hội lần thứ XI khẳng định lại trên cơ sở nhất quán với các Đại hội trước: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” .

Nét nổi bật trước hết của chính sách này là sự quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Trong “Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số ở miền Nam tại Plâycu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nội dung cơ bản của vấn đề dân tộc. Người khẳng định, các dân tộc phải được bình đẳng về quyền lợi, trong đó quyền lợi tối cao là cùng nhau làm chủ đất nước đồng thời các dân tộc cùng bình đẳng về nghĩa vụ mà nghĩa vụ nặng nề và cao cả nhất là “cùng nhau giữ gìn nước non ta”. Người chỉ rõ, các dân tộc anh em vốn gắn bó máu thịt trong cùng một quốc gia cần đoàn kết để đấu tranh chống kẻ thù, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, để xây dựng xã hội mới làm cho mọi người các dân tộc được ấm no, hạnh phúc. Người nhấn mạnh, các dân tộc “phải giúp đỡ nhau”. Đó là sự giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần bình đẳng, chân thành, vô tư, không giống gì với sự ban ơn, chiếu cố.

Nhiệm vụ bao trùm của việc thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn tới ở nước ta là từng bước khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc, dần dần tạo nên sự đồng đều về nhịp độ phát triển của các dân tộc và của các vùng ở nước ta; tạo điều kiện cho các dân tộc – nhất là các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn – phát huy đầy đủ nội lực của mình, sử dụng tốt hơn sự đầu tư ngày càng lớn hơn của Nhà nước, đồng thời phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của dân tộc đa số để tiến lên phía trước.

Thể hiện quyết tâm chỉ đạo việc thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc, Đại hội Đảng nêu rõ sẽ tổ chức “Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số” đồng thời “Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp”.

Đặt việc thực hiện chính sách dân tộc trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đại hội thể hiện sự quan tâm tăng cường đầu tư cho các khu vực hiện còn nhiều khó khăn, trong đó nhiều vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung; giúp đỡ đồng bào đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở sử dụng có hiệu quả hơn đất, rừng, phát triển mạnh sản xuất lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc ..., giúp đỡ đồng bào đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, không ngừng cải thiện đời sống và chất lượng dân số, tạo điều kiện để đồng bào được chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. ...

Đại hội nhấn mạnh “chống kỳ thị dân tộc”. Điều đó nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người chỉ rõ: “Người dân tộc lớn thường mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng” . Đó là những điều phải khắc phục vì chúng là nguyên nhân trực tiếp gây nên sự kỳ thị dân tộc.


GS,TS Trịnh Quốc Tuấn/Đại đoàn kết
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất