Từ trước đến nay, Ðảng ta luôn coi trọng vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Trong thư gửi các họa sĩ năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Với tư cách là bộ phận đặc biệt tinh tế và nhạy cảm của văn hóa, văn học, nghệ thuật có khả năng to lớn
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo. Ảnh PV Tạp chí Tuyên giáo |
trong việc khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc, hun đúc nên bản lĩnh, khí phách, tâm hồn Việt Nam. Tiếp tục phát triển quan điểm nhất quán trên, từ đổi mới (1986) đến nay, Ðảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về văn hóa, trong đó, luôn chú trọng đến văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Chính trị Trung ương Ðảng mới có điều kiện để xây dựng một Nghị quyết riêng về văn học, nghệ thuật nhằm tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật và của đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
Nghị quyết chỉ rõ bối cảnh, đặc điểm của đất nước thời gian qua đã tác động sâu sắc đến tình hình văn học, nghệ thuật. Trước hết, trình độ dân trí của nhân dân được nâng cao. Sự phát triển và biến đổi về quan niệm, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, những biến đổi sâu sắc về cơ cấu kinh tế, xã hội và giai cấp, quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng là những nhân tố khách quan tác động trực tiếp đến văn học, nghệ thuật. Chính những thành quả của sự nghiệp đổi mới đã tạo tiền đề quan trọng cho sự đổi mới và phát triển tư duy văn học nghệ thuật, giải phóng tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ. Ðánh giá tình hình văn học, nghệ thuật, Nghị quyết nhấn mạnh rằng, trong hơn 20 năm đổi mới, văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới, có những biến đổi sâu sắc, đồng thời cũng xuất hiện những đặc điểm mới, có sự đan xen giữa thành tựu và những hạn chế, yếu kém. Nghị quyết đã nhìn nhận văn học, nghệ thuật thời gian qua trong sự vận động và biến đổi, chú ý đến những vấn đề mới nảy sinh cần quan tâm giải quyết. Cách đánh giá đó là toàn diện, biện chứng, nhìn thẳng vào sự thật và thấm nhuần quan điểm thực tiễn.
Trong sự phát triển đa dạng, phong phú của văn học, nghệ thuật thời gian qua, nhìn tổng thể, dòng mạch chính vẫn là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, sự gắn bó sâu sắc với dân tộc và đất nước, có nhiều tác phẩm tốt thuộc tất cả các loại hình, loại thể, sự nỗ lực phản ánh chân thực cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân.
Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo của văn học, nghệ thuật được phát huy và đề cao, nổi bật là: cố gắng phát hiện, khẳng định nhân tố mới, đồng thời dũng cảm nhìn vào sự thật, phát hiện được nhiều vấn đề nóng bỏng, bức xúc, khám phá những vấn đề liên quan đến thân phận con người, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh lên án cái ác, cái xấu, phê phán sự tha hóa về nhân cách, sự biến chất về đạo đức và lối sống của con người.
Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số có bước phát triển tốt, góp phần tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa dân tộc.
Tự do trong sáng tạo và sự đa dạng về nội dung, phong cách, phương thức biểu hiện được tôn trọng. Nhu cầu hiện đại hóa văn học, nghệ thuật trở thành khát vọng mạnh mẽ. Dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định. Sự xuất hiện và phát triển lực lượng sáng tác và hoạt động văn hóa nghệ thuật trẻ tuổi, trong đó phần lớn có hoài bão, khát vọng, có năng lực sáng tạo và khả năng nắm bắt những xu hướng, trào lưu nghệ thuật mới là một dấu hiệu rất đáng quý của đội ngũ trẻ.
Cùng với việc khẳng định các chức năng cơ bản của văn học, nghệ thuật như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giao tiếp, việc thừa nhận chức năng giải trí như là một thành tố trong tính đa chức năng của văn học, nghệ thuật đã góp phần mở rộng ảnh hưởng của văn học nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo quần chúng. Tất nhiên, cần khuyến khích những tác phẩm mang tính giải trí lành mạnh, bổ ích, kiên quyết loại trừ những biểu hiện, khuynh hướng giải trí thứ cấp, tầm thường.
Cần ghi nhận, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua đã có những đổi mới đáng khích lệ. Vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị, giữa văn học, nghệ thuật với hiện thực đã được nhận thức và giải quyết khoa học hơn; tính chủ thể của văn nghệ sĩ được tôn trọng; một số thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỷ XX được đánh giá lại thỏa đáng; các khuynh hướng và phương pháp sáng tác được khuyến khích phát triển theo hướng đa dạng hóa; lý luận văn nghệ của cha ông, của phương Ðông được nghiên cứu có hệ thống hơn. Không gian tranh luận học thuật được mở rộng và dân chủ hơn so với trước đây.
Thành tựu đáng chú ý nhất trong khâu sử dụng và quảng bá các sản phẩm văn nghệ là số lượng sản phẩm văn học, nghệ thuật được truyền bá rộng và nhiều hơn những năm trước đây. Kết quả đó gắn liền với sự phát triển và sử dụng rộng rãi các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng hiện đại trong đời sống. Các tác phẩm văn nghệ được chuyển tải nhanh, trực tiếp và bằng nhiều con đường đến với công chúng, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân, tạo ra thị trường hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật khá rộng lớn trong nước. Ðây là một nét mới trong đời sống văn học, nghệ thuật mà trong thời bao cấp chưa xuất hiện. Việc mở ra thị trường này, một mặt, góp phần nâng cao dân trí, mặt khác đặt ra nhiều vấn đề phức tạp vì sản phẩm văn hóa, nghệ thuật bao giờ cũng mang tính đặc thù, là sản phẩm thuộc lĩnh vực tinh thần nhưng lại mang thuộc tính hàng hóa.
Giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ngày càng được mở rộng. Nhiều triển lãm nghệ thuật, liên hoan phim quốc tế, hội chợ, festival... đã được tổ chức và thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia. Mặt khác, chúng ta cũng cử nhiều đoàn nghệ thuật trao đổi văn hóa, tham gia các cuộc thi quốc tế, tích cực giới thiệu văn hóa Việt Nam với bè bạn góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế và khu vực.
Ðội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hiện nay gồm nhiều thế hệ. Ðại bộ phận văn nghệ sĩ nước ta đều đã trải qua thử thách, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của nhân dân do Ðảng lãnh đạo, có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Ðảng và Nhà nước luôn trân trọng và đánh giá cao cống hiến của đội ngũ hoạt động và sáng tạo văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề mới nảy sinh để chúng ta cùng quan tâm.
Cần phải thấy rằng, sự tiếp nối các thế hệ văn nghệ sĩ là quy luật khách quan, tất yếu. Ông cha ta nói: "Tre già măng mọc". Cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo kiên trì, khẩn trương thế hệ sáng tạo trẻ để tránh hiện tượng hẫng hụt về đội ngũ. Phải làm sao để đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ vừa gắn bó sâu sắc với đời sống đất nước và truyền thống văn hóa dân tộc đồng thời có năng lực, bản lĩnh nắm bắt, tiếp nhận có chọn lọc những trào lưu nghệ thuật hiện đại, để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ưu tú.
Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ðiều quan trọng là chúng ta đã ý thức được tính đặc thù của hoạt động văn học, nghệ thuật để có thái độ quản lý khoa học, phù hợp và các chính sách linh hoạt. Tư duy lý luận và quan điểm của Ðảng về văn học, nghệ thuật tiếp tục được đổi mới, bổ sung và phát triển. Công tác quản lý nhà nước đã chú trọng việc thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn học, nghệ thuật. Các cấp ủy đảng và các ngành chức năng đã phối hợp tốt để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật. Bộ Văn
hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã triển khai nhiều chương trình hoạt động văn nghệ quy mô, soạn thảo các luật liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, tiến hành xét duyệt và trao các giải thưởng lớn của Nhà nước.
Ðan xen những thành tựu trên, trong đời sống văn học, nghệ thuật thời gian qua, đã xuất hiện nhiều hạn chế, yếu kém đòi hỏi chúng ta phải phân tích một cách thẳng thắn, thấu đáo để khắc phục.
Trong sáng tác văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm chưa thể hiện được tính chất tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, không bắt kịp nhịp độ phát triển của đất nước, số lượng tác phẩm mấy năm qua nhiều hơn hẳn trước đó nhưng chất lượng lại chưa tương xứng, ít tác phẩm có giá trị cao, trong một số tác phẩm lý tưởng xã hội - thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội hạn hẹp.
Một bộ phận văn nghệ sĩ có khuynh hướng xa rời thiên chức sáng tạo và trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ, chạy theo nhu cầu của thị trường và thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng. Có biểu hiện lảng tránh những vấn đề lớn của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường.
Trong một số tác phẩm có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm những mặt trái, mặt đen tối của đời sống mà không cảm nhận được đầy đủ bản chất, chiều sâu, tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Ðúng là văn học, nghệ thuật cần tham gia vào cuộc đấu tranh lên án bất công xã hội, tố cáo cái ác, cái xấu, nhưng nếu chỉ dừng lại ở cảm hứng phê phán thuần túy thì sẽ rơi vào phiến diện, phản ánh sai lệch bản chất đời sống xã hội. Về thực chất, xu hướng này cũng là một kiểu "minh họa" mới trong nghệ thuật.
Gắn liền với hạn chế trên là xu hướng xuyên tạc, bóp méo lịch sử quá khứ, hạ bệ thần tượng, thậm chí có tác phẩm độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và đất nước.
Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế, văn học, nghệ thuật nước ta có cơ hội mở rộng giao lưu và tiếp thu nhiều thông tin mới, tiếp xúc với nhiều trào lưu nghệ thuật mới, hiện đại. Cơ hội đó góp phần gợi mở những tìm tòi mới trong sáng tạo, làm phong phú thêm tư duy nghệ thuật. Song cũng từ đó, trong một số tác giả và tác phẩm nảy sinh thái độ tự ti về trình độ phát triển văn học, nghệ thuật dân tộc, có không ít biểu hiện bắt chước, mô phỏng, sùng ngoại, tiếp thu thiếu chọn lọc những yếu tố bên ngoài.
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng lĩnh vực lý luận văn học, nghệ thuật vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa giải đáp được nhiều vấn đề mà thực tiễn đổi mới văn học, nghệ thuật đặt ra do sự xơ cứng, kém năng động, hiệu quả. Ðến nay, chúng ta còn rất thiếu những công trình lý luận có tính tổng kết, có khả năng đề xuất những tư tưởng khoa học.
Về phê bình, trong những năm đổi mới, vượt qua những khó khăn của chính mình, phê bình văn học, nghệ thuật đã cố gắng phát hiện những giá trị nghệ thuật, góp phần củng cố niềm tin và năng lực đổi mới trong sáng tạo văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, nhìn tổng quát, hoạt động phê bình có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Sự tụt hậu đó thể hiện rõ nhất ở hiện tượng loạn chuẩn trong phê bình. Lối phê bình cảm tính, thiếu sự hiểu biết sâu sắc về lý luận xuất hiện ngày càng nhiều, làm cho hoạt động này thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác phẩm, tác giả.
Văn hóa phê bình bị hạ thấp. Ðã xuất hiện kiểu phê bình chỉ nhằm xét nét, phê phán, hạ bệ người khác, tranh luận học thuật thì ít, thậm chí rơi vào những cãi vã không cần thiết. Ðội ngũ phê bình ngày càng mỏng. Ðây là những vấn đề đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và tìm cách khắc phục với thái độ nghiêm túc để cho các cuộc tranh luận học thuật thực sự là những đối thoại dân chủ vì sự phát triển của chính bản thân văn học, nghệ thuật.
Có thể nói, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua lạc hậu về nhiều mặt so với yêu cầu và thực tiễn, chưa thúc đẩy được sáng tác và chưa đủ sức định hướng tư tưởng, thẩm mỹ đúng đắn cho công chúng.
Hạn chế, khuyết điểm rõ nhất trong sử dụng, quảng bá sản phẩm văn học, nghệ thuật là một số đơn vị và cá nhân chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà lãng quên mục đích tư tưởng - thẩm mỹ và hiệu quả xã hội của văn học, nghệ thuật. Ðó là lý do vì sao thời gian qua nhiều sản phẩm nghệ thuật tầm thường, chất lượng kém lại được phát hành, truyền bá khá rộng, gây tác động xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ.
Trong quá trình hợp tác quốc tế về văn hóa đang diễn ra sự mất cân đối nghiêm trọng. Số lượng công trình văn học, nghệ thuật có giá trị của nước ta được giới thiệu ra nước ngoài còn quá ít. Cho đến nay, chúng ta chưa xây dựng được chiến lược quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Trong khi đó, một số sản phẩm không phù hợp với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc, thậm chí độc hại, phản động của nước ngoài lại xâm nhập vào nước ta, gây nhiều tác động tiêu cực. Cần cảnh giác với âm mưu "diễn biến hòa bình" thông qua văn hóa, kiên quyết ngăn ngừa tình trạng sùng ngoại và coi rẻ văn hóa dân tộc.
Một số ít văn nghệ sĩ bị những thế lực thù địch kích động, lôi kéo làm chao đảo lập trường, tư tưởng, hoài nghi sự lãnh đạo của Ðảng, đã sáng tác và truyền bá một số tác phẩm xuyên tạc sự thật, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, xuyên tạc lịch sử, hạ bệ thần tượng...
Tuy có những cố gắng và bước phát triển nhất định, song công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chưa được chú ý thích đáng, còn nhiều bất cập, yếu kém. Chất lượng đào tạo toàn diện về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, đạo đức, thể chất không bảo đảm, chưa chú trọng tính đặc thù, chuyên biệt và yêu cầu đào tạo tài năng. Việc đào tạo, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ không tương xứng sẽ dẫn tới làm giảm nhiệt huyết cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ, trí thức.
Trong chỉ đạo, quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chủ trương, đường lối của Ðảng về văn học, nghệ thuật là đúng đắn nhưng khâu chỉ đạo thực hiện, triển khai còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Việc chưa làm rõ nội dung chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật đã khiến cho nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa chú trọng đúng mức đến vai trò của văn học, nghệ thuật, cá biệt có nơi còn can thiệp thô bạo vào lĩnh vực nhạy cảm này. Việc chưa lường hết tác động phức tạp của mặt trái cơ chế thị trường đã dẫn tới sự lúng túng, thụ động khi định hướng, xử lý những vấn đề mới phát sinh. Việc thể chế hóa quan điểm của Ðảng còn chậm. Chế độ đầu tư cho văn học, nghệ thuật còn thấp. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trên lĩnh vực này còn thiếu hiểu biết, ngại tiếp xúc nên hiệu quả công tác thấp. Một số hội văn học nghệ thuật còn chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lãnh đạo, quản lý làm cho hiệu quả hoạt động không cao.
Trong những năm tới, từ nay đến năm 2020, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện bằng được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ðối với lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật, thực tiễn đó là sự chứa đựng từ trong lòng nó một cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn... Rõ ràng, hiện thực đó chính là mảnh đất giàu tiềm năng cho những sáng tạo, tìm tòi của văn nghệ sĩ.
Nhằm tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định ba mục tiêu không tách rời nhau phải đạt được là: tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình; có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới; nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển lĩnh vực này trong thời kỳ mới.
Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết khẳng định, phải tiếp tục quán triệt và thực hiện 5 quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa. Riêng về văn học, nghệ thuật, cần nhấn mạnh và bổ sung 3 quan điểm gắn với đặc trưng, đặc thù của lĩnh vực đặc biệt tinh tế này, trong đó phải ý thức sâu sắc rằng, văn học, nghệ thuật của chúng ta không chỉ là nhu cầu thiết yếu của con người mà chính là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Phải coi sự phát triển văn học, nghệ thuật là sức mạnh nội sinh bền vững trong hội nhập quốc tế nhằm tạo ra sự phát triển hài hòa giữa chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Các chuẩn mực cơ bản của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được Nghị quyết khẳng định: Thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, vừa có tác dụng định hướng vừa đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.
Ðặc biệt, Nghị quyết dành một phần quan trọng khẳng định tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc, từ đó chỉ ra nội dung chủ yếu của quan điểm chỉ đạo thứ ba là "chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Ðảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy tính độc lập của văn nghệ sĩ". Mặt khác Nghị quyết cũng chỉ rõ: Văn nghệ sĩ cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc.
Về chủ trương và các giải pháp thực hiện, Nghị quyết lần này gắn chặt chủ trương với giải pháp, một chủ trương được gắn với nhiều giải pháp nhằm bảo đảm tính khả thi và thể hiện yêu cầu cao đối với công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ðó là những điều kiện bảo đảm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Cần nhấn mạnh một số chủ trương giải pháp sau:
Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật phát triển phong phú, mạnh mẽ, đa dạng vì đa dạng là bản chất của nghệ thuật. Ðồng thời chú ý khuyến khích cho dòng mạch chính trong sự phát triển đa dạng đó để có nhiều tác phẩm xuất sắc về tư tưởng và nghệ thuật, lấy chủ nghĩa yêu nước và ý chí tự cường làm cốt lõi cho tinh thần dân tộc, lấy tinh thần đổi mới làm động lực cho khát vọng sáng tạo của văn học, nghệ thuật. Ðặc biệt coi trọng hiệu quả xã hội, thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật, phát huy tối đa sức ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật đến đông đảo quần chúng nhân dân trong việc khẳng định cái mới, cái tích cực và phê phán không khoan nhượng những cái tiêu cực, xấu xa cản trở sự phát triển của đất nước. Ðể làm được điều đó, đội ngũ hoạt động văn học, nghệ thuật cần phải bám sát cuộc sống, bám sát thực tiễn đổi mới của đất nước, kết hợp hài hòa tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ, ý thức cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của dân tộc. Việc gắn bó sâu sắc với thực tiễn sẽ làm cho văn học, nghệ thuật thoát khỏi tình trạng quẩn quanh với những cảm xúc vụn vặt, những tình cảm riêng tư nhỏ hẹp, tăng cường khả năng tham gia trực tiếp vào tiến trình đổi mới và năng lực dự báo của văn học, nghệ thuật.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của Ðảng đối với văn học, nghệ thuật, xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý phù hợp, chấm dứt hiện tượng can thiệp thô bạo, mất dân chủ đối với việc đánh giá, thẩm định các giá trị văn học, nghệ thuật, mặt khác, lại phải tránh buông lỏng, thả nổi, không phê phán những sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp cách mạng. Nghị quyết nhấn mạnh những công việc quan trọng mà cấp ủy phải triển khai chỉ đạo và thực hiện nhằm nâng cao trong thực tiễn năng lực lãnh đạo của mình, trong đó có những nội dung mới như đưa vào chương trình đào tạo cán bộ thuộc các trường Ðảng nội dung về văn học, nghệ thuật, đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành và có kế hoạch định kỳ làm việc với lực lượng sáng tạo và hoạt động văn học, nghệ thuật.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Nghị quyết đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh chủ trương và yêu cầu này, chỉ ra một loạt nội dung cần triển khai, vì đây là quá trình hiện thực hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng, là điều kiện bảo đảm cho nghị quyết đi vào cuộc sống. Muốn vậy, cần hoàn thành cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Ðảng về văn học, nghệ thuật: xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng các chế độ, chính sách đối với văn học, nghệ thuật; có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ lớn, mang tính hiện đại... Những công việc trên đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật cần phải nỗ lực cao, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức quản lý, nâng cao trình độ, năng lực quản lý để có thể giải quyết tốt, có hiệu quả những vấn đề lớn, cơ bản và bức xúc đặt ra trong nhiều năm qua, góp phần trực tiếp tạo ra bước phát triển mới về chất lượng của văn học, nghệ thuật nước nhà.
Thứ tư, đối với lý luận văn học, nghệ thuật, cần khẳng định vai trò chủ đạo của lý luận văn nghệ mác-xít, quán triệt đường lối văn nghệ của Ðảng, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận phù hợp với thực tiễn Việt Nam, làm cho lý luận có khả năng soi sáng và đủ sức giải đáp những vấn đề quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu lý luận và mỹ học phương Ðông, trong đó có lý luận truyền thống của dân tộc trên tinh thần đổi mới, tiếp tục dịch và giới thiệu một cách có hệ thống, có chọn lọc lý luận và mỹ học phương Tây hiện đại để làm phong phú thêm đời sống lý luận văn học, nghệ thuật nước ta.
Ðối với phê bình văn học, nghệ thuật, cần phải kiên trì, nâng cao chất lượng khoa học, tư tưởng và thẩm mỹ của các tác phẩm phê bình. Phê bình cần phải gắn với lý luận văn nghệ tiên tiến, hiện đại, nhanh chóng xây dựng hệ thống chuẩn mực đánh giá, tạo dựng không khí phê bình dân chủ, tôn trọng tính đối thoại và chấp nhận những ý kiến khác nhau, theo đúng tinh thần của văn hóa khoan dung. Nghị quyết chỉ ra, hoạt động lý luận, phê bình phải luôn luôn gắn chặt và có trách nhiệm trong quá trình sử dụng, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Vì vậy, lý luận, phê bình phải tham gia trực tiếp vào quá trình chọn lọc, thẩm định để đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật vào cuộc sống. Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ thẩm định và yêu cầu xây dựng chế tài, nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định, công bố, trình diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Thứ năm, Nghị quyết đề ra chủ trương và nêu lên một số giải pháp lớn và mới nhằm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Một trong các nội dung lớn của chủ trương này là tập trung nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học, nghệ thuật, bổ sung các chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo đặc thù này, có kế hoạch đào tạo ở nước ngoài các năng khiếu và tài năng văn học, nghệ thuật. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu cũng là một chủ trương được đặc biệt quan tâm, trong đó chú trọng cơ chế lựa chọn, bố trí, xây dựng tiêu chuẩn bảo đảm cán bộ có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất để đảm đương công việc có nhiều đặc thù này.
Thứ sáu, củng cố, đổi mới hoạt động, kiện toàn tổ chức các Hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương. Tiếp tục khẳng định các hội văn học, nghệ thuật là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, được đầu tư chăm lo phát triển để các hội viên nâng cao ý thức trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân, say mê sáng tạo và cống hiến cho đất nước nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Nghị quyết yêu cầu Chính phủ xây dựng nghị định về các hội văn học, nghệ thuật theo định hướng chỉ đạo trên.
Như vậy, để đưa văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đủ sức đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới, trách nhiệm đặt lên vai những người làm công tác văn học, nghệ thuật là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Các cấp ủy đảng, các cơ quan quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật, các cấp chính quyền cần phối hợp với nhau chặt chẽ, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để đội ngũ lao động, sáng tạo văn học, nghệ thuật được giải phóng tiềm năng sáng tạo, phát huy cao nhất tài năng và sức lực của mình, tạo ra nhiều đỉnh cao nghệ thuật như Ðảng ta và nhân dân ta hằng mong đợi.
(Theo ND, 7/8)