Điểm tựa tinh thần tạo sự vững bền cho quốc gia
Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên là một tập tục có từ lâu đời, tồn tại ở tất cả các thành phần dân tộc, biểu hiện cho truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vì vậy, người Việt Nam thờ cúng Hùng Vương- những người khai mở nhà nước Văn Lang cổ đại một cách rất tự nhiên. Hàng trăm năm nay ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Phú Thọ nói riêng, Hùng Vương đã được coi là thuỷ tổ của dân tộc, một thánh vương thiêng liêng và gần gũi với người dân và mỗi cộng động làng xã, là điểm tựa tinh thần tạo ra sự cố kết vững bền cho quốc gia dân tộc.
Nhiều nhà nghiên cứu đã từ lâu chứng minh sự hiện diện của Hùng Vương trong tiến trình lịch sử 2.000 năm trước thông qua các tư liệu cổ - trung đại, các phát hiện về mặt khảo cổ học quanh khu vực đền Hùng. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương (Phú Thọ) khẳng định: trong khi các nước ở Đông Nam Á thì chỉ thờ cúng tổ tiên trong gia đình hoặc trong dòng họ, chứ không có quốc tổ. Người VN đặc biệt hơn là có thờ Quốc Tổ và việc làm này làm cho gắn bó tất cả con cháu Lạc Hồng, dòng dõi Hùng Vương lại với nhau, đây là một tình cảm cố kết, gắn bó, keo sơn tạo nên những chiến thắng trong lịch sử của dân tộc ta.
Đồng quan điểm này, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Nhàn (Phú Thọ) cho rằng Hùng Vương tồn tại trong cả tư liệu lịch sử lẫn huyền tích và truyền thuyết. Tuy nhiên, từ rất lâu Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng về cội nguồn dân tộc, hội tụ mọi người dân Việt Nam ở trong nước cũng như đang sống xa Tổ quốc.
Trong tâm thức của người Việt Nam từ bao đời nay, Vua Hùng được coi là vị Tổ dựng nước, là Tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tình cảm của dân tộc, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể và hoàn toàn khác với những biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới.
Giá trị dễ nhận thấy của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị phản ánh lịch sử bởi thờ Vua Hùng là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, một biểu hiện của lòng biết ơn và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên. Truyền thống ấy thấm sâu vào lòng người, trở thành một nhu cầu về tình cảm và thể hiện ý thức đạo đức cũng như chứa đựng những ý nghĩa tâm linh cao đẹp của mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt, truyền thống ấy là sức mạnh tinh thần của dân tôc Việt Nam để vượt qua mọi gian nan, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử.
GS.TS Ngô Đức Thịnh- Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam khẳng định: Hình tượng Hùng Vương vượt lên mọi sự thật lịch sử để trở thành một biểu tượng. Biểu tượng còn cao hơn cả sự thật lịch sử. Chuyện 100 trứng không phải là sự thật nhưng thông qua hình tượng ấy, người dân Việt Nam đã tạo ra được một cộng đồng cố kết với nhau. Tôn thờ Hùng Vương chính là tôn thờ chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Theo Giáo sư - Viện sĩ Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", trong đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất độc đáo, có ý nghĩa sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được. Nó giữ vai trò trung tâm đoàn kết và có sức sống, sức lan tỏa mãnh liệt với hàng trăm nơi thờ cúng Hùng Vương và các tướng lĩnh thời Hùng Vương trong cả nước. Trải qua bao cuộc chiến tranh với những thăng trầm của lịch sử, nhưng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không bao giờ bị mai một, mà ngược lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người Việt.
Sức lan tỏa mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Truyền thống thờ cúng Vua Hùng có sức sống lâu bền và sự lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng người Việt. Theo tư liệu khảo sát của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, tại 47 làng/thôn ở tỉnh Phú Thọ, những nơi thờ tự mang đích danh tên gọi thờ vua Hùng đã và đang hiện tồn 43 đình, sáu đền. Hiện nay, không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương hiện tồn tại ở 122 làng của các huyện ở Phú Thọ. Không chỉ ở Phú Thọ, đền thờ Hùng Vương còn có rất nhiều ở Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM... Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam. Đền thờ Vua Hùng còn được đồng bào ta ở nước ngoài lập ở nhiều nước trên thế giới.
Trong những năm qua, trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch hàng năm), cùng với tỉnh Phú Thọ, các địa phương trên cả nước như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hoà, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang... đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vị Vua Hùng. Việc thờ cúng Vua Hùng đều được tổ chức trang trọng, thể hiện sự tri ân, báo hiếu với Tổ tiên. Bên cạnh đó, các di tích đền thờ Vua Hùng cũng được đầu tư, tôn tạo, tu bổ thường xuyên. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Bài (ở Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Khánh Hòa) cho biết: Đền thờ vọng các Vua Hùng được xây dựng tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ năm 1971 và hoàn thành vào năm 1974. Hàng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, tại đây diễn ra các nhi lễ cầu cúng hết sức thành kính, trạng trọng. Những hoạt động văn hóa, lễ hội nơi đây đã trở thành truyền thống văn hóa, tâm linh sâu sắc.
Còn theo ông Huỳnh Văn Tới- Công tác tại Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai, thành viên của Hội Văn nghệ dân gian VN, tại Đồng Nai có ít nhất 3 địa chỉ thờ Hùng Vương, Quốc Tổ, Quốc Mẫu. Khi người Việt vào khai phá ở đất Phương Nam, ngoài hạt giống và các phương tiện để sinh nhai, người ta mang theo hình bóng của quốc tổ đi vào và họ lập đình, đền thờ. Giá trị văn hóa mà người Việt đưa vào dài hơn lịch sử mở đất và rất quí. Ở Đồng Nai có đền thờ Hùng Vương ở Biên Hòa (được xây dựng năm 1968) trong chiến tranh ác liệt, nhưng niềm tin vào tổ tiên và Quốc Tổ mạnh hơn cái chết. Đền ở Bình Đa (Biên Hòa) được lập do những người công giáo. Điều này cho thấy trước Quốc tổ Hùng vương không phân biên đẳng cấp, không phân biệt tôn giáo.
Ông Nguyễn Liêm - người sáng lập ra Hội Đền Hùng (hiện có khoảng 200 hội viên) tại thành phố San Jose (California- Hoa Kỳ) cho biết, các hội viên ở thành phố này tự nguyện đóng góp tiền để tu bổ, thờ cúng tại đền thờ vua Hùng xây dựng từ năm 2003. Hằng tuần, các hội viên đều thắp hương tại đền thờ. Vào ngày giỗ Quốc tổ, các thành viên tiến hành tế lễ tưởng nhớ vua Hùng. Ông cho rằng, việc làm của ông sẽ giúp các con ông có ý thức hướng về tổ tiên, cội nguồn. Không chỉ phổ biến văn hóa trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, ông còn mong muốn giúp cho người ngoại quốc hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam.
Giải bài toán giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" dù đã được trình để UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vẫn còn một số điểm cần cần bổ sung hoàn thiện và cần ngay những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.
Lễ hội đền Hùng từ tục thờ dân gian và lễ hội làng đã nhanh chóng biến thành một lễ hội dân tộc - quốc gia. Vào dịp giỗ Tổ, mỗi ngày đền Hùng hàng triệu lượt khách hành hương, trong khi đền chùa vẫn thế từ hàng trăm hàng nghìn năm qua. Theo PGS.TS Lương Hồng Quang (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) đây là một thách thức lớn đối với việc bảo tồn tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Lượng người hành hương về đền Hùng quá lớn, trong khi cơ sở vật chất và nơi thờ cúng không đủ đáp ứng. Sự phát triển quá nhanh, quá mạnh của nhu cầu thờ cúng và đối tượng thờ cúng dẫn đến tình trạng quá tải, vượt quá năng lực của những người quản lý. Không gian thực hành tín ngưỡng thờ Hùng Vương đang bị biến đổi rất nhiều.
Đặc điểm của tín ngưỡng thờ Hùng Vương vì có ý nghĩa được khái quát và biểu tượng hóa thàh biểu tượng của quốc gia, nên Nhà nước ban đầu là sự hỗ trợ, sau đó có sự chỉ đạo. Xét về khía cạnh nào đó đây là động thái tích cực. Nhưng một mặt nào đó nếu trong các biện pháp kỹ thuật, trong chuyên môn nếu chúng ta không chú ý thì đôi khi chúng ta sẽ làm thay vai trò của quần chúng, thậm chí có câu chuyện có sự hướng dẫn và thực hành không tôn trọng vai trò của chủ thể.
Sự can thiệp quá sâu của các kịch bản được xây dựng và đạo diễn “hoành tráng”, những diễn văn lặp lại nhàm chán lấn át cả những truyền thống có từ ngàn đời của dân chúng. TS Phạm Văn Dương (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) trăn trở trước hiện tượng người dân từ chủ thể sáng tạo của lễ hội đã trở thành người đi xem, người bán hàng dịch vụ, người gánh lễ thuê... Không gian lễ hội nhưng vẫn còn có hình ảnh, sự kiện quảng cáo núp dưới danh nghĩa lễ vật dâng vua Hùng.
Chính vì thế, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội; khuyến khích việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống gắn với lễ hội; phục dựng có chọn lọc nghi thức lễ hội truyền thống; khuyến khích việc hướng dẫn, phổ biến rộng rãi ở trong nước và nước ngoài về nguồn gốc, nội dung giá trị truyền thống tiêu biểu, độc đáo của lễ hội; tổ chức du lịch đúng hướng để góp phần phát huy giá trị Khu di tích đền Hùng; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương, các đối tác kinh doanh du lịch và du khách trong việc bảo tồn di tích...
TS Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa VN) cho rằng nếu bảo tồn di sản phi vật thể không hợp lý, người dân sẽ vô cảm với di sản. Bà Lê Thị Minh Lý kiến nghị: Việt Nam có sự đứt quãng trong bảo tồn di sản nên di sản đã nghèo đi rất nhiều. Bởi vậy, cho phép phục hồi di sản nhưng phải đảm bảo các điều kiện như phục hồi trên cơ sở không bịa đặt, phải phục vụ cuộc sống hiện đại và được cộng đồng chấp nhận, thực hành, duy trì và trao truyền cho thế hệ sau...
Theo ý kiến của GS.TSKH Vũ Minh Giang- Phó GĐ Đại học Quốc gia Hà Nội- Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu đúng cội nguồn thì sẽ tạo ra một niềm tin, để họ tự tin là quan trọng. Nhưng giáo dục không có nghĩa là bắt thế hệ trẻ phải thuộc những điều này, nhớ những điều kia quá nhiều, mà truyền cho họ những tình cảm. Và với thời đại thông tin như hiện nay, họ sẽ tự tìm biết, tìm hiểu để có cách ứng xử phù hợp.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chúng ta vẫn duy trì lễ Giỗ Tổ Hùng Vương quốc lễ, nhưng yếu tố gốc của nó cũng phải được tăng cường. Rất cần điều chỉnh lại những gì đã vượt quá giới hạn, để đảm bảo vừa là quốc lễ, vừa mang tính dân gian.../.
Mai Hồng