Đã có nhiều cách hiểu về lễ hội. Cách nào cũng bổ ích cho nhận thức và hành động. Qua trải nghiệm của bản thân tôi, sau nhiều lần đến với lễ hội, khi đã may mắn đến được nhiều vùng, miền của đất nước, tôi thấy hằn sâu trong nhận thức điều này: Lễ là tôn giáo, là tín ngưỡng; Hội là vui chơi, ứng diễn nghệ thuật. Tôn giáo là niềm tin, nhưng thường nhuốm màu tinh bí. Còn vui chơi, ca hát là thế tục. Vậy mà ở hình thái văn hoá này, chúng ta thấy hai hiện tượng đối nghịch nhau: thiêng và tục, đạo và đời, duy lý và duy cảm, trí tuệ và tâm linh lại hoà quyện vào nhau dễ dàng tạo nên luồng lưu giao tâm linh giữa người với người trong một cộng đồng. Lễ hội là hiện tượng tâm linh để hướng tới cái cao cả, cái thiện, cái mỹ. Chính “hạt nhân hợp lý” này đã làm cho hai dòng nghịch lưu hoà nhập làm một, làm cho dòng chảy văn hoá xã hội mang tính triết lý, ý nghĩa xã hội đối với đời sống đương đại. Sau đây là vài ví dụ.
Lễ hội ở vùng Sơn Nam Thượng và Xứ Đoài thường gắn với huyền tích nổi tiếng lâu đời của đất nước. Dưới chân núi Ba Vì và vùng Trung lưu sông Hồng, sông Đáy là nơi tụ cư lâu đời của dân tộc Việt, là nơi xuất hiện “Tam bất tử” với tỷ lệ ba trên bốn “Tứ bất tử” ở đồng bằng sông Hồng. Biểu tượng Đức Thánh Bối ở chùa Bối Khê có thể là do sức tưởng tượng vay mượn của nhân dân lao động từ huyền tích Phù Đổng. Chi tiết Đức Thánh Tản đi săn không chỉ có ở lễ hội đền Măng Sơn (Sơn Tây) mà còn có ở nhiều lễ hội khác ở xứ Đoài. Nhận định của các nhà nghiên cứu coi Thánh Tản Viên là anh hùng văn hoá nông nghiệp, anh hùng trị thuỷ, anh hùng chống giặc ngoại xâm, là phúc thần trừ tai họa cho dân, là biểu tượng của khối đoàn kết bộ lạc là một nhận định có thể chiêm nghiệm được. Những biểu tượng Đức Thánh đệ nhị, Đức Thánh đệ tam ở lễ hội làng Liên Bạt (Ứng Hoà) cũng có thể là sự mô phỏng từ hình tượng Đức Thánh Tản (ở lễ hội Đền Và, vị thần được ngưỡng vọng là Đệ nhất Phúc thần Tản Viên).
Truyền thống Phật giáo đã xuất hiện từ lâu đời và trên diện rộng ở các lễ hội, ở các thiết chế tôn giáo trên nhiều vùng quê, mà bắt đầu là Chùa Hương Sơn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc tìm ra động Hương Tích, dựng thảo am Thiên Trù là do ba vị hoà thượng đời vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), đó là chưa kể tới lễ chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê và hàng trăm lễ hội có sự hoà hợp giữa tam giáo: Phật, Đạo, Nho được bản địa hoá, dân gian hoá.
Tại sao lễ hội thường tập trung vào mùa xuân? Có hai lý lẽ: Mùa xuân, theo quy luật muôn đời của vũ trụ là thời gian sinh sôi, phát triển của mọi vật, là thời khắc giao hoà giữa vũ trụ và con người, giữa trời và đất, giữa dương và âm. Nước ta là nước nông nghiệp, quanh năm làm lụng vất vả, hai sương một nắng để có cái ăn, cái mặc. Chỉ có mùa xuân là thời gian nông nhàn. Câu ca dao Tháng giêng là tháng ăn chơi không nên hiểu theo nghĩa đen. Ăn chơi ở đây nên nhận thức theo nghĩa biểu tượng của một phong tục mùa xuân: mùa lễ hội, nơi gặp gỡ của những người lao động bình dân, của những đôi trai gái với nhiều trò chơi, trò diễn mang ý nghĩa phồn thực. Mùa lễ hội thường diễn ra ở miền đất thiêng: chùa, đình, miếu, nhà thờ họ, nơi tưởng niệm tôn vinh các nhân vật siêu nhân, các anh hùng dân tộc, thành hoàng làng, cũng có nơi thờ “nhiên thần”.
Con người, dù sống dưới chế độ phong kiến và thực dân, vẫn không thể sống mà không có niềm vui, khát vọng, yêu đương. Sau những giờ lao động mệt mỏi, người ta tìm đến những trò vui đùa, giải trí; trước những tiến bộ trong lao động, người ta có nhu cầu ca hát, nhảy múa; trong quan hệ ứng xử xã hội với những người trong cộng đồng, người ta thường dựa vào nhau, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Ở đây, mối quan hệ giữa nam và nữ thường lành mạnh, chung thuỷ, thiết tha, nồng thắm, được thể hiện không giống nhau. Tiếng nói tình yêu của họ có lúc thì ví von, bay bướm, lúc thì chất phác, mộc mạc, khi thì tinh tế, thâm trầm nhưng có khi lại thẳng thắn, công khai dường như cứ để mặc cho tình cảm của người con trai tha hồ phóng túng. Ca dao đã ghi lại:
Cổ tay em trắng lại tròn,
Để cho ai gối đã mòn một bên.
Gối chăn, gối chiếu không êm,
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.
Nghệ thuật đặc biệt đã đưa lại niềm vui sướng cho cuộc sống nặng nề, những nghệ sĩ đã sáng tạo ra vẻ đẹp mà chúng ta thường thấy qua các hiện vật trang trí bằng kim loại quý, qua vũ khí, điêu khắc, qua các đền đài đổ nát, qua các lễ hội và phong tục mùa xuân.v.v… Hình ảnh bốn khối tượng của bốn đôi nam nữ đang giao hợp trên nắp chiếc thạp đồng, đào được ở xã Đào Thịnh (Yên Bái), là biểu tượng của một quan niệm phóng khoáng tự nhiên của tổ tiên chúng ta về tình yêu, hạnh phúc, về sự phồn vinh của giống nòi. Bất chấp mọi kỷ cương khắc nghiệt của lễ giáo Khổng - Mạnh, bất chấp mọi sợi dây ràng buộc và toả chiết tình cảm của chế độ phong kiến, nhân dân lao động, nhất là nam nữ thanh niên đã sống, đã lao động và đòi hỏi phải được sống với bản tính tự nhiên của con người. Nhân sinh quan này đã được phản ánh hoặc để lại dấu vết trong một số trò chơi, phong tục, hội xuân.
Trò chơi bắt chạch trong chum là một tiết mục khá độc đáo trong chương trình hội xuân ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc ngày nay). Trò chơi được diễn ra trước đình làng, hằng năm vào ngày mồng sáu tháng giêng. Sân đình được đặt rất nhiều chum, chí ít là từ năm chiếc trở lên. Trong chum đựng đầy nước, rồi thả một con chạch vào đấy. Những người dự thi phải là những nam thanh, nữ tú và phải tuân theo luật thi như sau: đứng cạnh một chiếc chum là một cặp trai tài, gái sắc; họ vừa ôm nhau vừa bắt chạch. Tay phải người con gái ôm ngang lưng người con trai, tay trái khoắng vào chum nước; còn tay phải của chàng trai khoắng vào chum nước, tay trái thì ôm vào người con gái, bàn tay nắm lấy vú. Kịch tính căng thẳng của trò chơi bắt chạch chính là ở chỗ hai người vừa phải ôm nhau, vừa phải bắt cho được chạch. Tại cuộc thi, các cặp trai gái đua tài thường rơi vào những cực đoan ngược nhau: có cặp mải âu yếm nhau mà quên việc bắt chạch. Ban giám khảo là các bô lão uy tín trong làng hết sức “khắt khe” trong lúc chấm thi và rất công bằng trong lúc trao giải. Trò chơi không chỉ thu hút hàng nghìn nam nữ thanh niên, mà còn có sức lôi cuốn các cụ ông, cụ bà và nhiều tầng lớp xã hội khác cũng náo nức vào “trường quy”. Chẳng phải thế mà cho đến bây giờ, ở địa phương trên, người dân vẫn còn ngâm nga câu hát “Bỏ con bỏ cháu/Chẳng ai bỏ mồng sáu hội Dưng” (Dưng là tên nôm của làng Văn Trưng, thuộc tỉnh Vĩnh Tường cũ).
Cùng thời gian tương ứng, thường là vào hai ngày mồng sáu và mồng bảy tháng giêng, tục “tắt đèn đêm giã đám” được diễn ra ở làng La Khê (Hà Đông) và làng Ngô Xá (Bắc Ninh). Sau đám rước và tế lễ, các cuộc vui diễn ra. Tế lễ được tổ chức vào ban đêm. Khi tế lễ xong (như nhiều vùng ở Hà Bắc còn có cả hát ả đào), như đã hẹn trước, tất cả đèn to, đèn nhỏ, nến cao, nến thấp đều tắt hết. Bóng tối lan toả thì “thần ăn trộm” mới “làm ăn” được. Thừa cơ hội đó, dân làng dự hội, nhất là thanh niên nam nữ, bắt chước thần mà “ăn trộm” lẫn nhau trong bóng tối, thực chất là đùa nghịch và trêu ghẹo nhau trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ như đã quy ước sẵn. Sau đó, đèn lại được thắp sáng… Người ta kể lại rằng, hội đền ở Tây Tựu, rước Giá ở Yên Sở, hội chùa Thầy ở Thụỵ Khuê là những hội náo nức, nhộn nhịp, nhưng không vui, không hấp dẫn và độc đáo bằng tục “tắt đèn đêm giã đám” ở làng La.
Chuyện trai gái trao duyên gửi phận, hát hò đối đáp với nhau để trao tình, tỏ tình được tìm thấy dấu vết ở nhiều hội xuân. Hội ném pháo ngày xuân ở làng Phù Lưu (Bắc Ninh) là một ví dụ. Hội thường diễn ra muộn hơn tuần lễ so với các trò chơi, tục chơi vừa kể trên. Ở đây, việc đốt và ném pháo được định hướng vào một đối tượng cần phải trừ khử. Đó là một biểu tượng xấu, cần xua đuổi khỏi làng, theo quan niệm của người xưa. Sau khi lập đàn cúng Phật xong, người ta mời một ông sư ở chùa làng đến sân đình. Sư tụng kinh, gõ mõ, đọc sớ… Khi nghe đọc đến những dòng chữ như “niên xung”, “nguyệt xung”.v.v… là những chữ báo hiệu điều chẳng lành, người dự hội vốn có sẵn pháo trong tay, châm lửa đốt pháo làm át cả tiếng đọc của ông sư. Lúc đầu, đốt pháo là để làm át những tiếng xấu; về sau, trai gái đốt pháo ném vào ông sư. Sư được một phen hú vía, tháo chạy về chùa làng đóng cửa lại. “Đuổi” sư xong, trai gái kéo nhau về đình đốt pháo, đuổi bắt nhau, trêu ghẹo nhau. Sau cuộc vui chung, nhiều cặp trai gái hợp nhau, rủ nhau đi vào những nơi vắng vẻ… Hội ném có sức hấp dẫn, lôi cuốn cả những trai thanh gái lịch ở những làng lân cận. Theo quy ước của làng, nếu gái đã có chồng muốn đến hội, thì người chồng không có quyền ngăn cấm. Sử sách không hề thấy nói trường hợp ngược lại, tức là trường hợp của người con trai có vợ. Hội ném kéo dài cho đến tận đêm khuya.
Dưới chế độ phong kiến và thực dân, những trò chơi, phong tục, lễ hội diễn ra ở một nước nông nghiệp như nước ta thường gắn liền với những yếu tố tiêu cực, chất chứa không ít những điều mê tín, dị đoan đen tối và quái gở như: đốt vàng mã quá nhiều có khi tốn bạc triệu với tâm niệm “dương sao âm vậy”, đốt hương, hoá vàng tro bay tung toé ở các đền, chùa, xem sao đoán bệnh, hủ tục hái lộc, bẻ cành, hái lá chồi non ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, và gần đây là chuyện xin lộc ấn Trần ở Nam Định.v.v… là những hiện tượng “rởm”, bất chính, bất minh, lợi dụng sức mạnh của Thánh, Thần để vụ lợi. Cần phải gạt bỏ và đấu tranh quyết liệt chống lại những biểu hiện của tư tưởng hoài nghi và tâm lý bi quan đối với cuộc sống, chính là những chất độc đã một thời (và cả hiện nay nữa) đầu độc tâm hồn của dân chúng, khi họ ở trình độ dân trí còn thấp.
Đằng sau các cuộc tế lễ, rước xách, lễ cúng Thành hoàng, lập đàn niệm Phật.v.v… là một thế giới sôi động, một đời sống tinh thần và tình cảm của nhân dân lao động, nhất là của nam nữ thanh niên, đòi hỏi phải được sống, được hưởng hạnh phúc, được yêu đương, được xứng đáng với quyền làm người thực sự. Đó là phần di sản còn lại đáng kể để chúng ta trân trọng giữ gìn cho hôm nay, khi nghĩ đến những mỹ tục và lễ hội mùa xuân.
Thời nay, thời hội nhập, lễ hội không mất đi, trái lại phát triển, nhưng cần nhìn nhận lễ hội bằng con mắt xanh (động, mở, biện chứng giữa lý và tình, chung và riêng, cộng đồng và cá nhân), chúng ta mới có thể kế thừa phát huy lễ hội thành hành trang tinh thần, thành nét dáng văn hiến để đi vào đời sống văn minh, hiện đại./.
GS. VS. HỒ SĨ VỊNH