Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 12/3/2009 10:25'(GMT+7)

Tình hình âm nhạc hiện nay và những vấn đề đang đặt ra

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

I. SỰ MẤT CÂN ĐỐI TRONG CÁC LOẠI HÌNH VÀ LĨNH VỰC ÂM NHẠC

Nhìn toàn cảnh sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, từ năm 1957 với sự ra đời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã khẳng định tính chuyên nghiệp của một đội ngũ những người làm công tác sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lý luận, phê bình và đào tạo âm nhạc. Tấm Huân chương Sao vàng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam trong năm vừa qua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đã ghi nhận công lao to lớn của giới nhạc sĩ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nhìn lại lịch sử âm nhạc Việt Nam, chỉ cách đây vài thập niên, là thời kỳ hoàng kim của âm nhạc cách mạng với sự hài hoà, tính tư tưởng cao cùng tính dân tộc và kinh điển của nó. Chúng ta không thể nào quên những loại hình âm nhạc lớn như: nhạc kịch, giao hưởng, hợp xướng cùng với sự phát triển của các loại hình âm nhạc dân tộc và các thể loại âm nhạc khác tạo nên bức tranh âm nhạc hoành tráng xứng đáng với tầm vóc thời đại. Những tác phẩm lớn như bản giao hưởng “Quê hương” 4 chương của nhạc sỹ - liệt sỹ Hoàng Việt, nhạc kịch “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Tổ khúc giao hưởng “Ông Gióng” viết cho dàn nhạc dân tộc của nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, thơ giao hưởng “Đồng khởi” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, nhạc kịch “Bên bờ Krông-pa” của nhạc sỹ Nhật Lai, “Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ” của Tô Hải, Hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc, v.v… cùng với những ca khúc bất hủ gắn bó với sự nghiệp Cách mạng của Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Văn Chung, Hoàng Quý, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Huy Thục, Doãn Nho,… Về nghệ thuật biểu diễn: tiếp nối Tạ Bôn, Bích Ngọc (violon), Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My (piano), đã có Đặng Thái Sơn (giải nhất concour Chopin 1980), Tôn Nữ Nguyệt Minh, Đỗ Phượng Như, Bùi Công Duy,… nghệ thuật biểu diễn đàn dân tộc Mai Phương, Thanh Tâm, Cồ Huy Hùng,… là những dấu ấn làm nên nền âm nhạc Việt Nam chuyên nghiệp ở đỉnh cao trong suốt những thập niên cuối thế kỷ XX.

Nhìn lại hai mươi năm trở lại đây âm nhạc của chúng ta có những biểu hiện chững lại, thậm chí tụt hậu, nguy cơ mất đi tính chuyên nghiệp. Sự phát triển thiếu hài hoà mất cân đối giữa các loại hình âm nhạc đã dẫn tới thực tế trên. Âm nhạc chỉ có ca khúc là chính và chỉ còn ca khúc nhạc pop thống lĩnh thôi thì sao có thể đại diện cho gương mặt văn hoá âm nhạc của đất nước! Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đánh giá thấp vai trò của ca khúc. Bởi chính nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam được xây dựng nên từ những bài ca song hành với lịch sử và đi cùng năm tháng. Nhưng trong thời đại mới, một nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì chỉ một thể loại ca khúc là chưa đủ. Hơn nữa quá nghiêng về ca khúc đại chúng, mà ta quen gọi là nhạc trẻ lại càng là lệch lạc lớn.

Những năm gần đây ở ta thiếu sự đầu tư cho các thể loại âm nhạc kinh điển – bác học từ khâu sáng tác, biểu diễn đến quảng bá tuyên truyền và lưu trữ. Các nhà hát như Nhạc vũ kịch Việt Nam, các Dàn nhạc giao hưởng lớn của Nhà nước và các Trung tâm đào tạo âm nhạc như: Học viện Âm nhạc quốc gia, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh hầu như chỉ có biểu diễn các tác phẩm của các tác giả nước ngoài. Sự “lệch pha” giữa sáng tác và biểu diễn càng xa. Hội Nhạc sĩViệt Nam được phép đầu tư tác phẩm song kinh phí tài trợ đầu tư quá ít ỏi, tác phẩm viết xong lại không có tiền để biểu diễn, thể hiện ! Chúng ta đã làm phí hàng trăm tác phẩm từ giao hưởng, hợp xướng đến ca khúc, đã được các nhạc sĩ sáng tác trong nhiều năm qua, mà rốt cuộc vì không tìm được đầu ra nên đành im lặng nằm trong ngăn kéo của chính tác giả. Âm nhạc không vang lên thì âm nhạc là con số không tròn trĩnh. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã diễn ra suốt những thập niên vừa rồi dẫn tới hiện tình như hôm nay.

Sự lệch lạc về thẩm mỹ còn được nhân lên trong giới trẻ với các bài hát “tự sáng tác”, tự biểu diễn lai căng nhạc Hoa, nhạc Hàn, nhạc Thái v.v… Chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tự phong như bây giờ, trong khi sân khấu nhạc nghiêm túc hầu như bị bỏ trống! Trên đài phát thanh, truyền hình, các chương trình nhạc nghiêm túc không bao giờ được phát sóng trong giờ vàng và chỉ được đặt vào “Nhạc đêm khuya”, phát vào 11 - 12h đêm. Vậy người nghe có được tôn trọng và có được tiếp cận với âm nhạc nghiêm túc không? Ở đây xin liên hệ tới hệ thống phát thanh, truyền hình các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga đều có 1 kênh riêng 24/24h dành cho loại hình âm nhạc kinh điển, bác học cùng sự dẫn giải cho người nghe! Tại sao chúng ta không làm được như vậy?

Xin nhớ rằng thời kỳ chống Mỹ, trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những chương trình dẫn giải âm nhạc Giao hưởng, rất được thính giả tán thưởng. Đây là một trong những con đường giáo dục âm nhạc đạt hiệu quả nhất. Chúng ta đã có những thành tựu rất lớn về các loại hình âm nhạc kinh điển trong sự phát triển của âm nhạc cách mạng trong hơn nửa thế kỷ qua, song với hiện trạng đang diễn ra một cách hỗn loạn, không kiểm soát được thì nguy cơ “mất nền âm nhạc chuyên nghiệp” là có thực, hoặc nói một cách khác là sự nghiệp xây dựng nền âm nhạc chuyên nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, con đường âm nhạc có nguy cơ chệch hướng. Đã đến lúc phải bàn bạc, quyết định đưa âm nhạc bác học trở lại vị trí xứng đáng của nó. Và chỉ như vậy, nền âm nhạc của chúng ta mới có tiếng nói trong khu vực và quốc tế.

Sự mất cân đối còn thể hiện trong tỷ lệ các chương trình hoà nhạc mới và hoà nhạc dân tộc. Đã có một thời chúng ta xây dựng được một dàn nhạc dân tộc với quy mô và thành phần đầy đủ. Đó là thời hoàng kim (1971-1978) với số lượng nhạc công lên đến 50,70 người. Các tác giả viết cho nhạc cụ dân tộc rất đông đảo như: Trần Quý, Hoàng Đạm, Nguyễn Văn Thương, Xuân Khải, Quang Hải… Với những tác phẩm nổi tiếng như: Tổ khúc “Ông Gióng” của Nguyễn Xuân Khoát, “Dòng kênh xanh” của Hoàng Đạm, “ Vì miền Nam” của Huy Thục… Tương phản với sự phong phú kể trên là những tốp nhạc dân tộc hôm nay (có khi còn dăm ba cây đàn) lại cộng thêm một bộ phận bị điện tử hoá (từ đàn bầu, đàn tranh, đàn trầm…) đã làm méo mó đi bộ mặt khí nhạc dân tộc. Tác giả chuyên tâm viết nhạc dân tộc ít dần, dàn nhạc, nhạc công thiếu tác phẩm mới để biểu diễn, hỏi rằng tương lai nền âm nhạc Dân tộc cổ truyền đi về đâu?

Trong khi đó âm nhạc dân gian, dân tộc truyền thống lại được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” như “Nhã nhạc Cung đình Huế”, “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên”, và sắp tới đây là “Hát ca trù người Việt”, “Hát quan họ Bắc Ninh”.

Vậy những giá trị này có được hiện hữu, phổ biến trong cộng đồng hay chỉ mãi mãi trong “bảng vàng” UNESCO khi người nghe, đặc biệt là công chúng trẻ, chưa được giáo dục về thẩm mỹ âm nhạc?

2. VỀ CÔNG TÁC LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VÀ ĐÀO TẠO ÂM NHẠC

Cũng như các ngành nghệ thuật khác đây là khâu có nhiều yếu kém và bức xúc nhất của ngành nhạc. Các nhà lý luận, phê bình “vừa thiếu, vừa yếu, vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận”, như trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị nêu lên là rất thực tế, rất chính xác. Nguyên nhân thì có nhiều, song một nguyên nhân cơ bản là chúng ta chưa “biết nuôi” ngay từ khâu đào tạo, chưa “biết dưỡng” từ trong đời sống nghệ thuật và các Hội văn học, nghệ thuật cũng không “đầu tư”, “tài trợ” thoả đáng cho lực lượng này. Lực lượng phê bình lớp trước không còn sự “ nhạy bén” cần thiết trước đời sống âm nhạc hiện nay và đã nhường “vị trí” của mình cho các nhà báo không chuyên về âm nhạc tuỳ thích “thẩm định”, lên tiếng “định vị” cho các giá trị nghệ thuật. Nhiều hiện tượng “đạo nhạc” thô thiển trắng trợn từ nội dung đến hình thức hầu như không ai lên tiếng và cái xấu cứ thế lan tràn. Khoảng trống trong lý luận, phê bình ngày một rộng ra nếu chúng ta không có quyết sách để tạo nên một lực lượng “cầm cân nảy mực” trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Hơn thế nữa một số chương trình ca nhạc trên truyền hình, nhân danh đi tìm kiếm tài năng, ủng hộ lớp trẻ đã “đóng triện son” cho một số sản phẩm nghiệp dư, lai căng, xa rời cội nguồn âm nhạc dân tộc, bất chấp ý kiến của giới chuyên môn và phản ứng của công chúng. Vậy ai là người đủ nghị lực để “phanh” lại những hiện tượng này.

Về đào tạo âm nhạc, bệnh thành tích một phần nào đã biểu hiện trong công tác đào tạo cán bộ âm nhạc trong những năm gần đây. Ngày càng nhiều các Tiến sĩ, Thạc sĩ âm nhạc nhưng thử hỏi rằng các vị đã làm gì trực tiếp giúp cho nền âm nhạc nước nhà “gỡ rối” trong giai đoạn “loạn nhạc” này. Đào tạo không theo nhu cầu xã hội, không hướng tới một mục tiêu cụ thể là những nổi cộm mà hậu quả đã nhãn tiền! Đáng lưu ý là, trong quá trình đào tạo, chúng ta đào tạo người sáng tác, người lý luận, người biểu diễn song lại bỏ rơi một khâu đặc biệt quan trọng là bồi dưỡng người nghe (thính giả, công chúng âm nhạc)! Việc phổ biến kiến thức âm nhạc chỉ trông chờ vào các tiết học ít ỏi trong các trường phổ thông. Câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ lại được nêu ra để nhắc nhở về người tạo ra nghệ thuật và người thưởng thức nghệ thuật. Gần đây trên diễn đàn Quốc hội, ngày 12/11/2008 Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến việc dạy dân ca cho học sinh các trường phổ thông. Lấy các Đoàn nghệ thuật địa phương làm nòng cốt trong việc phổ biến các em những làn điệu dân ca, dân nhạc chính từ quê hương mình, đồng chí Bộ trưởng có ý định kết hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam xây dựng một đề án đưa dân ca, dân nhạc vào các trường phổ thông. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến này và mong muốn đề án sớm trở thành hiện thực.

Sử dụng không đúng năng lực, đặt người không đúng vị trí, người được đào tạo chuyên ngành này sang làm chuyên ngành khác là hiện tượng phổ biến trong lĩnh vực âm nhạc. Các sân khấu nhạc trẻ, các sân chơi âm nhạc trên phát thanh, truyền hình, các hãng băng đĩa nhạc là “điểm đến”, "định nghiệp" cho những người đào tạo hệ chính quy từ hàng chục năm trở lên tại các Nhạc viện. Đó phải chăng là sự lãng phí hay lệch lạc? Ai là người chịu trách nhiệm về hiệu quả sau đào tạo trong ngành âm nhạc?

3. VỀ TÍNH ĐỊNH HƯỚNG TRONG HOẠT ĐỘNG ÂM NHẠC

Như chúng ta đã biết, âm nhạc là một vũ khí đấu tranh sắc bén và nó đã thể hiện sức mạnh của mình trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Trong mỗi chúng ta không ai không có những giai điệu, bài ca đã từng in sâu trong tâm khảm, là hành trang mang theo suốt cuộc đời mình.

Trong một nền nghệ thuật có định hướng, âm nhạc đã phát huy sức mạnh của mình trong cuộc sống xây dựng và chiến đấu của nhân dân ta đồng thời cũng phát huy tối đa tính độc lập, sáng tạo, giải phóng tiềm năng sáng tạo của mỗi cá thể nghệ sĩ. Song, kể từ thời kỳ đổi mới, văn hoá Việt Nam nói chung và âm nhạc nói riêng đã bị chi phối, tác động lớn bởi quy luật của nền kinh tế thị trường, tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính định hướng dần bị phai mờ nhường chỗ cho văn hoá âm nhạc giải trí. Trong đó ca khúc đại trà (pop) lên ngôi với đề tài chủ yếu về tình yêu nam nữ, nội dung và hình thức còn nhiều điều phải bàn, phải nói. Ca khúc pop đã biến thành hàng hoá theo các đơn đặt hàng của các hãng băng đĩa, của các ca sĩ đang “ăn khách” và cả của các nhà tài trợ, các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình ca nhạc trên phát thanh, truyền hình cũng vào cuộc “tôn vinh” thứ hàng hoá ấy, khiến thực giả lẫn lộn. Có nhạc sĩ đã phải thốt lên: “Các nhà tài trợ quyết định sự định hướng chứ không phải ai hết !”. Mọi tiêu chí bị đảo lộn, quy chuẩn bị xáo trộn, mọi “sáng tác” tự do lên sân khấu, tự do phổ cập vì không có cơ quan chức năng nào để ý tới một cách thấu đáo. Mọi quy chế, quy định của các cơ quan quản lý nghệ thuật bị "qua mặt" dưới nhiều hình thức: báo cáo chương trình duyệt một khác, biểu diễn một khác; các Sở Văn hoá – Thông tin (trước đây) lại thiếu người có đủ trình độ chuyên môn để thẩm định chương trình và thường bị “mua” bằng nhiều cách, dẫn tới các bài hát yếu về nội dung tư tưởng vẫn lên sân khấu, vẫn được thu đĩa CD, VCD thậm chí cả các bài hát phản động từ trước năm 1975 hay từ hải ngoại tuồn vào.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đã nhiều lần lên tiếng một cách mạnh mẽ, kiên trì, có hệ thống và liên tục, song vì không phải là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước nên tính hiệu quả rất thấp, hầu như các cơ quan chức năng chưa có “sự phối hợp chặt chẽ với các Hội văn học, nghệ thuật nhằm công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt để định hướng thẩm mỹ cho công chúng”, như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu lên là rất chính xác.

Rõ ràng là cần một giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những bức xúc trong âm nhạc hiện nay thay vì cứ mãi lúng túng với cơ chế cũ không còn phù hợp và kém hiệu quả. Định hướng thẩm mỹ nghệ thuật nói chung, trong đó có âm nhạc một cách đúng đắn, nghiêm túc và bền vững cần được sự ủng hộ triệt để của Đảng và Nhà nước dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương VII và gần đây là Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.

4. NHỮNG BỨC XÚC TRONG LĨNH VỰC BẢN QUYỀN ÂM NHẠC

Việc thực thi pháp luật về tác quyền trong lĩnh vực âm nhạc, một lĩnh vực có số lượng tác phẩm rất lớn và được sử dụng rộng rãi nhất trong đời sống xã hội còn nhiều bất cập, vướng mắc. Quyền lợi chính đáng của tác giả âm nhạc còn bị xâm phạm nghiêm trọng, rất nhiều tổ chức cá nhân sử dụng âm nhạc chưa thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền cho chủ sở hữu. Tình trạng trên xâm phạm quyền lợi vật chất và tinh thần của tác giả, thu hẹp cơ hội hưởng thụ của công chúng gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt là việc bản quyền các sản phẩm ghi âm, ghi hình bị ăn cắp, bị in lậu ngay từ khi chưa xuất xưởng đã làm tổn hại về kinh tế với nhà sản xuất và với chính tác giả. Trong lĩnh vực biểu diễn, sử dụng âm nhạc trong các dịch vụ công cộng như: khách sạn, karaoke, nhà hàng; những dịch vụ truyền thông như: nhạc chuông, nhạc trên mạng là nỗi bức xúc còn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu. Cần phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, Cục bản quyền với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và các đơn vị sử dụng âm nhạc trong toàn quốc vì quyền lợi của giới âm nhạc, thực thi tính công bằng xã hội.

5. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ:

- Cần thành lập Hội đồng âm nhạc Quốc gia do một đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng đứng đầu.

- Cần thiết có một “Uỷ ban phối hợp” chăm lo âm nhạc trên các phương tiện thông tin gồm: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban này là rất quan trọng, có tác dụng tích cực cải thiện tình hình âm nhạc trong đời sống hiện nay.

- Có chính sách khuyến khích sáng tạo những tác phẩm âm nhạc kinh điển, dài hơi, đầu tư chiều sâu và cấp kinh phí để dàn dựng, biểu diễn.

- Nên thành lập một kênh truyền hình âm nhạc, giao cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam chuẩn bị nội dung – liên kết với các đơn vị nghệ thuật để có chiến lược tuyên truyền, quảng bá các loại hình âm nhạc, tôn vinh giá trị âm nhạc Việt Nam và quốc tế, giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, trang bị kiến thức âm nhạc từ nhỏ cho Thiếu niên, Nhi đồng…

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” là chỗ dựa vững chắc để chúng ta chấn chỉnh lại những lệch lạc, thiếu sót vừa qua, bằng những chính sách cụ thể để từ đó đưa đời sống nghệ thuật, trong đó có đời sống âm nhạc, trở lại vị trí đích thực của nó. Cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành. Thống nhất dưới sự chỉ đạo chung một đầu mối chúng ta mới phát huy được sức mạnh, không bị “dàn trải, phân tán” như hiện nay.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cũng như các Hội Văn học, Nghệ thuật khác cần được đầu tư thoả đáng để thực thi các chức năng của mình một cách hiệu quả. Chúng tôi, những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với Quốc hội nên xem xét ban hành “Luật Âm nhạc” như “Luật Điện ảnh” đã được Quốc hội thông qua vừa rồi.

Luật Âm nhạc ra đời sẽ là kim chỉ nam, định hướng toàn diện về hoạt động âm nhạc có tác dụng không chỉ hôm nay và có giá trị lâu dài góp phần bảo tồn những di sản, thành quả mà các thế hệ cha ông và các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đương đại đã tạo nên và đưa nền âm nhạc Việt Nam trở lại đúng quỹ đạo chuyên nghiệp của nó, tiến lên cùng sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà.

Luật Âm nhạc cũng là nơi tập hợp những quy định, quy chế về quản lý sáng tác, biểu diễn, bản quyền tác giả mà trước đây quá phân tán và không hiệu quả tạo những vấn đề bức xúc đáng lo ngại như đã trình bày ở trên.

Thay mặt các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, chúng tôi mong mỏi và hy vọng những vấn đề bức xúc đang tồn tại sẽ được giải quyết một cách thấu đáo, đồng bộ, toàn diện và triệt để để nền âm nhạc Việt Nam tiến lên có những bước tiến mới, có tầm vóc trong khu vực và trên thế giới.
               
                
Đỗ Hồng Quân
      
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Bản tin Lý luận phê bình văn học nghệ thuật, số 5, tháng 2/2009)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất