Việc tổ chức lấy ý kiến của toàn dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng là nhằm phát huy trí tuệ của toàn dân tộc xây dựng đường lối phát triển của đất nước, tạo dựng nhịp cầu nối liền giữa Đảng với dân, làm cho ý Đảng hòa quyện vào lòng dân, để từ đó dân thêm tin yêu Đảng và Đảng càng gắn bó máu thịt với dân - một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại, vững mạnh của Đảng.
Bằng sự phân tích, luận giải xác đáng, có cơ sở thực tiễn, căn cứ khoa học và thấu lý, đạt tình, nhiều ý kiến đóng góp đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trước Đảng và dân tộc. Đảng ta, với tư cách là một đảng cách mạng chân chính, đại diện cho trí tuệ của cả dân tộc, luôn tôn trọng, lắng nghe tất cả những ý kiến đó để tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm không ngừng hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XI, bảo đảm cho các nội dung văn kiện phù hợp với quy luật khách quan, xu thế thời đại và đáp ứng ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Kể cả những vấn đề phức tạp và nhạy cảm như tham nhũng, lãng phí, công tác nhân sự... cũng được Đảng ta chú ý xem xét, tiếp thu với một thái độ nghiêm túc, cầu thị. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, vẫn có không ít những ý kiến chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, đi ngược xu thế phát triển của dân tộc Việt Nam.
Thứ nhất, một số ý kiến được trình bày theo kiểu nước đôi. Người viết tỏ ra có cái nhìn khách quan, nhưng thực chất là “lập lờ đánh lận con đen”, đánh tráo khái niệm khoa học, làm biến dạng bản chất vấn đề. Người viết đã “khôn ngoan” phân tích, mổ xẻ vấn đề, mới thoạt nghe có vẻ xuôi tai, nhưng nếu người đọc không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì tư tưởng rất dễ bị chao đảo, ngả nghiêng bởi những bài viết đầy ẩn ý.
Thứ hai, một số ý kiến đưa ra khá nhiều quan niệm, quan điểm, mô hình, chính sách, tư duy phát triển của nước ngoài để “lái” nước ta theo mô hình tư bản chủ nghĩa. Việc học hỏi, tham khảo ý kiến, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, nhất là những nước trong khu vực và những nước có điều kiện, hoàn cảnh giống nước ta là điều rất đáng làm và trên thực tế cũng được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thực hiện từ lâu. Nhưng tuyệt đối hóa những chính sách, mô hình đó rồi đòi hỏi ta bắt chước nguyên si tư duy cứng nhắc, thiếu biện chứng, hay nói chính xác hơn là “học đòi” một cách rập khuôn, máy móc.
Thứ ba, một số ý kiến cho rằng,Việt Nam muốn phát triển và không bị “lạc loài” với thế giới, thì nên quan tâm thực hiện chế độ đa nguyên đa đảng, “tam quyền phân lập” như các nước tư bản phát triển... Những ý kiến này thực chất là lợi dụng đóng góp ý kiến để truyền bá những nội dung xa lạ, lệch lạc, làm biến dạng bản chất cách mạng của Đảng.
Đảng ta trước sau như một luôn khẳng định nhất quán: Lấy mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” làm điểm tương đồng, chấp thuận ý kiến khác nhau nhưng không trái, không ngược lại với mục tiêu cao cả đó. Tất nhiên, trong hàng vạn ý kiến đóng góp, có những ý kiến đúng, có những ý kiến đúng một phần, có ý kiến chưa đúng. Nhưng các ý kiến phải xuất phát từ mục đích trong sáng, động cơ lành mạnh, tinh thần trung thực, thái độ thiện chí vì đất nước, vì dân tộc. Đảng ta sẵn sàng lắng nghe và trân trọng những ý kiến chưa (hoặc không) đúng. Với phương châm “gạn đục, khơi trong”, Đảng ta tiếp thu có chọn lọc mọi ý kiến đóng góp, miễn là các ý kiến đó có lợi cho quốc kế dân sinh, làm cho dân cường nước thịnh, dân tộc ta ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Đối với những ý kiến truyền bá những quan điểm sai trái, chúng ta cần có thái độ lên tiếng đấu tranh ngăn chặn, phê phán và phản bác kịp thời. Đó cũng là một lẽ thường tình đối với bất cứ một chính đảng cầm quyền nào trên thế giới. Bởi không ngăn chặn, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu thù địch cũng đồng nghĩa với việc tạo “mảnh đất màu mỡ” cho các thành phần (lực lượng) cơ hội, xét lại và chống đối phát sinh và phát triển - một nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của chính đảng cầm quyền đó.
Trước thềm Đại hội XI của Đảng, việc các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến cho Đảng là điều đáng mừng. Điều đó cho thấy Đảng ta đang thực hành dân chủ rộng rãi và thể hiện tinh thần, ý thức cầu thị trong việc không ngừng hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, cùng với việc động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tầng lớp nhân dân được đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đất nước; chúng ta cũng không quên đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tỉnh táo phân biệt những ý kiến đúng - sai; sáng suốt nhận diện những đóng góp, đề xuất, kiến nghị, phản biện nào có tính tiến bộ, tích cực, thiện chí, vì dân, vì nước và những suy nghĩ, ý kiến, quan điểm, tư duy cực đoan, phiến diện, cơ hội, thù địch để có cách ngăn ngừa kịp thời, hiệu quả. Chủ động làm tốt công việc này là góp phần giữ vững bản chất cách mạng và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong bối cảnh đất nước đang tiến sâu vào hội nhập quốc tế./.
(Theo: Nguyễn Văn Hải/QĐND)