Thứ Tư, 18/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 30/10/2018 8:51'(GMT+7)

Tình trạng xuống cấp trong lối sống của một bộ phận giới trẻ

Nữ sinh trường THPT Bãi Cháy và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tại TP Hạ Long, Quảng Ninh đánh nhau ngày 1/4/2014 và tung lên mạng vừa qua

Nữ sinh trường THPT Bãi Cháy và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tại TP Hạ Long, Quảng Ninh đánh nhau ngày 1/4/2014 và tung lên mạng vừa qua

Sự việc ngày 23-10 vừa qua, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” theo Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đối với một nữ sinh đại học đã khiến dư luận rúng động. Hành vi phi nhân tính của người mẹ trẻ cũng như quan hệ phức tạp trong tình yêu của người này đã khiến không ít người phẫn nộ, bất bình trước một lối sống phóng túng, vô trách nhiệm. Đáng lo ngại là lối sống vô trách nhiệm, ích kỷ, xuống cấp về đạo đức như vậy lại đang có chiều hướng nảy nở, tồn tại ở một bộ phận giới trẻ hiện nay. Dư luận xã hội và báo chí đã không ít lần lên tiếng phê phán tình trạng các nam nữ còn trẻ ngang nhiên có những hành động thiếu văn hóa tại địa điểm công cộng như rạp chiếu phim, quán trà, xe buýt, công viên, cầu đi bộ... Hành vi vốn chỉ phù hợp với chốn riêng tư, được họ thản nhiên thực hiện giữa chốn đông người, bất chấp sự khó chịu, bất bình của người chung quanh. Biết tôn trọng người khác cũng là cách tự tôn trọng bản thân, nhưng sự lệch chuẩn về đạo đức và nhận thức đang khiến một bộ phận giới trẻ có hành xử kém văn hóa, phản cảm, gây bức xúc trong cộng đồng. Những sự việc nêu trên nhanh chóng trở thành đề tài được bình luận trên nhiều diễn đàn, theo đó rất nhiều ý kiến bày tỏ thái độ phản đối, lên án mạnh mẽ. Song dường như sự lên án của cộng đồng chưa đủ sức nặng với một số người trẻ? Vì sự việc này chưa kịp lắng lại thì sự việc khác lại nổi lên, với mức độ ngang nhiên và thách thức hơn. Nguy hiểm hơn, ngoài nguyên nhân do không biết tôn trọng người khác, không ý thức được các quy tắc ứng xử trong cộng đồng, có những thanh niên dù ý thức rõ nhưng vì thích chơi trội, muốn thể hiện “đẳng cấp”, đã bất chấp tất cả, sẵn sàng lựa chọn cách hành xử tùy tiện, phản văn hóa miễn là đạt được mục đích. 

Tuy nhiên, những sự việc nêu trên mới chỉ là phần nổi của “tảng băng”. Bởi trên thực tế hiện nay, xu hướng sống nhanh, sống gấp, sống hưởng thụ dẫn đến sự lệch chuẩn trong quan niệm đạo đức, ứng xử xã hội hay quan hệ nam nữ đang có chiều hướng gia tăng. Tình yêu vốn là điều thiêng liêng cần được nâng niu, tôn thờ nhưng đã bị không ít người trẻ biến thành mối quan hệ mang màu sắc thực dụng, tầm thường. Biểu hiện dễ thấy là tình trạng “yêu cho vui”, “góp gạo thổi cơm chung”, sống như vợ chồng của nhiều cặp đôi sinh viên đi học xa nhà. Ở một số trường THPT, thậm chí THCS, không hiếm cảnh “cặp đôi” học sinh thoải mái bày tỏ tình cảm giữa nơi đông người, cá biệt có cặp đưa nhau vào nhà nghỉ khi vẫn khoác đồng phục học sinh. Trong khi những mối tình học trò thường mong manh, dễ thay đổi thì một số bạn trẻ lại coi đó là thú vui, chiến tích. Hậu quả nhãn tiền của lối sống phóng túng này là học tập sa sút, mang thai ngoài ý muốn, bị bạn bè xa lánh... Đấy là chưa kể các hậu quả tiêu cực từ quan hệ thiếu lành mạnh còn đẩy tới việc chửi bới, thóa mạ, thách đố nhau ở ngoài đời, trên mạng xã hội, thậm chí thuê côn đồ hành hung, trả thù, đâm chém. Không ít tình yêu học trò đã kết thúc bằng hận thù, thậm chí có nữ sinh bị lợi dụng, đã hoang mang, tuyệt vọng phải tìm đến cái chết...

Số liệu được công bố rộng rãi từ một cuộc khảo sát gần đây (thực hiện theo phương pháp chọn mẫu tại một số trường ở nội thành và ngoại thành Hà Nội) cho thấy: có tới 40% số học sinh từng quan hệ tình dục. Tính đến hết lớp 9, khoảng 10% số học sinh từng quan hệ tình dục, và tính đến hết lớp 12 thì con số này lên tới 39%; đáng chú ý, có tới 10% số học sinh THPT được khảo sát cho biết, đã từng quan hệ với từ ba người trở lên, khoảng 15% số học sinh có sử dụng các chất kích thích (rượu, ma túy,...) trong lần quan hệ gần nhất. Có phụ huynh bàng hoàng khi phát hiện con mang thai mà không hiểu con mình quan hệ với người khác giới vào lúc nào, vì mọi giờ giấc sinh hoạt đều được bố mẹ quản lý chặt chẽ. Ở đây, sự chủ quan của người lớn và việc thiếu ý thức của người trẻ để rồi không làm chủ được bản thân đã dẫn đến kết cục đáng buồn.

Một vấn đề đáng lo ngại là giới trẻ đang có xu hướng quan hệ tình dục (QHTD) ngày càng sớm. Các kết quả khảo sát cho thấy, nếu năm 2010, QHTD lần đầu ở nam giới là 20, nữ là 19,4 thì chỉ sau 5 năm, độ tuổi này đã giảm còn 18,2 ở nam và 18 ở nữ: Tình dục trước hôn nhân trong nam/nữ chưa lập gia đình ở nhóm tuổi 14 đến 17 là 42% ở nam và 37% ở nữ, con số tương ứng ở nhóm tuổi 22 đến 25 là 57% ở nam, 52% ở nữ. Tỷ lệ nữ giới có QHTD trước hôn nhân tăng từ 74% lên 77%. Quan hệ tình dục quá sớm nhưng thiếu kiến thức cần thiết về giới tính, tình dục cũng như về an toàn sức khỏe sinh sản là nguyên nhân dẫn tới hậu quả là tình trạng nạo phá thai gia tăng, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, tình trạng vô sinh... cũng tăng cao. Nếu năm 2016, cả nước có 265.536 ca nạo phá thai thì đến năm 2017, con số này là gần 300.000 ca, đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên cao nhất khu vực Đông - Nam Á. Chỉ riêng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 đến 50 ca nạo phá thai, một năm khoảng 5.000 ca, trong đó số ca tuổi vị thành niên chiếm 18 đến 20%. Các bác sĩ tại đây cho biết, có học sinh mới 14 - 

15 tuổi đã nạo phá thai hai lần. Khá nhiều trường hợp có thai mà không biết, khi phát hiện ra thì thai đã quá to. Cá biệt có trường hợp bệnh nhân buộc xử lý dẫn tới vô sinh vì nhiều lần nạo phá thai ở các phòng khám tư. Còn tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng nạo phá thai cũng đã ở mức báo động. Với khoảng 7 triệu dân, mỗi năm tại đây có khoảng hơn 100.000 ca sinh, nhưng số ca nạo phá thai cũng tương đương. 

Thực trạng nêu trên là hồi chuông báo động về xu hướng sống lệch chuẩn, sa sút đạo đức ở một bộ phận giới trẻ. Vậy nguyên nhân từ đâu? Giống như nhiều nước châu Á khác, ở nước ta có giai đoạn các vấn đề về giới tính, tình dục vẫn được xem là đề tài nhạy cảm gần như là một đề tài bị cấm kị trong đời sống xã hội. Nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý né tránh khi nói chuyện với con về các vấn đề giới tính, tình dục. Trong khi đó, sách vở về đề tài này, nhất là tài liệu và phim ảnh trên mạng khá phổ biến. Bản chất của trẻ là tò mò, nên thường lẳng lặng tự tìm hiểu theo cách của mình, mà thiếu sự dẫn dắt bởi nhận thức, quan niệm đúng đắn từ người có kinh nghiệm sống, dẫn tới hành vi tiêu cực, mất kiểm soát. Bên cạnh đó, đời sống xã hội nước ta những năm gần đây có nhiều chuyển động mạnh mẽ, ngày càng hội nhập sâu với thế giới, lối sống phóng túng từ một bộ phận giới trẻ phương Tây cũng tràn vào, tác động không nhỏ đến nhận thức, hành vi của một bộ phận dân cư, trong đó có giới trẻ. Từ đây bắt đầu xuất hiện xu hướng sống thoáng, dễ dãi trong kết giao bạn bè, cũng như thay đổi trong quan niệm về tình yêu, tình dục. Từ chỗ bị ngăn cản, cấm đoán, không ít bạn trẻ tự cho mình quyền được “xé rào”, thoải mái làm những gì mình thích. Không ít học sinh thay vì chuyên tâm học hành lại bỏ thời gian tìm kiếm trang web “đen”, clip sex,... nhằm thỏa mãn tò mò, đua đòi theo các hiện tượng lệch lạc trên mạng xã hội. Ý thức sống tùy tiện, buông thả, đua đòi, thậm chí ngộ nhận về giá trị của bản thân là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành vi lệch chuẩn, phản văn hóa. Trong bối cảnh đó, có bố mẹ vì quá tin tưởng con cái hoặc chưa dành sự quan tâm đúng mức cho con, không nắm bắt kịp thời các thay đổi về tâm sinh lý của con để có những điều chỉnh hoặc tư vấn kịp thời. Chưa kể, một số cha mẹ mải lo mưu sinh mà không dành thời gian dạy bảo các con, làm cho khoảng cách giữa cha mẹ và con ngày càng nới rộng. Cũng không thể không nhắc đến tần suất ngày càng tăng các “cảnh nóng” trên phim ảnh; sự xuất hiện những game show mang yếu tố nhục dục; lối sống suy đồi của một số “ngôi sao” trong giới giải trí đăng tải dày đặc trên mạng và một số báo điện tử... Dù muốn hay không, những điều này cũng tác động không nhỏ đến nhận thức, hành vi của người trẻ. Trong khi, những tệ nạn như mại dâm, cờ bạc, ma túy... vẫn diễn biến phức tạp với các chiêu trò, thủ đoạn ngày càng tinh vi thì chính lối sống buông thả của những cá nhân giới trẻ đã tạo điều kiện cho tệ nạn hoành hành và đi sâu vào lối sống của họ. Có thể thấy khi ném mình vào xu hướng sống lệch lạc như vậy, không ít thanh niên, học sinh, sinh viên đã tự hủy hoại cả tuổi trẻ và tương lai của mình.

Hệ lụy từ lối sống phóng túng là không thể lường hết, ngay chính phương Tây cũng từng gánh chịu hậu quả và luôn phải cảnh báo, thực hiện biện pháp phòng ngừa. Ở Việt Nam, trong bối cảnh hàng triệu bạn trẻ đang nỗ lực học tập, lao động để phát triển chính mình, góp phần xây dựng xã hội, thì tình trạng nêu trên cần được báo động, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để hiện tượng một số bạn trẻ đua theo, học đòi lối sống không lành mạnh, lười nhác, chỉ biết hưởng thụ,... không thể nhen nhóm, lan rộng. Công việc đó cần triển khai trên diện rộng, bắt đầu bằng chính trách nhiệm từ mỗi gia đình đến nhà trường cũng như các tổ chức xã hội và cả cộng đồng, với những biện pháp hữu hiệu. Theo đó, cần hướng giới trẻ đến hoạt động có ích của cộng đồng, xây dựng ý thức trách nhiệm với bản thân và xã hội, xây dựng lý tưởng sống cao đẹp, tăng cường sự hiểu biết về giới tính và sức khỏe sinh sản, đồng thời quyết liệt lên án, tẩy chay hành vi sa sút về đạo đức. Bởi nếu không ngăn chặn kịp thời, xu hướng sống tiêu cực này có thể lây lan trong giới trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của xã hội, dẫn đến hậu quả khôn lường. Để tương lai không phải hối tiếc, chúng ta cần bắt đầu những việc làm cụ thể ngay từ hôm nay.

Theo Nhân dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất