Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của một dân tộc anh hùng, đoàn kết, bền bỉ và kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó đã hun đúc nên sức mạnh, ý chí và tinh thần sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách. Cội nguồn sâu sa làm nên truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam chính là sức mạnh của lòng dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước ta đều xuất phát từ quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cội nguồn sức mạnh của Đảng, Nhà nước ta là sự gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân”.
Khắc sâu lời Bác Hồ dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", do làm tốt công tác dân vận mà Đảng ta luôn tập hợp tuyên truyền, giáo dục, động viên, phát huy mọi tầng lớp nhân dân thành lực lượng cách mạng hùng hậu tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc, làm nên những thành quả vĩ đại của cách mạng. Xuyên suốt quá trình phát triển của cách mạng, quan điểm của Đảng về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng được quán triệt và vận dụng sáng tạo qua mỗi thời kì. Nhờ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng hợp quy luật, hợp lòng dân tạo thành sức mạnh đại đoàn kết, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến cứu nước cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Một trong những bài học chủ yếu thời kì đổi mới đất nước là: Đổi mới phải dựa vào dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn và luôn luôn sáng tạo...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược to lớn và lâu dài, nhưng đồng thời còn có tính thời sự nóng hổi, cấp thiết. Công tác dân vận là công việc thường xuyên của mọi cán bộ, đảng viên, của toàn hệ thống chính trị.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác dân vận có vị trí rất to lớn và quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước nhà; thực hiện công tác dân vận là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đồng thời, công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản, quan trọng, gắn liền với sự trưởng thành về sự lãnh đạo nhân dân làm cách mạng của Đảng. Coi trọng công tác dân vận là điều đã được thể hiện một cách nhất quán trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Thông qua công tác dân vận, Đảng đã phát huy cao độ sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên động lực to lớn đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng phát triển.
Những thành tựu đã đạt được trong quá trình đổi mới đã khẳng định sự phát triển mới của Đảng ta trong việc khơi dậy và phát huy tiềm năng, sức sáng tạo to lớn của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để làm tốt công tác dân vận, trước hết, nhận thức về công tác này phải được quán triệt sâu sắc trong các cấp ủy đảng, từ đó quan tâm lãnh đạo công tác dân vận trong cả hệ thống chính trị. Quan hệ mật thiết với công tác này là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổ chức đảng được xây dựng trong sạch, vững mạnh, mỗi đảng viên là một tấm gương sáng có sức lan tỏa trong quần chúng, thì công tác dân vận mới thật sự có ý nghĩa sâu sắc.
Công tác dân vận của chính quyền có vai trò đặc biệt quan trọng. Cần kiên quyết xóa bỏ tình trạng quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà, hách dịch, ức hiếp dân của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước. Công tác dân vận phải hướng về cơ sở và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, gắn liền với cải cách hành chính một cách tích cực, tránh làm đại khái, qua loa. Quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của dân ngay từ cơ sở. Có cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền, hiến kế xây dựng quê hương đất nước.
Công tác dân vận thời gian tới phải thật sự góp phần vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tạo ra động lực to lớn cho sự nghiệp phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước thực tiễn yêu cầu của công cuộc đổi mới, công tác dân vận của Đảng đã có những đổi mới cơ bản, toàn diện, cả về nhận thức cũng như phương thức tiến hành, đáp ứng với đòi hỏi của tình hình mới. Những chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, về tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài... lần lượt được xác định và ngày càng được hoàn thiện. Nhờ đó, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã có nhiều tiến bộ, có chất lượng và hiệu quả trong đời sống xã hội, bước đầu có chuyển biến tích cực rõ nét trên nhiều mặt công tác.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn trong công tác dân vận, đó là: Nhận thức về công tác dân vận và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận vẫn chưa thực sự được quan tâm ở một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên; công tác triển khai, tổ chức thực hiện công tác dân vận ở một số địa phương còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, thiếu sâu sát; vai trò, trách nhiệm tham mưu, đề xuất hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của một số Ban dân vận cấp ủy còn hạn chế. Sự phối hợp, kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên...
Trong bối cảnh hiện nay, trước mắt, công tác dân vận của Đảng cần bám sát diễn biến tình hình, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tăng cường công tác dân vận của chính quyền, lực lượng vũ trang, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới do Đại hội XI của Đảng đề ra.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác đấu tranh làm thất bại âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định địa bàn, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, thường xuyên bám sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề phát sinh trong đời sống của nhân dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, cần có sự quan tâm đặc biệt, tiến hành công tác tuyên truyền, dân vận một cách phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể. Phải làm cho đồng bào hiểu và nhận rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch; không nghe, không tin các phần tử xấu xúi giục, kích động, không di dịch cư tự do, không tham gia truyền đạo và sinh hoạt đạo trái pháp luật, không tham gia tụ tập đông người trái phép... gây mất ổn định chính trị trên địa bàn.
Thứ tư, chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là cơ sở vùng sâu, vùng khu vực biên giới, cơ sở có đồng bào theo đạo trái pháp luật; trọng tâm là bồi dưỡng phát triển đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, lực lượng cốt cán là người các dân tộc tại chỗ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc, vai trò người có uy tín trong các dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng lòng tin của đồng bào đối với Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang.
Thứ năm, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về công tác dân vận; tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật, chương trình, dự án của Nhà nước, chủ trương của địa phương liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, xây dựng lực lượng cốt cán, tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo.
Phối hợp tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo, ban hành các văn bản, chương trình nhằm cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác vận động quần chúng, đồng thời, phối hợp các lực lượng làm công tác dân vận để thực hiện có hiệu quả.
Coi trọng công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động, chống đối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt phương châm: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc và khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo và các phong trào thi đua yêu nước.
Tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và quán triệt tư tưởng của Người về công tác dân vận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả về công tác này, thực sự làm cho dân tin, dân yêu, tạo nên sự gắn bó mật thiết, bền chặt giữa Đảng với nhân dân./.
Phạm Thắng
Học viện Quốc phòng Việt Nam