Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 13/5/2012 7:16'(GMT+7)

Tuyên truyền phát triển KT-XH gắn với bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới

Để quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề, một trong những vấn đề quan trọng là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, nâng cao sức mạnh, khả năng, hiệu quả đấu tranh quốc phòng. Trong đó, kết hợp phát triển KT-XH với xây dựng thế trận QP-AN, tạo ra thế và lực đủ mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích của quốc gia trên biển đảo là nội dung có ý nghĩa quan trọng.

Tuyên truyền bảo vệ biển, đảo là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Qua công tác tuyên truyền phải tạo nên và giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH đất nước theo định hướng XHCN; tuyên truyền phải vì mục đích bảo đảm chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị - xã hội, lợi ích dân tộc... Đồng thời phải góp phần bảo đảm cho nền kinh tế đất nước phát triển ổn định, nhanh và bền vững; có khả năng sẵn sàng cao nhất về kinh tế...

Tuyên truyền phát triển KT-XH với xây dựng thế trận QP-AN được thể hiện thông qua việc điều chỉnh, bố trí, sắp xếp, quy hoạch một số ngành, lĩnh vực hoạt động chủ yếu như: công nghiệp dầu khí; công nghiệp đóng tàu, chế tạo máy; ngành vận tải biển; ngành khai thác và chế biến hải sản (cả vùng biển gần bờ, xa bờ, các tuyến đảo phía trước); trong xây dựng cơ sở hạ tầng biển, ven biển gồm cả hệ thống các cảng biển, hệ thống sân bay, hệ thống giao thông ven biển và trên các đảo....

Để tuyên truyền sâu rộng, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Một là, quán triệt sâu sắc những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về việc gắn phát triển kinh tế biển, đảo với bảo đảm QP-AN, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Việc nhận thức đầy đủ về cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện kết hợp phát triển KT-XH với xây dựng thế trận QP-AN là đòi hỏi khách quan và cấp thiết đối với các ngành, các cấp, các lĩnh vực hoạt động KT-XH và QP-AN ở nước ta hiện nay. Sự phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN đã trải qua quá trình nhận thức lâu dài. Nếu như trước đây, nét đặc trưng cơ bản của sự kết hợp nhằm đem lại tính “lưỡng dụng” phục vụ cho việc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì quá trình nhận thức phát triển về mối quan hệ kết hợp ngày nay không chỉ dừng lại ở hai lĩnh vực nêu trên mà còn được đan xen, mở rộng: kinh tế gắn với xã hội và quốc phòng gắn với an ninh.

Vì vậy, trong thời kỳ mới, cần quán triệt sâu sắc những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, nhận thức rõ sự gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực kinh tế - xã hội với QP-AN trở thành một thể thống nhất trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, các lĩnh vực chủ động tự kết hợp, bổ sung và tạo điều kiện cho nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia để đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, bảo đảm cho các mục tiêu của chiến lược phát triển KT-XH được thực hiện thắng lợi, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị - xã hội, lợi ích dân tộc luôn ở trong trạng thái tự bảo vệ và được bảo vệ.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển KT-XH.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của Đảng đối với vùng biển, ven biển và hải đảo được xác định: Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế, tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thủy sản chất lượng cao… Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo.

Với lợi thế về bờ biển dài, vùng biển rộng, khu vực biển đảo của ta có tiềm năng kinh tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta phát triển nhiều ngành kinh tế quan trọng như: khai thác dầu khí, khoáng sản, thuỷ sản, sinh vật biển, du lịch, vận tải vv... Biển, đảo của chúng ta không những là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng, là nơi án ngữ các trục giao thông huyết mạch trên biển, cùng với nguồn lợi về tài nguyên, kinh tế biển. Biển, đảo còn là môi trường tác chiến quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, từng ngành, địa phương, phải biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành mình; đồng thời, tích cực tham gia phát triển kinh tế biển cho phù hợp.

Ba là, tiếp tục xây dựng lực lượng, tổ chức điều chỉnh, bố trí và triển khai thế trận QP-AN, kết hợp phát triển KT-XH trên vùng biển, đảo một cách hợp lý.

Kết hợp phát triển kinh tế xã hội với xây dựng thế trận QP-AN đối với vùng biển, đảo của ta trong những năm tới cần tập trung trước hết vào xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tổ chức, điều chỉnh, bố trí tiềm lực QP-AN một cách cơ bản, toàn diện, lâu dài trong vùng biển đảo của nước ta; phải có quy hoạch, kế hoạch từng bước xây dựng căn cứ hậu phương, trụ bám, phát triển kinh tế và bảo vệ vùng biển đảo của ta một cách vững chắc, lâu dài.

Phải có chính sách mở rộng, liên kết làm ăn kinh tế ở vùng biển thuộc quyền chủ quyền của ta với những nước phát triển, nhằm tạo ra những đối tác đan xen lợi ích; thông qua đó khẳng định chủ quyền của ta, vừa hạn chế âm mưu lấn chiếm biển đảo của các thế lực thù địch đối với nước ta, tạo thế và lực để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, đảo.

Chú trọng chương trình phát triển đánh bắt xa bờ, tổ chức thành các tập đoàn lực lượng luân phiên có mặt trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của ta, thông qua phát triển lực lượng đánh bắt cá xa bờ mà tổ chức các hải đoàn tự vệ để phối hợp với lực lượng hải quân và cảnh sát biển kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời những hoạt động vi phạm chủ quyền biển đảo của ta.

Bốn là, có kế hoạch, quy hoạch, đầu tư và phát triển KT-XH kết hợp với xây dựng thế trận QP-AN với lộ trình thích hợp.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò tầm quan trọng về chiến lược của biển, Đảng và nhà nước ta đã sớm quan tâm đến các vùng biển đảo và khẳng định phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển là một mục tiêu chiến lược xuất phát từ các yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, chúng ta đã chủ động phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với xây dựng phát triển thế trận QP-AN trên biển. Tuy nhiên, tốc độ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.

Từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm cho bộ đội và nhân dân trên đảo. Các lực lượng chuyên trách được xây dựng để từng bước thực hiện quản lý nhà nước trên các vùng biển thông qua việc xây dựng các lực lượng và phương tiện để chỉ huy điều hành cứu hộ, cứu nạn trên biển như: hệ thống quan sát, trinh sát, cảnh giới từ xa, thông tin liên lạc hàng hải; thành lập đội tàu tuần tra biên phòng, kiểm ngư, hải quan; tổ chức xây dựng và trang bị cho lực lượng cảnh sát biển; xây dựng hệ thống đèn biển, đầu tư hỗ trợ phát triển nghề đánh cá xa bờ.

Đầu tư xây dựng các công trình cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo và một số điểm ven bờ, đóng mới nhiều tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tăng cường hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trên biển đảo. Tiến hành có hiệu quả các hoạt động đấu tranh ngoại giao; nghiên cứu, khảo sát và điều tra, từng bước hoàn chỉnh bộ hồ sơ cơ bản về quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển đảo của nước ta./.

Phạm Tuấn Quang
Trường Đại học Chính trị - Bắc Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất