Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 4/3/2012 22:5'(GMT+7)

Đạt nhiều thành tựu to lớn về quyền con người, Việt Nam mong muốn đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của quốc tế trong lĩnh vực này

  Trên cơ sở những thành tựu đó và xuất phát từ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, mong muốn đóng góp tích cực vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Việt Nam đã quyết định ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Từ chủ trương không ngừng phát triển quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ nhất. Quyền con người, một khi đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, sẽ trở thành ý chí chung của toàn xã hội, được xã hội tuân thủ và được pháp luật bảo vệ. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, quyền con người tiếp tục được khẳng định và mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992. Hiến pháp Việt Nam năm 1992, văn kiện pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam, đã ghi nhận một cách trang trọng, rõ ràng và toàn diện các quyền con người. Nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, mục của Hiến pháp và không ngừng được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy của Việt Nam. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng ngày càng được hoàn thiện, được quy định cụ thể và đầy đủ hơn về đảm bảo các quyền con người, tạo khuôn khổ vững chắc cho việc xây dựng các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển vì con người.

Thực tế cho thấy quyền con người ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo hiệu quả và đầy đủ, đặc biệt sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Chỉ tính riêng 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao (bình quân 7%); hơn 8 triệu lao động mới được đảm bảo việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống dưới 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%; mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân không ngừng tăng, đặc biệt với trẻ em, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ số phát triển con người không ngừng tăng. Nhờ đó, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và có triển vọng đạt được các mục tiêu còn lại.

Góp phần vào những thành tựu trên là sự tham gia tích cực và tiếng nói ngày càng được đề cao của người dân. Các quyền làm chủ của nhân dân được đảm bảo ngày một tốt hơn, thông qua việc thực hiện hiệu quả hơn các quyền dân chủ trực tiếp (quyền bầu cử, ứng cử) và gián tiếp (thông qua các cơ quan dân cử như quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp), quyền tham gia ý kiến, theo dõi, giám sát và sự vận hành tốt hơn của cơ chế khiếu nại, tố cáo. Phát huy quyền làm chủ của người dân ở cấp địa phương, Nhà nước đã ban hành Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng, hoạch định và giảm sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước, được người dân đồng tình và hưởng ứng. 100% xã, phường, thị trấn thành lập Ban Thanh tra Nhân dân. Vai trò và tiếng nói của các tổ chức đoàn thể nhân dân như Hội Chữ thập Đỏ, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người Cao tuổi,... trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội ngày càng được coi trọng.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Cả nước hiện có hơn 700 cơ quan báo in, khoảng 70 đài phát thành và truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và truyền hình kỹ thuật số mặt đất, hơn 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử,... Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Người dân Việt Nam ngày càng tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, nhất là Internet (tỷ lệ người truy cập cao hơn mức trung bình của châu Á), được các tổ chức chuyên môn của LHQ đánh giá là một trong những nước dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Ở Việt Nam, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú và sôi động, với sự phát triển của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, đi cùng với sự phát triển của các tôn giáo, tín ngưỡng nội sinh. Các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là các ngày lễ lớn hàng năm của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với sự tham gia của hàng trăm nghìn tín đồ, trong đó phải kể đến Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Các cơ sở thờ tự liên tục được cải tạo hoặc xây mới; nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng, với nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chủ động tham gia nhiều hoạt động xã hội, đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước. Đại diện các tôn giáo tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, giao lưu học hỏi tại các diễn đàn lớn như ASEM, ASEAN,...

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và tiếp tục chủ động, tích cực tham gia tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực, đa phương và song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việt Nam là thành viên của 8 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Việt Nam cũng là thành viên 17 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế.

Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam đã và đang tích cực gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế có liên quan đến quyền con người tại các cơ quan, diễn đàn của LHQ. Việt Nam đã là thành viên đóng góp tích cực tại Ủy ban Nhân quyền (2001-2003), Ủy ban Phát triển Xã hội (2002-2004), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (2000-2002) và Hội đồng Bảo an LHQ (2008-2009). Tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đặc biệt đánh giá cao Cơ chế kiểm điểm định kỳ, coi đây là hoạt động góp phần chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, qua đó đảm bảo ngày một tốt hơn các quyền con người.

Ở cấp độ liên khu vực, Việt Nam cùng các nước tích cực hưởng ứng các hoạt động của ASEM nhằm thúc đẩy các quyền con người thông qua hội thảo, hội nghị về quyền con người và đối thoại giữa các tín ngưỡng.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tích cực và chủ động đóng góp thiết thực vì mục tiêu tăng cường đoàn kết và phát triển vững mạnh của ASEAN, trong đó có hợp tác về quyền con người. Việt Nam đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Hiến chương ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN và AICHR, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và đóng góp thúc đẩy xây dựng Kế hoạch hành động 5 năm của AICHR, hoàn thiện phương pháp, hình thức hoạt động, triển khai hợp tác quốc tế với các đối tác ngoài ASEAN, trong đó có LHQ.

Về song phương, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hợp tác và đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ nâng cao năng lực để thực hiện tốt hơn việc đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam và các nước liên quan. Chính phủ Việt Nam cho rằng việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị văn hóa truyền thống,... nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Vì vậy, Việt Nam ủng hộ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Trên tinh thần đó, Việt Nam tiến hành đối thoại hàng năm về quyền con người với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Na Uy, Ôxtrâylia và Thụy Sĩ.

Chính phủ Việt Nam quan niệm rằng trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản được tôn trọng và bảo vệ. Quan điểm này của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản và xu thế phát triển theo hướng tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực quyền con người nói riêng. Trong nhiều năm qua, ổn định xã hội luôn là nguồn gốc, là cơ sở của mọi thắng lợi của Việt Nam. Đó là thành tựu đặc biệt, không thể đem ra cân đong đo đếm, nhưng hiển hiện ở mọi lĩnh vực của đất nước.

Trong bài phát biểu tại phiên họp cấp cao Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Giơnevơ (Geneva) ngày 29/2 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh đã khẳng định Việt Nam coi trọng vai trò và những đóng góp của Hội đồng Nhân quyền LHQ vào việc thúc đẩy thực hiện các quyền con người trên thế giới thời gian qua. Với tư cách là ứng cử viên của ASEAN vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và là thành viên của tất cả các công ước chính về nhân quyền, Việt Nam sẽ hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế để xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn cho mọi người.

Dựa trên những kinh nghiệm đã có, cùng với cam kết và quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam tin tưởng vững chắc vào khả năng của mình trong việc đảm đương vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, tích cực đóng góp vào công việc chung của Hội đồng để nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất